Tâm sự của một sinh viên bị lừa khi tìm việc part-time
Đến một chỗ gia sư, họ đòi mình phải nộp 200 nghìn đồng làm hồ sơ. Mình biết ngay lừa đảo nên bảo không mang tiền rồi chạy thẳng'.
Trước hết mình muốn nói đến việc “sinh viên năm nhất có nên đi làm thêm không”. Câu trả lời theo mình nghĩ luôn luôn là có. Khi rời mái trường phổ thông cũng là lúc chúng ta nên bỏ suy nghĩ nhiệm vụ của chúng ta chỉ là hoàn thành tốt việc học. Hơn nữa, có suy nghĩ kiếm tiền càng sớm, tư duy, ý chí và khả năng làm giàu cũng sẽ càng sớm. Khi đã bước sang tuổi 18, chúng ta cần hiểu giá trị của đồng tiền không phải chỉ nằm vỏn vẹn ở những con số hay thứ mà chúng ta sở hữu được. Mà ở lứa tuổi này giá trị đồng tiền cần được hiểu bằng sự đánh đổi từ những nỗ lực cố gắng, bon chen kèn cựa, vất vả cực khổ, nhức não và đôi khi người ta còn đánh đổi cả tình người vì đồng tiền.
Ngay khi vừa biết điểm báo đỗ đại học, mình đã hí hửng tìm kiếm thông tin việc làm bán thời gian cho sinh viên ở Hà Nội. Khá nhiều công việc ngon ăn, lương hậu hĩnh hiện ra, mình ghi chú lại những cái mà mình thấy thích hợp nhất vào một tờ giấy định sau này khi về Hà Nội sẽ đến thử việc.
Và đây là quả lừa đầu tiên mình dính. Mình có nhặt được tờ rơi dán ở điểm dừng xe buýt có công việc gấp phong bì làm tại nhà 800 đồng/cái nghĩ cũng nhàn chả phải đi đâu thế là hùng hục đạp xe ra phố Cự Lộc ở Nguyễn Trãi mình nhớ rất rõ văn phòng công ty có một cái bàn và 2 chị nhân viên tiếp mình một người đưa cho mình cái hợp đồng dài ngoằng bào mình đọc và ký, rồi một người viết hồ sơ cho mình bảo mình nộp 250 nghìn đồng gọi là phí gì gì, đại khái là vào công ty thì làm hồ sơ mất ngần ấy tiền. Hôm ấy mình không mang tiền nên bỏ về. Đi được nửa đường chả biết ma xui quỷ khiến thế nào quay lại nộp cho chúng nó 100 nghìn đồng rồi bảo hôm sau em nộp tiếp. Thế là về nhà mặc dù ngại đi lắm nhưng vì tiếc 100 nghìn đồng đã nộp nên hôm sau đến nộp nốt 150 nghìn nữa. Làm hồ sơ xong, chị tiếp mình bảo mình đến một trụ sở khác để lấy đồ về làm. Trụ sở này nằm ở phố Thái Thịnh, ngõ rẽ vào viện mắt. Cái này nhìn sáng loáng hơn, có 3 cái bàn đúng một văn phòng công ty, một bà nhìn mặt như sát thủ phấn son lòe loẹt và 2 ông. 1 ông đeo kính ngồi gõ máy tính, một ông tiếp mình rất đẹp trai kêu mình đặt 240 nghìn đồng tiền vật liệu làm, tiếc lắm nhưng đã nộp ở kia rồi còn bỏ về thì thôi lại nộp nốt, tổng thiệt hại 490 nghìn đồng. Ông này đưa cho mình một cái kéo, một lọ hồ, một xấp giấy A4, một thước kẻ, hướng dẫn mình làm cái phong bì. Rồi mình về nhà làm được 3-4 lần đến nộp sản phẩm ông ấy đều nói chưa đạt. Nhiều lần như vậy mình nản. Ngồi tìm trên mạng mình thấy danh sách mấy địa chỉ lừa đảo thấy có cái ở ngõ Cự Lộc, biết bị lừa cay lắm nhưng cũng ngậm ngùi để đấy. Xót xa đồng tiền bố mẹ gửi về lắm. Mình lại quyết tâm đi kiếm việc tiếp.
