Thói tật và vượt qua thói tật trong tranh luận
Quan điểm khác nhau, tranh luận có xảy ra là điều khó tránh. Và, có thể nói rất cần thiết nữa, là khác. Nhất là trên các diễn đàn mở như internet. Tranh luận là tranh thắng bằng lí luận. Lí luận càng chặt chẽ, luận chứng càng chắc chắn, thái độ càng nhũn nhặn nhưng không thiếu cương quyết, thì sức thuyết phục càng cao. Với đối phương lẫn người nghe. Thế nhưng, do quá ham thắng, hay phần nào đó – do sợ bẽ mặt trước đám đông, lắm lúc người tham gia tranh luận trở thành ngụy biện, từ đó đẩy cuộc tranh luận vào ngõ cụt, khi quay sang tấn công cá nhân đối phương. Có mấy thói tật thường gặp phải trong tranh luận.
Thói tật đầu tiên và lớn nhất, chính là định kiến. Bước vào cuộc, ta đã sẵn thành kiến về đối phương. Nếu có ai đó khác ý ta, ta không phản bác lại bằng lập luận với chứng cứ, mà chỉ thuần phán xét. Lắm khi đó chỉ là những phán xét mang tính chụp mũ. Thế là ta gom các khuyết điểm trước đó của đối phương lại, và phê phán “chị nay đã từng thất bại ở diễn đàn này mới đây”, “lối ăn nói của ông kia bỗ bã thiếu logic”, hoặc ta chụp cho đối phương cái mũ nịnh bợ hay phản động, và gì gì khác nữa.
Chân lí luôn thuộc về ta, hoặc ta luôn đứng về phía chân lí, do đó ta không bao giờ chịu nhận đối phương đúng, cho dù họ đã đưa ra luận cứ và luận chứng đáng tin. Không chấp nhận, ta cố cãi lấy được. Một khi cãi bướng, là chính ta tự đóng cánh cửa trao đổi. Vĩnh viễn.
Né tránh vấn đề cũng là một thói tật. Tranh luận về đề tài này, khi biết mình túng thế, ta không biết chịu nhận mình sai. Vậy là ta tìm cách né tránh, và nói lảng sang chuyện khác. Đang trao đổi về văn học, ta né tránh bằng cách nói sang quan điểm chính trị xã hội. Hoặc vẫn trụ lại ở lĩnh vực văn học, nhưng ta lại thao thao bất tuyệt về mênh mông khía cạnh khác về văn học mà tránh né chủ đề đang bàn, đang được mang ra thảo luận. Ta khoe kiến thức uyên bác của ta về văn học, để người nghe thấy rằng ta đây hơn hẳn đối phương một cái đầu.
Từ né tránh đến ngoài lề cách nhau chỉ nửa bước. Yếu về lập luận, để áp đảo đối phương ta lôi đời tư [thực hay chỉ nghe nói] kèm những gì mang tính ngoài lề như bằng cấp, dòng họ… người ta ra, và ta kêu: Đấy, con người đang tranh luận với tôi đạo đức ở tầm như thế đó, ông bố nó như thế đấy. Việc nào ra việc đó, đồng hóa đời tư đối tượng với vấn đề đang tranh luận, để tranh thủ dư luận, đó là lối ăn gian.
Cuối cùng, khi biết mình đuối lí cùng đường, ta dùng đến công cụ dễ gây tổn thương nhất: ngôn từ. Ngôn từ càng nặng nề càng tốt để công phá đối phương, bất kể đối phương đó tuổi tác có thể thuộc hàng cha chú ta, bất kể đối phương đang rất lịch sự với ta. Ta sử dụng đủ loại ngôn từ mang tính áp chế. Vậy mà trên facebook vẫn có người like, mới phiền.
