NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Chuyển đổi số tại khoa Khoa học và Kỹ thuật Thông tin, Trường Đại học Công nghệ thông tin (UIT), ĐHQG-HCM

on .

Nguyễn Thị Thu Vân - CH1902027 

Mở đầu

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 749 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Theo Chương trình này, Việt Nam tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Trong quyết định này, có 8 lĩnh vực được xác định là ưu tiên trong chuyển đổi số, trong đó có giáo dục.

Trong năm 2020 vừa qua, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, nhiều trường học đã buộc phải đóng cửa. Đây cũng là lý do dẫn tới sự phổ biến của việc dạy và học trên truyền hình cũng như trên các nền tảng trực tuyến. Các ứng dụng dạy học trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Google Classroom… cũng ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều giáo viên và nhà trường sử dụng. Sự phát triển của các mô hình học tập trực tuyến tại Việt Nam thậm chí còn được ghi nhận bởi các tổ chức uy tín trên toàn cầu.

Trên cơ sở đó, trong bài viết này, xin chia sẻ một vài điển hình trên thế giới, mô hình hoạt động chuyển đổi số (CĐS) đã và đang triển khai tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật Thông tin (KH&KTTT) - Trường Đại học Công nghệ thông tin (UIT), Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM). Từ đó, kiến nghị một số giải pháp mở rộng để phát triển cho Nhà trường và cũng có thể làm mô hình tham khảo cho các cơ sở giáo dục đào tạo khác.

 

 1. Khái niệm chuyển đổi số

1.1.     Các khái niệm chung

1.1.1.  Chuyển đổi số

Hiện nay, chưa có sự thống nhất chung về định nghĩa chuyển đổi số. Các quốc gia, tổ chức có những định nghĩa về chuyển đổi số khác nhau. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (tiếng Anh: Organization for Economic Cooperation and Development; viết tắt: OECD), “Số hóa là quá trình chuyển đổi thông tin từ dạng analogue sang dạng kỹ thuật số. Tin học hóa (ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)) là việc sử dụng công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số để kết nối tạo ra kết quả mới hoặc thay đổi so với các hoạt động đang tồn tại. Chuyển đổi số là việc đề cập đến các ảnh hưởng tới nền kinh tế và xã hội của công nghệ kỹ thuật số”(1).

Theo TechTarget, “Chuyển đổi số (DT hoặc DX) là việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số mới, nhanh và thường xuyên thay đổi để giải quyết các vấn đề bằng việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây, giảm sự phụ thuộc vào phần cứng do người dùng sở hữu nhưng tăng sự phụ thuộc vào các dịch vụ điện toán đám mây dựa trên cơ sở thuê bao. Một trong những giải pháp kỹ thuật số này là tăng cường khả năng của các sản phẩm phần mềm truyền thống (ví dụ: Microsoft Office so với Office 365) trong khi các giải pháp khác hoàn toàn dựa trên cơ sở đám mây (ví dụ: Google Docs)” (2).

Chuyển đổi số là một khái niệm mới. Trong Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia 2020(3), Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) không nêu ra khái niệm mà liệt kê những nội hàm của “Chuyển đổi số”, bao gồm:

-          Chuyển đổi số là vấn đề về thay đổi nhận thức và phương thức quản lý, vận hành, không phải chỉ là vấn đề về công nghệ.

-          Chuyển đổi số liên quan đến cái mới, mô hình mới, mối quan hệ mới, chưa có tiền lệ, chưa có pháp luật điều chỉnh, có thể bị số đông phản đối, bởi vậy quan trọng là người đứng đầu đi đầu, cho phép thử nghiệm có kiểm soát, làm điểm nhanh và sau đó nhân rộng.

-          Chuyển đổi số liên quan đến dữ liệu, vì vậy, vấn đề quản trị dữ liệu là quan trọng. Chuyển đổi số cũng là sự chuyển dịch và tương tác lẫn nhau giữa không gian thực và không gian mạng, vì vậy, bảo đảm an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết.

Về bản chất, “Chuyển đổi số” là tiến trình một tổ chức tiến hóa bằng việc chuyển đổi nhận thức; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; áp dụng công nghệ số; thay đổi căn bản, toàn diện phương thức quản lý, vận hành và tạo ra giá trị mới(4).

1.1.2.  Các giai đoạn của chuyển đổi số

Chuyển đổi số có thể bao gồm 3 giai đoạn(5):

-          Số hóa (Digitization): Chuyển thông tin thực sang dạng số để dễ dàng lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ.

