Toán học dưới một góc nhìn khác

on .

Vào ngày 10/10 vừa qua, Viện Toán học phối hợp với Tạp chí Tia Sáng, Công ty Sách Long Minh, Công ty sách Sputnik, Trung tâm giáo dục PoMath tổ chức chương trình “Một ngày với Toán học”. Trong đó, dù là học sinh tiểu học hay các nhà Toán học chuyên nghiệp cũng đều tìm thấy cho mình những góc nhìn mới mẻ về Toán học.

Tại hội trường của Viện Toán học, diễn ra những bài giảng của GS. Nguyễn Tiến Dũng (hiện đang giảng dạy tại Đại học Toulose, Pháp), GS. Hoàng Xuân Phú, GS. Hà Huy Khoái, GS. Ngô Trung Việt.

Bốn bài giảng, mỗi bài giảng kéo dài khoảng 45 phút, theo như GS. Hoàng Xuân Phú, là các đáp án cho “bài toán 'sắp nổi tiếng' Phùng Hồ Hải”: Hãy giảng một bài toán đại chúng cho đối tượng yêu Toán từ 6 đến 66 tuổi.

Những bài giảng của GS. Nguyễn Tiến Dũng, GS. Hoàng Xuân Phú và GS. Hà Huy Khoái cho khán giả thấy rằng, cần nhìn những định lý Toán học với một tư tưởng và tâm hồn rộng mở. Với GS. Nguyễn Tiến Dũng, những ý tưởng Toán học, nếu nhìn rộng ra cũng là những ý tưởng của cuộc sống. Chẳng hạn như cấu trúc xuyến trong các hệ động lực của Toán học và Vật lý cho phép giải thích sự lặp lại của các sự kiện trong lịch sử loài người.

GS. Hoàng Xuân Phú, với bài giảng về đường truyền của ánh sáng, như một cầu nối giữa Toán học và Vật lý (Những hiện tượng của Vật lý cần chứng minh bằng các định lý của Toán học) cho thấy Toán học hiện hữu ở tất cả các ngành khoa học. Ông dẫn ra câu nói của nhà sinh vật học Joel E.Cohen: “Toán học là kính hiển vi của sinh học, chỉ có tốt hơn. Sinh học là vật lý tiếp theo của Toán học, chỉ có tốt hơn”.

GS. Hà Huy Khoái cho rằng, sự ảnh hưởng của một bài toán trong cuộc sống nhiều khi không đến từ độ phức tạp của nó mà đến từ tư tưởng của người áp dụng. GS. Hà Huy Khoái đưa ra một bài toán đơn giản từng đăng trên tạp chí Mathematic Monthly (thường được sử dụng như tài liệu “luyện thi” cho đội tuyển IMO Việt Nam) mà sau này lời giải của nó đã trở thành một lý thuyết kinh tế được trao giải Nobel vào năm 2012. Đó là bài toán “gả chồng dựng vợ”: bốn chàng trai Adam, Charlie, Don, Bob cầu hôn ba cô gái: Mary, Jane, Kate. Dựa trên thứ tự ưu tiên ghép cặp của từng người, hãy đưa ra các cặp đôi “hoàn hảo”. Bài toán này sau đó được Alvin Roth và Loyd Shapley áp dụng vào lý thuyết kinh tế cho phép điều khiển những thị trường mà quy luật giá cả không áp dụng được (chẳng tuyển dụng và buôn bán nội tạng). Dựa trên thuật toán này, GS. Hà Huy Khoái cùng với sinh viên CNTT tại Đại học Thăng Long đã triển khai một chương trình phần mềm để áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng năm 2015. Giải pháp này được đã được trình lên Bộ GD&ĐT vào năm 2014 và mặc dù đã được chạy thử trên 1 triệu hồ sơ và ra kết quả chính xác, tiết kiệm nguồn lực xã hội nhưng lại chưa được áp dụng. Gần đây, sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học 2015 diễn ra, Nhóm đối thoại GD của GS. Ngô Bảo Châu đưa ra cách “xét tuyển theo kiểu ‘se duyên’” thực ra cũng chính là giải pháp của GS. Hà Huy Khoái.

Bài giảng cuối cùng trong ngày của GS. Ngô Việt Trung về lịch sử Toán học Việt Nam đưa lại cho khán giả những thông tin mới mẻ về nền Toán học nước ngoài. Chẳng hạn như, Vũ Hữu hay Trạng lường Lương Thế Vinh (lần lượt là tác giả của hai tác phẩm Lập thành Toán pháp và Đại Thành Toán pháp) chưa được coi là các nhà toán học mà chỉ là những người có năng lực về Toán! Bên cạnh đó, theo các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Toán học thế giới, những bài toán trong các tác phẩm của họ rất giống trong những “sách Toán” cùng thời của Hàn Quốc và Nhật Bản, vốn chịu ảnh hưởng của nền Toán học Trung Quốc. GS. Ngô Việt Trung cũng cho biết, dưới sự dẫn dắt của GS. Lê Văn Thiêm (TS Toán học đầu tiên của Việt Nam tại Đại học Göttingen, Đức vào năm 1945 – thánh địa của Toán học thế giới vào thế kỷ 20) và GS. Hoàng Tụy, đã “Có một nền Toán học thực sự ở miền Bắc Việt Nam” – như lời của GS. Alexander Grothednieck viết sau khi ông đến thăm Việt Nam vào năm 1967. GS. Ngô Trung Việt cũng cho biết một chi tiết thú vị, đó là vào năm 1964, Việt Nam chỉ có một vài TS. Toán học nhưng điều đó đã hơn hẳn nhiều nước trong khu vực bởi Toán học Hàn Quốc vào thời kỳ đó chỉ có 5-6 người có học vị tương đương Thạc sĩ.

Năm nay, các hoạt động trong chương trình “Một ngày với Toán học” đa dạng hơn năm 2014 (là lần tổ chức đầu tiên) với nhiều trò chơi và các sách toán học được trưng bày ở sảnh bên ngoài hội trường và triển lãm “Dấu vết Toán học trong các tạp chí, sách báo Tiếng Việt từ xưa đến nay”.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Toan-hoc-duoi-mot-goc-nhin-khac/c/17718032.epi