Đây mới là quốc gia có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới nhưng 1/3 dân số không biết dùng

on .

Với Ioan, truy cập internet là một việc làm không phù hợp. Internet không quan trọng, anh nói, cho những người như chúng tôi bởi chúng tôi không có nhiều thời gian. Những cư dân Răscruci cùng hoặc già hơn Ioan cũng có quan điểm tương tự. Họ không truy cập internet bởi nó là thứ chỉ dành cho lớp trẻ dù mức phí truy cập không hề đắt.

 
 

Ioan, một người trung niên sống tại thị trấn 1.650 dân Răscruci ở Rumani không hề thích internet. Thị trấn này cách thành phố Cluj 15 dặm và có cả khu thị trấn lẫn nông trại. Người dân ở đây bao gồm nông dân, tiểu thương và công nhân các nhà máy. Vào những ngày hè, một chiếc xe lượn quanh các con phố để rao bán dưa hấu bằng chiếc loa tự chế.

Ioan có hai công việc. Anh là người chăn cừu bán thời gian tại các khu chăn thả ở địa phương. Anh còn làm việc tại sân bay gần đó, chở khách đến và đi từ những chiếc máy bay vận hành bởi hãng hàng không giá rẻ.

Với Ioan, truy cập internet là một việc làm không phù hợp. Internet không quan trọng, anh nói, cho những người như chúng tôi bởi chúng tôi không có nhiều thời gian. Những cư dân Răscruci cùng hoặc già hơn Ioan cũng có quan điểm tương tự. Họ không truy cập internet bởi nó là thứ chỉ dành cho lớp trẻ dù mức phí truy cập không hề đắt.

 

 

 

Ioan có một chiếc điện thoại di động cơ bản nhưng nhiều người lớn tuổi anh quen chỉ sử dụng điện thoại cố định. Một người bạn 84 tuổi của Ioan đã từ chối khi anh cố gắng tặng ông ấy một chiếc điện thoại di động bởi ông cho rằng điện thoại di động sẽ làm phiền ông cả ngày.

Ioan và những người bạn của anh cũng không sử dụng internet. Rumani có 20 triệu dân và khoảng 4 triệu người sống ở nước ngoài. Sử dụng điện thoại cố định có thể là một thói quen lạc hậu nhưng nó giúp những người lớn tuổi ở Rumani giữ liên lạc với người thân ở nước ngoài. Có một sự thật khá khôi hài là nhà máy của Nokia, ông lớn một thời trong làng điện thoại di động thế giới, nằm cách thị trấn chỉ vài dặm nhưng cư dân ở Răscruci vẫn không thích sử dụng điện thoại di động.

Maria Revnic từng làm việc cho Nokia. Cô đang ở độ tuổi 20, sống tại Cluj, và đã từng làm bốn công việc trong lĩnh vực công nghệ ở Rumani (đất nước tự hào có số lượng lao động IT bình quân trên dân số cao nhất châu Âu).

Giống như nhiều nhân lực kỹ thuật cao khác ở Cluj, Revnic ca ngợi những lợi ích của ngành công nghiệp này. Cô cho rằng sự cạnh tranh gia tăng đã giúp cải thiện điều kiện lao động không chỉ cho cô mà còn cho các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp công nghệ cao ở Rumani đãi ngộ tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ.

Làm thế nào mà một quốc gia gắn bó với các thiết bị công nghệ lạc hậu lại có thể biến các thành phố của họ thành trung tâm kết nối thu hút các tài năng IT trẻ như Revnic? Và ngược lại, tại sao những người lớn tuổi như Ioan lại không quan tâm đến sự biến đổi trong kết nối này mặc dù nó đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nền kinh tế quốc gia?

***

Trong tháng Ba, Bernie Sanders của Đảng Dân chủ Mỹ đã tuyên bố trên Twitter rằng: "Hiện tại, người dân sống ở Bucharest, Rumani có thể truy cập mạng internet tốc độ nhanh hơn nhiều so với hầu hết người Mỹ. Đó là một điều khó chấp nhận và phải thay đổi". Tiếp đó là một tweet khác:"Truy cập internet tốc độ cao không còn là một thứ xa xỉ. Nó rất quan trọng bởi sẽ giúp vùng nông thôn Mỹ được kết nối và giao thương với phần còn lại của thế giới".