-          Ứng dụng kỹ thuật số vào các quy trình nghiệp vụ (Digitalization): Sử dụng phần mềm để làm cho các hoạt động trở nên đơn giản và hiệu quả hơn; Ví dụ: dạy học trực tuyến trên hệ thống elearning …

-          Chuyển đổi số (Digital transformation): Sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, ... để thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu một cách toàn diện và triệt để dẫn đến sự thay đổi mô hình và cách thức hoạt động của tổ chức.

 

Việc chuyển đổi số có thể bao hàm:

-          Công nghệ: sử dụng các công nghệ mới như mạng xã hội, điện thoại thông minh, máy tính bảng và/hoặc các thiết bị công nghệ khác.

-          Tổ chức: những thay đổi trong quá trình vận hành của tổ chức hoặc tạo ra các mô hình mới.

-          Xã hội: các tác động đến con người như trải nghiệm của người sử dụng, tính mở hoặc phản kháng/chống lại sự thay đổi.

 

1.2.     Chuyển đổi số với Giáo dục đại học

Chuyển đổi số giáo dục đại học có thể được hiểu là quá trình áp dụng những thay đổi triệt để của công nghệ số trong mọi góc độ, khía cạnh vận hành của một cơ sở giáo dục đại học. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học có thể bao gồm:

1.2.1.  Ứng dụng công nghệ trong lớp học

Các giảng đường được trang bị những màn hình cảm ứng lớn và gắn tại nhiều vị trí khác nhau tạo thuận tiện cho người học theo dõi bài giảng của giảng viên. Người học được sử dụng máy tính với kết nối internet để thuận tiện cho việc nhận tài liệu từ giảng viên, trao đổi và nộp bài luận cho giảng viên cũng như làm việc nhóm với người học khác.

-          Ứng dụng AI, Bigdata và tất cả các phòng học đều được thiết kế nhằm bảo đảm các yếu tố nghe, nhìn, đọc, thảo luận. Phòng học được trang bị hệ thống màn hình cảm ứng cho đến máy tính bảng, tai nghe, công cụ tương tác trực tuyến…

-          Không gian học, các dụng cụ và cơ sở hạ tầng phục vụ việc học càng ngày càng được số hóa, thông minh. Phòng học trong thế kỷ 21 có các bảng điện tử thông minh (thay vì bảng đen viết phấn), các bàn học thông minh thay cho các bàn học thông thường. Người học được trải nghiệm các chuyến tham quan thực tế ảo.

-          Ngoài ra những phần mềm về quản lý khóa học giúp giảng viên có thể nắm được tiến trình học tập của người học và người học có thể chia sẻ, thảo luận từ tài liệu, video, audio bài học.

 

1.2.2.  Ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học  

-          Học tập trực tuyến (E-learning): Ứng dụng này sẽ cá nhân hóa cho từng học viên, để đưa ra được một phương pháp dạy phù hợp. Từ đó, có thể nâng cao được hiệu quả học và dạy lên vượt trội.

-          Học tập thông qua các đồ án: Người học không còn chỉ nghe lí thuyết rồi làm bài tập nữa mà các nhóm người học sẽ được giao cho 1 đề tài thực tế để làm giúp cho người học không bị nhàm chán trong khi học và nâng cao khả năng phối hợp hiệu quả trong làm việc nhóm.

-          Học bằng ứng dụng thực tế ảo: Học qua ứng dụng thực tế ảo đem lại cho người học trải nghiệm như học tại lớp học thật. Cardboard là ứng dụng được phát triển bởi công ty Google để dùng cho các kính thực tế ảo cho phép việc dạy – học không bị giới hạn bởi khoảng cách không gian.

 

1.2.3.  Ứng dụng công nghệ trong quản trị tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục đại học

-          Hệ thống phần mềm quản lý trường học: Công cụ hỗ trợ nhà trường trong việc quản lý các công việc hành chính và hoàn thiện các chính sách, quy định chung.

-          Hệ thống phần mềm quản lý chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra và chất lượng dạy học.

-          Hệ thống phần mềm quản lý học tập: Cung cấp hệ thống quản lý lớp học trên nền tảng số (digital platform), giúp giảng viên kết nối với người học, quản lý tiến độ học tập và chia sẻ nội dung bài giảng.

-          Hệ thống phần mềm quản lý người học: Đây là một quy trình phức tạp bởi mỗi hồ sơ của người học cần trải qua nhiều bước dưới sự phụ trách của nhiều vị trí, phòng ban khác nhau: tiếp nhận thông tin, gọi điện tư vấn sơ bộ, tư vấn trực tiếp, đăng ký, làm bài kiểm tra đầu vào và xếp lớp, hoàn thành thủ tục đăng ký học, nhập học,...

