Báo động tội phạm thẻ

on .

TT - Hàng loạt vụ sử dụng thông tin tài khoản và thẻ tín dụng để đánh cắp tiền của các chủ thẻ tại nhiều ngân hàng (NH) bị phát hiện gần đây...

Chủ thẻ tín dụng cần cảnh giác trước những thủ đoạn đánh cắp tiền của kẻ xấu - Ảnh: T.T.D.
Chủ thẻ tín dụng cần cảnh giác trước những thủ đoạn đánh cắp tiền của kẻ xấu - Ảnh: T.T.D.

Hàng trăm vụ sử dụng thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản đã được cơ quan công an phát hiện trong thời gian qua.

Hàng loạt vụ sử dụng thông tin tài khoản và thẻ tín dụng để đánh cắp tiền của các chủ thẻ tại nhiều ngân hàng (NH) bị phát hiện gần đây là hồi chuông cảnh báo đối với các NH cũng như chủ thẻ trong việc đối phó với loại tội phạm công nghệ này.

Sử dụng các loại thẻ giả, nhiều đối tượng nước ngoài vào VN và móc nối với các điểm chấp nhận thẻ để xài các tài khoản được đánh cắp, sau đó ăn chia phần trăm. Do thiếu hiểu biết và cả lòng tham, nhiều người đã vô tình tiếp tay cho các tội phạm thẻ.

Ăn vài trăm ngàn, 
“cà” thẻ hơn 1,5 tỉ đồng

Đầu tháng 7-2015, Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Khánh Hòa đã bắt khẩn cấp nghi can Yang Qing (43 tuổi, quốc tịch Mỹ) về hành vi sử dụng thông tin tài khoản, thẻ NH để chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, hóa đơn dùng cơm chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng Yang Qing đã cấu kết với nhà hàng cà 42 lần bằng các thẻ tín dụng giả để thanh toán 1,554 tỉ đồng. Với số tiền này, chủ nhà hàng được hưởng “hoa hồng” hơn 700 triệu đồng.

Tại cơ quan công an, Yang Qing khai nhận được một đối tượng người nước ngoài móc nối và chỉ cho phương thức dùng thẻ thanh toán quốc tế giả để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền của các chủ thẻ.

Cũng trong tháng 7 vừa qua, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Hà Nội đã bắt giữ Zeng Xiao Tian (quốc tịch Trung Quốc, trú tại Hà Nội) và Đinh Văn Chính (Phú Xuyên, Hà Nội) - giám đốc Công ty TNHH Ninh Cát - cũng về hành vi sử dụng thông tin tài khoản và thẻ NH để chiếm đoạt tài sản. Hai nghi phạm này cùng một số cá nhân khác đã thành lập bốn công ty để rút tiền bằng các thẻ tín dụng, chiếm đoạt hàng tỉ đồng của các chủ thẻ từ nhiều NH của VN.

Cụ thể, các nghi phạm đã sử dụng pháp nhân của bốn công ty giao dịch 333 lần tại NH Đại Dương (OceanBank) với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Toàn bộ số thẻ giao dịch này do nước ngoài phát hành.

Trước đó, vào tháng 6-2015, PC50 Hà Nội đã bắt giữ sáu người Trung Quốc, thuộc hai nhóm khác nhau, nhập cảnh vào VN với mục đích sử dụng các thẻ tín dụng giả để rút tiền từ các thiết bị thanh toán thẻ (POS).

Nhóm thứ nhất gồm Sun Wei Hong (40 tuổi) và He Dong Ping (39 tuổi), đến VN vào tháng 5-2015, mang theo một số thẻ NH giả. Thông qua một số người VN, nhóm này đã mượn thiết bị POS rút tiền nhiều lần với số tiền 430 triệu đồng.

Nhóm thứ hai gồm Liu Dong Jin (34 tuổi), Lin Feng Hui (31 tuổi), Le Peng Fei (51 tuổi) và Li Qing Guo (43 tuổi) - giám đốc Công ty TNHH Quốc Dương VN (Hà Đông, Hà Nội) - đã quẹt thẻ thành công 19 lần, thu được hơn 102 triệu đồng.

Đây chỉ là một số vụ mới nhất trong hàng trăm vụ sử dụng thẻ tín dụng để chiếm đoạt tài sản đã được cơ quan công an phát hiện trong thời gian qua. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), từ năm 2010-2015, cơ quan này đã phát hiện, điều tra và chỉ đạo lực lượng địa phương điều tra gần 1.400 vụ việc liên quan đến công nghệ cao. Kết quả đã điều tra làm rõ và chuyển cơ quan điều tra các cấp khởi tố 266 vụ án, 978 bị can.

“Vừa ăn cướp 
vừa la làng”

Các NH cho biết tội phạm thẻ có rất nhiều chiêu thức để đánh cắp tiền trong tài khoản của các chủ thẻ. Báo cáo của Hội Thẻ VN mới đây cho biết có tình trạng một nhóm chủ thẻ mở nhiều tài khoản tại nhiều NH khác nhau, đưa thẻ cho một cá nhân khác để rút tiền tại ATM, sau đó... khiếu nại rằng không thực hiện giao dịch.