 

 

 

Sanders dường như muốn kêu gọi Hoa Kỳ cải thiện dịch vụ kết nối băng thông rộng của họ. Tuy nhiên, người dân Rumani cảm thấy bị xúc phạm. Họ cho rằng trong tweet đầu tiên, Sanders cố tình mỉa mai việc ưu tiên kết nối băng thông rộng nhanh hơn tại Mỹ của một đất nước lại hậu như Rumani.

Nhưng chỉ một tháng trước khi Sanders đăng tweet của ông, Ngân hàng Thế giới thống kê được rằng 9 trong 15 thành phố có tốc độ internet băng thông rộng nhanh nhất thế giới nằm ở Rumani, vượt cả những quốc gia cực mạnh về tốc độ Internet như Hàn Quốc hay Nhật Bản.Người dân Rumani, kể cả ở khu vực Răscruci, được sử dụng mạng internet với tốc độ download trung bình 50 Mbps, nhanh gấp hai lần mức trung bình tại Mỹ.

Kết nối tốc độ cao tạo một lợi thế cho nền kinh tế đất nước, góp phần thúc đẩy các ngành công nghệ như game và phần mềm. Các chính sách giảm thuế khiến Rumani trở thành một địa điểm hấp dẫn cho ngành công nghiệp outsourcing công nghệ và nâng đỡ các đổi mới tại địa phương trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học. Và rất nhiều "digital nomads" đang đổ xô về Rumani để an cư lạc nghiệp.

Tuy nhiên, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy một số thông tin thú vị. Trong khi phần lớn người dân Rumani tận hưởng kết nối internet tốc độ cao hơn so với hầu hết người dân ở các quốc gia châu Âu khác thì một phần ba dân số Rumani chưa bao giờ sử dụng internet. Một nửa số hộ gia đình không được trang bị kết nối internet băng thông rộng và một nửa số hộ gia đình thậm chí còn không có máy tính.

 

 

 

Phần nào sự chênh lệch này thể hiện theo phân bố địa lý. Các thành phố ở Rumani thường được trang bị đầy đủ kết nối internet và người dân rất thông thạo công nghệ. Trong khi đó, internet bị coi là ít quan trọng ở vùng nông thôn nơi một nửa dân số Rumani sinh sống. Thực trạng này cũng diễn ra trên tất cả các quốc gia toàn cầu. Ước tính 64% số người chưa từng truy cập internet toàn cầu trong năm vừa qua sống tại các khu vực nông thôn.

Một yếu tố khác dẫn tới sự chênh lệch đó là sự khác biệt về thế hệ. Dẫu vậy, khoảng cách thế hệ giữa những người dân Rumani có những khía cạnh rất độc đáo, mang tính lịch sử. Alin Maniu, một doanh nhân tuổi 20 ở Cluj, chia sẻ rằng: "Người lớn tuổi ở Rumani như sống ở hai thế giới". Lớn lên dưới chế độ độc tài và trải qua quá trình thay da đổi thịt của đất nước thành một thế giới hoàn toàn khác khiến họ ghét những thứ hiện đại.

Sự thay đổi của Rumani diễn ra khá nhanh. Chỉ một thập kỷ trước, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của Rumani vẫn còn khá thưa thớt, chỉ 20% dân số được sử dụng điện thoại cố định và chỉ 5,5% được tận hưởng kết nối internet băng thông rộng.

Trong những thập kỷ đầu tiên của chế độ tư bản Rumani các doanh nhân lên nắm quyền và tập trung vào việc thiết lập một cách nhanh chóng mạng lưới internet băng thông rộng tại khu vực thành thị. Nhà cung cấp viễn thông nhà nước trở thành một trong số nhiều lựa chọn nhưng không ưu việt hơn bao nhiêu so với các nhà cung cấp tư nhân non trẻ.

Maria Revnic, một lao động kỹ thuật từ Cluj, là một đứa trẻ trải qua quá trình chuyển đổi của quốc gia. "Chúng tôi giống như bọt biển, tò mò về tất cả mọi thứ bên ngoài", cô nói. Chương trình TV lúc cô còn nhỏ chỉ phát vài giờ mỗi ngày. Người dân rất khao khát các phương tiện giải trí, theo dõi tin tức khác.

Giống như TV, khi internet tới nó đã trở nên phổ biến. Cătălin Marinescu, chủ tịch của ANCOM - hãng điều tiết viễn thông độc lập ở Rumani cho biết khả năng tiếp nhận tiếng Anh, ngôn ngữ chính của internet, giúp người dân Rumani nổi trội hơn so với làng giềng.

 

 

 

Công nghệ ở thành phố đã phát triển vượt bậc. Thị trường cạnh tranh mạnh đẩy mức giá giảm xuống và tốc độ được tăng lên. Các nhà cung cấp mạng cũng năng động trong việc tìm thị trường mới.