 2. Lợi ích và rào cản của chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học

2.1.     Lợi ích của chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học

-          Các quy trình diễn ra nhanh hơn, giảm thời gian chờ đợi của người học, đem lại nhiều thời gian cho người làm việc tại cơ sở đào tạo đại học có thể chuyển sang các hoạt động khác có giá trị hơn.

-          Giảm thiểu tính hành chính và hồ sơ giấy tờ cho người học cũng như cơ sở đào tạo đại học.

-          Chất lượng phục vụ và hỗ trợ người học tốt hơn thông qua sử dụng IoT để quản lý người học; sử dụng Big data để phân tích hành vi của người học để có hỗ trợ, tư vấn phù hợp.

-          Gia tăng tính tương tác, thực hành thông qua ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) để hình thành các phòng thí nghiệm ảo, mô hình thực tế ảo có thể tương tác với người dùng…giúp cho người học có những trải nghiệm đa giác quan, dễ hiểu, dễ nhớ…đồng thời tăng tính tương tác, thực hành và ứng dụng kiến thức trong quá trình học.

-          Hỗ trợ tốt hơn cho việc tự quản của người học thông qua việc hình thành không gian và thời gian học tập linh hoạt, thúc đẩy nền giáo dục mở, tiếp cận thông tin đa chiều, thu hẹp không gian, tiết kiệm thời gian để nhanh chóng đạt được tri thức, nhận thức và tư duy.

-          Dữ liệu cập nhật và đáng tin cậy hơn cho người học và nhân viên thông qua ứng dụng blockchain.

-          Khái quát tốt hơn dữ liệu cho nhân viên và nhà quản trị tại cơ sở đào tạo đại học.

-          Hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động hợp tác quốc tế và tham gia các mạng lưới đào tạo, nghiên cứu.

-          Minh bạch các quy trình và kết quả của cơ sở đào tạo đại học thông qua việc đánh giá, đo lường kết quả hoạt động của từng cá nhân có liên quan đến quá trình dạy – học và người học một cách khách quan, chủ động, chính xác, kịp thời và nhanh chóng.

-          Có sẵn dữ liệu thống kê cho cơ quan quản lý về thống kê liên quan đến đào tạo đại học.

-          Giảm chi phí đào tạo nhờ khả năng cung cấp "đại trà" một cách "cá nhân hóa" với quy mô lớn người học so với trước đây.

2.2.     Rào cản đối với chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học

-          Tâm lý chống lại sự thay đổi của con người trước những những thay đổi có thể hứa hẹn đem lại những lợi ích nhất định (chưa rõ ràng, xác thực) nhưng tiềm ẩn những nguy cơ gây hại tương đối rõ ràng cho các cá nhân trong tổ chức.

-          Văn hóa và đặc trưng của tổ chức như thiếu sự hỗ trợ từ ban quản trị, thiếu trách nhiệm và niềm tin, đặc biệt khi các thành viên của cơ sở giáo dục đại học làm việc với các đối tác IT trong việc thay đổi cách thức họ thực hiện công việc và chuyển giao dịch vụ đào tạo, nghiên cứu ra bên ngoài. Ngoài ra, sự bất đồng và chống đối cũng có thể tồn tại trong mối quan hệ giữa các đơn vị trực thuộc với ban lãnh đạo cấp cao của cơ sở giáo dục đại học.

-          Thiếu các nguồn lực cần thiết – đặc biệt là thiếu năng lực và nhân sự về IT, thiếu nhà cung cấp dịch vụ phù hợp, thiếu ngân sách, thiếu thời gian và thiếu năng lực để thiết kế và tái thiết kế các quy trình.

-          Thỏa mãn nhiều mối quan tâm của các bên có liên quan cùng lúc đến quá trình hình thành, phát triển và triển khai việc số hóa.

 3. Một số mô hình chuyển đổi số giáo dục đại học trên thế giới

3.1.     University of Phoenix

University of Phoenix(6) là trường đại học tư nhân lớn nhất ở Bắc Mỹ, được xem là tổ chức tiên phong trong việc đưa ra các giải pháp công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người lao động bao gồm:

-          Các lớp học buổi tối và trực tuyến;

-          Chương trình học linh hoạt;

-          Thư viện số;

-          Ứng dụng điện thoại cho phép học tập mọi lúc, mọi nơi;

-          Mạng xã hội dành cho người học.

