Bánh ướt 50 năm chợ Nghĩa Hòa, mỗi năm chỉ tăng 1.000 - 2.000 đồng

on .

TTO - Trong con đường chợ nhỏ xíu, chật ních người, quầy bánh ướt ngót 50 năm yên vị ở hẻm 123 Nghĩa Phát, Tân Bình. Từ đời mẹ tới đời con gái (cô con gái đã ngoài 60 tuổi), cần mẫn với những thau bánh ướt mềm mịn, ca mắm đậm đà, hành phi thơm lừng.

Bánh ướt 50 năm chợ Nghĩa Hòa, mỗi năm chỉ tăng 1.000 - 2.000 đồng - Ảnh 1.
 

Đĩa bánh ướt 12.000 đồng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh: Minh Đức

 

Khách tới ăn chủ yếu là người cùng phường, sống ở gần khu chợ, muốn ăn bao nhiêu cũng bán, thậm chí mua 3.000 đồng bánh không cũng bán!

Bánh ướt nghĩa tình có lẽ là cụm từ dễ thương mà khách tới đây ăn thường đặt cho quầy bánh của cô Lan, người phụ nữ với dáng người gầy gò nhỏ bé, giọng nói từ tốn nhưng tay thì làm thoăn thoắt, nhanh nhẹn tẻ bánh, cắt đậu... phục vụ khách tới ăn liên tục.

Giá thành rất rẻ, cộng với sự gần gũi thân tình giữa những thực khách, mới thấy như mình đang ngồi ăn cùng hàng xóm dẫu chưa từng gặp mặt hay quen biết.

Mỗi sáng đúng 7 giờ không trễ không sớm, cô Lan lại dọn quầy bánh ở hẻm 123 Nghĩa Phát, Tân Bình, TP.HCM. Thông thường thì quầy bán tới 9h sáng, nhưng đôi khi chỉ khoảng 8h30 sáng đã hết bánh. 

Bánh ướt do chính cô Lan tự tay làm, mỗi ngày đều đặn vài ký bánh là vừa sức "có muốn làm hơn cũng không nổi!" - cô Lan cười lắc đầu khi nghe nhiều khách khuyên làm thêm bánh để bán được nhiều.

Bánh ướt 50 năm chợ Nghĩa Hòa, mỗi năm chỉ tăng 1.000 - 2.000 đồng - Ảnh 2.

Thực khách đến mua mang về, ăn tại chỗ từ sớm nên mới 8 giờ hơn, quầy bánh đã gần hết! - Ảnh: Minh Đức

Bánh ướt ở đây mềm mịn, có độ dai nhất định, lại không ngấm nước mắm, khiến cho sợi bánh luôn ươn ướt, dễ ăn... nhờ cách pha bột bánh "đỉnh cao". 

Đôi khi cô Lan kể khách mê ăn bánh, chỉ kêu một phần bánh không có 5.000 đồng, ăn kèm nước mắm với hành phi là no bụng bữa sáng. Bảo sao bánh ướt giá rẻ thế, cô Lan cũng chia sẻ mỗi năm lên giá... 1.000 - 2.000 đồng gọi là cho có đồng ra đồng vô "đi chợ qua ngày!", như lời người phụ nữ sống đơn độc với mẹ già bày tỏ.

Có nhiều hàng bánh ướt, cách pha bột không ngon, khiến nước mắm khi chan vào bánh thì liền bị ngấm hẳn, làm cho vị bánh bị mặn, khô, cảm giác ăn vào miệng không ngon. 

 

Thường tới quầy cô Lan ăn bánh ướt, khách hầu như đều phải kêu thêm vài ngàn đồng bánh không, ăn cho "đã" miệng bởi thú thật, bánh ở đây vẫn là ưu điểm nổi bật nhất.

Bánh ướt 50 năm chợ Nghĩa Hòa, mỗi năm chỉ tăng 1.000 - 2.000 đồng - Ảnh 3.

Người già, trẻ nhỏ chợ Nghĩa Hòa chẳng còn lạ gì quầy bánh "nghĩa tình" cô Lan - Ảnh: Minh Đức

Một phần bánh ướt có đầy đủ "món ăn phụ" như chả giò, đậu hũ chiên, chả lụa sẽ có giá từ 12.000 đến 15.000 đồng, rất vừa bụng cho bữa sáng. 

Cô Lan bảo những nguyên liệu này cô đều đặt người quen suốt nhiều năm, thậm chí từ hồi mẹ cô còn bán tới khi nghỉ hưu. 

Những "món ăn phụ" ở đây đều đặc trưng, chẳng hạn chả lụa ít pha bột, mùi vị thơm, cắn vào sừn sựt thịt, mỡ... rất ngon miệng. Đậu hũ chiên cũng là loại đậu khác những nơi khác: đậu tẩm hành, khi ăn lạ miệng, đỡ ngấy.

Bánh ướt 50 năm chợ Nghĩa Hòa, mỗi năm chỉ tăng 1.000 - 2.000 đồng - Ảnh 4.

Quầy bánh ướt dân dã nhất Sài Gòn - Ảnh: Minh Đức

Tất nhiên món bánh ướt sẽ không thể thiếu hai hương vị quan trọng là nước mắm và hành phi, giúp cho thực khách nhớ hoài bánh ướt cô Lan mỗi sáng. Tất cả đều được cô Lan tự tay pha chế cho vừa miệng. 

Hỏi ra, cô được mẹ truyền lại bí quyết pha bột làm bánh... cả việc không tăng giá bán theo thời gian thị trường, cũng là vì mẹ cô bán buôn bao năm tại nơi này, đã quen với mọi thứ và ngại sự thay đổi sẽ đánh mất đi thực khách quen!

Đức NOISE

Nguồn: https://tuoitre.vn/banh-uot-50-nam-cho-nghia-hoa-moi-nam-chi-tang-1-000-2-000-dong-20220726150218158.htm