NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Vì sao ngành công nghệ lại 'làm thân' với chính quyền Trump 2.0?

Viết bởi Huỳnh Bảo Hân on . Posted in Tin tức

Khi ông Donald Trump tuyên thệ chậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ ngày 20/1, vây quanh ông là những tên tuổi lớn nhất giới công nghệ.

Tại lễ nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump ngày 20/1, hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành công nghệ đã có mặt: CEO Tesla Elon Musk, CEO Apple Tim Cook, CEO Meta Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, CEO TikTok Shou Zi Chew.

Họ không chỉ xuất hiện trong lễ nhậm chức mà một số người còn là những nhà tài trợ nhiều nhất cho tổng thống kể từ chiến thắng tháng 11/2024.

CEO Tesla Elon Musk (ở giữa) và CEO Alphabet Sundar Pichai (đeo kính) theo dõi lễ nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump ngày 20/1. Ảnh: USA Today

 CEO Tesla Elon Musk (ở giữa) và CEO Alphabet Sundar Pichai (đeo kính) theo dõi lễ nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump ngày 20/1. Ảnh: USA Today

Dù nhiều lãnh đạo công nghệ cũng quyên góp cho quỹ nhậm chức của cựu Tổng thống Joe Biden, lần này lại tương đối khác biệt.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump xung đột với các giám đốc công nghệ như Bezos và Zuckerberg, thậm chí còn đe dọa bỏ tù Zuckerberg.

Theo nhà phân tích Gene Munster, nó nói lên hai điều: một là, trong 5 năm qua, các hãng công nghệ hiểu được Washington đóng vai trò nhân tố “X” quan trọng trong tương lai của họ; hai là ông Trump xem trọng lòng trung thành mà một cách để thể hiện là qua ủng hộ tài chính.

Bezos và Zuckerberg có thể được hưởng lợi nhiều nhất khi thay đổi quan hệ với tân Tổng thống. Bezos có mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu, một phần vì ông sở hữu tờ The Washngton Post. Ông Trump thường xuyên “lời qua tiếng lại” với Bezos trên mạng vì những bài viết của tờ báo về mình.

Trước cuộc bầu cử 2024, Bezos ngăn chặn ban biên tập ủng hộ Phó Tổng thống Kalama Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với lý do nó tạo ra thiên kiến. Hàng trăm nghìn độc giả của tờ báo đã hủy bỏ gói đăng ký để phản đối quyết định của Bezos.

Cựu CEO Amazon đang điều hành Blue Origin – đối thủ của SpaceX. Đứng về phía ông Trump đồng nghĩa với những cơ hội tốt hơn để giành hợp đồng chính phủ trong những năm tiếp theo. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi Musk đang là cố vấn thân cận của ông Trump.

Zuckerberg cũng không khác gì Bezos. Ông Trump từng tố cáo CEO Meta ngăn chặn những tiếng nói bảo thủ trên các nền tảng của mình. Mọi thứ tồi tệ hơn khi Zuckerberg đình chỉ tài khoản của ông Trump sau vụ bạo động Đồi Capitol ngày 6/1/2020.

Khi ông Trump có dấu hiệu sẽ thắng cử, Zuckerberg cũng thay đổi để giành được cảm tình của ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Mới đây, công ty thông báo loại bỏ chương trình xác thực nội dung bên thứ ba để theo đuổi cái gọi là ghi chú cộng đồng.

Zuckerberg cũng chấm dứt chương trình đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, một chính sách được cho là không thuận mắt tân Tổng thống Mỹ.

Theo Zeus Kerravala, nhà sáng lập kiêm nhà phân tích trưởng hãng nghiên cứu ZK, tất cả các lãnh đạo đều ủng hộ bằng tiền. Chính quyền Trump 2.0 sẽ nghiêng về phía doanh nghiệp và họ đang quyên góp số tiền lớn để bảo đảm họ có tiếng nói khi các chính sách được soạn thảo.

Những công ty AI như OpenAI đều quyên góp cho quỹ nhậm chức của ông Trump. Ngành công nghiệp AI phát triển nhanh chóng, họ khao khát muốn đóng góp ý kiến của mình liên quan đến những quy định quản lý trong tương lai.

Trong khi đó, CEO Apple Tim Cook sẽ muốn thảo luận về thuế quan và ảnh hưởng của nó đến doanh thu của công ty, chưa kể “táo khuyết” đang gặp nhiều vấn đề độc quyền.

Về phần mình, Microsoft và Google có thể hưởng lợi vào thời điểm doanh nghiệp khắp nơi đang đối mặt với giám sát ngày càng tăng xoay quanh mua bán, sáp nhập.

Đồng sáng lập Microsoft Bill Gates chia sẻ, ông đã có cuộc trò chuyện kéo dài 3 tiếng đồng hồ với ông Trump về các vấn đề y tế toàn cầu.