Tuy nhiên, còn rất nhiều ngôi làng xa xôi, nơi việc cung cấp internet trở thành một thách thức. Trong một ngôi làng nhỏ bên sườn đồi có tên Scărișoara, chỉ có thể tới được bằng trực thăng, thiết bị viễn thông được đặt ở trên đồi và chạy bằng điện mặt trời bởi chưa có điện lưới. Tất cả cơ sở hạ tầng này được triển khai bởi ANCOM sau cuộc đấu giá quyền triển khai, mở rộng khu vực phủ sóng tới các khu vực xa xôi chưa được phục vụ.

Nhìn chung, hầu hết người dân Rumani đều có quyền lựa chọn. Báo cáo của ANCOM cho biết 97% người dân tại quốc gia này có thể lựa chọn giữa ít nhất hai nhà cung cấp dịch vụ internet. Sự cạnh tranh khiến mức giá giảm đi.

Dẫu vậy, mức giá internet vẫn chưa là rẻ với tất cả mọi người dân Rumani. Cơ quan thống kê của Liên Minh châu Âu ước tính rằng 40% dân số Rumani có nguy cơ phải sống trong nghèo đói hoặc không được hưởng các ưu đãi xã hội. Với nhóm người bị thiệt thòi về kinh tế này vài đô la mỗi tháng cho dịch vụ internet cũng quá mức chi trả của họ.

Một nghiên cứu của Google nhấn mạnh rằng Rumani vẫn còn một số hạn chế về kết nối internet băng thông rộng. Mặc dù xếp hạng đầu trong khối EU về tốc độ kết nối internet và số lượng cá nhân sử dụng mạng xã hội nhưng Rumani xếp gần cuối trong bảng các hạng mục như tích hợp các công nghệ kỹ thuật số, kết nối và nguồn nhân lực. Trong khi các cơ quan chính phủ cố gắng làm cho nhiều dịch vụ được tiếp cận hơn và các thương gia bắt đầu từ từ phát triển cơ sở hạ tầng thương mại điện tử thì theo báo cáo vấn đề lớn nhất là: "Kỹ năng kỹ thuật số nghèo nàn của xã hội Rumani tạo ra một trở ngại đặc biệt cho việc phát triển kỹ thuật số".

Như vậy cho tới nay, việc phát triển kỹ thuật số chủ yếu mang ý nghĩa cung cấp quyền truy cập internet tới càng nhiều người càng tốt. Chương trình Biblionet hoàn thành trong năm 2014 có mục đích hiện đại hóa các thư viện tại Rumani với máy tính và truy cập internet. Được biết, 600.000 người Rumani có cơ hội truy cập internet lần đầu tại các thư viện được trang bị kết nối internet. Trong khi đó, một vài dự án của chính phủ nhắm mục tiêu phủ sóng internet tới 100% lãnh thổ Rumani, bao gồm việc buộc các nhà mạng phủ sóng internet tới các khu vực xa xôi như Scărișoara.

 

 

 

Dù vậy, nâng cao kỹ năng kỹ thuật số là một việc khá khó khăn. Hầu hết người Rumani đều có thể truy cập internet nhưng những người không có động lực kết nối internet như Ioan thì sao? Anh cảm thấy mệt mỏi khi phải làm hai công việc một lúc nhưng chia sẻ rằng không tìm thấy bất cứ lợi ích nào trong việc truy cập internet.

Người hàng xóm của Ioan, tên là Octavia, thường sử dụng điện thoại cố định để gọi cho người thân đang làm việc tại Ý. Anh ta không nhìn thấy bất cứ lợi thế nào trong việc sử dụng các cuộc gọi miễn phí qua internet. Cả hai đều cho rằng internet được dành cho những người khác, những người trẻ tuổi, có học thức và những người làm công việc văn phòng.

Xét trên một vài khía cạnh, rất dễ vượt qua các rào cản thương mại và công nghệ của việc phủ sóng internet tốc độ cao với chi phí thấp ở Rumani. Nỗ lực đó phần lớn đã thành công, giúp quốc gia này tự hào về tốc độ kết nối internet của nó. Bây giờ tới phần khó hơn: Thuyết phục những người như Ioan tận dụng lợi thế của internet.

 

Nguồn: GENK

Càng khoe thông tin cá nhân, càng dễ bị tấn công

on .

