Duyên nợ bánh ướt miền Trung
Với người miền Trung, bánh ướt là món ăn khá phổ biến. Tiền thân của bánh ướt bắt nguồn từ cách làm bánh tráng. Tuy nhiên, sau này với những người làm bánh ướt chuyên nghiệp và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả nước như ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định thì cách làm có phần công phu, khéo léo và tinh tươm hơn.
Khi làm bánh ướt, các cô các chị phải cần mẫn ngồi bên lò than đỏ rực. Trên lò than có nồi nước to sôi ùng ục bốc khói, mảnh vải căng tròn phẳng phiu căng kín miệng nồi. Bên cạnh là xô bột gạo ngâm xay nhuyễn, đôi tay người làm bánh đều đặn dùng vá hoặc gáo tròn múc bột đổ lên tấm vải tráng cho bột mỏng dàn đều theo khung vải rồi đậy nắp lại.
Chỉ trong vòng 1- 2 phút, bánh chín, dùng thanh tre mỏng khéo léo hớt cái bánh ra trải lên chiếc mâm có lót lá chuối non hoặc trải xuống chồng đĩa chờ sẵn. Nếu làm bán, gặp buổi khách đông, một người làm phải ngồi bên cạnh 3 - 4 lò than và đôi tay phải hoạt động liên tục. Các động tác múc bột tráng, đậy nắp nồi, mở nắp ra, vớt bánh cứ thế nhịp nhàng lặp đi lặp lại đều đặn trong sự... trông chờ.
Bánh vớt ra để khoảng 5 phút thì tạm nguội. Làm bánh ướt đòi hỏi phải khéo tay và tinh ý. Khi vớt bánh, nhẹ nhàng gấp chiếc bánh làm tư xếp để cẩn thận một góc mâm. Trước khi ăn, thoa nhẹ một lớp dầu phi với hẹ xắt nhỏ lên bề mặt chiếc bánh ướt, khiến chiếc bánh trở nên “ngon mắt” hơn.
Bánh ướt miền Trung chấm các loại mắm ăn lúc còn nóng mới ngon. Người ăn cứ thế gắp bánh ướt bỏ vào chén, dùng đũa chẻ cái bánh làm tư rồi chan thêm tí mắm ngon vào, ăn cùng rau sống thì ngon không có gì để bàn cãi.
Vị chua mặn của mắm hòa cùng vị thơm, hơi nóng của bánh mang đến một cảm giác lâng lâng khó tả. Từng miếng bánh ướt cứ trôi vùn vụt vào bụng lúc nào không hay.
Nhiều người cho rằng bánh ướt ăn với mắm dắt ở miền Trung là món ăn ngon bổ rẻ lại đậm đà hương vị quê hương. Nó vừa trang nhã, thanh tao vừa hợp túi tiền, gợi nhớ gợi thương với biết bao người.
Mỹ Tuyết
Nguồn: http://www.baomoi.com/Duyen-no-banh-uot-mien-Trung/c/17697867.epi