Hiện tại, giới công nghệ đều cần phải tiếp tục làm việc nhằm đảm bảo các nỗ lực kết thân với ông Trump được đền đáp. Chuyên gia Munster nhận xét: “Đây chỉ là thực tế của việc điều hướng trong thế giới ngày càng mang tính chính trị cao hơn".

(Theo Yahoo Finance)

Cách một học sinh trung học kiếm 12 triệu đô la nhờ AI: Từ 0 đến đỉnh cao!

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin tức

Cal AI là ứng dụng dinh dưỡng sử dụng công cụ AI: GPT Wrapper, được phát triển bởi Zach Yadegari, một học sinh trung học 17 tuổi. Ứng dụng đạt hơn 1 triệu lượt tải xuống, doanh thu hàng năm 12 triệu đô la và có 17 nhân viên toàn thời gian.

Zach Yadegari

Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), Zach Yadegari, 17 tuổi, đang tạo cơn sốt trong lĩnh vực công nghệ sức khỏe và thể hình. Là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Cal AI - một ứng dụng theo dõi dinh dưỡng, chàng trai trẻ này sẵn sàng thách thức các "ông lớn" trong ngành với sức mạnh của AI và chiến lược tiếp thị sáng tạo.

Cal AI: Từ thất vọng đến tăng trưởng "vượt bậc" với chiến lược tiếp thị thông minh

Ra mắt vào tháng 5/2024, Cal AI ra đời từ chính sự thất vọng của Yadegari với các ứng dụng theo dõi dinh dưỡng hiện có. Anh chia sẻ: "Tôi đã cố gắng theo dõi lượng calo của mình bằng một ứng dụng phổ biến trên cửa hàng ứng dụng, nhưng chỉ sau ba ngày, tôi đã cảm thấy quá khó khăn và tẻ nhạt".

Ứng dụng Cal AI so với các đối thủ cạnh tranh. Cal AI mang đến những tính năng vượt trội so với các ứng dụng "cũ kỹ" bằng cách tích hợp cơ sở dữ liệu thực phẩm mở rộng, quét mã vạch, quét bữa ăn và mô tả bữa ăn bằng ngôn ngữ tự nhiên, giải quyết những hạn chế của các trình theo dõi dinh dưỡng truyền thống.

Từ đó, Yadegari đã tự xây dựng Cal AI bằng công cụ GPT Wrapper. Điểm mấu chốt của ứng dụng nằm ở công nghệ nhận dạng hình ảnh AI, có khả năng ước tính hàm lượng dinh dưỡng với độ chính xác lên đến 90% trong điều kiện ánh sáng tự nhiên. Yadegari tự tin khẳng định: "Con số này vượt xa độ chính xác của thông tin trên nhãn dinh dưỡng, vốn có thể sai lệch đến 20%."

Chỉ sau 6 tháng ra mắt, Cal AI đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc:

Hơn 1 triệu lượt tải xuống
Doanh thu hàng năm đạt 12 triệu đô la
Đội ngũ 17 nhân viên toàn thời gian
Trung bình mỗi người dùng ghi lại 4 bữa ăn mỗi ngày

Bí quyết thành công của Cal AI nằm ở chiến lược tiếp thị người có sức ảnh hưởng "dựa trên mối quan hệ". Yadegari và nhóm của mình đã nhờ vào quảng cáo trên các nhóm Facebook, mở rộng quy mô học viên nhanh chóng. Được truyền cảm hứng từ những bộ phim như "The Social Network", Yadegari khao khát xây dựng một dự án kinh doanh có thể mở rộng quy mô và mang lại sự độc lập tài chính.

Yadegari giải thích: "Các công ty lớn thường thất bại vì họ không đủ linh hoạt để thích ứng nhanh chóng với tốc độ thay đổi chóng mặt của truyền thông xã hội và AI".

Yadegari đã xác định rằng phần lớn người dùng của Cal AI chủ yếu là những người trẻ tuổi từ 15-25. Hiện tại, công ty đang nỗ lực mở rộng ra các đối tượng người dùng lớn tuổi hơn bằng cách thiết kế các chiến lược tiếp thị phù hợp.

Ứng dụng AI thay đổi cách thức kinh doanh của thế hệ công nghệ

Yadegari cùng nhóm của anh đại diện cho một thế hệ lãnh đạo công nghệ đầy sáng tạo. Langmack, cũng 17 tuổi như Yadegari, không được đào tạo chính thức về công nghệ nhưng vẫn phát triển kỹ năng lập trình ấn tượng. Yadegari điều hành ứng dụng này trong khi hoàn thành chương trình trung học. Anh ấy quản lý nhóm của mình từ xa, sử dụng Slack trong giờ học và lên lịch gọi điện sau giờ học.

