NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Để học nghề không còn là lựa chọn thứ hai

Viết bởi Nguyen Duy Van Tien Loc on . Posted in Uncategorised

TTO - Kỳ tuyển sinh đại học đang vào giai đoạn kết thúc, còn không ít học sinh tốt nghiệp THPT và THCS vẫn phân vân chọn học ở các trường nghề hay tiếp tục ở lại gia đình một năm để ôn thi đại học hoặc vừa ôn thi vừa đi làm

Để học nghề không còn là lựa chọn thứ hai - Ảnh 1.
 

Học sinh khoa công nghiệp ôtô Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Cơ cấu trình độ nhân lực nước ta cho thấy vẫn còn đến trên 78% lao động chưa được đào tạo. Bên cạnh đó, tiến bộ của khoa học công nghệ và dịch COVID-19 đã đẩy con số thất nghiệp lên đến 2,8 triệu người. Lao động với kỹ năng thấp sẽ gặp rủi ro rất cao khi thị trường lao động có biến động tiêu cực.

Cần đổi mới mạnh mẽ

Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia giữ được nhịp độ tăng trưởng khá tốt so với các nước trong khu vực, nhiều doanh nghiệp thiếu các lao động có kỹ năng trong những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và một số ngành dịch vụ. 

Nhưng đáng tiếc còn một bộ phận lớn học sinh vẫn coi học nghề như là sự lựa chọn thứ hai sau lựa chọn vào học ĐH. Đứng trước sự phân vân của người học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần đổi mới mạnh mẽ hơn để thu hút người vào học nghề.

Trước hết, rất cần đa dạng hóa các khóa học nghề từ ngắn hạn đến dài hạn. Chú trọng nhiều các khóa ngắn hạn đào tạo nâng cấp kỹ năng cho học sinh và cho người lao động đang tìm kiếm hoặc chuyển đổi việc làm. Nhà trường đồng hành cùng doanh nghiệp để thiết kế các khóa học kỹ năng ngắn hạn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và người học.

Tiếp đó đổi mới chương trình đào tạo gắn với chuẩn đầu ra theo nhu cầu của thị trường lao động. Với những học sinh tốt nghiệp THCS, nhà trường thay đổi trình tự thực hiện nội dung chương trình bằng cách cung cấp ngay những nội dung mang tính công cụ và nhấn mạnh thực hành (nếu không đòi hỏi điều kiện tiên quyết) ngay năm đầu, để học sinh có thể có công cụ tốt để học tập hoặc tạo ra sản phẩm thực tế nhờ kỹ năng được đào tạo sẽ là cách thu hút và giữ chân học sinh khỏi bỏ học. 

Những môn học văn hóa cần được thiết kế tích hợp với các môn kỹ năng nghề để bài học thêm hấp dẫn và hiệu quả, rút ngắn thời gian đào tạo. 

Một số trường rút ngắn chương trình phổ thông nhưng vẫn thiếu sự tích hợp với các môn học kỹ năng nghề nên học sinh có thể thiếu động lực để theo học nghề hoặc đưa chương trình giáo dục thường xuyên vào học song song với học nghề rất có thể gây ra quá tải với học sinh vì học một lúc hai văn bằng (không có quốc gia nào làm như Việt Nam trong thời gian 3 năm sau THCS), trong khi sức học của học sinh không tốt để học các môn văn hóa. Về vấn đề này, Nhà nước cần có chính sách sớm về dạy các môn văn hóa trong cơ sở GDNN.

Tạo ra hình ảnh tốt về GDNN

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy muốn tạo ra hình ảnh tốt đối với GDNN, ngoài những chính sách vĩ mô của Nhà nước, cơ sở cần phải cải thiện chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường. Liên kết hợp tác tốt với doanh nghiệp để đào tạo kỹ năng thực hành và tạo đầu ra có việc làm cho người học với mức lương hợp lý. 

Nhà trường cần tự tin, chủ động đến với doanh nghiệp để quảng bá chất lượng đầu ra và nhận đặt hàng đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp.

Truyền thông có vai trò quan trọng để quảng bá chất lượng đào tạo nghề như tỉ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp, giá trị của học nghề qua thu nhập, minh bạch về trình độ đào tạo, cơ hội học tập suốt đời... Mỗi trường nên có một lãnh đạo chuyên trách về truyền thông và quan hệ với doanh nghiệp.

Tóm lại, cơ hội tuyển sinh học nghề đang rộng mở, điều đó đòi hỏi lãnh đạo nhà trường năng động, tận dụng cơ hội đổi mới từ quản trị nhà trường đến việc đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, làm tốt truyền thông về GDNN trên cơ sở quảng bá chất lượng đào tạo. 

Muốn thu hút người học, điều cốt lõi là học xong người học có được kỹ năng nghề thì sẽ không lo không có việc làm. Đầu ra có việc làm thì đầu vào mới có thể tuyển sinh tốt được.

Có thể có việc làm sau khi học 3-9 tháng

Thực tế thị trường cho thấy nhiều nghề chỉ cần học từ 3 tháng đến 9 tháng cho học sinh tốt nghiệp THPT đã có thể đi kiếm được việc làm.

Cơ quan quản lý GDNN ở địa phương cần khuyến khích, hạn chế thủ tục hành chính, khơi thông nguồn lực để các trường nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nếu chờ phê duyệt xong thủ tục thì cơ hội thị trường có thể sẽ mất đi.

TS HOÀNG NGỌC VINH

Nguồn: https://tuoitre.vn/de-hoc-nghe-khong-con-la-lua-chon-thu-hai-20201026091325006.htm