University of Phoenix đã tăng số người học từ 4.000 (năm 2004) lên 470.800 người học (năm 2010) chủ yếu nhờ vào việc phát triển các chương trình đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, tiếp sau đó là sự suy giảm số lượng người học còn khoảng 100.000 (năm 2018).

Mặc dù có nhiều phê bình, chỉ trích về chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học truyền thống nhưng cũng có sự công nhận nhất định của xã hội và cộng đồng giáo dục trong việc đưa ra một mô hình hấp dẫn cung cấp các chương trình đào tạo nghề nghiệp cho người lao động và đào tạo thực hành, đặc biệt khi họ có sự hợp tác chặt chẽ với các nhà tuyển dụng trong quá trình cung cấp các chương trình đào tạo.

Ngoài ra, nhiều bình luận cũng cho rằng, sự sa sút của University of Phoenix trong những năm gần đây chủ yếu xuất phát từ việc họ đánh mất đi sự cân bằng giữa mục tiêu đào tạo và lợi nhuận đã dẫn đến những sai phạm trong marketing, tuyển sinh, tuyển dụng, hỗ trợ tài chính v.v…

3.2.     Western Governors University

Western Governors University (WGU) là cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, được thành lập năm 1997 do sự hợp tác của một nhóm các Thống đốc bang tại Hoa Kỳ trong nỗ lực giải quyết vấn đề đảm bảo cho người dân Hoa Kỳ có thể tiếp cận tốt hơn giáo dục đại học phù hợp với thời gian làm việc của họ.

Ban đầu, WGU đã được định hướng trở nên khác biệt nhằm đáp ứng nhu cầu của người học đại học trong thế kỷ 21 chỉ khi loại bỏ được giới hạn về không gian và thời gian. Giữa thập niên 1990, sự ra đời của Internet đã giúp cho khả năng giáo dục đại học “mọi lúc, mọi nơi” trở thành hiện thực. WGU đã tập trung vào việc phát triển mô hình dạy – học mới làm thay đổi cách thức dạy và học tại WGU.

WGU chưa đạt được nhiều thành công lúc mới thành lập nhưng từ khi được kiểm định vào năm 2001 đã có sự phát triển đáng kể với trên 132.000 người học vào năm 2021 và đã có hơn 226.000 sinh viên tốt nghiệp(7).

Sự thành công của WGU được đánh giá là nhờ vào việc tránh tăng trưởng bằng mọi giá để tìm kiếm lợi nhuận, tập trung vào chất lượng nên đã nhận được sự tín nhiệm từ người học cũng như nhà tuyển dụng.

 

 

Hình 1. Khảo sát của Harris Poll năm 2020 với 300 nhà tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp WGU

 

Hình 2. Khảo sát của Harris năm 2020 trên 1.400 sinh viên mới tốt nghiệp đại học trên toàn quốc so với khảo sát 1.340 sinh viên tốt nghiệp WGU

3.3.     Capella University

Capella University(8) (CU) là một trong những cơ sở giáo dục đại học số được hình thành vào năm 1993 và được kiểm định năm 1997. CU là một trong số ít các đại học số thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận đã vượt qua được đợt sụp đổ các cơ sở giáo dục đại học số vào những năm 2000.

Tính đến cuối năm 2020, CU đã có hơn 110.000 người học đã hoàn thành chương trình và hiện có hơn 41.000 người đang theo học, chủ yếu tập trung vào trình độ Thạc sĩ (47%), cử nhân (31%) và Tiến sĩ (20%)(9).

Sự thành công của CU được cho là nhờ vào tính cạnh tranh bởi quy mô nhỏ của CU so với các cơ sở giáo dục đại học số khác như UP, WGU và tập trung vào các chương trình sau đại học.

 

Hình 3. Số liệu thống kê tính đến 31/12/2020 của trường Đại học Capella, công bố ngày 12/03/2021

4. Chiến lược phát triển của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam

Từ đầu những năm 2000 trở lại đây, các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu có những bước chuyển mình bắt đầu từ nhận thức, tầm nhìn đến việc đưa ra các chiến lược phát triển có tính dài hạn để hội nhập với nền giáo dục đại học mới của thế giới trong bối cảnh công nghệ số.

Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam hướng đến triển khai mô hình cơ sở giáo dục đại học định hướng đổi mới sáng tạo (innovation-oriented university) hoặc mô hình đại học sáng nghiệp (entrepreneurial University) với các đặc trưng như:

-          Đào tạo định hướng khởi nghiệp.