Khi cùng nhận được thông tin giống nhau về việc các chủ thẻ này bị mất tiền trong tài khoản, các NH lo ngại ảnh hưởng uy tín của mình nên hoàn trả tiền cho chủ thẻ. Các đối tượng lợi dụng tâm lý này để tiếp tục ăn cắp tiền trong tài khoản của chủ thẻ với thủ đoạn “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Đặc biệt, nhiều cửa hàng nhỏ, doanh số rất thấp nhưng bất ngờ phát sinh doanh số hàng trăm triệu đồng. Do nghi ngờ, NH kiểm tra thì được NH nước ngoài xác nhận là thẻ giả.

“Tội phạm thẻ có nhiều cách để đưa “con mồi” vào tròng. Thông thường, chúng sử dụng chiêu cần cà thẻ nhưng quên mật mã, nếu được cho cà thẻ sẽ chia phần trăm. Nhiều người bị đánh vào lòng tham nên đã vô tình tiếp tay cho tội phạm” - trưởng phòng dịch vụ thẻ một NH nói.

Cũng theo vị này, nhiều trường hợp kẻ gian đề nghị cửa hàng kê giá lên và sẽ chia phần chênh lệch cho chủ cửa hàng. Do thiếu hiểu biết hoặc lòng tham, nhiều cửa hàng đã dính bẫy. Tuy nhiên, vị này khẳng định có nhiều trường hợp điểm chấp nhận thẻ cấu kết với tội phạm để đánh cắp tiền của các chủ thẻ chứ không phải bị lừa hoặc vô tình tiếp tay.

Phó tổng giám đốc phụ trách khối bán lẻ một NH lớn tại TP.HCM cho rằng hiện tượng này một phần có nguyên nhân từ việc chạy đua mở rộng điểm chấp nhận thẻ trong thời gian qua của các NH. Có những điểm chấp nhận thẻ làm ăn chụp giật, mở ra chỉ làm một phi vụ sau đó biến mất.

Theo vị này, có trường hợp kinh doanh văn phòng phẩm nhưng cà thẻ ban đêm liên tục, NH nhận thấy dấu hiệu bất thường nên không thanh toán tiền và rút máy về.

Theo vị này, để ứng phó với hình thức tội phạm thẻ, gần đây các NH thường “treo” các giao dịch lại để xác minh chứ không thanh toán ngay cho những trường hợp có dấu hiệu đáng ngờ. Có NH trước đây giao chỉ tiêu theo số lượng máy POS lắp đặt được nhưng nay đặt chỉ tiêu căn cứ trên doanh số thanh toán nhằm tránh chuyện chạy đua đi lắp máy ở những điểm không an toàn, doanh số nhỏ trong khi rủi ro quá lớn. Nhiều NH cũng quản lý, cấp phép tập trung thay vì phân tán như trước.

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tội phạm đánh cắp thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng để chiếm đoạt tiền của chủ thẻ - Ảnh: T.T.D.
Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tội phạm đánh cắp thông tin tài khoản, thẻ ngân hàng để chiếm đoạt tiền của chủ thẻ - Ảnh: T.T.D.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng“

Sau hàng loạt vụ sử dụng thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền bị phát hiện, mới đây NH Nhà nước đã phát đi văn bản yêu cầu các NH phải tăng cường biện pháp phòng chống tội phạm thẻ. Đặc biệt, khi ký kết hợp đồng với đơn vị chấp nhận thẻ, các NH phải kiểm tra kỹ thông tin và năng lực của đơn vị chấp nhận thẻ, bổ sung các điều kiện ràng buộc, xây dựng hạn mức thanh toán trong ngày phù hợp với mức độ tin cậy và loại hình kinh doanh của từng đơn vị chấp nhận thẻ.

NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH phải tăng cường kiểm tra và giám sát, kịp thời phát hiện các giao dịch đáng ngờ. Khi phát hiện, cần chủ động phối hợp cơ quan công an để xác minh và có biện pháp phòng chống kịp thời.

Với Hội thẻ, NH Nhà nước yêu cầu xây dựng cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin giữa các thành viên đối với những đơn vị chấp nhận thẻ, kể cả trao đổi tên chủ cửa hàng, doanh nghiệp và những người liên quan đã có hành vi vi phạm trong hoạt động chấp nhận thẻ.

Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng nếu NH quản lý chặt, kẻ gian khó lọt được. Nếu theo dõi kỹ, NH có thể chặn ngay những trường hợp nghi ngờ như tần suất liên tục, giờ giấc bất thường. “Giải pháp tốt nhất là NH phải đánh giá ngay từ khi ký hợp đồng, xem đơn vị có hoạt động kinh doanh thật không, rồi theo dõi các giao dịch xem có đúng với quy mô của đơn vị” - ông Thoại nói.

Chuyên gia NH Huỳnh Trung Minh cho rằng bản thân các chủ thẻ cũng cần cẩn trọng, nên đến quầy theo dõi cà thẻ và trực tiếp ký hóa đơn khi thanh toán bằng thẻ, thay vì đưa thẻ cho nhân viên tự đi cà.

Ngoài ra, cần đăng ký dịch vụ bảo mật với NH. Khi mua hàng trên mạng chỉ chọn các trang web đảm bảo, uy tín để giao dịch. Trường hợp được yêu cầu cung cấp những thông tin mật, chủ thẻ phải liên hệ với NH phát hành thẻ để kiểm tra.

Giám đốc một NH cũng cho rằng dấu hiệu dễ nhận biết nhất với những trường hợp đánh cắp tiền bằng thẻ tín dụng là thời gian cà thẻ và số tiền cà thẻ bất thường, không phù hợp với loại hình kinh doanh.

