Khởi nghiệp để làm gì?

Viết bởi Super User on . Posted in Uncategorised

Cuộc trò chuyện giữa ông Jon Medved – tổng giám đốc công ty đầu tư vốn cho khởi nghiệp lớn nhất Israel OurCrowd, và bốn bạn trẻ vừa đoạt giải cuộc thi Khởi nghiệp Israel 2014 ngay giữa thánh địa Jerusalem làm vỡ ra những điều tưởng chừng như... đơn giản nhất.

Ngay bên cạnh thánh địa Jerusalem, là một khu phức hợp mang tên “JVP Media Quarter” (tạm dịch: ngã tư truyền thông JVP) với một loạt các văn phòng công ty san sát nhau, trong đó có đại bản doanh của OurCrowd – một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp lớn nhất Israel. Văn phòng công ty rất đẹp. Treo trang trọng ở giữa khu phòng tiếp khách nhìn như một quán càphê là bức ảnh hai người công nhân đứng trên đồng ruộng. Chị tiếp tân luống tuổi rất thân thiện giải thích: nền tảng của Israel là sức người cải tạo mọi thứ mà.

Hãy chứng minh đi!

Tiếp đoàn khởi nghiệp Việt Nam, bao gồm bốn thành viên chiến thắng của cuộc thi Khởi nghiệp Israel và đại diện ban tổ chức đến từ đại sứ quán Israel tại Việt Nam, bộ Khoa học và công nghệ và trung tâm BSA là một người cổ đông chính của công ty đang tò mò đi ngang qua. “Xin lỗi, ông Jon tổng giám đốc bận một chút, tôi tranh thủ chạy vô chào hỏi mọi người. Các bạn giỏi quá, đi từ Việt Nam sang tận Israel tìm nhà đầu tư à…” Có lẽ, họ đã quá quen với việc có người chủ động đến chào dự án… Khi biết mục tiêu của đoàn là học tập, ông Gadi Mazor cười: “Chà, OurCrowd là của hai chúng tôi, ra đời cũng chưa lâu lắm. Tôi còn nhớ đó là tháng 5.2012, đúng ngay sinh nhật tôi, Jon gọi chúc mừng và bảo đang có một suy nghĩ rất hay về việc tạo ra một môi trường để kết nối những nhà đầu tư tài chính trên khắp thế giới với những người khởi nghiệp trẻ tuổi ở Israel. Tôi hỏi cụ thể mình sẽ làm gì. Anh bảo mình sẽ đi tìm, đánh giá, làm chiến lược kinh doanh, tự đầu tư và giới thiệu để mọi người cùng đầu tư vào các dự án tiềm năng. Tôi thấy ý tưởng rất khả thi, nên nghỉ việc về cùng Jon xây dựng dự án. Đến tháng 10.2012 thì công ty ra đời. Đến nay chúng tôi đã đầu tư cho 76 công ty với tổng giá trị là 18 triệu USD".

Các bạn trẻ Việt Nam tròn mắt khi thấy một công ty tư nhân mới có vài năm tuổi lại có thể thực hiện chừng đó việc, ông cười và bảo: “Cũng không có phép thần kỳ gì cả. Chúng tôi tìm hiểu những mô hình đang có, nhu cầu của mọi người và tìm cách giải quyết nó một cách hợp lý và khôn ngoan nhất thôi. Có rất nhiều dự án hay cần được đầu tư mạo hiểm. Có rất nhiều cách để gây quỹ từ đám đông. Nhưng không phải ai cũng đủ thời gian để lựa chọn và đánh giá dự án mình yêu thích. Cũng không phải dự án khởi nghiệp nào cũng đủ khả năng xây dựng chiến lược kinh doanh để tiếp cận nhà đầu tư. Vậy nên chúng tôi ở giữa, kết nối và tạo ra giá trị”.

Ông kể về một dự án mà OurCrowd vừa kết thúc đầu tư và thu lại một khoản lợi nhuận lớn, là một công ty nghiên cứu và sản xuất thiết bị hỗ trợ người bị bại liệt chân có thể di chuyển được thông qua hệ thống nẹp chân được điều khiển bởi thần kinh phía giữa sống lưng. Và sau khi sản phẩm được ưa chuộng toàn cầu thì họ đã chào bán công ty ra thị trường chứng khoán Mỹ thành công. Họ cũng đang đầu tư vào một công ty làm phần mềm trên điện thoại di động cho phép người dùng điện thoại chụp ảnh món ăn và ứng dụng này sẽ cho biết các thành phần tạo ra món ăn này. Một công ty khác đang làm robot “thắp đèn” trong nội tạng bệnh nhân mỗi khi bác sĩ mổ để giảm thiểu những quy trình và rủi ro của việc mổ mà thiếu ánh sáng bên trong…

Đâu phải dự án nào cũng thành công. Cũng có dự án không đạt được mục tiêu, nhưng cái chính là chúng tôi chia sẻ được lợi nhuận và rủi ro cùng nhau giữa những dự án thắng lớn và những dự án chưa thắng”, ông chia sẻ.