Sự thành công của Yadegari và Cal AI không chỉ là một câu chuyện cá nhân mà còn là một biểu tượng cho tiềm năng không ngừng của thế hệ trẻ. Họ không chỉ đang thay đổi cách chúng ta sử dụng công nghệ mà còn mở ra những con đường mới cho tương lai của các ngành công nghiệp truyền thống. Sự kết hợp giữa công nghệ, sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp đang dẫn dắt một xu hướng toàn cầu.

GPT Wrapper: Công cụ đột phá cho mọi đối tượng

GPT Wrapper là một ứng dụng hoặc công cụ được thiết kế để mở rộng chức năng của AI tạo sinh (GenAI). Nó hoạt động như một giao diện người dùng (UI) hoặc trải nghiệm người dùng (UX) trên các lệnh gọi API đến GenAI, tạo ra cầu nối giữa người dùng và công nghệ AI phức tạp. Thông qua GPT Wrapper, người dùng có thể dễ dàng truy cập và tương tác với các tính năng mạnh mẽ của AI, từ đó mở ra những cơ hội mới trong việc phát triển ứng dụng và giải pháp kinh doanh.

- Tiềm năng kinh doanh: Doanh nghiệp và nhà phát triển có thể tích hợp công nghệ AI vào ứng dụng của họ mà không cần phải hiểu sâu về mã nguồn, biến các API GenAI thành các sản phẩm có thể thương mại. Ví dụ như Cal AI đã chứng minh được sự thành công trong việc cung cấp giải pháp AI cho khách hàng.

- Tính đa năng: GPT Wrapper có đa dạng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: trợ lý viết, ứng dụng học ngôn ngữ, Chatbot

- Kỹ thuật và hiệu quả: Về mặt kỹ thuật, GPT Wrapper thực hiện các lệnh gọi API để tương tác với mô hình ngôn ngữ, giúp cải thiện khả năng quản lý ngữ cảnh trong các cuộc hội thoại.

GPT Wrapper không chỉ dành riêng cho lập trình viên mà còn mở rộng cho mọi đối tượng nhờ vào nền tảng không cần mã và giao diện thân thiện. Bất kỳ ai, từ học sinh trung học đến các bà mẹ, đều có thể tạo ứng dụng riêng.

Yadegari, một học sinh trung học, đã chứng minh rằng với sáng tạo và quyết tâm, truyền cảm hứng biến biến ý tưởng thành sản phẩm thay đổi cuộc sống, từ khởi đầu khiêm tốn đến thương hiệu triệu đô.

Hiện nay, cộng đồng sử dụng GPT Wrapper đang phát triển với nhiều hội nghị và buổi gặp gỡ trực tuyến, không chỉ củng cố tinh thần cộng đồng mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và kết nối giữa các chuyên gia công nghệ và AI.

Sự phát triển nhanh chóng của GPT Wrapper không chỉ hỗ trợ cuộc sống hàng ngày mà còn mở ra cơ hội kinh doanh và sáng tạo mới. Những ý tưởng đầy hứa hẹn từ các nhà phát triển trẻ sẽ đem đến nhiều điều thú vị cho thế giới công nghệ. Cal AI minh chứng cho điều đó, cho thấy rằng sự sáng tạo và quyết tâm có thể biến bất kỳ ý tưởng nào thành công cụ thay đổi cuộc sống. Chúng ta sẽ còn thấy nhiều điều thú vị hơn từ thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết này.

Minh Phú

Nguồn: https://baomoi.com/cach-mot-hoc-sinh-trung-hoc-kiem-12-trieu-do-la-nho-ai-tu-0-den-dinh-cao-c51436307.epi?utm_source=dapp&utm_campaign=share

Con đường trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về AI

Viết bởi Huỳnh Bảo Hân on . Posted in Tin tức

Các doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi đón nhận những cơ hội kinh tế lớn, tăng năng suất và mở rộng sang các thị trường mới nhờ ứng dụng các sản phẩm và giải pháp tích hợp trí tuệ nhân tạo...

 

Theo Báo cáo tác động kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng số tại Việt Nam của Access Partnership phát hành gần đây, hành trình phát triển kinh tế của Việt Nam rất ấn tượng. Từ một trong những quốc gia có thu nhập thấp nhất, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gấp 6 lần chỉ trong chưa đầy 40 năm. Với đà phát triển này, Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tại hội thảo “Kiến tạo tương lai AI cho Việt Nam” gần đây, ông Andrew Ure, Giám đốc về Chính sách công và Quan hệ chính phủ của Google, cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Nền kinh tế Việt Nam sẽ đi lên với “chất xúc tác” là AI.

Cụ thể, Việt Nam có dân số trẻ, thành thạo sử dụng các công nghệ số, đây là một tài sản lớn, vì AI phụ thuộc nhiều vào hạ tầng và kỹ năng số. Tuy nhiên, theo đại diện Google, để khai thác tối đa tiềm năng AI, cần nhiều thứ hơn là chỉ đầu tư vào công nghệ.

