'Tôi không thích 1+1= 2'

on .

Không có hào quang sáng chói dành cho nhà lãnh đạo, họ hoàn toàn là những người đứng phía sau lo lắng cho tập thể.

Ông Lê Trí Thông và ông Vũ Minh Trí (thứ ba và tư, từ phải sang) cùng các bạn trẻ - Ảnh: Như Lịch

Đó là chia sẻ của nhà quản trị trẻ - ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Microsoft VN và ông Lê Trí Thông, Phó tổng giám đốc The Boston Consulting Group tại chương trình đối thoại “Chân dung nhà lãnh đạo tương lai”.

 

àm việc gấp đôi, gấp ba
 
Tôi không thích 1+1=2 mà là 1+1=11 chẳng hạn. Tôi học càng nhiều, càng nhận dạng được thiên hướng của mình. Từ đó, dù hơi muộn, tôi đã quyết định chuyển hẳn sang công việc khác
Ông Vũ Minh Trí,
Tổng giám đốc Microsoft VN
Ông Vũ Minh Trí cho rằng muốn thành công nhất thiết phải có đòn bẩy. Theo ông, bên cạnh lòng đam mê, nhiệt thành, một trong những đòn bẩy quan trọng chính là sự tôn trọng của người khác dành cho mình. “Điều này đã thúc đẩy tôi, giúp tôi phải làm việc gấp đôi, gấp ba để thành công và để giữ được sự tôn trọng đó”, ông Trí nhìn nhận.
Ông cũng đặt vấn đề với các bạn trẻ: “Tại sao chúng ta thích làm lãnh đạo? Có phải để tấm danh thiếp của ta ghi là giám đốc, tổng giám đốc được oai hơn?”. Rồi chính ông, người trải qua nhiều vị trí cao cấp tâm tình: “Thực ra, làm lãnh đạo rất cực, phải lo nhiều thứ và dành nhiều thời gian cho người khác. Họ phải luôn luôn suy nghĩ và đóng góp cho cộng đồng, cho những người xung quanh, hơn là chỉ tập trung cho sự phát triển của bản thân. 100% việc họ làm không phải chỉ để cho sự thành công của họ, mà còn vì sự thành công của những người khác”.
Giải đáp thắc mắc: “Để trở thành nhà lãnh đạo trẻ, cần có những yếu tố gì?”, ông Lê Trí Thông khẳng định: “Lãnh đạo phải có tầm nhìn, bản lĩnh và sự kiên định. Đặc biệt, khát vọng chính là tố chất quan trọng nhất, là tế bào gốc giúp người trẻ cố gắng vươn lên, bền bỉ đối mặt với những thách thức trong công việc. Khi có khát vọng mãnh liệt, thời gian sẽ bù đắp những gì họ thiếu. Chính tố chất này đã tạo ra động lực cho tôi và giúp tôi truyền động lực cho đồng đội mình”.
Hiểu về bản thân
Với câu hỏi: “Lãnh đạo là nhờ tài năng bẩm sinh hay do trui rèn?”, ông Trí chia sẻ: “Tôi vốn là kỹ sư Khoa Hóa dầu Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Sau khi ra trường, tôi làm trong phòng thí nghiệm của ngành dầu khí. Tôi thường nghĩ, ở nhà mình chưa rửa chén mà sao vào đây rửa ống nghiệm? Tôi thấy mình không phù hợp với công việc thí nghiệm đó”. Ông Trí nói thêm: “Tôi không thích 1+1=2 mà là 1+1=11 chẳng hạn. Tôi học càng nhiều, càng nhận dạng được thiên hướng của mình. Từ đó, dù hơi muộn, tôi đã quyết định chuyển hẳn sang công việc khác”.
Một trong những câu hỏi thú vị của bạn trẻ dành cho ông Trí là: “Làm sao giữ chân nhân viên, trong khi trên thực tế anh không ở lại công ty nào lâu cả?”. Ông phản hồi: “Lòng trung thành không đồng nghĩa với việc ở lại lâu dài trong công ty. Người lãnh đạo cần hiểu và tạo cho nhân viên một cơ hội tốt nhất để phát triển và một cơ hội tốt nhất để ra đi. Nếu Microsoft không đủ chỗ cho họ thì nên để họ ra đi. Điều quan trọng là phải xây dựng được lòng tin giữa nhân viên và lãnh đạo”.
Cũng xuất thân từ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhưng ông Thông sớm nhận diện sở thích bản thân là làm quản trị. Ông cho biết vào năm 27 tuổi ông được giao giữ trọng trách trong một doanh nghiệp, kèm câu hỏi có phần thách thức của cấp trên: “Có dám nhận không?”. Và câu trả lời dứt khoát của chàng trai trẻ lúc đó là: “Dám!”.
Ông Thông nhắn nhủ: “Bạn phải tự nhìn nhận mình mạnh ở điểm nào? Tố chất và năng lực của bạn là gì? Bạn có thể tìm đọc thêm những quyển sách để khai tâm, để cởi bỏ những nút thắt, trăn trở bên trong, để tìm ra lời giải cho chính cuộc đời bạn”.

Như Lịch

Nguồn: http://www.baomoi.com/Toi-khong-thich-1-1-2/76/15910850.epi