-          Nghiên cứu hàn lâm định hướng và kết hợp đổi mới sáng tạo.

-          Đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

-          Đại học thông minh dựa trên khoa học dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số.

-          Tự chủ đại học cao trong mối quan hệ đồng bộ với cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

-          Quốc tế hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và đổi mới sáng tạo.

-          Phát triển hài hòa giữa vốn hóa tài sản tri thức, gia tăng giá trị kinh tế của cơ sở giáo dục đại học với việc tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và cộng đồng.

 

Từ góc độ khác, cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 phải là đại học thông minh, cho phép người học được học tập một cách cá nhân hóa, không mang tính hàng loạt, hoàn toàn khác so với giáo dục đại trà hiện nay hoặc giáo dục tinh hoa trong quá khứ. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học phải phát triển thành hệ thống sinh thái tạo ra sự đổi mới, sáng tạo với một số đặc trưng như sau:

-          Mục tiêu hình thành những người sáng tạo và sáng nghiệp.

-          Các chương trình mang tính liên ngành sang xuyên ngành nhiều hơn. Xuất hiện những ngành đào tạo mới giáp ranh giữa các lĩnh vực.

-          Công nghệ giáo dục chuyển đổi sang kỷ nguyên “vạn vật kết nối”.

-          Giảng viên và người học đều trở thành những “công dân số” (digital citizen).

-          Việc giảng dạy là tương tác nhiều chiều (nhiều người học – nhiều giảng viên) thông qua IoT.

-          Trường học không bị giới hạn trong một khuôn viên vật lý mà thông quá một hệ sinh thái mở rộng, kết nối vạn vật, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

5. Mô hình chuyển đổi số tại Khoa KH&KTTT

5.1.     Giới thiệu Khoa KH&KTTT(10)

Khoa Khoa học và Kỹ thuật Thông tin được thành lập theo quyết định số 724/QĐ-ĐHCNTT ban hành ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Trường đại học Công nghệ Thông tin (UIT), với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Công nghệ thông tin, hướng ngành chủ chốt của Trường, đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ có trình độ cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa của khu vực phía Nam và cả nước nói chung.

-          Đào tạo đại học

  • Ở bậc đại học, Khoa Khoa học và Kỹ thuật thông tin được phép đào tạo nhóm ngành Công nghệ thông tin (theo quyết định số 947/QĐ-ĐHQG-ĐT ngày 19/10/2006 và quyết định số 1052/ĐHQG-ĐH&SĐH ngày 08/09/2009).
  • Khoa đã đào tạo hệ đại học bắt đầu từ năm 2013, hiện nay đang có khoảng 850 sinh viên theo học, trong đó có 160 sinh viên theo học chương trình cử nhân CNTT định hướng Nhật Bản.
  • Khoa cũng đã đào tạo hệ đại học bắt đầu từ năm 2018 cho ngành Khoa học Dữ liệu. Hiện nay đang có khoảng 110 sinh viên theo học, trong đó có 55 sinh viên khóa 2018, 55 sinh viên khóa 2019. Dự kiến khóa 2020, 2021 sẽ khoảng 60 sinh viên.

-          Đào tạo sau đại học

  • Khoa được phép đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin (theo quyết định số 391/QĐ-ĐHQG-ĐH&SĐH ngày 17 tháng 4 năm 2013). Hiện Khoa đang đào tạo 08 khóa, tổng số học viên hiện đang theo học là 620 học viên, đã tốt nghiệp 10 khóa.
  • Khoa cũng đã được Đại học Quốc Gia Tp.HCM phê duyệt cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Công nghệ thông tin (theo quyết định số 57/QĐ-ĐHQG-ĐH&SĐH ngày 21 tháng 01 năm 2014), hiện nay có 08 khóa nghiên cứu sinh đang theo học.

 

5.2.     Mô hình CĐS triển khai thực tế tại Khoa KH&KTTT

Trường UIT có các phòng thí nghiệm chuyên ngành, có hệ thống UIT-Cloud để triển khai các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng(11). Phòng Thí nghiệm của trường gồm:

-          01 Phòng thí nghiệm Multimedia với các trang thiết bị, máy tính mạnh phục vụ các nghiên cứu xử lý âm thanh, hình ảnh, tiếng nói, các giải thuật máy học, trí tuệ nhân tạo.

-          01 Phòng thí nghiệm Hệ thống thông tin chuyên nghiên cứu về lĩnh vực xử lý, phân tích dữ liệu, phân tích thiết kế cài đặt HTTT.