Câu hỏi đặt ra: làm thế nào các bên tham gia tranh luận có thể có cuộc đối thoại và, tương thoại? Trả lời: thái độ sẵn sàng đến với nhau. Đòi hỏi trước tiên với bạn và tôi là: cần học biết từ bỏ.Từ bỏ ý định ban đầu của tôi. Tôi chớ đến với bạn với cái khuôn đúc sẵn mang theo, và đòi hỏi bạn chui qua cái khuôn ấy. Đòi hỏi người khác chấp nhận “cái có sẵn”, như vậy là mình yêu ý kiến của mình, chứ không phải yêu sự thật. Kết quả: rất khó đối thoại.
Từ bỏ tính ỷ lại, ỷ vào vai vế cha chú, chức vị hay học vị, học hàm; từ bỏ cả yếu tố tuổi tác. Từ bỏ như vậy, không phải là khuyến khích kẻ khuyết “vai vế” ấy thái độ vô phép, mà là để kích thích tinh thần dân chủ trong trao đổi. Vì, chỉ chấp nhận từ bỏ như thế, chúng ta mới dọn đường lắng nghe người đối thoại.
Bỏ định kiến, rằng anh này xưa đã phản đối tôi, chị nọ đã không bỏ phiếu ủng hộ tôi hay bác kia không chịu gả đứa cháu cho cô gái rượu của tôi… Từ bỏ hết, chỉ biết rằng ở trước mặt ta là một con người. Cắt đứt thứ tinh thần kết bè, kéo nhóm. Tinh thần bè nhóm chỉ làm rối rắm thêm vấn đề, chứ không giải quyết được gì cả. Anh em, cha con, họ hàng máu mủ “nghe theo” nhau thì càng nên cắt.
Khi đã từ bỏ hết, tôi và bạn sẵn sàng bước vào cuộc với tinh thần đối thoại thực sự. Cuối rốt, yêu cầu cốt yếu của tinh thần đối thoại là: biết lắng nghe. Khi bạn không học biết lắng nghe, mọi thiện chí đều đổ sông đổ biển. Hãy để cho đối tượng thoải mái xổ bầu tâm sự, u uất của họ ra. Lắng nghe, và chỉ lắng nghe thôi. Đừng phản bác, cũng đừng cắt ngang (dĩ nhiên ngoại trừ các chuyên gia độc thoại), càng nên không đồng ý vội. Sau đó bạn ung dung trình bày ý tưởng của bạn: giản dị, ngắn gọn, rành mạch và, sẵn sàng lắng nghe phản hồi từ đối tượng.
Làm được như thế là chúng ta đã thành công một nửa chặng đường rồi.
Không phải không lí do, khi các đại biểu tiêu biểu của các thế hệ thơ Việt Nam thời gian qua không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ. Nhà thơ hàng đầu nữa! Huỳnh Thúc Kháng không chấp nhận Thơ Mới, còn Xuân Diệu không cho thơ Nguyễn Đình Thi là thơ. Gần hơn, Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thứ thơ Tây giả cầy”, như thơ dịch, mà dịch rất tồi!
Ở miền Nam, Nguyễn Hiến Lê cho thơ của nhóm Sáng Tạo chẳng ra hồn cả, ngoài món lập dị. Thế nhưng, ở miền Nam, chính nhóm Sáng Tạo chứ không ai khác đã có công lớn trong nỗ lực chuyển hướng và phát triển thơ Việt hậu bán thế kỉ XX.
Tôi cho đó là nhận định dựa trên định kiến cũ. Định kiến, chúng ta đóng mọi cánh cửa của tranh luận. Thế nên tôi mới bày ra loại phê bình tạm đặt tên là “Phê bình Lập biên bản”.“Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Nhà phê bình cần ‘đi vào trong’ hệ mĩ học sáng tạo của tác giả đó để đưa ra nhận định. Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn có thể các quan điểm sáng tác, đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa. Chỉ như thế, nhà phê bình mới có thể đảm bảo thái độ công bằng đối với mọi trào lưu sáng tác đương đại”.
Nguồn : http://www.baomoi.com/Thoi-tat-va-vuot-qua-thoi-tat-trong-tranh-luan/152/16488662.epi