Tết rồi, về nhà với mẹ thôi!

on .

Thời gian trôi qua thật nhanh, một năm nữa lại sắp qua đi. Tết rồi, xách vali lên và về nhà với mẹ thôi!

Năm nay được nghỉ Tết muộn hơn mọi năm. Đi làm rồi, không giống như thời sinh viên nữa, nghỉ Tết muộn hơn cả chục ngày. Mọi năm, khi lên xe về quê, không khí Tết vẫn chưa manh nha trên các đường phố.

Đã bốn năm trôi qua, sắp bước sang năm thứ năm, tôi vẫn giữ hầu như nguyên vẹn cảm xúc háo hức chờ đợi ngày được về quê ăn Tết. Cảm xúc mạnh mẽ đến mức, chỉ nghĩ đến thôi đã muốn ngay lập tức xếp quần áo vào va li, chạy ngay ra bến, bắt chuyến sớm nhất về nhà, mặc kệ công việc đang dang dở. Nhưng quay quắt nhất vẫn phải kể đến năm đầu tiên đi học đại học xa nhà.

Năm 2010, tôi khăn gói vào Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống sinh viên xa nhà. Trước khi đi, tôi nghĩ bản thân dễ hòa nhập môi trường sống mới, đủ độc lập sống một mình dù không có bố mẹ bên cạnh. Đến khi, tiễn mẹ về, trong lòng bỗng hụt hẫng lạ thường, rồi thầm thì: “Giá như trường đại học gần ngay bên cạnh nhà!”.

Từng ngày qua đi, nỗi nhớ từ từ được khỏa lấp bởi những điều mới lạ, chỉ thỉnh thoảng ùa về trong những đêm ôm gối ngủ một mình. Ngày nhận được lịch thi cuối kì, biết chắc thời gian nghỉ, khỏi phải kể đến niềm háo hức. Ngay lập tức, tôi gọi điện về thông báo, đồng thời nhờ chị họ đặt vé chuyến xe sớm nhất có thể.

Vé xe ngày Tết rất khó mua, tuy sinh viên được về sớm hơn người đi làm cả chục ngày, nhưng nếu không đặt trước cả tháng, thì cũng rất khó có giường nằm tử tế, mặc cho giá vé đã đội lên gấp đôi, tới cả triệu bạc. Khi chị họ gọi điện xác nhận đã đặt được vé, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Một tháng trước kì nghỉ Tết thật dài. Tôi sống trong mòn mỏi. Tôi nhớ, những lúc đang ôn thi, thỉnh thoảng mất tập trung chỉ để nghĩ xem có nên xếp đồ ngay không, bộ nào nên mang về, bộ nào nên để lại. Đến khi lên xe ra về, đồ chỉ vỏn vẹn một túi xách cầm tay, vì đồ mùa hè không thể diện được khi ra niềm Trung lạnh giá.

Thế nhưng, ông trời có vẻ thích làm khó mọi chuyện. Đang trong tâm trạng vui vẻ chờ ngày về quê, tôi lại ngớ ngẩn đến mức đi thi nhầm giờ. Hôm đó thi môn Lý luận Nhà nước & Pháp luật, môn khó nhằn nhất trong các môn của học kì I. Tôi đã chuẩn bị rất kĩ, nhớ những gì cần nhớ, đi thi với phong thái tự tin sẽ được điểm tốt. Nhưng, lúc đến phòng thi, thấy các bạn đã ngồi bên trong, tay cầm tờ đề, hí hoáy viết. Những tưởng lớp vào thi sớm, ai dè cô giám thị vọng ra một câu làm tôi đứng hình: “Ca sau chưa vào thi nhé, ca này còn năm phút nữa mới hết”.

Khỏi phải nói đến sự hoang mang tột độ của tôi tại thời điểm đó, nước mắt lưng tròng chạy xuống phòng Đào tạo xin xỏ, nhưng, chỉ nhận được câu nói đầy thông cảm: “Kì sau học lại. Nhà trường không thể vì một mình em mà phá vỡ quy định”. Buồn lắm! Mới học kì đầu tiên, tôi nắm chắc học lại một môn, đã thế còn là môn bốn tín chỉ, cao nhất trong các môn đang học.

Đứng trước cửa văn phòng khóc rấm rứt lúc lâu, vài bạn cùng lớp cũng đến an ủi. Đứa thì bảo, đề khó lắm, lớp chắc nhiều người rớt; đứa khác lại nói, không sao đâu, sinh viên kiểu gì cũng phải rớt vài môn mới đúng chất; đứa khác cũng góp phần, kì sau sẽ có kì phụ, đăng kí ngay vẫn hoàn thành đủ chỉ trong năm học… Tôi mới đỡ tủi, ôm cặp về chuẩn bị tốt cho môn thi cuối cùng.

Đang buồn vì chưa thi đã rớt, chị họ lại gọi điện thông báo hoãn vé hai ngày vì gia đình chị cũng muốn nhân dịp về thăm quê ngoại thay vì ở lại đón Tết như mọi năm, cần thời gian chuẩn bị quà cáp. Tôi khóc không ra nước mắt, không dám ý kiến, chỉ lầm bầm trách.

Ngày về cuối cùng cũng đến, khi đã yên vị ngồi trên xe, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm, chắc chắn sẽ không có lý do gì để hoãn chuyến đi. Mặc cho vị trí nằm không phải kề cửa kính; mặc cho giường kề sát bên nhà vệ sinh; mặc cho cái mùi tỏa ra từ nhà vệ sinh do thường xuyên mở ra, đóng lại phục vụ người có nhu cầu; mặc cho người nằm giường bên cạnh say xe, nôn mửa; mặc cho tiếng con nít khóc suốt đêm vì đường xóc; mặc cho đèn chiếu vào mắt không ngủ được; mặc cho gần hai ngày trên xe thật kinh khủng… Thời điểm thấy mẹ đứng bên đường, tay cầm áo ấm, đưa mắt tìm, mọi mệt mỏi, bực dọc tan hết. Tết rồi, không về với mẹ, với gia đình, thì còn đi đâu nữa!

Tú Oanh

Nguon: http://www.tamguong.vn/to-long/688315/tet-roi-ve-nha-voi-me-thoi-tpov.html