TTO - Càng “khoe” thông tin cá nhân, đời sống riêng tư nhiều trên mạng xã hội, bạn càng dễ bị tội phạm mạng, trộm cướp, lừa đảo “ghé thăm”.

Tội phạm mạng luôn rình rập người dùng mọi lúc mọi nơi. - Ảnh minh họa

Theo khảo sát của các công ty bảo mật, đông đảo người dùng hiện nay chưa ý thức được rằng thông tin cá nhân của mình có thể bị công khai qua những kênh thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội phổ biến như Facebook.

Điều này đang tạo cơ hội cho tội phạm mạng, những kẻ trộm cắp, lừa đảo ngoài đời thật dễ dàng tìm hiểu thông tin, theo dõi tìm cách tấn công.

Làm gì cũng “khoe”

Công ty bảo mật Kaspersky Lab vừa công bố một khảo sát với kết quả gần 1/3 (30%) người dùng mạng xã hội hiện nay chia sẻ bài viết, check-in và các thông tin cá nhân không chỉ cho bạn bè của mình, tức là để ở dạng công khai (public) cho bất kỳ ai cũng xem được.

Trong khi thực tế ngay cả nhiều người chỉ chia sẻ thông tin, đời sống cá nhân cho vài người bạn trên Facebook cũng có thể bị lộ ra bên ngoài thông qua các lỗ hổng bảo mật.

"Người dùng mạng xã hội đang chơi một trò chơi nguy hiểm khi thiếu hiểu biết về mạng và chủ yếu là cho người lạ dễ dàng truy cập vào thông tin cá nhân và thông tin riêng tư của mình.

Với hồ sơ mạng xã hội bao gồm một khối lượng lớn thông tin từ sinh nhật đến địa chỉ và kế hoạch kỳ nghỉ, sẽ chẳng mất quá nhiều công sức để tội phạm mạng tìm và khai thác thông tin có giá trị, hoặc ăn cắp danh tính của bạn. Điều này thậm chí còn dễ dàng hơn khi bạn vô tình kết bạn với chúng".

Kaspersky Lab

Nếu chịu khó theo dõi trang Facebook của một người thường xuyên chia sẻ các thông tin, hình ảnh cá nhân, cuộc sống hằng ngày của mình, chúng ta sẽ không khó hiểu rõ được đời sống cá nhân, công việc, cách thức sinh hoạt của họ. Với kẻ xấu, đây là những căn cứ rất hữu ích cho “kế hoạch kiếm chát” của chúng.

Thế nhưng người dùng lại rất chủ quan, 9% số người trả lời khảo sát không nghĩ rằng những người ngoài danh sách bạn bè có thể nhìn thấy trang và các bài viết của mình, khiến thông tin cá nhân của họ dễ dàng rơi vào tay kẻ xấu, hoặc thậm chí bị tội phạm sử dụng để trộm danh tính và gian lận tài chính.  

Nghiên cứu cũng cho thấy người dùng đang tự đặt mình vào nguy hiểm khi thêm bạn bè một cách dễ dãi.

Chẳng hạn 12% số người được khảo sát chấp nhận thêm bất cứ ai vào danh sách bạn bè mà không quan tâm mình có biết người đó hay không. 1/3 (31%) số người dùng cũng sẽ kết nối với những người mình không biết nếu họ có bạn chung.

Việc này có thể tiết lộ bản thân với nhiều người lạ, thậm chí là công ty quảng cáo hay tội phạm mạng, kẻ lừa đảo. 

Về sự tin tưởng "bạn bè", ¼ (26%) số người được khảo sát sẽ không do dự kích chuột vào một liên kết được gửi từ một người bạn mà không hỏi đó là gì, cũng không tính đến khả năng tài khoản của người gửi đã bị hack.

Lừa đảo tràn lan

Chính những kẻ hở trên đã khiến nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam đang trở thành đối tượng của những kẻ tấn công mạng, săn thông tin cá nhân, tiến hành các hành vi lừa đảo, hoặc của bọn trộm cướp theo dõi để chọn thời điểm ra tay.

Trong năm qua, chúng ta đã từng nghe về rất nhiều vụ lừa đảo, tấn công xuất phát từ các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội: mua hộ thẻ cào, thông báo trúng thưởng, trộm cướp…

Theo tổng kết tình hình an ninh mạng Việt Nam năm 2015 của Công ty an ninh mạng Bkav, 93% người sử dụng Facebook tại Việt Nam cho biết thường xuyên gặp phiền toái với tin nhắn rác, nội dung đồi trụy hay liên kết giả mạo có cài mã độc trên Facebook. 

