Bí quyết tìm ra sự hấp dẫn của các bài báo khoa học

on .

Cùng ScienceAlert thực hiện một loạt phỏng vấn ngắn cùng các nhà nghiên cứu, những học viên tiến sỹ, nghiên cứu sinh, những người phải đọc rất nhiều các bài báo khoa học để xem họ làm cách nào để có thể đọc các bài báo khoa học một cách hiệu quả nhất.

Bi quyet tim ra su hap dan cua cac bai bao khoa hoc - Anh 1

Báo và tạp chí khoa học luôn khó nuốt

Bạn đọc bài báo khoa học như thế nào?

Jesse ShanahanNghiên cứu sinh tại đại học Wesleyan, Middletown, Connecticut

Tôi thường bắt đầu từ phần tóm tắt, sau đó lướt qua phần giới thiệu và kế đến là mục bảng biểu với hình ảnh. Cố gắng tìm ra những hình ảnh và bảng biểu nổi bật nhất để có thể hiểu được tổng quan về vấn đề cần tìm hiểu. Sau đó sẽ đọc đến phần kết luận để tổng kết vấn đề. Sau tất cả những bước trên thì sẽ quay lại với các chi tiết thiên về chuyên môn xem cần tìm hiểu thêm những mục nào để có thể đưa ra những câu hỏi một cách chính xác nhất.

Ulf LeonhardtGiáo sư vật lý tại Weizmann Institute of Science, Rehovot, Israel

Tôi thì thường đọc rất nhanh vào lần đầu tiên, điểm mấu chốt của việc đọc nhanh đó là có thể dễ dàng và nhanh chóng nhận định được bài báo có hấp dẫn với tôi hay không. Nếu đó là một đề tài hay và lôi cuốn thì tôi sẽ từ từ chậm lại để có thể đi vào chi tiết nhiều hơn.

Nếu bài báo, hay nghiên cứu đó có liên quan đến chuyên môn của tôi và nó tập trung vào lý thuyết đơn thuần thì tôi sẽ viết lại bài báo đó theo cách của tôi. Thi thoảng tôi bị mất rất nhiều thời gian vào việc này, thậm chí đôi lúc còn cảm thấy bất mãn với tác giả vì đã viết không đủ rõ ràng, bỏ những điểm cần thiết hay dùng quá nhiều từ thừa thãi nữa.

Rima WilkesGiáo sư xã hội học tại University of British Columbia, Vancouver

Một điều rất quan trọng khi đọc nghiên cứu khoa học đó là tìm ra đường tắt để có thể đọc những nghiên cứu đó một cách nhanh nhất có thể, để dành nhiều thời gian hơn cho những công việc khác. Tôi thường tập trung vào các kết luận, phương pháp nghiên cứu và các chương hơn là tập trung vào toàn bộ nội dung của nghiên cứu đó.

Bi quyet tim ra su hap dan cua cac bai bao khoa hoc - Anh 2

Sẽ có rất nhiều những từ ngữ khó hiểu, quá chuyên sâu

Bạn sẽ làm gì nếu có những điểm khó hiểu trong bài báo đó?

Marcia K. McNuttBiên tập viên, Science journals

Tôi thường đọc online nên sẽ rất dễ dàng để có thể kiểm tra nghĩa của những từ khó bằng các công cụ hiện có trên internet.

Jesse ShanahanNghiên cứu sinh tại đại học Wesleyan, Middletown, Connecticut

Nếu chỉ có một vài điểm nhỏ thì tôi sẽ ghi chú lại và kiểm tra sau, còn nếu quá nhiều nội dung không thể giải thích nổi thì tôi sẽ xem qua phần nhận xét hoặc chương giới thiệu để chuẩn bị những kiến thức nền cần thiết.

Có rất nhiều từ viết tắt và từ chuyên ngành khó cho nên tôi thường không tập trung vào chi tiết, chỉ trừ khi nó có liên quan đến nghiên cứu của tôi. Nhưng thông thường tôi sẽ cố gắng dành nhiều thời gian hơn để khám phá những phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng trong bài báo đó.

Jeremy C. BornigerTiến sĩ chuyên ngành khoa học thần kinh tại đại học Ohio State, Columbus

Tôi thường dừng lai tại điểm chưa hiểu và cố gắng tìm ra ý nghĩa của nó là gì, sẽ mất nhiều thời gian hơn nếu cố gắng tiếp tục đọc mà không hiểu hết ý tác giả muốn nói. Khi dừng lại và tìm hiểu nội dung mà bạn chưa hiểu hết, nó có thể mất khá nhiều thời gian vì sẽ có nhiều thứ liên kết với nhau mà bạn cần phải biết tất cả chúng để giải thích một chi tiết duy nhất trong bài báo, tuy nhiên đó lại là điểm thú vị bởi vì bạn sẽ học được rất nhiều thứ mới mẻ cùng một lúc.