AI KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI DO CÁC QUỐC GIA GIÀU CÓ DẪN ĐẦU

“Có thể hình dung hệ sinh thái AI như một kim tự tháp ngược với ba lớp chính: lớp nền tảng là hạ tầng phần cứng, tính toán và bộ xử lý đồ họa (GPU); lớp ứng dụng là người dùng cuối sử dụng các công nghệ AI; lớp quan trọng nhất chính là lớp xây dựng - nơi tạo ra nhiều giá trị nhất. Đây là khu vực mà các nhà phát triển sẽ sử dụng các mô hình nền tảng, dù là mã nguồn mở hay thương mại, để tạo ra các ứng dụng AI”, ông Andrew Ure giải thích.

Lớp xây dựng này chính là các nhà phát triển ứng dụng và doanh nghiệp nhỏ, những người tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Lớp xây dựng trong hệ sinh thái AI của Việt Nam dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ vào các điều kiện nhân khẩu học và chính sách thuận lợi. Tầng này hứa hẹn sẽ tạo ra giá trị kinh tế đáng kể và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Chính vì vậy, AI được dự báo sẽ kích thích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.

“Nhìn lại lịch sử, hầu hết các công nghệ mới khi được triển khai đều rất tốn kém và bị giới hạn bởi vấn đề phân phối. Điều này thường khiến các quốc gia giàu có trở thành những nước đi đầu trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ”, ông Ure chia sẻ.

Tuy nhiên, cách AI được triển khai lại hoàn toàn khác biệt. Thay vì phụ thuộc vào phần cứng, AI chủ yếu được vận hành qua đám mây (cloud-driven). Do đó, ông Ure cho biết: “AI không nhất thiết phải do các quốc gia giàu có dẫn đầu. Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực AI.

Tại Google, chúng tôi tin rằng AI có tiềm năng trở thành một lực lượng đột phá, mang lại lợi ích to lớn cho toàn thế giới. Công nghệ này không chỉ giúp giải quyết các thách thức cấp bách mà còn mở ra nhiều cơ hội mới, đặc biệt cho người dân Việt Nam. Điều quan trọng là phải hiện thực hóa tiềm năng đó bằng cách biến các ý tưởng trừu tượng thành những ứng dụng cụ thể và khai thác sức mạnh chuyển đổi mà AI mang lại”.

CƠ HỘI ĐẠT 1.890 NGHÌN TỶ ĐỒNG VÀO NĂM 2030

“AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, từ ngành bán lẻ đến y tế. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tiềm năng lợi ích kinh tế mà AI mang lại cho Việt Nam về mặt tăng trưởng doanh thu và tiết kiệm chi phí là rất đáng kể”, ông Abhineet Kaul, Giám đốc Dịch vụ khách hàng của Access Partnership, cho hay.

 

Theo ông Abhineet Kaul, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở vị thế thuận lợi để đón nhận những cơ hội kinh tế lớn, bao gồm việc tăng năng suất và mở rộng sang các thị trường mới nhờ ứng dụng các sản phẩm và giải pháp có tích hợp AI. Dự kiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, bán lẻ và cơ sở hạ tầng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Khảo sát của Công ty dịch vụ tài chính Finastra vào năm 2023 cho thấy có 44% tổ chức tài chính tại Việt Nam đã xây dựng các sáng kiến để triển khai hoặc nâng cấp công nghệ AI trong 12 tháng qua. Về đầu tư mạo hiểm, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về quy mô đầu tư, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các khoản vốn đầu tư vào AI.

“Điều này không chỉ phản ánh mức độ quan tâm lớn của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các công cụ có tích hợp AI, mà còn cho thấy tiềm năng mà các nhà đầu tư nhìn thấy trong đổi mới sáng tạo liên quan đến AI tại Việt Nam, báo hiệu triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Abhineet Kaul nhận định.

Theo nghiên cứu của Access Partnership, tiềm năng từ AI tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên tới 1.890 nghìn tỷ đồng (79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030, nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi.

Người dân Việt Nam cũng có mức độ ủng hộ công nghệ AI cao đáng kể, với 70% người lao động Việt Nam đã áp dụng các công cụ AI tạo sinh vào công việc và thêm 11% số người lao động dự kiến sẽ áp dụng trong thời gian tới. 54% người lao động cho rằng AI nâng cao hiệu suất và cải thiện chất lượng công việc trong các lĩnh vực như viết lách, thiết kế và phát triển ý tưởng; 45% sử dụng AI để tự động hóa các đầu việc thường nhật, giúp họ có thêm thời gian tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược hơn. Tinh thần tích cực này tạo ra môi trường thuận lợi cho việc áp dụng và phát triển các ứng dụng AI trên toàn nền kinh tế.

