‘Kiềng ba chân’ cho ngành giáo dục

on .

Các quốc gia có nền giáo dục phát triển hầu hết đều theo mô hình “kiềng ba chân” để sinh viên ra trường có thể đứng vững và xin được việc.

Rất nhiều cử nhân tốt nghiệp “cửa trước” thì thất nghiệp “cửa sau” vì thiếu chuyên môn, kỹ năng lẫn tư duy. Ảnh: PIXGOOD.COM

LTS: Theo số liệu điều tra về lao động - việc làm của Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý III-2014, cả nước có 174.000 lao động có trình độ đại học thất nghiệp, chiếm 16,8% tổng số người thất nghiệp. Các diễn đàn tranh luận giáo dục “học để đi làm” chưa bao giờ nguội lạnh trong những năm gần đây. Việc tham khảo các mô hình đào tạo từ một số nước - “hữu ích và thực tế” để học viên học ra đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của xã hội - là rất cần thiết để giáo dục Việt Nam có thể tái thiết.

 

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách McKinsey (Mỹ), hiện trên toàn thế giới đang có khoảng 75 triệu người trẻ tốt nghiệp và không có việc làm, tương đương 12,6% tổng “dân số trẻ” của thế giới. McKinsey chỉ ra thực tế rằng chỉ có 45% số sinh viên (SV) hài lòng với lựa chọn đại học (ĐH) của mình sau khi bước chân vào thị trường lao động.

Cử nhân thất nghiệp: Vì sao nên nỗi?

McKinsey còn cho hay chỉ có 42% các nhà tuyển dụng đồng ý rằng các SV đã được cung cấp đủ kiến thức phù hợp để chuẩn bị cho các công việc mà họ đặt ra. Cũng theo nghiên cứu của McKinsey, gần một nửa số SV có việc làm sau khi tốt nghiệp đang phải đảm trách những công việc không hề liên quan đến ngành học của mình. Tức tồn tại một hạn chế - không mới nhưng khó đổi - là chương trình đào tạo không thực tế.

Chẳng hạn như trường hợp Ấn Độ, theo một nghiên cứu của công ty nhân lực Aspiring Mind, đăng tải trên tờ The New India Express ngày 31-12-2013, hơn một nửa số SV tốt nghiệp từ các trường ĐH và cao đẳng (CĐ) của nước này không thể tuyển dụng được vào bất kỳ ngành nghề nào.

Còn theo Hiệp hội Các công ty phần mềm và dịch vụ Quốc gia của Ấn Độ, số SV tốt nghiệp từ các CĐ đào tạo kỹ sư công nghệ đủ phẩm chất để được tuyển dụng là chưa đến 30%. Các nghiên cứu cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các SV thiếu khả năng tiếng Anh, kỹ năng tin học yếu và kiến thức còn nặng tính lý thuyết, sách vở, thiếu tính thực tiễn, ứng dụng.

Đảm bảo “ba trụ cột”

Để một SV tốt nghiệp có việc làm trong một thời gian tối thiểu thì “ứng viên” phải đáp ứng tối thiểu ba chỉ tiêu quan trọng bao gồm: Kỹ năng (ngoại ngữ, kỹ năng mềm), chuyên môn và tư duy (phản biện, xử lý tình huống). Để đầu ra có những SV đạt chuẩn, nền giáo dục cần đảm bảo được ba trụ cột. Bao gồm: Nhà nước (quản lý), nhà trường (đào tạo) và nhà tuyển dụng (phản biện chính sách).

Ở góc độ nhà nước - cơ quan quản lý giáo dục, trung tâm, McKinsey có đưa ra ba bước đi mang tính lý thuyết để xây dựng một mô hình giáo dục thực sự mang lại việc làm cho người học: (1) Cung cấp thông tin để chọn lựa ngành học phù hợp, minh bạch hóa thông tin để quản lý hiệu quả, (2) Thiết lập hợp tác với nhà tuyển dụng cùng lĩnh vực để chia sẻ chi phí đào tạo và định hướng nghề nghiệp, (3) Xây dựng một hệ thống hội nhập đi từ giáo dục đến tuyển dụng, giúp định hướng, phân loại và quản lý hoạt động giáo dục.

Trong khi đó, nhà trường được nhà nước đảm bảo quyền tự chủ trong việc tuyển chọn học viên. Có thể so sánh giáo dục tại Mỹ, châu Âu hay gần hơn là Nhật Bản, Singapore là một “thị trường hàng hóa”. Ở đó nhà trường - nhà cung ứng lớp học - đưa ra các tiêu chuẩn về tuyển chọn ứng viên, hình thức tuyển chọn, thời gian tuyển chọn… để chọn ra người phù hợp nhất với ngành học. Để đảm bảo các trường ĐH không chơi chiêu “treo đầu dê, bán thịt chó”, ngành chức năng giáo dục kết hợp các tổ chức nghề nghiệp xã hội sẽ kiểm định thường niên cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, khảo sát ý kiến học viên về quá trình học và rèn luyện tại trường. Đồng thời, tiếp thu ý kiến từ nhà tuyển dụng về chất lượng đào tạo của các trường. Trên cơ sở đó sẽ xếp hạng, chỉ định chỉ tiêu đào tạo phù hợp cho từng ngành, từng trường mỗi năm.