“Chẳng hạn nhà hàng, quán ăn hóa đơn nhiều nhất cũng chỉ khoảng vài triệu đồng nhưng lại cà thẻ liên tục, số tiền lên đến vài chục hoặc hàng trăm triệu, hoặc cà vào lúc nửa đêm khi quán đã đóng cửa. Có trường hợp đã lâu không cà thẻ bất ngờ một ngày nào đó cà liên tục với số tiền lớn” - vị này nói.

Giao dịch qua mạng có địa chỉ IP tại VN 
bị từ chối

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông (mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số) để chiếm đoạt tài sản đang diễn biến rất phức tạp.

Đặc biệt, nhiều đối tượng cả trong và ngoài nước xâm nhập bất hợp pháp vào các website bán hàng, thanh toán trực tuyến để trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, sau đó đặt mua hàng hóa trực tuyến có giá trị cao (iPhone, iPad, laptop, máy ảnh...) chuyển về VN tiêu thụ, gây thiệt hại cho các chủ thẻ. Tình trạng này diễn ra nghiêm trọng đến mức nhiều nước không chấp nhận giao dịch qua mạng Internet có địa chỉ IP xuất phát từ VN.

Điển hình trong việc sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng người nước ngoài để mua hàng như Dương Văn Bách và đồng phạm đặt mua gần 500 vé máy bay các loại, chiếm đoạt hàng tỉ đồng; vụ Nguyễn Đình Thuần và đồng phạm mua hàng hóa đắt tiền chuyển về VN tiêu thụ với hơn 600 vận đơn, trị giá hàng chục triệu USD.

Nhiều tội phạm thẻ là người Trung Quốc

Theo C50, nhiều đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và một số quốc gia châu Phi) nhập cảnh vào VN sử dụng thiết bị công nghệ cao để làm giả thẻ, sau đó móc nối một số đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) tiến hành giao dịch khống để rút tiền mặt, chiếm hưởng trái phép hàng trăm tỉ đồng.

Thời gian qua, C50 đã phát hiện và xử lý hàng loạt vụ như vụ chiếm đoạt gần 17 tỉ đồng của một NH, vụ án Đinh Văn Long cùng đồng bọn làm thẻ tín dụng giả mua hàng hóa với số tiền ước tính hàng tỉ đồng tại Hà Nội, vụ bốn đối tượng người Trung Quốc móc nối với ba đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ ở Hải Phòng thanh toán khống và chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng, vụ các đối tượng người Trung Quốc rút khống qua cổng POS chiếm đoạt hơn 10 tỉ đồng tại Hà Nội...

 

Link: http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150805/bao-dong-toi-pham-the/788757.html

Du lịch dễ dàng hơn với các ứng dụng của Google

on .

Google đã góp phần đáng kể làm cho chuyến đi của các tay du lịch trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết trong những năm gần đây với nhiều công cụ tìm kiếm các chuyến bay và khách sạn, thêm các phần mềm được sáng tạo, cập nhật liên tục giúp bạn có thể thuận tiện di chuyển và tìm thông tin.

Dù đang sử dụng hệ điều hành Androi hay iOs thì cũng rất dễ dàng để tìm ra thông tin về các điểm đến để giúp bạn chủ động hơn.

Google Translate 

Phần mềm Google dịch - The Google Translate đã có những cải tiến mạnh mẽ. Trong phầm mềm này có chức năng Word Lens có thể dò và dịch theo ý muốn của bạn thông qua camera tích hợp trên điện thoại. 27 ngôn ngữ gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nhà, Nga, Tây Ban Nha, Bulgaria, Catalan, Croatia, Séc, Đan Mạch, Hà Lan, Philippines, Phần Lan, Hungari, Indonesia, Lithuanian, Na Uy, Ba Lan, Rumani, Slovakia, Thuy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina có thể sử dụng.

Ngoài ra, thông qua microphone với 40 ngôn ngữ khác nhau sẽ cho phép bạn dịch nhanh hơn.

Bạn có thể tham khảo đường link sau để có thể thấy sự sống động và kỳ diệu của word lens hay

Google Now

tạm dịch là “Google hiện tại”, một ứng dụng cá nhân thông minh gần như Siri và Cortana. Bạn có thể tìm thấy trong Google Search, Google app và nếu là người đang sử dụng hệ điều hành Android, thanh tìm kiếm trên cùng của màn hình cũng sẽ rất hữu dụng. Để truy cập, đơn giản chạm vào biểu tượng micro hoặc nói” OK google” và đặt câu hỏi.

Thêm nữa, Google sử dụng vị trí của bạn trên điện thoại và thêm vào những bối cảnh mà bạn đang tìm kiếm. Ví dụ, nếu bạn đang đi bộ ở Central Park và hỏi “What is that castle – đó là lâu đài gì?” bạn sẽ có câu trả lời với thông tin về lâu đài Belvedere. Tiếp theo nếu hỏi “How tall is it – nó (tòa nhà) cao bao nhiêu?”, trong khi đi bộ tại Midtown New York bạn sẽ có kết quả về thông tin của tòa nhà Empire State.