-          01 Phòng thí nghiệm An ninh thông tin chuyên nghiên cứu về các hệ thống mạng, an toàn bảo mật thông tin.

-          08 Phòng thực hành đa dụng với các máy tính cấu hình mạnh.

-          01 Phòng thực hành thí nghiệm các nội dung về hệ thống số, hệ thống nhúng.

-          01 Phòng thực hành điện-điện tử cơ bản, điều khiển robot, thiết kế vi mạch.

 

Trường đã triển khai hệ thống quản lý:

-          Hướng dẫn đăng ký môn học hiệu quả và nhanh chóng thông qua Hệ thống quản lý học tập linh hoạt, có thể mở rộng và dễ sử dụng.

-          Kết hợp quản trị bài kiểm tra dựa trên máy tính để xử lý kết quả nhanh hơn.

-          Cải thiện tương tác của sinh viên thông qua các thông báo, cảnh báo và hệ thống phản hồi của sinh viên.

-          Quản lý các học sinh là sinh viên tiềm năng.

-          Quản lý việc lập kế hoạch cho các chương trình và khóa học.

 

5.2.1.  Cơ sở vật chất

Cần đầu tư thiết bị phòng học thông minh, phần mềm quản lý lớp học trực tuyến, phần mềm đánh giá chất lượng giáo dục trực tuyến, phần mềm tiện ích khác như thư viện trực tuyến, v.v. cụ thể như sau:

-          Thiết bị phòng học thông minh: phòng học được trang bị màn hình trình chiếu cảm ứng, máy tính, trang bị hệ thống camera và âm thanh dạy trực tuyến.

-          Tổ chức các lớp học trực tiếp như các lớp offline, phòng thí nghiệm, được trang bị hệ thống điểm danh bằng vân tay, hệ thống đóng mở cửa tự động và phát hiện người lạ cho việc đảm bảo yếu tố bảo mật và an toàn.

-          Phần mềm quản lý lớp học trực tuyến: ứng dụng LMS (Learing Management System) hoặc MOOC (Massive Open Online Course), hiện tại trường UIT sử dụng hệ thống Moddle quản lý lớp học trực tuyến cho phép giảng viên và sinh viên có thể tương tác và chia sẻ bài giảng, bài tập.

-          Phần mềm quản lý quá trình học tập của sinh viên như thời khóa biểu, điểm số. Phần mềm hỗ trợ dạy trực tuyến như Zoom, MS Teams và Google Classroom.

-          Xây dựng phần mềm đánh giá chất lượng giáo dục trực tuyến: cho phép đánh giá chất lượng đào tạo theo các chuẩn quốc tế AUN/ABET.

-          Các phần mềm tiện ích khác như hệ thống quản lý thư viện trực tuyến nhằm cung cấp cho người học dịch vụ tra cứu tài liệu bổ ích, nhanh chóng và tiện dụng.

-          Xây dựng hệ thống quản lý sinh viên và giảng viên, sử dụng xác thực OTP 1 lần qua một mã duy nhất (Mã giảng viên nếu là giảng viên, Mã sinh viên/ Mã học viên nếu là sinh viên/ học viên cao học) có liên kết với số điện thoại đã được đăng ký trước, để có thể sử dụng:

  • Ứng dụng tra cứu thông tin cá nhân, tra cứu điểm, học phần, các công trình nghiên cứu đã và đang thực hiện,…
  • Liên kết ngân hàng để đóng học phí (đối với sinh viên/ học viên), nhận lương/ chi phí hỗ trợ (đối với nghiên cứu sinh, giảng viên của khoa/ trường)
  • Đăng nhập vào MS Team, Google Classrom, Moddle,… mà không cần đăng nhập lại.
  • Trao đổi trực tuyến thông qua hashtag, các nhóm có liên quan/ có quan tâm nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức học tập.

5.2.2.  Nhân lực

Hiện tại, trường UIT có đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật – hỗ trợ giảng viên và sinh viên/ học viên sau đại học trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập – từ bước đăng ký môn học, tạo các lớp học trực tuyến (qua MS Team), đến bước chia sẻ bài giảng, nộp bài tập/ đồ án, nhập và xem điểm số,…rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, Khoa KH&KTTT với những giảng viên, nghiên cứu sinh và kỹ thuật viên đều có thể tiếp cận, hỗ trợ và triển khai các ứng dụng CĐS vào các hoạt động của Nhà trường và của Khoa - từ việc tư vấn kỹ thuật, đến tham gia vào các dự án CĐS như triển khai mua sắm thiết bị, đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp và kiểm tra tính năng, cấu hình của thiết bị phần cứng cũng như các chức năng, tính năng của các sản phẩm phần mềm, dịch vụ hậu mãi của nhà cung cấp. Ngoài ra, Khoa cũng có các giảng viên nắm rõ và hiểu sâu về các thiết bị điện tử chuyên dụng liên quan đến IoT, truyền thông, viễn thông, mạng wifi, 4G, 5G,... Đó là những nền tảng kỹ thuật không thể thiếu trong các dự án và ứng dụng CĐS.

