Vietnam ICT Summit: CNTT và Quản trị thông minh

on .

Vietnam ICT Summit: CNTT va Quan tri thong minh

Ngày 25/6, Diễn đàn cấp cao CNTT – TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ năm đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “CNTT và Quản trị thông minh”. Đây là chương trình thường niên do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức nhằm tạo một diễn đàn thảo luận, chia sẻ nhận thức, tầm nhìn, xu thế, các định hướng và giải pháp để phát triển và phát huy vai trò của CNTT phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH đất nước.

Tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc Vietnam ICT Summit 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định nỗ lực của ngành CNTT ở Việt Nam: Tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 16% (2014), thuộc vào top 5 nước tăng trưởng CNTT nhanh nhất thế giới, đứng đầu thế giới trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm thuê ngoài.

Tuy nhiên cũng trong năm 2014, trong công bố xếp hạng Chính phủ điện tử của LHQ, thứ hạng của Việt Nam đã tụt 19 bậc, xếp thứ 99 trên thế giới. Cuối năm 2013, Việt Nam có trên 104 ngàn dịch vụ công trực tuyến, trong đó dịch vụ mức độ 1 [bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó] và mức độ 2 [cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu] chiếm số lượng rất lớn là gần 102 nghìn dịch vụ, còn dịch vụ mức độ 3 [cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng] và mức độ 4 [cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến và việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến] chiếm số lượng rất ít - mức độ 3 là 2.366 dịch vụ, mức độ 4 là 111 dịch vụ.

Theo Phó Thủ tướng, cơ quan Nhà nước cần thay đổi tư duy mạnh mẽ với tiêu chí là phải minh bạch, cụ thể và có lộ trình bắt buộc đối với với việc cung cấp các chính sách, dịch vụ công, nhất là dịch vụ công ở cấp độ 3, cấp độ 4. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số giải pháp để tạo đột phá đó là thúc đẩy thuê dịch vụ CNTT, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế đối với lĩnh vực CNTT để thu hút đầu tư và nhân tài phát triển CNTT; cần tạo được một “hệ sinh thái” để cộng đồng CNTT từ cá nhân, một nhóm người, một tập đoàn lớn như FPT, Viettel, CMC, hay các DN nước ngoài như Micosoft, Oracle… có thể tham gia.

Phát biểu trong phiên khai mạc, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng chỉ ra nhiều bất cập trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam như: Hệ thống thông tin và quản lý dữ liệu của các ngành chưa đồng bộ, liên thông; kinh phí đầu tư cho ứng dụng, phát triển CNTT còn khiêm tốn; chất lượng và số lượng nhân lực trong lĩnh vực CNTT chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; khả năng ứng dụng CNTT vào quản trị cơ quan, doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNTT chưa có tính đột phá. Bộ trưởng đã nêu ra bảy nhiệm vụ giải pháp mà bộ sẽ tập trung triển khai quyết liệt để khắc phục những những tồn tại, bất cập đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của CNTT, bao gồm: Phát huy sự chỉ đạo của UBQG về ứng dụng CNTT; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tổ chức trong việc ứng dụng CNTT; tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách; hỗ trợ việc đầu tư, nghiên cứu - phát triển, sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ CNTT trọng điểm; xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại; Thúc đẩy thuê dịch vụ CNTT và phát triển nguồn nhân lực CNTT. 

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao CNTT – TT Việt Nam 2015, bốn tọa đàm chuyên đề CNTT nâng cao năng lực ngành y tế; Phát triển nguồn nhân lực CNTT; CNTT nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công; CNTT- phát triển giao thông thông minh, xây dựng đô thị đáng sống với sự tham gia của nhiều chuyên gia cũng đã cung cấp được bức tranh tương đối tổng quát về năng lực và triển vọng, thách thức đối với ngành CNTT.

Ở tọa đàm CNTT nâng cao năng lực ngành y tế, có bốn kết luận được đưa ra: 1. Ứng dụng CNTT sẽ giảm chi phí bệnh viện; 2. Ứng dụng thông tin Y tế MIS và bệnh án điện tử đã thành công ở nhiều đơn vị ở Việt Nam; 3. Viettel, FPT đã triển khai hệ thống kết nối với Bảo hiểm quản lý bệnh viện công; 4. Phải có chuẩn để kết nối những ngành kinh tế từ bệnh viện đến bệnh nhân, bảo hiểm, hải quan, thuốc, nhà quản lý; 5. Mạng xã hội kết nối bệnh nhân - bệnh viện để tìm giải pháp chữa bệnh tốt nhất.

Tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực CNTT thì đưa ra sáu giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực CNTT tháo gỡ nút thắt thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT gồm: 1. Đề nghị Nhà nước tăng số chỉ tiêu đào tạo về CNTT lên ít nhất 3% để đáp ứng các nhu cầu của thực tiễn; 2. Quy hoạch đào tạo phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn DN và tổ chức đào tạo chủ động hợp tác với nhau để định hướng nghề nghiệp và bổ sung các kỹ năng CNTTcho sinh viên; 3. Đưa CNTT vào GD Đại học, các cấp để tăng thêm nguồn nhân lực, thực tế cho thấy 40% số người hoạt động trong lĩnh vực CNTT là theo học các ngành kỹ thuật tự nhiên khác; 4. Đẩy mạnh khóa học đại trà trực tuyến MOOC và học từ xa, miễn phí ngành CNTT; 5. Cần có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính cho các sinh viên theo học ngành CNTT nhằm thu hút thêm nhiều nhân lực cho ngành; 6. Quan tâm vấn đề văn hóa trong vấn đề đào tạo sinh viên ngành CNTT.

Tọa đàm CNTT nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công đưa ra ba thông điệp: 1. Chính phủ điện tử có những tiến bộ nhưng còn thấp xa so với năng lực mà CNTT có thể mang lại. Nếu không đẩy nhanh tốc độ triển khai cải cách hành chính, không tạo môi trường thuận lợi cho người dân và DN một cách an toàn, không đẩy mạnh đề án Chính phủ điện tử, tăng các dịch vụ công cho xã hội thì đất nước ta sẽ chịu thua thiệt; 2. Thông điệp thứ hai là người đứng đầu ở các cơ quan, các DN ở Trung ương, địa phương có tiếng nói quyết định trong vấn đề triển khai Chính phủ điện tử, cũng như cung cấp các dịch vụ công cho xã hội; 3. Hệ thống luật pháp, chính sách phải có sự thay đổi, nhanh chóng nâng cấp công năng ứng dụng CNTT xây dựng chính phủ điện tử, thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh với DN và Quốc gia, tạo thuận lợi, văn minh cho người dân trong giao dịch và tiếp cận dịch vụ công. 

Tọa đàm CNTT- phát triển giao thông thông minh, xây dựng đô thị đáng sống đặt ra ba vấn đề: 1. Về vấn đề Giao thông thông minh (GTTM) là xu hướng tất yếu mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt những nước có mật độ dân cư rất là cao như nước ta, nếu chúng ta không ứng dụng GTTM, không ứng dụng các chuẩn mực về đô thi thông minh (ĐTTM) sớm thì chúng ta sẽ gặp vấn đề rất là lớn trong vấn đề này và sẽ hạn chế sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội nói chung; 2. Phải nhìn nhận đúng về đầu tư cho GTTM, đầu tư cho ĐTTM, đầu tư cho hệ thống thông minh này nhiều khi lại mang lại hiệu quả lớn hơn cho đầu tư trên cơ sở hạ tầng đơn vị và nên có sự cân nhắc, xem xét; 3. Để tránh lãng phí đầu tư cho GTTM, đầu tư cho ĐTTM, đề xuất cấp thiết và quan trọng là chúng ta phải chuẩn hóa các hệ thống để tránh tình trạng từng cấu thành trong thành phố đều thông minh nhưng lại không kết nối được với nhau. 

Tại diễn đàn cấp cao CNTT – TT Việt Nam 2015 lần này, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, đại diện của IBM và Fujitsu - cũng chia sẻ những khả năng và giải pháp công nghệ cho việc quản trị đối với thiên tai, nguồn lực, nông nghiệp, giao thông, y tế… và giải pháp tổng thể xây dựng đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư.

Chủ đề của Vietnam ICT Summit qua các năm:

Năm 2011: “CNTT và tương lai phát triển đất nước”; 
Năm 2012: “CNTT – hạ tầng của hạ tầng”; 
Năm 2013: “CNTT – nền tảng của phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia”; 
Năm 2014: “CNTT – phương thức phát triển mới kinh tế, xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp”;

Nguồn: http://www.baomoi.com/Vietnam-ICT-Summit-CNTT-va-Quan-tri-thong-minh/76/16925092.epi