Điều làm các bạn trẻ suy nghĩ nhiều nhất là mỗi tháng, sẽ có khoảng 100 công ty khởi nghiệp đến giới thiệu dự án, nhưng chỉ có những dự án nào qua được bộ lọc của OurCrowd thì mới xem là “qua vòng giữ xe”. Và cũng nhìn cách mà một bạn trong đoàn Việt Nam lè lưỡi khi nghe những tiêu chí cơ bản này thì đúng là cũng đáng ngại: phải chứng minh là có một đội ngũ xuất sắc; phải chứng minh được tham vọng chinh phục một thị trường đủ lớn – vì ở Israel không ai đặt thị trường nội địa là đích đến cả; phải chứng minh được công ty – sản phẩm – dịch vụ của mình đang giải quyết được một vấn đề nào đó để góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn; và cuối cùng phải chứng minh rằng đây không phải là ý tưởng, là dự án mà đã được thực hiện và có những thành quả bước đầu.

Cấu trúc của khởi nghiệp thế giới

Lúc này thì ông Jon, tổng giám đốc hồ hởi đi vào. Ông yêu cầu từng thành viên trong đoàn giới thiệu. Ông đề nghị mỗi công ty đến từ Việt Nam hãy nói 30 giây về mình và hỏi thăm thêm vài câu. Ông xoay sang thư ký yêu cầu ghi chú lại việc phải kêu Thảo gởi bản mô tả dự án Hashtag của mình. Rồi ông lại tranh luận với Mai về dự án Umbala đối với con số 12 giây của tin nhắn đa phương tiện và tồn tại trong 12 giờ… Rồi ông bắt đầu nói về những suy nghĩ của mình, những kỳ vọng đối với một quốc gia khởi nghiệp Israel cũng như những cơ hội đối với Việt Nam: “Cấu trúc của nền kinh tế khởi nghiệp thế giới đã được định ra từ lâu. Tiền để đầu tư mạo hiểm được tập trung chủ yếu ở vài nơi thôi. Vậy chúng ta làm gì để cạnh tranh với Silicon Valley của Mỹ? Chúng ta phải hiểu rằng hầu hết khi họ bắt tay vào khởi nghiệp ở mảnh đất màu mỡ này, họ nghĩ nhiều về những người giàu và tìm cách phục vụ người giàu ở nước Mỹ là chủ yếu. Vậy chúng ta không có môi trường tốt như thế, ta nên nghĩ đến một đối tượng phục vụ khác: đó là những người không giàu ở mọi nơi trên thế giới, những người mà điều kiện sống còn nhiều khó khăn, còn rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải giải quyết cho nhu cầu sống của họ. Vậy nên cũng như Israel, Việt Nam cũng có thể tìm ra những ý tưởng tuyệt diệu này chứ”.

Chúng tôi ở đây, xây dựng một cộng đồng những nhà đầu tư lên đến 6.000 người, những người sẵn sàng gởi gắm ít nhất 10.000 USD cho những ai xứng đáng và có khả năng biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Việt Nam hãy làm đi, luôn có tôi ở đây ủng hộ và động viên các bạn”, Jon gởi tặng mỗi người một tập sách vừa được ấn hành nhân hội nghị các nhà đầu tư cho khởi nghiệp của Isael vừa diễn ra trong tuần, và bảo sẽ sớm đến Việt Nam để tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp có thể làm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cuộc thi Khởi nghiệp cùng Israel 2014 do đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp với cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (bộ Khoa học và công nghệ) cùng trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Bốn đội chiến thắng bao gồm: 1/ Chomp mang đến giải pháp toàn diện giúp nhà tiếp thị có thể tiếp cận và tương tác hiệu quả với đối tượng mục tiêu thông qua công cụ Hashtag. 2/ BraveBits, đang hoàn thiện một sản phẩm thương mại điện tử mới có tên là hiSella, đây là một phần mềm dịch vụ nhằm giúp các chủ shop trên Facebook tăng hiệu quả kinh doanh bằng việc cung cấp cho họ một website giới thiệu sản phẩm và bộ công cụ hỗ trợ. 3/ Younet, phát triển SocialHeat – một hệ thống web trên nền tảng đám mây nhằm theo dõi, thu thập, thống kê, phân tích tự động tất cả những trao đổi thảo luận (công khai) của người dùng internet trên mạng xã hội. 4/ Umbala, là một mobile app cho phép người dùng tạo ra những video có độ dài 12 giây, sau đó thêm vào các hiệu ứng đặc biệt và chia sẻ lên các mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Instagram, Twitter…

 

Nguồn: http://www.baomoi.com/Khoi-nghiep-de-lam-gi/45/15545752.epi