CHIẾN LƯỢC AI CẦN THỰC HIỆN TÁO BẠO, CÓ TRÁCH NHIỆM 

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết Việt Nam hiện đang triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, được xem là "cốt lõi" của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để góp phần thực hiện thành công chương trình này, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, như Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (2021-2030), nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu về đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng các giải pháp AI. Đây là dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang tập trung vào việc khai thác lợi ích của AI cho tương lai của Việt Nam.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào các công việc cụ thể. Chẳng hạn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ứng dụng các Trợ lý ảo tiếng Việt (TLA) dựa trên công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và mô hình ngôn ngữ nhỏ (SLM) hỗ trợ cho các cán bộ xử lý công việc hàng ngày; Bộ Tài chính đã áp dụng các giải pháp AI trong công tác hải quan và thuế để quản lý rủi ro và ngăn ngừa gian lận; Hà Nội và một số địa phương đã sử dụng giải pháp Camera AI để giám sát các hoạt động theo thời gian thực trên địa bàn tỉnh, thành phố...

Những ứng dụng AI này đã bước đầu góp phần giúp nâng cao hiệu quả công việc hàng ngày của các cán bộ, đồng thời tối ưu hóa các quy trình cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

 

Ông Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ

Tuy vậy, theo ông Cù Kim Long, trong quá trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam, các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp số và các cơ quan đơn vị cũng còn gặp phải nhiều khó khăn, trong đó có ba thách thức chủ yếu sau.

Thứ nhất, nguồn dữ liệu huấn luyện các mô hình AI vẫn khó tiếp cận và chất lượng dữ liệu thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế (đặc biệt dữ liệu miền tiếng Việt).

Thứ hai, hạ tầng số (đặc biệt là các hạ tầng thu thập, phân tích xử lý dữ liệu và hạ tầng tính toán) phục vụ triển khai các mô hình, thuật toán AI còn rất hạn chế. Các hạ tầng được đầu tư, trang bị tại nhiều lab nghiên cứu AI chỉ phù hợp với các bài toán quy mô nhỏ và cho hệ thống hoạt động riêng lẻ.

Do đó, nhiều mô hình AI đã được nghiên cứu trong môi trường lab được công bố với kết quả tốt, nhưng khi triển khai ứng dụng vào thực tiễn với bài toán quy mô lớn thì hiệu quả chưa cao, thậm chí còn gặp khó khăn khi triển khai thực tế vì các yêu cầu kết nối liên thông, chia sẻ, phân phối dữ liệu với các hệ thống khác đang vận hành đảm bảo hoạt động liên tục ổn định và an toàn dữ liệu.

Thứ ba, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ phát triển sản phẩm AI cũng là một thách thức không nhỏ. Để đào tạo, huấn luyện tăng cường đội ngũ kỹ sư AI thường phải mất 3-5 năm trong môi trường lab chuyên nghiệp, trong khi đó các chuyên gia AI phải dành hàng chục năm nghiên cứu chuyên sâu thì mới có khả năng làm chủ nghiên cứu tạo ra sản phẩm và giải pháp AI chất lượng.

Hơn nữa, chuyên gia AI cũng phải là người thường xuyên "lăn lộn" tham gia triển khai các hệ thống tác nghiệp trong thực tế tại các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thì mới có thể triển khai được các giải pháp AI ở quy mô lớn một cách đồng bộ, hiệu quả.

Theo ông Cù Kim Long, để vượt qua thách thức trên, Việt Nam rất cần hình thành các mô hình hợp tác "đa nhà", gồm: Nhà nước (ban hành văn bản chính sách, hướng dẫn nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI); Nhà doanh nghiệp số (sản xuất sản phẩm AI); Nhà trường (đào tạo nhân lực AI); Nhà nghiên cứu (phát triển mô hình/thuật toán AI); Nhà đầu tư (kinh phí cho nghiên cứu, phát triển các sản phẩm AI); Nhà phân phối (đưa sản phẩm, giải pháp AI ra thị trường); Nhà ứng dụng (sử dụng các sản phẩm AI).

Trí tuệ nhân tạo thống trị các giải thưởng của Hiệp hội Báo chí Thế giới

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin tức

Các dự án liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) đã thống trị lễ trao 12 giải thưởng Truyền thông Kỹ thuật số Toàn cầu của Hiệp hội Báo chí và Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA), giải thưởng nhằm tôn vinh những sáng tạo xuất sắc trong lĩnh vực truyền thông số.

Sức mạnh của AI trong báo chí hiện đại

Russmedia của Áo đã giành giải Sử dụng AI tốt nhất trong phòng tin tức với sáng kiến “Russmedia gặp AI”, nâng cao hiệu quả của tòa soạn và sự tương tác của độc giả thông qua các nâng cấp CMS hỗ trợ AI, tìm kiếm hình ảnh tự động và các chiến lược nội dung phù hợp.