Công cụ này đặc biệt hữu dụng khi vừa đặt chân đến những nơi mới mà chưa nắm thật rõ có gì xung quanh. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy Google now rất có ích khi cần tìm thông tin chẳng hạn như bạn đang ở bên ngoài 1 nhà hàng với 1 cái tên dài ngoằng hay thậm chí không phát âm được thì chỉ cần hỏi "Is this place good? – chỗ này có tốt không” và bạn sẽ nhận được những lời bình phẩm hiện ra trên nền màn hình đồng thời biết luôn về khả năng có đặt được chỗ hay không.


Ảnh chụp màn hình khi bạn sử dụng ứng dụng Google Now với thông tin cơ bản về tòa nhà Empire State ở New York cùng mật độ du khách.

Popular Times

Nếu là người không thích đám đông, ứng dụng này dành cho bạn. Khi đang tìm kiếm 1 điểm trên điện thoại đi động, biểu đồ sẽ hiện ra thông tin về mật độ đi lai gọi là Popular times – những thời điểm phổ biến nhất.

Để vào xem được những cột này, đầu tiên hãy tìm kiếm điểm đến mà bạn muốn dừng chân chẳng hạn bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (New York) và chạm vào nút "More about [search topic]". Nhiều thông tin sẽ được xổ xuống, quẹt ngón tay trên màn hình về hai bên trái hay phải để xem tất cả các ngày trong tuần. Sử dụng ứng dụng này để tìm thời điểm ít người nhằm tránh những dòng người xếp hàng dài ở tòa nhà Empire State (New York), sửa chiếc iPhone của bạn nhanh hơn hay đơn giản là mua được ly espresso tại Café Grumpy trong chưa đầy 10 phút.

Bạn sẽ tự hỏi làm cách nào họ (Google) tìm được những thông tin này? Theo một đoạn blog được chính Google đăng lên, khi 1 người dùng mở mục My Location trong Google Maps, những dữ liệu sẽ được gửi đến cho Google mô tả họ di chuyển nhanh tới mức nào (thường có ích cho các thông tin về giao thông) và tất nhiên là cũng sẽ chỉ ra được họ đang ở đâu. Bằng cách tổng hợp thông tin này, hệ thống sẽ cho ra biểu đổ thể hiện thời điểm bận rộn nhất tại hàng triệu địa điểm trên toàn cầu.


Ứng dụng Popular times cho thấy thông tin của cửa hàng Apple hay café Grummy và thời điểm đông hay ít khách nhất trong ngày.

An Nam (Ảnh fodors)

 

Link: http://www.baomoi.com/Du-lich-de-dang-hon-voi-cac-ung-dung-cua-Google/76/17203489.epi

Những rủi ro khó lường từ tấn công mạng

on .

Các nhà sản xuất xe hơi đang đua nhau nối mạng cho sản phẩm của họ. Nhưng cùng với các tiện ích tuyệt vời mà Internet mang lại cho người lái xe, một loại tội phạm mạng mới đang xuất hiện: tấn công mạng với xe hơi.

Các chuyên gia ở ĐH Virginia hợp tác với cảnh sát bang trong một nghiên cứu tìm hiểu nguy cơ bị tấn công mạng của xe hơi hiện đại và những cách phòng chống

Texas Auto Center - một đại lý bán xe ở Texas, Mỹ - ngập trong những lời than phiền: xe các khách hàng của họ bỗng trở thành “xe điên”, tự bóp kèn vào giữa đêm làm hàng xóm nổi giận, rồi khi sáng ra thì không tài nào khởi động được... Các nhân viên ở đại lý ban đầu nghi ngờ một thiết bị kết nối Internet mới được kết nối vào xe không hoạt động, nhưng kiểm tra lại thì họ thấy vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều: chính đại lý đã bị tấn công mạng!

Ngoài các xe hoạt động bất thường, ai đó cũng đã thay thế danh sách những dòng xe rẻ tiền Dodge và Chevrolet bằng tên các xe thể thao. Tên khách hàng trong danh sách lưu trữ máy tính được kết nối mạng ở trung tâm bị đổi thành tên của các nhân vật giả tưởng và ca sĩ nhạc rap.

“Chuột Mickey lái một chiếc Lamborghini” - Martin Garcia, giám đốc đại lý bán xe ở Austin, nói với Washington Post.

Garcia đã báo cảnh sát. Nhà chức trách tìm ra hơn 100 nạn nhân và buộc tội một nhân viên cũ của đại lý là “hacker” chính. Từng xảy ra năm năm trước, đây chỉ là một trong rất nhiều sự cố điển hình khi xe hơi bắt đầu được kết nối với mạng Internet ngày càng nhiều và ngày càng gắn bó.

Số lượng phương tiện vận tải có kết nối đang bước vào giai đoạn bùng nổ, từ khoảng 2 tỉ năm 2010 và sẽ là 25 tỉ vào năm 2020, theo dự báo của các chuyên gia.

Nguy cơ chắc chắn sẽ xảy ra

Cùng với đó, những vụ tấn công mạng vào xe hơi chắc chắn sẽ xảy ra. Câu hỏi chỉ là khi nào những người có động cơ đạt được phương tiện và kỹ năng cần thiết. “Nếu chúng ta học được gì từ Internet thì đó là việc các xe hơi kết nối bị tấn công mạng chắc chắn sẽ xảy ra” - Kathleen Fisher, giáo sư về khoa học và an ninh máy tính ở Đại học Tufts, khẳng định.