5.2.3.  Các ứng dụng CĐS

5.2.3.1.  Giảng dạy trực tuyến

-          Ưu điểm:

  • Duy trì các lớp học và tạo sự chú ý, hào hứng với người học khi họ không thể đến lớp trong mùa dịch, học viên có thể học tại nhà, đỡ mất thời gian di chuyển.
  • Tương tác giữa giảng viên và học viên qua tiết giảng, bài giảng, bài kiểm tra, bài tập, thi kiểm tra, đánh giá hết môn,…
  • Ghi hình và ghi âm bài giảng giúp học viên có thể xem lại, nghe lại nhiều lần tốt hơn.
  • Học viên có thể mạnh dạn gửi tin nhắn cho giảng viên để hỏi bài

-          Nhược điểm:

  • Đòi hỏi người tham gia cần đường truyền Internet tốt, các thiết bị như máy tính có hỗ trợ âm thanh (micro), camera ghi hình ảnh, phần mềm học trực tuyến để tương tác với giảng viên.
  • Khó kiểm tra được tính trung thực, tính tự giác của người học. Người học có thể quay cóp, trao đổi câu trả lời với nhau qua tin nhắn mà giảng viên không biết.
  • Việc kiểm tra bài làm và sự hiện diện của học viên trên môi trường trực tuyến không được chính xác tuyệt đối.

5.2.3.2.  Họp trực tuyến

Việc áp dụng CĐS trong các cuộc họp trực tuyến (video conference, web meeting) giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho việc phải đi đến trực tiếp các cuộc họp. Thông qua các ứng dụng họp trực tuyến như Zoom meeting, Skype và cả những ứng dụng họp trực tuyến được phát triển bởi Việt Nam, sẽ mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả cả về kinh tế. Các cuộc họp giao ban, định kỳ, đột xuất để giải quyết công việc được triển khai qua các cuộc họp trực tuyến trên ứng dụng Zoom hay MS Team trong thời gian dịch bệnh nguy hiểm. Với tính năng ghi âm, ghi hình và ghi chú thông tin, các phần mềm tiện ích này không những hỗ trợ thư ký trong các cuộc họp mà còn phục vụ công tác lưu trữ, bảo mật nội dung các cuộc họp, giúp cho việc quản lý công việc được sát sao và hiệu quả tốt hơn.

5.2.3.3.  Quản lý điều hành công việc tại khoa

-          Tổ chức lại quy trình quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH):

  • Tổ chức và quản lý kê khai tất cả các đề tài, công trình NCKH, có thể thống kê mức độ hoàn thành NCKH theo quý/ năm, từ đó sẽ có kế hoạch và chiến lược cho công tác NCKH.
  • Theo dõi số lượng bài báo của giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên trong khoa.
  • Chấm điểm và thống kê các công trình NCKH, bài báo để có đánh giá và xếp loại giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên trong khoa.

-          Đầu tư và tổ chức triển khai công tác tuyên truyền:

  • Thống kê và đánh giá số liệu hằng năm: số người học đã hoàn thành học bậc Đại học/ Sau đại học/ Văn bằng 2/…số lượng ứng viên trúng tuyển vào các Công ty, Tập đoàn lớn xuất phát từ Khoa, mức lương tăng trưởng theo hằng năm của các học viên sau khi tốt nghiệp tại Khoa,…
  • Thống kê và PR đội ngũ Ban chủ nhiệm và giảng viên đào tạo ở các bộ môn trong Khoa.
  • Tổ chức dạng Social Listening, lắng nghe thông tin phản hồi từ người học và cộng đồng xung quanh, mức độ hài lòng của học viên, mức độ quan tâm, bình luận tích cực/ tiêu cực,… từ đó có những quyết định mang tính chiến lược trong công tác quản lý và xây dựng Khoa ngày càng vững mạnh hơn.