Theo các chuyên gia của Bkav, không chỉ quấy rối, “rác” trên mạng xã hội còn mang theo nguy cơ “móc túi” người dùng với các nội dung lừa đảo như trúng thưởng khủng, khuyến mãi hấp dẫn... 

Thống kê từ hệ thống giám sát của Bkav cũng cho thấy, mỗi tháng lại có thêm hơn 1.000 trang giả mạo Facebook được lập ra nhằm đánh cắp tài khoản của người sử dụng. Sau đó tài khoản bị đánh cắp sẽ được sử dụng để tiếp tục phát tán mã độc hoặc để lừa đảo, phổ biến nhất là chat với bạn bè của nạn nhân lừa nạp thẻ điện thoại. 

Nên thiết lập riêng tư trên Facebook

Để đảm bảo việc chia sẻ trên mạng xã hội không gặp nguy hiểm, Kaspersky Lab khuyên người dùng Internet nên thận trọng về người mà họ kết bạn và trang web truy cập vì mọi thứ không như vẻ bề ngoài.

Nếu nghi ngờ, đừng chấp nhận yêu cầu kết bạn hoặc nhấp chuột vào một liên kết mà bạn không muốn. Đặc biệt, việc thiết lập riêng tư trong các tài khoản mạng xã hội là rất cần thiết, để đảm bảo chỉ có bạn bè thực sự của bạn mới có thể cập nhật được trạng thái bạn chia sẻ.

Các chuyên gia cũng Bkav khuyến cáo khi tham gia mạng xã hội, người sử dụng cần chủ động xác minh lại các thông tin nhận được và không làm theo hướng dẫn trên các website chưa tin cậy.

 

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Acer Aspire F5 phiên bản 2016 – Định nghĩa mới cho laptop sinh viên

on .

(PCWorldVN) Pin 12 tiếng, màn hình Full HD cùng bàn phím backlit, Acer Aspire F5-573-34LE đã định nghĩa lại hoàn toàn khái niệm laptop sinh viên.

Nếu như trước đây các hãng xác định laptop sinh viên chỉ là cấu hình đủ tốt để học tập thì với Aspire F5 phiên bản 2016, Acer đã như nhấn nút “F5 refresh” làm mới lại hoàn toàn laptop phân khúc sinh viên.

Không chỉ dừng lại ở mức đáp ứng nhu cầu học tập, Acer còn quan tâm đến trải nghiệm giải trí của sinh viên cũng như tính tiện dụng, thời trang, giúp Aspire F5 phiên bản 2016 thật sự là người bạn đồng hành lý tưởng trong suốt thời gian ở giảng đường đại học.

Thiết kế tổng thể hài hòa

Linh hoạt cấu hình

Phiên bản Aspire F5-573-34LE trang bị bộ xử lý Skylake thế hệ 6 Intel Core i3-6100U, đồ họa Intel HD Graphics 520, bộ nhớ RAM 4GB DDR4 cùng ổ cứng 500GB. Cấu hình này mang lại hiệu năng tốt cho các tác vụ văn phòng, lướt web, ứng dụng học tập cũng như giải trí với game online hay xem phim 4K.

Bên cạnh đó, máy còn được trang bị sẵn ổ quang ghi DVD thuận tiện trong việc cài phần mềm học tập hay ghi đĩa nộp báo cáo… Có lẽ bạn sẽ nghĩ thời bây giờ trang bị ổ quang là khá thừa thải, tuy nhiên ngoài việc dùng làm ổ quang, bạn hoàn toàn có thể tận dụng khay này để thay thế bằng một ổ SSD mà không phải hi sinh dung lượng lưu trữ lớn của ổ cứng bên trong (máy sẽ có 2 ổ cứng).

Máy được trang bị cổng USB Type C, công nghệ MU-MIMO cho Wi-Fi ổn định và mạnh

Đối với nhu cầu cao hơn, Acer cũng cung cấp phiên bản cao hơn chạy chip Intel Core i5-6200U với card đồ họa rời đời mới GT 940MX GDDR5.

Đáy máy còn được thiết kế rời dễ tháo lắp giúp dễ dàng nâng cấp RAM và ổ cứng khi cần một cách nhanh chóng.

Nắp đáy máy thiết kế rời, dễ nâng cấp, sửa chữa phần cứng

Sang trọng, tiện dụng, tự tin mang theo

Tâm lý chung mọi người đều muốn sở hữu một sản phẩm đẹp và sang trọng, và các bạn sinh viên cũng không ngoại lệ. Acer F5-573 trang bị vỏ nhôm được xử lý tạo hình vân vải độc đáo, mang lại vẻ sang trọng, khác biệt đồng thời cũng tăng độ chắc chắn, hạn chế trầy xước và tản nhiệt tốt hơn cho máy.