Một trong những ví dụ điển hình xảy ra mới tuần trước, khi hai chuyên gia an ninh mạng Charlie Miller và Chris Valasek trình diễn kỹ năng “bắt cóc” một chiếc xe qua mạng Internet. Bằng cách tấn công mạng với một chiếc Jeep Cherokee 2014 của Hãng Jeep, họ đã có thể bẻ bánh lái, trong một thời gian ngắn làm thắng (phanh) xe không hoạt động và gây chết máy.

Chỉ bằng cách gõ những dòng mã lệnh chính xác trên máy tính, Valasek và Miller cho biết họ có thể tấn công không chỉ với các chiếc Jeep mà cả các xe Dodge và Chrysler gần như ở bất kỳ nơi đâu. Chính phủ và ngành công nghiệp xe hơi hiện đang nỗ lực ngăn chặn những người có khả năng như Miller và Valasek nhưng lại có ý đồ xấu.

“Họ có thể tấn công một chiếc xe, nhưng chưa thể làm ở quy mô lớn với hàng nghìn chiếc” - John Ellis, cựu chuyên gia kỹ thuật toàn cầu của Hãng Ford, nói. Những chiếc xe hơi xuất xưởng thời gian gần đây thật ra không khác gì các máy tính có bốn bánh, với hàng chục con chip chạy hàng triệu dòng mã lệnh.

Những chiếc xe đời mới nhất có thể giao tiếp dễ dàng với thế giới bên ngoài thông qua hệ thống chìa khóa điều khiển từ xa, radio vệ tinh, kết nối Bluetooth, kết nối Internet để chỉ đường... Với các chuyên gia an ninh, đó là những “điểm tấn công”, tức là những nơi mà người bên ngoài có thể xâm nhập vào xe.

Một khi đã xâm nhập được hệ thống, hầu hết hệ thống máy tính trên các xe hơi hiện đại ngày nay đều được kết nối với nhau theo một cách nào đó, trực tiếp hoặc gián tiếp. Những chuyên gia đã hack được vào các máy tính điều khiển màn hình, hệ thống chiếu sáng hay túi khí sau đó cũng tìm được đường tới hệ thống truyền động, xilanh động cơ và trong những chiếc đời mới nhất là cả hệ thống bánh lái.

Các hệ thống này đều nói cùng một ngôn ngữ kỹ thuật số, một bộ mã máy tính được tạo ra từ những năm 1980, khi chỉ những chuyên gia lão luyện trong nghề mới hiểu và viết được các mã.

An ninh chung của các xe hơi nối mạng vì thế “đi sau 15, có thể là 20 năm so với an ninh của máy tính cá nhân ngày nay. Thật đáng lo” - chuyên gia Peiter Zatko, từng là giám đốc Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ giờ đã chuyển ra làm tư nhân, nhận xét.

Một kẻ tấn công không cần phải gây tai nạn cho một chiếc xe. Một tay hacker có thể sử dụng thiết bị định vị của chiếc xe để theo dõi vợ (hoặc chồng), trong khi các máy nghe lén nhỏ gắn trong xe có thể truyền về các cuộc đối thoại.

Mọi kiểu tấn công xe hơi nối mạng

Những kịch bản tấn công xe hơi nối mạng là thiên hình vạn trạng. “Xe hơi là một phần quan trọng của thế giới Internet” - thượng nghị sĩ Mỹ Edward J. Markey nói. Tuần trước, ông vừa trình một dự luật yêu cầu chính quyền liên bang thiết lập các tiêu chuẩn an ninh mạng tối thiểu cho xe hơi, điều đã được áp dụng từ lâu với các bộ phận an toàn khác trong xe như thắng và dây an toàn.

Các hệ thống định vị và chỉ đường tích hợp trong xe hiện được coi là nhiều rủi ro nhất. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện với việc cài một mã độc vào các hệ thống đó, họ có thể kiểm soát hoàn toàn chiếc xe. “Chúng tôi có thể làm điều đó từ cách cả ngàn dặm” - Tadayoshi Kohno, một nhà nghiên cứu ở Đại học Washington, nói.

Sự dễ tổn thương của những thiết bị được kết nối với Internet, ngoài máy tính, không phải là điều gì mới. Năm 2007, phó tổng thống Mỹ khi đó là Richard B. Cheney từng ngắt kết nối không dây trong thiết bị trợ tim được cấy vào người ông vì lo sợ một tên khủng bố có thể tấn công được thiết bị đó qua mạng Internet.

Một trong những vụ tấn công mạng vào các thiết bị kết nối Internet gây nhiều thiệt hại khá nổi tiếng là khi tình báo Mỹ và Israel năm 2009 phát tán phần mềm độc hại Stuxnet phá hủy các máy ly tâm làm giàu uranium của Iran.

Các nhà nghiên cứu Tiffany Rad, Teague Newman và John Strauchs viết năm 2011 rằng họ có thể tấn công các hệ thống kiểm soát cổng ra vào nhà tù, đóng mở tùy thích. Họ cũng khẳng định nhiều hệ thống cơ khí - điện tử - Internet khác cũng dễ tổn thương như thế. Hay năm 2008, một cậu nhóc 14 tuổi ở Ba Lan đã chỉnh lại một chiếc điều khiển tivi để kiểm soát các xe điện ở Lodz, thành phố lớn thứ ba tại Ba Lan, gây ra vài vụ trật đường ray và tai nạn nhỏ.