Trụ cột còn lại và không kém phần quan trọng chính là đại diện đơn vị tuyển dụng - sử dụng lao động. Trụ cột này tồn tại dưới dạng các hiệp hội nhà nghề (hay hiệp hội nghề nghiệp). Tại Mỹ và châu Âu, hầu như mỗi nghề đều có một hiệp hội (hiệp hội nhà báo, giáo viên, luật sư, kỹ sư điện tự động, dược sĩ, phi công…), huy động đông đảo các đơn vị tuyển dụng và chuyên gia đầu ngành. Có ba nhiệm vụ lớn: i) Tham gia quá trình nghiên cứu nhu cầu của thị trường (số lượng, chất lượng nhân lực theo từng giai đoan cụ thể); từ đó ii) Tư vấn cho học viên theo học cho phù hợp và iii) Phản biện các chính sách giáo dục từ cơ quan quản lý giáo dục và chương trình đào tạo từ trường ĐH nhằm cân chỉnh yếu tố “chuyên môn - kỹ năng - tư duy” cho học viên. Ví dụ tại Pháp, muốn làm nhà báo, khi chuẩn bị tốt nghiệp học viên phải tham gia vào các bài kiểm tra trình độ nghề nghiệp của hiệp hội nhà báo để chứng minh khả năng “dụng võ”, từ đó xin việc làm hiệu quả.

“Học để làm”: Từ hiểu đến thực hành

Tại Đức, mô hình giáo dục hướng nghiệp đã bắt đầu từ năm 1969 với Đạo luật Đào tạo nghề nghiệp (Berufsbildungsgesetz). Đạo luật này quản lý công tác chứng nhận và công nhận cho hơn 350 ngành nghề lao động. Đồng thời, đạo luật trên cũng kiểm soát các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của những nhà đào tạo, như thời gian đào tạo, nội dung đào tạo, giáo trình, thi cử, tiêu chuẩn… Cũng theo đạo luật này, hệ thống giáo dục của Đức được phân loại kỹ lưỡng để hướng người học đi theo hai con đường: Chuyên sâu học thuật hay đào tạo nghề nghiệp. Các cấp lớp mẫu giáo và tiểu học của nước Đức về cơ bản khá giống với mô hình của Mỹ và phần lớn các hệ thống giáo dục trên thế giới.

Tuy nhiên, sau khi bước sang cấp lớp trung học cơ sở, học sinh (HS) lập tức được phân loại vào các loại trường Hauptschule hoặc Realschule để bắt đầu lộ trình đào tạo nghề nghiệp, hoặc được tuyển vào các trường Gymnasium để được giáo dục cho con đường học ĐH.

Việc phân loại HS này được tiến hành dựa trên đánh giá của giáo viên về năng lực HS, yêu cầu của phụ huynh, các kết quả trong quá trình học và nguyện vọng của HS. Một số trường thậm chí còn quy hoạch cho các HS khoản thời gian hai năm chuyển tiếp đối với các trường hợp HS vẫn chưa chắc chắn về lựa chọn của mình sau khi được phân loại. Không những thế người học cũng có thể dễ dàng thay đổi “con đường học vấn” của mình, chuyển từ đào tạo nghề nghiệp sang giáo dục ĐH bằng cách đăng ký dự các kỳ thi sát hạch ĐH của các trường.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Frances L. Kidwell và Thomas M. West đăng tháng 8-2012, số trường hợp chuyển đổi lộ trình học chiếm chưa đến 5% tổng số HS được phân loại. Nền giáo dục hướng nghiệp của Đức chịu những ảnh hưởng rất lớn từ nhu cầu của các ngành kinh tế quốc gia. Theo Frances L. Kidwell và Thomas M. West, chính các nhà tuyển dụng sẽ tham gia xây dựng giáo trình về mặt chuyên môn cho người học. Bên cạnh đó, các nhà giáo dục cũng đóng góp xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp thêm các kiến thức kỹ năng mềm cần thiết.

Không thể vững vì “kiềng hai chân”

Trong khi các nước phát triển đều đi theo mô hình “kiềng ba chân” với nhà nước - nhà trường - nhà tuyển dụng tương tác hữu cơ và phản biện nhằm đảm bảo chính sách giáo dục hợp lý thì nhiều quốc gia kém và đang phát triển dường như vắng bóng hẳn vai trò nhà tuyển dụng - tức “hiệp hội nghề nghiệp”. Việc chỉ tồn tại “kiềng hai chân” dẫn đến hệ quả chỉ có người quản lý và người đào tạo chơi với nhau, trong khi nhà tuyển dụng bị đứng “ngoài cuộc”. Thiếu số liệu về nhu cầu tuyển dụng của xã hội; thiếu tiêu chí để đảm bảo chất lượng tối thiểu của mỗi ngành nghề nên người học dường như chỉ “tự bơi”, dẫn đến “ngồi nhầm lớp, học nhầm nghề” hoặc học trúng các trường học “chỉ có thầy, không có thợ”. Đó là chưa kể các chính sách giáo dục, chương trình đào tạo không được phản biện chính đáng nên những cái “hay và tinh túy” chỉ nằm trên giấy.

ĐẠI THẮNG - TRUNG NHÂN

Nguồn: http://www.baomoi.com/Kieng-ba-chan-cho-nganh-giao-duc/59/15833614.epi