Vỏ máy và phần kê tay bằng nhôm

Bản lề của máy được thiết kế rất chắn chắn, có thể giữ máy vững ở nhiều góc độ khác nhau và người dùng cũng có thể dễ dàng dùng một tay để mở máy.

Và để đáp ứng nhu cầu học tập cả ngày ở nhiều nơi khác nhau, Acer F5 bản 2016 được trang bị viên pin cho thời gian sử dụng lên đến 12 tiếng, quá “chất” đối với một chiếc laptop sử dụng bộ xử lý Intel Core i, tiện dụng khi không cần phải lo tìm chỗ cắm điện, yên tâm “vác” máy đi mọi nơi cả một ngày dài.

Bàn phím của F5 có kích thước các phím lớn, hành trình phím đạt 1,7 mm, cao hơn 20% so với các hãng khác, mang lại trải nghiệm đánh máy tốt, thao tác gõ nhanh chính xác, không bị hiện tượng nhầm và cấn phím.

Ngoài ra, Acer còn trang bị cho F5 đèn backlit trắng bên dưới, giúp sinh viên dễ dàng làm đồ án trong đêm mà không phải mở đèn làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Bàn phím có cụm phím số

Touchpad được Acer làm nổi bật với vết cắt kim cương sáng bóng, hỗ trợ cảm ứng đa điểm tiện dụng, chạm hai ngón và trượt 4 hướng để cuộn trang, chạm ba ngón và trượt để chuyển đổi ứng dụng, chụm hoặc bung hai ngón để thu nhỏ và phóng lớn,....

Touchpad vát kim cương

Không quên giải trí

Tuy nằm trong phân khúc sinh viên nhưng Aspire F5 phiên bản 2016 vẫn trang bị màn hình Full HDcho hình ảnh, văn bản sắc nét, tăng không gian hữu dụng cho người dùng, giúp duyệt web nhiều tab hơn và chỉnh sửa ảnh thoải mái hơn.

Đối với các ứng dụng văn phòng như Word, Excel, người dùng cũng có không gian làm việc lớn dễ quan sát các đối tượng, mang lại trải nghiệm tốt hơn nhiều so với sử dùng màn hình HD (1.366x768 pixel) đang phổ biến trên hầu hết các dòng laptop trên thị trường.

Màn hình HD (1.366x768 pixel)

Công nghệ ExaColor mới được Acer giới thiệu trong năm nay cũng ứng dụng trên dòng F5 giúp tăng độ tương phản màu, nhiều chi tiết hơn với độ rộng dải màu đạt mức sRGB tương đương 72% NTSC.

Hệ thống loa sử dụng màng giấy kết hợp cùng công nghệ Acer TrueHarmony mang lại âm thanh thật và ấm. Khi xem phim, nghe nhạc hay chơi game, hệ thống loa cho âm thanh trong, rõ, không chói tai ngay cả khi ở âm lượng cao nhất.

Tóm lại với lượng pin 12 tiếng, màn hình Full HD, bàn phím backlit, vỏ nhôm cùng thiết kế dễ nâng cấp, Acer Aspire F5-573-34LE đã định nghĩa lại hoàn toàn trải nghiệm laptop sinh viên.

Hiện tại, Aspire F5 phiên bản 2016 có giá bán tham khảo là 10,799 triệu đồng. Máy bán ra được cài đặt hệ điều hành Linux, nhưng tương thích tốt với Windows 10.

 

Nguồn: PCWordVN

Người dùng tố cáo AMD RX480 làm hỏng mainboard

on .

Nhiều trường hợp bo mạch chủ đắt tiền đã phải mang đi bảo hành sau vài ngày gắn VGA tầm trung RX480.

 
 

Đây là một tin không hề vui đối với AMD. khi mà RX480 đang được coi là con át chủ bài của công ty phát triển phần cứng này. Được đặt rất nhiều kỳ vọng, nhưng xem chừng RX480 đang tới rất gần với định nghĩa về một quả "bom xịt". Từ hiệu quả tản nhiệt kém cho tới vấn đề gần đây nhất, làm hỏng chân cắm PCIe của các mainboard cao cấp.

Xin nhấn mạnh lại một lần nữa, VGA tầm trung của AMD có thể gây chết khe cắm PCIe của các mainboard cao cấp. Đã có khá nhiều phản hồi trên các trang mạng về tình trạng nói trên.