Vụ của Texas Auto Center, xảy ra hai năm sau đó, hóa ra có thủ phạm là một thanh niên 20 tuổi mê máy tính đã bị đại lý đuổi việc. Người này đã dùng thông tin của nhân viên để đăng nhập vào hệ thống trên Internet từ nhà, để lại dấu vết khiến cảnh sát Austin lần ra.

Các máy bay không người lái lan tràn hiện giờ cũng là một phương tiện tấn công những xe hơi nối mạng rất hữu hiệu. Chuyên gia an ninh Samy Kamkar đã chứng minh điều đó năm 2013 qua một thiết bị với tên gọi SkyJack. Những gì ông làm còn được ghi lại trong một đoạn video trên YouTube.

Với SkyJack và thêm không đầy 100 USD nữa, Kamkar đã biến một máy bay không người lái cơ bản, có thể mua ở bất cứ đâu, thành một phương tiện tìm và kiểm soát các thiết bị mà nó tiếp cận. Nếu có đủ các mục tiêu, Kamkar nói trên YouTube, SkyJack có thể tạo ra “một đạo quân các xác sống” được kiểm soát từ chỉ một chiếc điện thoại thông minh. Kamkar hiện cũng là một nhân vật lớn của ngành an ninh mạng cho xe hơi.

“Tôi không thể khởi động mọi xe, nhưng tôi đã có thể mở khóa bất cứ chiếc xe nào tôi muốn” - Kamkar tuyên bố. Lý do rất đơn giản: chỉ có vài nhà cung cấp thiết bị kết nối lớn cho nhiều nhà sản xuất xe hơi. Tất cả hệ thống khóa mà Kamkar nghiên cứu, theo lời ông, đều sử dụng cùng một tần số sóng radio. Vượt qua được hệ thống đó, hầu như mọi cánh cửa xe khác cùng loại cũng chỉ là bài toán tương tự.

Những chiếc xe hơi, vốn một thời chỉ là những cỗ máy chết, kiểm soát bằng xăng dầu, dây nhợ và điện, ngày nay đã trở thành cả một hệ thống được vi tính hóa, bắt đầu với bộ phận xả thải, rồi sau đó là thắng, khóa xe...

Các hệ thống máy tính tích hợp trong xe hơi mỗi ngày một hiện đại ở các mẫu xe đời mới. Vấn đề là các hệ thống đó không tồn tại riêng lẻ. Những chiếc thắng xe hiện đại cần phải biết bánh xe đang quay được bao nhiêu vòng. Hệ thống túi khí cần biết xe có bị giảm tốc đột ngột hay không. Màn hình điều khiển cần biết bình xăng có đầy không hay máy có quá nóng không. Tất cả điều đó khiến từng bộ phận trong xe ngày càng được kết nối với nhau nhiều hơn, cũng như được kết nối với cả thế giới bên ngoài.

“Máy tính của bạn bị tấn công và hỏng hóc là một chuyện, nhưng khi xe hơi của bạn bị tấn công mạng, đó là chuyện hoàn toàn khác” - Ashkan Soltani, trưởng bộ phận kỹ thuật ở Ủy ban Thương mại Mỹ, kết luận.

 
HẢI MINH
 
Link: http://www.baomoi.com/Nhung-rui-ro-kho-luong-tu-tan-cong-mang/76/17203769.epi

Dân mạng chế ảnh một thời để nhớ với Yahoo Messenger

on .

(TNO) Yahoo Messenger (YM) từng được xem là "tượng đài" ứng dụng trò chuyện, được dùng rất phổ biến khi internet đang phát triển. Theo thời gian YM dần bị trôi vào quên lãng do sự ra đời của hàng loạt ứng dụng OTT khác. Tuy nhiên, trong ký ức của nhiều người dùng, YM vẫn là một kỷ niệm đẹp.

Yahoo Messenger từng được xem là ứng dụng nhắn tin được ưu chuộng nhất toàn cầu
Trước các thông tin YM đang dần bị khai tử, tài khoản I Sketch trên Facebook đã thực hiện một bộ ảnh ghi lại những ký ức không thể quên với YM, bộ ảnh này hiện gây sốt trên cộng đồng mạng.

Chỉ sau một thời gian ngắn được chia sẻ, bộ ảnh "Yahoo Messenger một thời để nhớ" đã có hơn 1.200 lượt chia sẻ trên Facebook và hàng trăm lời bình luận khác nhau.

"Cũng là một thời để nhớ hồi xưa cứ mỗi lần lập nick mới là lại vắt óc ra nghĩ, giờ cái nick YM của mình bị xóa rồi muốn vào ôn lại kỷ niệm cũng chả được nữa", đó là lời chia sẻ của bạn Linh Nguyễn trên Facebook.

Bạn Thai Tuan cho rằng, với việc hàng loạt ứng dụng trò chuyện mới ra đời như Facebook Messenger, Zalo, Viber... và sự phát triển của ngành công nghiệp di động đã khiến cho ứng dụng Yahoo Messenger dần bị trôi vào quên lãng.

"Dù như thế nào đi nữa, với thế hệ 8X thì ứng dụng Yahoo Messenger luôn là tượng đài trong lòng nhiều người, bởi đây cũng được xem là ứng dụng đầu tiên giúp mọi người gắn kết với nhau qua thế giới ảo", bạnHoang Hai chia sẻ.