Bi quyet tim ra su hap dan cua cac bai bao khoa hoc - Anh 3

Quá tải nội dung là chuyện bình thường

Có bao giờ bạn cảm thấy bị choáng ngợp khi nội dung của bài báo quá nhiều? Và bạn vượt qua tình trạng đó như thế nào?

Brian NosekGiáo sư tâm lý tại University of Virginia

Tất cả các bài báo khoa học liên quan đến vấn đề mà tôi đang cần giải quyết có thể chứa đựng yếu tố then chốt mà tôi cần tìm để hoàn thiện nghiên cứu của mình. Do đó sự choáng ngợp của những từ ngữ khó hiểu và miên man của những bài báo khoa học chính là cơ hội để tôi giải quyết vấn đề của chính mình.

Thật sự thì có nhiều bài báo được viết rất cẩu thả và không có hiệu quả, tuy nhiên tôi sẽ tập trung hiểu điểm cốt yếu của nghiên cứu chứ không phải cứ chăm chăm vào ngữ pháp của câu từ.

ShanahanNghiên cứu sinh tại đại học Wesleyan, Middletown, Connecticut

Tôi nhiều lúc thật sự cảm thấy choáng ngợp và đau đầu nếu đọc phải những bài báo không đúng chuyên môn, đặt biệt là khi chúng có quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành cùng nội dung quá dài và khô khan. Trong những trường họp này tôi, sẽ chia chúng ra thành nhiều đoạn và dành nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm.

Kevin BoehnkeNghiên cứu sinh chuyên ngành sức khỏe môi trường tại đại học Michigan, Ann Arbor

Vâng, tôi thường xuyên bị quá tải bởi những bài báo khoa học, đó là lý do tại sao tôi tự xây dựng chiến lược đọc cho riêng mình bằng cách thảo luận với các nhà khoa học khác. Tuy nhiên nhiều lúc tôi phải từ bỏ và không đọc lại những bài báo đó thêm một lần nào nữa.

Jeremy C. BornigerTiến sĩ chuyên ngành khoa học thần kinh tại đại học Ohio State, Columbus

Một nghiên cứu thường được thực hiện trong hàng năm trời với rất nhiều thông tin được cô đọng lại cho nên việc bạn bị quá tải và không thể hiểu hết được trong một buổi là điều quá bình thường.

Bi quyet tim ra su hap dan cua cac bai bao khoa hoc - Anh 4

Có nhiều các để có thể làm quen với những bài báo dạng này

Bạn có bí quyết gì không?

Lina A. Coluccihọc viên tiến sĩ tại Harvard-MIT Chuyên ngành công nghệ sức khỏe

Nếu có một bài báo ở một hội nghị khoa học và tôi muốn hiểu hết được nó, tôi sẽ tìm cách để được trình bày lại bài báo đó trong một câu lạc bộ có liên quan. Trình bày vấn đề và trả lời các câu hỏi là phương pháp tốt nhất để học hỏi từ các tài liệu.

Rima WilkesGiáo sư xã hội học tại University of British Columbia, Vancouver

Lúc ban đầu ai cũng sẽ phải đọc rất chậm vì chúng ta hoàn toàn chưa có bất cứ kiến thức nào về những sách được trích dẫn hay sách tham khảo có liên quan. Do đó cách tốt nhất là xây dựng một thư viện trong não bộ, sau vài năm thì việc đọc các bài báo khoa học sẽ trờ nên dễ dàng hơn rất nhiều và chúng ta có thể nhanh chóng lướt ra được cấu trúc của bài báo đó.

Kevin BoehnkeNghiên cứu sinh chuyên ngành sức khỏe môi trường tại đại học Michigan, Ann Arbor

Cứ bình tĩnh, đừng ngần ngại dùng Wikipedia hay những công cụ khác, cố gắng hỏi thật nhiều, thật nhiều câu hỏi. Nếu không hiểu bất cứ điểm nào trong bài báo, đừng ngại chia sẻ với những người xung quanh, nếu vẫn còn thắc mắc thì cứ mạnh dạn gửi email cho tác giả để làm rõ hơn vấn đề.

Quốc Văn (ScienceAlert)

Nguồn: http://www.baomoi.com/bi-quyet-tim-ra-su-hap-dan-cua-cac-bai-bao-khoa-hoc/c/21333084.epi