 

 

 

Một người dùng đã đăng tải lên diễn đàn của hãng AMD về vấn đề của mình, tiêu đề của bài viết nêu rõ thiệt hại do RX480 gây ra, "Khe cắm PCI-E hỏng vì RX480".

Cụ thể, sau 7 tiếng liên tục trải nghiệm "bom tấn" The Witcher 3 Blood and Wine sử dụng VGA mới tậu là RX480 thì vấn đề xuất hiện, màn hình tối đen và ngay sau đó máy tính cũng dừng hoạt động. Thử restart vài lần nhưng mọi thứ vẫn vậy. Rất may, mainboard mà người dùng xấu số sử dụng lúc đó có thể báo lỗi thông qua màn hình LED nhỏ nằm ở góc của bo mạch chủ, và mã báo lỗi này dẫn anh ta tới vấn đề "Không có VGA".

 

 

 

Tưởng rằng RX480 là nạn nhân, nhưng khi thử lại với chiếc VGA GTX 750Ti cũ, vấn đề vẫn không được giải quyết. Thử lại bằng cách gắn RX480 xuống cổng PCI-E phía dưới thì máy lại có thể hoạt động bình thường.

Như vậy, vấn đề nằm tại khe cắm PCI-E, một trong số chúng đã hỏng, và "tác giá" không phải ai ngoài AMD RX480.

Một trường hợp khác, mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn, mainboard ASUS SABERTOOTH của nạn nhân thứ 2 không chỉ gặp vấn đề với cổng PCI-E đầu tiên (nơi cắm RX480), mà cả 2 khe PCI-E x16 còn lại cũng không thể tiếp tục hoạt động. Được biết trước đó người dùng này đã tiến hành ép xung RX480 lên mức 1350MHz (mặc định 1080MHz).

 

 

 

Điểm chung của 2 trường hợp nói trên đều sử dụng các sản phẩm mainboard cao cấp, trùng hợp cả 2 đều là một dàn máy với bo mạch (chipset 970) và CPU của AMD. Có lẽ vấn đề này sẽ làm đau đầu ban điều hành của Advanced Micro Devices khi thế hệ VGA Polaris đang được coi là "cứu cánh" cuối cùng của tập đoàn này trong lĩnh vực card đồ họa máy tính.

Nguyên nhân của sự việc

Trước khi ghi nhận những trường hợp hỏng hóc đầu tiên như đã nói, đã có không ít đồn đoán trên nhiều diễn đàn về PC cho rằng AMD RX 480 tiêu thụ nhiều điện hơn so với thông số kỹ thuật mà nhà sản xuất đưa ra.

Khi ra mắt VGA mới của mình, AMD cho biết thông số TDP (Điện năng thiết kế tối đa) là 150W cấp vào thông nguồn phụ 6-pin và chân PCI-E 3.0. Nhưng nhiều người dùng và reviewer đã phản hồi lại về những hiện tượng bất thường khi họ đo được có những lúc điện năng sử dụng lên tới 155 - 160W. Ghi nhận về nhiều trường hợp cả khi ép xung hay chạy với xung nhịp mặc định.

 


Nguồn phụ 6-pin vốn chỉ có khả năng cung cấp 75watt.

Nguồn phụ 6-pin vốn chỉ có khả năng cung cấp 75watt.

 

Và vấn đề xuất hiện từ đó. Trên lý thuyết, nguồn phụ 6-pin có khả năng cung cấp 75W cho VGA, cổng PCI-E 3.0 cũng chỉ có khả năng cấp điện tương tự, 75W. Tưởng rằng TDP 150W là hoàn hảo dành cho RX480, một mức điện năng tiêu thụ khá ấn tượng, đặc biệt khi so với các thế hệ VGA của AMD trước đây.

Nhưng chính việc thiết kế nguồn cấp điện "hơi thiếu" như vậy đã dẫn tới tình trạng không đủ điện áp, và gây hại cho một trong 2 nguồn cấp điện, ở đây là khe cắm PCI-E. Vẫn chưa rõ tại sao chỉ riêng các mainboard đắt tiền là gặp phải vấn đề này, nhưng nhiều khả năng các bo mạch chủ này có một số tiêu chuẩn không tương thích hoàn toàn với RX480 nói riêng, và có thể là toàn bộ thế hệ VGA Polaris tới đây.