Stefan Sutterlüty, Trưởng phòng Cổng thông tin tin tức của Russmedia cho biết: “Bằng cách tích hợp AI, chúng tôi hướng đến mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái năng động, nơi công nghệ và sự sáng tạo của con người cùng hoạt động. Khả năng xử lý các tác vụ thường ngày của AI cho phép các biên tập viên của chúng tôi dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc phỏng vấn chuyên sâu và nghiên cứu kỹ lưỡng, tạo ra những câu chuyện hấp dẫn thực sự đặt con người vào vị trí trung tâm”.

Đại diện của những tổ chức chiến thắng.

Tương tự, Newslaundry của Ấn Độ đã được trao giải Sản phẩm kỹ thuật số sáng tạo nhất. Newslaundry tạo ra một mô hình kinh doanh độc đáo cho báo chí: một ứng dụng tin tức không quảng cáo, được duy trì bởi sự ủng hộ của cộng đồng. Nhờ vào các tính năng sáng tạo như podcast, AI và hỗ trợ người khuyết tật, Newslaundry đã thu hút được hơn 50.000 người đăng ký trả phí, chứng tỏ sự thành công của mô hình này ngay cả trong một thị trường khó tính như Ấn Độ.

"Chúng tôi đã nhận ra rằng AI có thể giúp chúng tôi tự động hóa nhiều công việc lặp đi lặp lại, giúp phóng viên có nhiều thời gian hơn để tập trung vào những công việc sáng tạo và có giá trị hơn. Thay vì sử dụng những công cụ AI có sẵn, chúng tôi đã phát triển những giải pháp riêng biệt, phù hợp với nhu cầu cụ thể của phòng tin tức", ông Chitranshu Tewari, Giám đốc Sản phẩm và Doanh thu chia sẻ.

Newslaundry của Ấn Độ đã được trao giải Sản phẩm kỹ thuật số sáng tạo nhất.

United Daily News Group của Đài Loan đã đạt được một thành công vang dội với chương trình Curate X khi giành giải Sản phẩm đăng ký kỹ thuật số tốt nhất. Nhờ việc tận dụng dữ liệu để cá nhân hóa nội dung và nhắm mục tiêu đến từng đối tượng độc giả, chương trình này đã giúp tăng trưởng số lượng người đăng ký lên tới 280% và tỷ lệ người dùng trả phí tăng 180%.

Sự hiện diện đa nền tảng

Ekstra Bladet, Đan Mạch, đã giành giải Sử dụng AI tốt nhất trong Chiến lược doanh thu bằng cách tăng 35 phần trăm đăng ký thông qua dự án Platform Intelligence in News (PIN). Sử dụng các công cụ do AI điều khiển để cá nhân hóa, kết nối nội dung và tự động hóa tin tức, nhà xuất bản đã đạt được lượng độc giả, tỷ lệ nhấp và tăng trưởng đăng ký cao hơn.

Tại Ấn Độ, The Hindu đã giành được giải Best in Audience Engagement với chiến dịch Made of Chennai. Tôn vinh sự đa dạng và văn hóa của thành phố, chiến dịch kết hợp các sự kiện tương tác và nội dung kỹ thuật số để tiếp cận hơn 20 triệu người trực tuyến và thu hút 200.000 người trực tiếp, củng cố lòng trung thành với thương hiệu và thúc đẩy mối liên kết cộng đồng sâu sắc hơn.

Bonnier News tại Thụy Điển đã giành giải thưởng Quảng cáo địa phương tốt nhất với chiến dịch của mình cùng Quỹ Tim-Phổi Thụy Điển. Bằng cách kết hợp hài hòa giữa nội dung chất lượng và tính năng quyên góp trực tiếp, chiến dịch đã không chỉ thu hút được lượng lớn độc giả mà còn đạt được kết quả vượt trội về mặt doanh thu. Việc tăng gấp năm lần số lượt xem trang và 40% thời gian đọc chứng tỏ sự thành công của chiến dịch trong việc thu hút sự quan tâm của độc giả.

Patrik Hermansson, Trưởng nhóm Native, Bonnier News nhấn mạnh: "Chìa khóa thành công của chiến dịch nằm ở việc chúng tôi không ngừng thử nghiệm và điều chỉnh các chiến lược để phù hợp với nhu cầu của độc giả."

Reclaim Your Brain và được trao giải Bản tin hay nhất.

The Guardian US đã thiết lập một tiêu chuẩn mới với bản tin Reclaim Your Brain và được trao giải Bản tin hay nhất. Bản tin đã thu hút 90.000 người đăng ký trong tháng đầu tiên và đạt 5 triệu lượt xem trên toàn cầu, thúc đẩy sự tương tác đáng kể.

"Chúng tôi muốn tạo ra một cộng đồng nơi mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau tìm cách giảm thiểu thời gian sử dụng điện thoại. Bằng cách cung cấp những thông tin hữu ích và các công cụ hỗ trợ, chúng tôi hy vọng sẽ giúp mọi người cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn khi sử dụng các thiết bị điện tử. Mục tiêu của chúng tôi là giúp mọi người có một cuộc sống cân bằng hơn, nơi họ có thể tận hưởng cả thế giới trực tuyến và thực tế", Max Benwell, biên tập viên về Tương tác với độc giả cho biết.