6. Mô hình Chuyển đổi số cho 6 Khoa và 2 phòng Sau Đại học, tài chính của UIT

Các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam cũng như xã hội nói chung thường đang đặt nặng vào mục tiêu đào tạo “đáp ứng nhu cầu của thị trường/ của xã hội” nói chung mà chưa hình dung một cách rõ ràng rằng trong giai đoạn hiện nay thì một tỉ lệ ngày càng lớn các nghề nghiệp mới sẽ được hình thành trong tương lai với yêu cầu sự kết nối tri thức liên ngành, xuyên ngành và đa ngành dựa trên nền tảng CNTT.

Do vậy, mục tiêu đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học không phải hướng đến đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường, của xã hội nói chung mà phải phải gia tăng năng lực thích ứng của người học trước sự thay đổi ngày càng nhanh và mạnh mẽ của xã hội, công nghệ, thị trường.

 

 

Hình 4. Hành trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công (nguồn: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. )

 ThS. Tô Đình Hiếu (người từng có 9 năm kinh nghiệm giảng dạy về kỹ thuật phần mềm và quản lý hệ thống thông tin, từng làm trợ lý nghiên cứu tại ĐH Heilbronn - Đức) nhận định, chuyển đổi số là một hành trình, trải qua 8 bước thực hiện(12):

  1. Nắm vững đột phá số: làm chủ được những vấn đề đang xảy ra (như làm chủ những công nghệ đột phá trên thế giới, những mô hình kinh doanh đột phá…)
  2. Thấu hiểu bối cảnh: tìm hiểu kỹ những thay đổi xảy ra trong môi trường, bối cảnh kinh doanh - ở đây đang đề cập là bối cảnh nền giáo dục Việt Nam nói chung và Đại học UIT nói riêng – trong thời đại chuyển đổi số.
  3. Phát triển tầm nhìn, chiến lược số: có thể đưa ra tầm nhìn mới, chiến lược mới phù hợp.
  4. Xác định lộ trình chuyển đổi số.
  5. Thiết lập văn phòng chuyển đổi số cùng với đội ngũ nguồn lực.
  6. Thiết kế mô hình vận hành Đại học số: thiết kế lại toàn bộ tổ chức để phù hợp tầm nhìn, chiến lược mới.
  7. Triển khai nền tảng Đại học số: chọn những giải pháp công nghệ để triển khai cho các mô hình đang thiết kế mới.
  8. Vận hành và quản trị: vận hành tổ chức theo mô hình mới.

Để đánh bật tâm lý ngại thay đổi, cần có cam kết, quan điểm rõ ràng về chuyển đổi số ở người lãnh đạo. Thực chất chuyển đổi số có 2 vế là “chuyển đổi” và “số”; việc chuyển đổi này phải bắt đầu từ lãnh đạo và sự tham gia của toàn bộ tổ chức. Quá trình này là tất yếu. Nếu thực sự lãnh đạo có cam kết lớn, đội ngũ thực thi đủ năng lực và có tầm nhìn về công nghệ, về mô hình kinh doanh, biết mình phải đi đến đâu, làm gì thì sẽ thực hiện chuyển đổi số thành công.

 

7. Tài liệu tham khảo

(1)    Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng đến năm 2030 và 2045”, Aus4Innovation

(2)    Chantepie, P. (2017). The Shaping of France’s Digital Cultural Policy. The Journal of Arts Management, Law, and Society, 47(5), 313–321

(3)    Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia 2020

(4)    Nguyễn Trần Diệu My, Báo cáo “Một số giải pháp giúp định hướng văn hóa số, hướng tới định hình nền văn minh số tại Việt Nam thông qua công cụ thể chế và chính sách”, Hội thảo: Kinh tế số: Tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam 2020.

(5)    Trịnh Quốc Trung, Báo cáo “Chuyển đổi số và giáo dục đại học tại Việt Nam”, Hội thảo: Kinh tế số: Tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam 2020.

(6)    https://www.phoenix.edu/

(7)    https://www.wgu.edu/student-experience/learning/students-graduates.html

(8)    https://www.capella.edu/

(9)    https://www.capella.edu/content/dam/capella/PDF/FactSheet.pdf, công bố 12/03/2021.

(10) https://fit.uit.edu.vn/index.php/gioi-thieu/gioi-thieu-chung

(11) Nguyễn Đình Thuân, Báo cáo “Chiến lược Chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại trường Đại học Công nghệ thông tin, ĐHQG-HCM”, Hội thảo: Kinh tế số: Tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam 2020.

(12) https://www.giaoduc.edu.vn/chuyen-doi-so-phai-danh-bat-duoc-tam-ly-ngai-thay-doi-2021-2021.htm