Câu chuyện giáo dục: Đừng đến lấy quà rồi về !

Dòng sinh viên (SV) đăng ký tham gia hội thảo càng đông, những món quà ban tổ chức gửi tặng càng ngày vơi đi nhưng cuối cùng, lượng người tham dự thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sinh viên tham gia hội thảo 'Xu hướng khởi nghiệp ngành thời trang' /// Lê Thanh
Sinh viên tham gia hội thảo 'Xu hướng khởi nghiệp ngành thời trang'
Lê Thanh
Trong một hội thảo, giao lưu khách mời về vấn đề truyền thông số ở giới trẻ diễn ra tại một trường ĐH ở TP.HCM gần đây, ban tổ chức phát cho SV tham dự những phần quà như sổ tay, bút, móc khóa. Nhưng đáng chú ý, có một số SV lại chen lấn, xô đẩy tại nơi phát quà và thủ thỉ với nhau: “Lấy quà xong rồi về”.
Phạm Quốc Vương, SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Hành động lấy quà rồi về vô cùng kỳ cục. Các bạn có khi nào đặt câu hỏi là những khách mời trong buổi tham dự đó sẽ nghĩ gì về mình hay SV trường mình với những hành động như thế? Đừng vì những phần quà đó mà đánh mất đi sự năng động, ham học hỏi của SV”.
Không chỉ đi lấy quà rồi về, có một số SV chen lấn, xô đẩy trong buổi hội thảo. Chị Lê Thị Thanh Nhi, 25 tuổi, công tác tại một trung tâm Anh ngữ ở Q.3, TP.HCM, cho biết: “Hôm đó là hội thảo tư vấn du học ở các nước châu Âu, rất đông người đến dự mà chủ yếu là phụ huynh và học sinh, SV. Tình cờ mình thấy 2 SV giành với một bác phụ huynh, trong khi đó nếu theo đúng lượt xếp hàng thì sẽ tới lượt bác đó được ngồi nghe tư vấn. Bác có nói là tới lượt bác trước nhưng các bạn đó không nghe và cứ nhào nhào lên”.
Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhận định rằng việc tổ chức các hội thảo mang ý nghĩa tạo ra kết nối giữa SV với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, từ đó chia sẻ thêm góc nhìn từ 2 phía để đưa ra những định hướng phát triển phù hợp với khả năng của SV. Tùy vào chủ đề của chương trình, sẽ có các khách mời khác nhau để phù hợp thông điệp truyền tải. Đa số khách mời có những thành tựu trong lĩnh vực họ đang công tác, có khả năng truyền cảm hứng, tạo động lực cho SV, có lối sống tích cực, tử tế...
Đối với SV, những chương trình như vậy đều có thể là cơ hội để có thêm nguồn cảm hứng và bổ sung cho việc định hướng phát triển bản thân, nhằm mục tiêu nâng cao sự hiểu biết, vốn kiến thức, xã hội và kỹ năng thích nghi với các môi trường làm việc sau này.
“Các SV càng chủ động chia sẻ với mọi người về quan điểm, kiến thức và cởi mở tiếp thu những quan điểm, tri thức khác thì sẽ học được nhiều hơn việc chỉ đến nghe và quan sát”, thạc sĩ Vũ cho biết.
 
Tấn Đạt