Đợt này mình vừa đi nộp hồ sơ ở cửa một công ty khác, mình gọi điện thoại theo số trên tờ rơi kiểu tuyển nhân viên kinh doanh ngoài giờ, ưu tiên sinh viên năm 1, năm 2, làm 3 tiếng/ngày lương tháng 2-3 triệu đồng. Đến trụ sở của một chị nhân viên, thoạt đầu vào chị ấy hỏi mình ngay là có muốn làm giàu này nọ không rồi còn kể về những anh tiền kiếm vài chục triệu một tháng, nghe xong mình cũng xuôi tai rồi đấy. Rồi chị ấy cho mình xem cuốn catalogue của hãng một hãng mỹ phẩm. Nhưng ngay lúc ấy mình lại thấy mấy bạn kia hô hào khẩu hiệu hứng khởi quá mà tính mình lại không thích ồn ào cộng thêm chị ấy bảo nộp 90 nghìn đồng tiền gì nữa mình lại sợ, nghĩ ngay lừa đảo. Thế nên mình bảo chị cho mình suy nghĩ thêm rồi "cắp đuôi" chạy vội. Về sau mới biết đây là hình thức kinh doanh đa cấp.
Sau đó, mình xin vào làm chân chạy bàn tại Lotteria, đồng thời cũng đi làm khá nhiều việc vặt ở ngoài, đa phần là đi phát tờ rơi. Có lần vừa đi học về thấy các bạn đứng phát ở cổng trường một tờ rơi có nội dung đại khái là phát hàng khuyến mãi cho một hãng mỹ phẩm, lương hậu hĩnh. Thế là mình mang tờ rơi ấy đến địa chỉ người ta đề trong giấy. Sau mặt giấy ấy mình còn thấy có một chữ ký lúc đầu không hiểu nhưng về sau được biết đó là của các bạn bị lừa, đi dụ thêm được càng nhiều người vào giống mình càng tốt. Mình đến trụ sở, lại cái kiểu văn phòng công ty gì mà ọp ẹp dễ sợ. Khi vào phỏng vấn họ hỏi mình ở đâu, mình kêu ở Hà Nội, rồi còn hỏi bố mẹ em làm gì? Mình thấy rất buồn cười chả thấy ở đâu phỏng vấn kiểu này. Mình kêu bố em là công an, mẹ em làm chánh án tòa án nhân dân. Xong các anh chị ấy kêu mình là đây là vòng phỏng vấn có gì các anh chị ấy liên lạc sau, đợi vài tháng sau cũng tịt luôn không thấy liên lạc gì. Sau quả này mình bắt đầu tinh tế hơn khi phát hiện bọn lừa đảo.
Tiếp sau đó mình cũng thử sức với nghề gia sư vì thấy các bạn đi gia sư nhiều. Mình tìm được một chỗ tự kêu là tuyển trực tiếp cho con họ học, lương hậu hĩnh mà không qua trung tâm. Nghe xuôi xuôi mình gọi điện, một giọng nam chỉ cho mình đường đến văn phòng chỉ có một cái bàn. Mình nghi ngay lập tức, hỏi ra lại phải nộp 200 nghìn đồng làm hồ sơ. Mình biết ngay lừa đảo nên bảo không mang tiền có gì chiều quay lại. Sau đó một đi không trở lại.
Qua những tháng ngày giông tố, mình ngẫm lại. Có lẽ ai cũng cần trải qua những vấp váp cuộc đời, bị lừa, bị chơi khăm. Như thế thái độ đối mặt với những tình huống tương tự xảy đến với mỗi chúng ta sau này cũng được chỉnh sửa dần khôn ngoan hơn đơn cử như các phi vụ đi qua lừa đảo của mình.
Đối mặt với nó sớm thì sau này ra đời chúng ta cũng đỡ shock hơn nếu có gặp những tình huống tương tự. Tóm lại là đi một ngày đàng học nhiều ngàn sàng khôn. Nên đi chứ đừng nên chỉ ở nhà cắm mặt vào sách vở. Tốt nhất nên tự trang bị cho mình cảm xúc, kỹ năng, khả năng ứng phó trước mọi tình huống từ mọi nguồn trong cuộc sống mà đi làm thêm là một nguồn cung cấp khá phong phú những điều đó.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Tam-su-cua-mot-sinh-vien-bi-lua-khi-tim-viec-part-time/59/16003940.epi