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông (Trung Quốc) đã giành giải Sử dụng video tốt nhất cho SCMP Films, hãng đã sản xuất các video dài có sức ảnh hưởng về các vấn đề xã hội, chính trị và môi trường trên khắp châu Á, đạt 40 triệu lượt xem vào năm 2023.

Food For Mzansi, Nam Phi, đã giành giải Podcast hay nhất cho Farmer's Inside Track , một nguồn tài nguyên nông nghiệp quan trọng với hơn 400 tập và số lượng thành viên ngày càng tăng lên tới 53.000.

Sự xuất sắc trong việc cá nhân hóa và kể chuyện

Amedia của Na Uy đã giành giải Trang web tin tức tốt nhất cho dịch vụ ALT của mình, cung cấp dịch vụ biên tập tin tức được cá nhân hóa từ hơn 100 đầu mục. Với 60.000 người dùng hàng tuần và tổng cộng 400.000 người đăng ký, thành công của ALT nằm ở phản hồi của người dùng và thông tin chi tiết về dữ liệu, thúc đẩy 100 lượt đăng ký mới và 30 lượt chuyển đổi hàng tuần.

Amedia của Na Uy đã giành giải Trang web tin tức tốt nhất cho dịch vụ ALT.

Hãng tin Reuters đã giành giải Hình ảnh dữ liệu xuất sắc nhất cho đồ họa mạnh mẽ về nạn buôn bán fentanyl, sử dụng dữ liệu trong 10 năm để làm nổi bật quy mô của cuộc khủng hoảng.

Hãng tin Agence France-Presse (AFP) đã giành giải Dự án xác minh thông tin tốt nhất cho loạt bài "Cách xác minh thông tin trực tuyến", hướng dẫn người xem về các kỹ thuật kiểm tra thông tin hiệu quả thông qua các video ngắn, hấp dẫn.

Hoàng Anh (theo WAN-IFRA)

Nguồnhttps://baomoi.com/tri-tue-nhan-tao-thong-tri-cac-giai-thuong-cua-hiep-hoi-bao-chi-the-gioi-c51209929.epi 

Năm 2025: Thách thức chống lừa đảo ngân hàng bằng công nghệ

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin tức

Các ngân hàng ngày càng hiểu rằng việc mở rộng hoạt động phải đi đôi với an toàn bảo mật. Năm 2025, phần lớn các ngân hàng cho biết sẽ dốc hầu bao đầu tư mạnh vào các giải pháp công nghệ để chống lừa đảo, bảo vệ dữ liệu và người dùng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ...

Theo Ernst & Young (EY), giai đoạn 2021-2024 chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong lưu thông tiền mặt tại Việt Nam, từ mức 12,11% (vào tháng 1/2021) xuống còn 9,98% (vào tháng 4/2024). EY cho biết để giảm khoảng 1% lưu thông tiền mặt, Việt Nam đã từng mất một thập kỷ, từ năm 2011 đến năm 2021, trong khi ba năm qua, lưu thông tiền mặt đã giảm khoảng 3%.

Theo khảo sát của Công ty xử lý các khoản thanh toán cho các tổ chức tài chính Worldpay, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán hàng đầu tại các điểm bán hàng ở Việt Nam vào năm 2023 với ước tính 38% giá trị giao dịch. Con số này đã giảm một nửa so với mức 85% giá trị thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt vào năm 2019. Ước tính giá trị giao dịch tiền mặt tại các điểm bán hàng sẽ giảm xuống còn 24% vào năm 2027.

LƯU THÔNG TIỀN MẶT GIẢM 3% TRONG BA NĂM

Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối năm 2024, trên 80% tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược, kế hoạch và đang thực hiện triển khai chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng các công nghệ số tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng. Đồng thời đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong nhiều lĩnh vực.

Một số dịch vụ cơ bản đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, tiền gửi tiết kiệm... Nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Các ngân hàng cũng thúc đẩy nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ số trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%.

10 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57,54% về số lượng và 34,54% về giá trị; qua kênh Internet tăng 51,15% về số lượng và 33,94% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 55,54% về số lượng và 34,91% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 106,91% về số lượng và 109,67% về giá trị; qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7% về số lượng và 33,77% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 31,60% về số lượng và 16,48% về giá trị.

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt bình quân ngày đạt kỷ lục trên 26,2 triệu giao dịch với giá trị trên 166.000 nghìn tỷ đồng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết chỉ sau một tháng triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, trong tháng 8/2024, số vụ khách hàng bị lừa mất tiền giảm khoảng 50% so với mức trung bình của 7 tháng đầu năm 2024.

Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, tính đến ngày 1/11/2024, có 51 tổ chức tín dụng, 31 trung gian thanh toán đã phối hợp với Bộ Công an để triển khai ứng dụng thẻ căn cước, đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip thông qua ứng dụng điện thoại; 57 tổ chức tín dụng đã phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp phép để triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip qua thiết bị tại quầy…

Sau 5 tháng triển khai xác thực sinh trắc học từ nguồn Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (thông qua căn cước công dân gắn chip, VneID), đã có hơn 63,6 triệu hồ sơ khách hàng được thu nhập, đối chiếu thông tin sinh trắc học.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết ngành ngân hàng cũng tích cực phối hợp với C06 (Bộ Công an) kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, có 9 tổ chức tín dụng đã hoàn thành kết nối luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho chi trả, trong đó đã liên kết được hơn 60,3 nghìn tài khoản an sinh xã hội.

THÁCH THỨC TRONG BẢO VỆ DỮ LIỆU HỆ THỐNG

Theo ghi nhận của VnEconomy, quy định xác thực sinh trắc học nhằm phòng chống lừa đảo được giới công nghệ hưởng ứng và đánh giá cao.

“Quy định này không chỉ giảm tình trạng lừa đảo mà còn hiệu quả trong việc phát hiện tiền bẩn, các phi vụ rửa tiền bất hợp pháp”, ông Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, nhận định.

Ông Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc phần mềm IBM Đông Nam Á, đồng tình với nhận định của chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu. “Lúc ban đầu có thể mọi người cảm thấy đôi chút phiền phức, nhưng giải pháp xác thực sinh trắc học cho thấy hiệu quả trong việc chống lừa đảo”, ông Khang thông tin.

Dẫu vậy, các chuyên gia lưu ý cuộc chiến chống lừa đảo là không có hồi kết. “Bên cạnh mặt được về tính năng thì chuyển đổi số khiến ngân hàng phải đối mặt với nhiều vấn đề mới. Sản phẩm nào mới ra cũng phải trải qua chu trình vòng đời; 1-2 năm đầu sản phẩm chưa trơn tru mà cần rất nhiều phản hồi của khách hàng để hoàn thiện. Trong khi đó, hacker luôn tìm ra những điểm chưa chuẩn trong sản phẩm mới để đưa ra phương thức tấn công mới vào hệ thống ngân hàng”, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Hoạch định an ninh thông tin, Techcombank, chia sẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Khang lưu ý thêm rằng trong bối cảnh ngành ngân hàng đẩy mạnh triển khai ngân hàng mở (open banking), chia sẻ dữ liệu giữa tổ chức tài chính và bên thứ 3 thì vấn đề bảo mật càng trở nên bức bách. “Thứ mà hacker nhắm tới là thông tin, dữ liệu. Khi có dữ liệu thì họ mới tìm ra cơ sở, xây dựng kịch bản cho các bước lừa đảo tiếp theo…”, ông Khang cho biết.

Theo các chuyên gia, rủi ro mới mà ngân hàng phải đối mặt không chỉ công nghệ mà cả con người. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo phát triển rất nhiều ứng dụng (app) lừa người dùng cài đặt. Tội phạm công nghệ đã phát triển những con virus chiếm đoạt thiết bị của người dùng. Khi người dùng cài đặt app của bọn chúng thì chúng có thể chiếm đoạt thiết bị, xóa luôn app của ngân hàng thật, sau đó cài lại app cũng là của ngân hàng nhưng đã được điều chỉnh theo ý của chúng, sau đó sử dụng chính khuôn mặt người dùng bằng ảnh tĩnh, công nghệ deepfake để lách sinh trắc học, tiến hành chiếm đoạt tiền.

Ông Đinh Trọng Du, chuyên gia Giải pháp doanh nghiệp, ngành hàng Thiết bị di động, Công ty TNHH Điện tử Samsung Vina, cũng cho rằng rủi ro con người hiện nay là lớn nhất, do đó cả Nhà nước và doanh nghiệp, ngân hàng phải chung tây xây dựng cộng đồng cùng nhau bảo đảm an toàn thông tin.

“Các giao dịch ngân hàng thực hiện trên thiết bị di động là chính nhưng rất nhiều khách hàng sử dụng nhiều loại thiết bị khác nhau, kể cả là các khách hàng tổ chức như doanh nghiệp, ngân hàng. Thậm chí thiết bị sử dụng một hệ điều hành nhưng lại có nhiều phiên bản, ví dụ hệ điều hành Androi đã có phiên bản 15 nhưng nhiều khách hàng vẫn dùng phiên bản 8, 9. Đây là lỗ hổng lớn để tội phạm mạng tấn công”, ông Du phân tích...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194

Kỳ Phong

Nguồn: https://baomoi.com/nam-2025-thach-thuc-chong-lua-dao-ngan-hang-bang-cong-nghe-c51397683.epi