Cùng ngắm thêm loạt hình ảnh "Yahoo Messenger một thời để nhớ" đang được chia sẻ trên mạng.

Thành Luân 
(Ảnh chụp từ Facebook)

 

Link: http://www.baomoi.com/Dan-mang-che-anh-mot-thoi-de-nho-voi-Yahoo-Messenger/76/17204207.epi

Trò chuyện với GS. Lưu Lệ Hằng

on .

Tro chuyen voi GS. Luu Le Hang

Nhân dịp, GS. Lưu Lệ Hằng mang bài thuyết trình “Một cái nhìn khác về hệ Mặt trời” của mình tới các sinh viên ở Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, phóng viên Tia Sáng đã đề nghị với bà một buổi phỏng vấn riêng, và hỏi đùa bà rằng: “Giáo sư có thấy chán khi cứ phải nói đi nói lại một bài thuyết trình trong suốt năm ngày vừa qua không?”. “Không hẳn, nhưng tôi chỉ chán khi cứ bị hỏi đi hỏi lại những câu giống nhau. Chính vì vậy bạn nên chuẩn bị cho kĩ vào đấy!”

Làm khoa học là thay đổi

Câu chuyện của giáo sư về việc mọi người than khóc cho Diêm Vương Tinh khiến tôi nhớ tới một câu nói của nhà sinh học được giải Nobel Jacques Monod. Ông từng nói rằng: Tầm quan trọng lớn nhất của những kết quả khoa học từ trước đến nay là thay đổi mối quan hệ của con người với vũ trụ hoặc cách anh ta nhìn vị trí của mình trong vũ trụ. 

Đúng vậy. Chính xác. Khám phá về Diêm Vương Tinh (không phải là hành tinh mà chỉ là một vật thể trong vành đai Kuiper) đã thay đổi cách nhìn của mọi người về các hành tinh và hệ Mặt trời. Họ từng nghĩ rằng, họ biết tất cả về hệ Mặt trời và chẳng còn gì mới để nghiên cứu về nó. Thế nhưng, chúng tôi đã làm thay đổi tất cả. Bây giờ thì họ nhận ra rằng, họ không hiểu lắm về hệ Mặt trời và vẫn chưa bao giờ hiểu được. 

Giáo sư có nghĩ là câu nói của Jacques Monod phổ quát cho khoa học nói chung, không chỉ riêng thiên văn học không?

Có chứ, nó đúng với mọi lĩnh vực của khoa học. Nhờ khoa học, chúng ta hiểu hơn về thế giới nơi chúng ta sống, chúng ta hiểu hơn về từng cái cây, ngọn cỏ, động vật… Tất cả mọi thứ về thế giới. Khoa học ở mọi nơi. Nếu đứng ngoài khoa học, người ta chẳng thể hiểu được điều gì, từ việc tại sao Mặt trời mọc rồi lặn. Đúng là khoa học đã thay đổi cách chúng ta nhìn vị trí của mình trong thế giới, trong vũ trụ này. 

Dưới cái nhìn của Jacques Monod, khoa học thay vì khiến mọi người trở nên thoải mái hơn, lại làm cho họ liên tục khó chịu vì nó thách thức quan điểm của họ.

Thế giới như nó vẫn vậy. Người ta dù thích nó hay không thì đó là cách nó vận hành. Nó có khiến người ta khó chịu không? Có lẽ là một số ít người. Tôi nghĩ là tôi không có vấn đề gì. Vật lý hay khoa học, chúng là định luật của vũ trụ, bạn học nó và nó giúp bạn hiểu được mọi thứ vận hành như thế nào. Nó không khiến tôi khó chịu, đối với tôi, nó chỉ là một thứ khách quan thôi. 

Thế khoa học có khiến bà thoải mái hơn khi hiểu về nó không?

Không, đó là một thứ khách quan. Tôi thừa nhận nó và cố gắng lý giải tại sao nó lại như vậy. Nếu tôi hiểu nó rõ hơn một chút, tôi reo lên: “Tuyệt!”. Nó có khiến tôi buồn hơn không? Không. Nó cũng không khiến cuộc sống của tôi thoải mái hơn. Chỉ là, với tôi, thật tốt khi hiểu hơn về mọi thứ quanh mình. 

Hôm qua, giáo sư nói rằng tiến trình khoa học là liên tục thay thế những quan niệm cũ bằng những quan niệm mới. Nhưng mỉa mai thay, công việc của nhà khoa học có vẻ không giống như thế, nó lặp đi lặp lại, nhàm chán và nặng nhọc. 

Đúng rồi. Hầu hết thời gian, bạn chỉ cắm mặt vào công việc, công việc và công việc, có thể, bạn sẽ khám phá ra một ý tưởng mới thay đổi mọi thứ. Bạn cần sự kiên trì, bền bỉ và may mắn. Kiên trì và bền bỉ thì mình có thể cố gắng nhưng may mắn thì không kiểm soát được. Vậy nên, bạn chỉ có thể an ủi mình rằng: kiên trì, bền bỉ sẽ chuẩn bị cho bạn để khi may mắn đến, bạn hiểu được điều gì đang diễn ra. 

