NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Đặc sản... bọ rầy Bảy Núi

on .

Những cơn mưa đầu mùa ùa về tưới mát vùng Bảy Núi. Trên non cao, màu xanh đã lún phún đâm chồi.

Núi rừng như bừng tỉnh sau chuỗi ngày dài “ngủ vùi” dưới cái nắng cháy da. Thời điểm này, dân Bảy Núi lại rủ nhau đi bắt bọ rầy - món ăn dân dã đã trở thành đặc sản.

Đi tìm bọ rầy

Theo hướng dẫn của anh Thanh Thiện, chúng tôi tìm đến chợ Nhà Bàng (thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên) mua đặc sản. Là “thổ địa” của vùng này nên anh Thiện khá sành ăn. “Về đặc sản côn trùng, xứ này đứng nhất là bọ rầy. Bạn đến ngay dịp này cũng là lúc bọ rầy mới vào mùa nên số lượng chưa có nhiều. Vài bữa nữa vô dịp rộ thì người ta bán đầy chợ, ăn thoải mái” - anh Thiện giới thiệu.

Anh Thiện giới thiệu bọ rầy.

Trong cái rộng sắt tựa như một chiếc bẫy lồng chuột cỡ lớn, hàng ngàn con bọ rầy bò lúc nhúc trông có vẻ hơi... ghê ghê. Nắm bắt được tâm lý chúng tôi, anh Thiện cười: “Nó hiền khô, không có cắn đâu. Coi hơi ghê vậy chứ chế biến xong, ăn một miếng là ghiền. Dân nhậu xứ này coi đây là món “độc chiêu”, mỗi năm chỉ ăn được độ 1 - 2 tháng thôi. Bởi vậy, bọ rầy mới thành đặc sản”.

Chị Liên, người bán bọ rầy tại chợ Nhà Bàng, cho biết, chu kỳ xuất hiện của loại bọ này khá ngắn. “Bọ rầy không có quanh năm. Trời đang mùa nắng mà “quay mưa” thì mới có bọ rầy. Mưa vài đám nữa là chúng xuất hiện rất đông. Dân miệt này tranh thủ đi bắt độ chừng một tháng là hết mùa. Có khi vào vụ rộ, tôi bán cho các nhà hàng và quán ăn cả chục ngàn con mỗi ngày. Cũng nhờ bọ rầy mà người dân nghèo có điều kiện cải thiện thu nhập trong những tháng đầu mùa mưa” - chị Liên thiệt tình.

Cũng theo chị Liên, người dân đi bắt bọ rầy chủ yếu vào chập tối, nhất là sau những cơn mưa chiều. Bọ rầy rất thích ăn lá cây, nhất là lá xoài nên người bắt chỉ việc xách theo một cây đèn, rồi men theo những vườn xoài. Trước tiên, họ đặt cây đèn xuống, ánh sáng sẽ thu hút bọ rầy. Bọ rầy bay lượn vòng quanh ngọn đèn, người bắt chỉ việc cầm cây đập cho chúng rớt xuống và lượm bỏ vào lồng chờ sáng mai đem ra chợ bán.

Trở thành đặc sản

Bọ rầy có kích cỡ to hơn ngón tay cái với hình dáng đặc trưng của loài bọ nên trông có vẻ “khó nuốt”. Tuy nhiên, khi đã qua bàn tay của những bà nội trợ vùng núi, chúng như lột xác hoàn toàn. Bà Nguyễn Thị Mai, người dân cố cựu ở xã An Phú (Tịnh Biên), tỏ ra am hiểu: “Con bọ rầy là con sùng (đuông) đất trưởng thành. Sùng ở trong lòng đất đủ tháng đủ ngày sẽ bò lên rồi mọc cánh, mọc chân thành bọ rầy. Ngày tôi còn nhỏ, mấy tháng mùa mưa bọ rầy nhiều vô kể. Buổi tối xách bao đi đập độ nửa tiếng là ăn không hết. Bây giờ nhiều người ăn quá nên chúng cũng giảm dần số lượng”.

Bọ rầy trở thành đặc sản vùng Bảy Núi

Nói về cách chế biến, dì Mai khá sành. Theo lời dì, con bọ rầy bắt được mang về ngắt bỏ cánh, bỏ chân, rút hết ruột rồi ngâm nước muối. Công đoạn này đòi hỏi phải làm thật kỹ nếu không bọ rầy sẽ có mùi hơi gắt. Người siêng chế biến sẽ bầm thịt hoặc đậu phộng nhét vào ruột bọ rầy. Sau đó, chúng được ướp thêm gia vị, đảo đều cho thấm độ 20 phút. Sơ chế xong, bọ rầy được cho vào chảo chiên giòn.

“Cứ ngồi canh bếp lửa cho đến khi ngửi được mùi thơm lừng, thịt chúng căng lên, vàng rượm là vớt ra dĩa. Đối với các quán ăn, nhà hàng người ta sẽ có cách bày biện đẹp mắt, kết hợp với cà chua, cải xà lách, vài loại rau sống... Dân quê có sao ăn vậy nhưng hương vị cũng giòn, thơm, béo, bùi chẳng thua kém. Người biết làm bọ rầy khi rút ruột sẽ không nặn hết trứng của chúng, bởi trứng bọ rầy rất ngon, béo, ăn một lần nhớ mãi”- dì Mai xởi lởi.

Nhờ hương vị đặc trưng nên bọ rầy từ chỗ là món ăn chơi của dân địa phương đã trở thành đặc sản của vùng Bảy Núi. Giới sành ăn có dịp về Tịnh Biên, Tri Tôn trong những tháng đầu mùa mưa thường nhắc đến bọ rầy. Gia chủ có lòng sẽ chuẩn bị một dĩa bọ rầy chiên giòn bày lên bàn tiệc. Hương vị thơm ngon của thịt bọ rầy để lại ấn tượng mạnh trong lòng thực khách, nhắc nhớ đến phong cách ẩm thực độc đáo của miền Thất Sơn hùng vĩ.

Bài, ảnh: THANH TIẾN/Báo An Giang

 


Nguồn: http://www.baomoi.com/Dac-san-bo-ray-Bay-Nui/84/16730965.epi