AMD vẫn chưa có bất cứ phát ngôn chính thức nào về vấn đề này, cũng như chưa xác nhận hỏng hóc nói trên có nguồn gốc từ RX480. Cho tới thời điểm này, rất khó để nói rằng AMD đã gian lận hay chủ quan khi thiết kế nguồn điện và đưa ra thông số kỹ thuật, nhưng chắc chắn người dùng mong muốn sớm có lời giải thích từ lãnh đạo "đội Đỏ".

Còn đối với những ai đã sớm sở hữu AMD RX480, hãy đảm bảo trong thời gian này bạn không sử dụng các tính năng ép xung thông trên VGA. Ngoài ra, cũng nên thường xuyên theo dõi các thông số của card đồ họa này trong quá trình sử dụng.

 

Nguồn: GENK.VN

MobiFone thử nghiệm mạng 4G, người dùng cần biết g​ì?

on .

TTO - Ngày 1-7-2016, nhà mạng MobiFone đưa vào thử nghiệm mạng 4G tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Người dùng có thể đăng ký hoặc đổi SIM 4G từ hôm nay.

Nhà mạng MobiFone bắt đầu cho đăng ký và đổi SIM 4G từ ngày 1-7-2016 - Ảnh: T.Trực

Ngày 1-7-2016, nhà mạng MobiFone thử nghiệm dịch vụ mạng 4G và truyền hình trả tiền trên nền MobiTV bên cạnh việc chính thức ra mắt đường trục truyền dẫn Bắc - Nam. 

Tốc độ thử nghiệm mạng 4G ngày 1-7 tại Trung tâm dịch vụ MobiFone (Q1, TP.HCM) vào khoảng 240 Mbps (Megabit/giây) cho tốc độ tải về (download) và 40 Mbps tốc độ tải lên (upload). 

* Xem clip: Tốc độ mạng 4G thử nghiệm của MobiFone

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện MobiFone cho biết tại TP.HCM, nhà mạng này đang thử nghiệm tại các quận 1, 3, 5, 7, 10 và Tân Bình. Trong đó khu vực quận 1 và 7 có sóng mạng 4G mạnh nhất. Các khu vực còn lại chỉ có ở một vài tuyến đường.

* Xem: Mạng 4G và những điều cần biết

Về mật độ trạm phát sóng 4G, TP.HCM có 100 trạm phát, trong đó, khu vực quận 1 có đến 57 trạm, quận 7 có 37 trạm, quận 10 có 3 trạm. Các quận 5, 10, Tân Bình, mỗi nơi hiện chỉ có 1 trạm.

Khu vực Hà Nội có 150 trạm phát, Đà Nẵng có 70 trạm phát.

Khách hàng trải nghiệm mạng 4G tại Trung tâm dịch vụ MobiFone (TP.HCM) ngày 1-7-2016 - Ảnh: T.Trực
Khách hàng trải nghiệm mạng 4G tại Trung tâm dịch vụ MobiFone (TP.HCM) ngày 1-7-2016 - Ảnh: T.Trực

Với người dùng iPhone, Apple đã đồng ý mở dịch vụ 4G cho các máy iPhone đang sử dụng mạng MobiFone, đồng nghĩa với việc các khách hàng là thuê bao MobiFone sử dụng những dòng máy iPhone cập nhật hệ điều hành iOS mới nhất đều có thể trải nghiệm mạng 4G LTE.

* Chi tiết: Apple mở mạng 4G cho iPhone tại Việt Nam

Khách hàng đăng ký mạng 4G tại Trung tâm dịch vụ MobiFone (TP.HCM) ngày 1-7-2016 - Ảnh: T.Trực

Để kích hoạt dùng mạng 4G trên các dòng iPhone, khách hàng phải cập nhật hệ điều hành iOS mới nhất. Sau đó, vào phần: Cài đặt > Cài đặt chung > Giới thiệu > Kiểm tra nhà cung cấp (Settings > General > About > Carrier).

Với smartphone dùng Android, tùy thuộc giao diện sử dụng, người dùng vào Settings (Cài đặt) > More > Mobile networks (mạng di động). Tại đây, chọn chế độ kết nối mạng ở Network mode > GSM/WCDMA/LTE auto. Theo đó, máy sẽ tự động kết nối vào mạng 4G LTE hoăc 3G tùy thuộc vào khu vực có hỗ trợ và theo gói cước đăng ký.

Ngoài ra theo MobiFone, một số smartphone của các thương hiệu khác đang có mặt tại thị trường Việt Nam cũng sử dụng được mạng 4G MobiFone. 

 

Nguồn: Tuổi Trẻ online