Khoa học là thay đổi những quan niệm cũ nhưng điều đó rất khó khăn bởi chúng rất khó bị đánh đổ. Phải mất một thời gian rất dài trước khi bạn có thể thay đổi được những quan niệm cũ. Nó chẳng diễn ra trong một cái búng tay. Nhưng đó là mục đích của khoa học. Chúng tôi khám phá ra vành đai Kuiper vào năm 1992 và cho đến năm 2006, mọi người mới thừa nhận rằng: “Ok, Diêm Vương Tinh không còn là hành tinh nữa”. Thế là 14 năm! 

Trong buổi nói chuyện ở Đại học Bách khoa Hà Nội, khi một số giáo sư hỏi bà, họ vẫn muốn khôi phục vị trí của Pluto như một hành tinh.

Đúng vậy, tôi không hiểu sao họ lại có nhiều xúc cảm về điều đó như thế. Nhiều người thực sự thích Diêm Vương Tinh, bạn thấy đấy, ở Mỹ từng có cả những cuộc biểu tình, diễu hành đòi khôi phục vị trí của nó như một hành tinh. Nhưng sự thực thì cảm xúc chẳng nên liên quan gì đến chuyện này. 

Tôi cực kì, cực kì may mắn

Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, giáo sư luôn làm việc trong nhóm nghiên cứu phải không?

Đúng thế, trong lĩnh vực thiên văn, tôi luôn làm việc với duy nhất một người, David Jewitt. Trước đây, đó là giáo viên hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho tôi và tôi vẫn tiếp tục làm việc với ông ấy ngay sau khi tốt nghiệp. Theo quan điểm của tôi, đó là một nhà thiên văn học tuyệt nhất trên thế giới. Nhiều người có thể không đồng ý nhưng tôi nghĩ như vậy. Chúng tôi rất hợp nhau, đó là người hài hước, tốt bụng và hào phóng. Chính vì vậy, tôi cực kì, cực kì may mắn. 

Thế theo giáo sư, yếu tố quan trọng nhất để duy trì một nhóm nghiên cứu là gì?

Mọi người tôn trọng và yêu quí nhau. Giống như hai chúng tôi, có những lúc thăng trầm nhưng rốt cục, chúng tôi vẫn cực kì gắn bó. Đã hơn 20 năm rồi và tôi nghĩ rằng tôi không muốn làm việc với ai khác ngoài ông ấy. Nếu được, tôi sẽ trao tất cả công trạng cho ông ấy. Chúng tôi không bao giờ tranh cãi về việc mình hay người kia đã làm những gì trong công trình chung vì chúng tôi rất tôn trọng nhau. Chúng tôi luôn muốn người kia xuất sắc hơn và làm tốt hơn nữa. 

Từng làm việc tại ba quốc gia - Mỹ, Đức và Hà Lan- giáo sư thấy môi trường nghiên cứu ở đâu là tốt nhất?

Mỹ, vì môi trường ở đó cởi mở hơn, họ chấp nhận những người nước ngoài như tôi dễ dàng hơn và đó là điều mà tôi thích. Ai cũng muốn làm việc trong một môi trường thân thiện. 

Bây giờ nhìn lại quá trình nghiên cứu của mình, giáo sư có điều gì hối tiếc không?

Không. Tôi đã có một người cộng sự tuyệt vời nhất. Tôi không hối tiếc gì cả. 

Được làm điều mình muốn?

Giáo sư có thể chia sẻ về công việc mình đang làm không?

Công việc hiện nay của tôi là xây dựng thiết bị cho kính viễn vọng. Nó không hứng thú như thiên văn học đâu. Nhưng công việc mà. Bạn không thể luôn được làm những điều mình muốn, tôi muốn nghiên cứu thiên văn nhiều hơn nhưng bạn biết đấy, ở Việt Nam cũng vậy, rất khó để tìm được một công việc và càng khó hơn để được làm việc mình thực sự thích. Chính vì vậy, mình chỉ có thể cố gắng hết sức trong khả năng của mình thôi. 

Khám phá của giáo sư về vành đai Kuiper là một thành công lớn và nhờ đó, bà đoạt hai giải thưởng lớn về thiên văn học là giải thưởng Kavli và Shaw nhưng tại sao lúc đó giáo sư lại chuyển hướng, không nghiên cứu về thiên văn nữa?

Tôi muốn thử làm một cái gì đó mới, tôi không muốn làm đi làm lại một cái cũ. Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ nghiên cứu về vành đai Kuiper nhưng bây giờ, chỉ là tôi đang làm một cái khác. 

Tôi được biết là giáo sư còn chơi cả cello đúng không? Từ bao giờ vậy?

Đúng vậy, tôi từng chơi cello nhưng mấy năm nay, tôi không có thời gian chơi. Tôi bắt đầu học cello từ lúc còn đang làm postdoc. Lúc đó, tôi mới có tiền mua cello để tập. Không bao giờ quá muộn [để học một thứ gì mới] mà. Tôi chơi lúc có thời gian và ngừng khi quá bận rộn. Cứ thế, chơi, ngừng và tập lại trong suốt 20 năm. 

Thế chơi cello có giúp ích gì cho công việc nghiên cứu không?

Có lẽ là không. Với tôi, làm việc và thực hiện sở thích cá nhân là hai việc hoàn toàn tách biệt với nhau. Nhưng nếu cứ làm việc suốt, thực sự là rất rất buồn chán và chính vì vậy, nên có một sở thích gì đó khác công việc để thay đổi nhịp điệu của một ngày.

Cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này!
 
Link: http://www.baomoi.com/Tro-chuyen-voi-GS-Luu-Le-Hang/79/17187370.epi