Vì sao các lập trình viên thường làm việc vào ban đêm?
Có 3 lý do cơ bản giải thích cho việc các lập trình viên thường xuyên làm việc vào ban đêm. Đó là lịch làm việc, cơ chế làm việc của bộ não và ánh sáng của màn hình máy tính.
Không phải ngẫu nhiên mà có câu nói nổi tiếng rằng lập trình viên là những cỗ máy biến cà phê thành code (mã).
Và chắc chắn là, hỏi bất cứ một lập trình viên nào câu hỏi họ làm việc hiệu quả nhất khi nào, họ sẽ có câu trả lời là vào đêm khuya. Một số có thể sớm hơn, một số có thể muộn hơn, nhưng theo thống kê của các cuộc nghiên cứu, xu hướng phổ biến là các lập trình viên thường đi ngủ lúc 4 giờ sáng.
Mục đích chính khi làm việc vào đêm khuya là để tránh bị sao nhãng. Tuy nhiên, để không bị sao nhãng tâm trí vào những vấn đề xung quanh và tập trung vào công việc, lập trình viên có thể chỉ cần vào trong phòng và khóa cửa lại, sẽ không ai làm phiền được các lập trình viên nữa. Vậy, đêm có gì đặc biệt, cụ thể hơn, đêm khuya có gì đặc biệt?
Theo dự đoán, tất cả có thể nằm ở 3 lý do: lịch làm việc, cơ chế làm việc của bộ não và ánh sáng của màn hình máy tính.
Lịch làm việc
Lịch trình làm việc thông thường nhất là … vào giờ hành chính. Và theo phân tích, vào những khung giờ này, chỉ cần 10 phút bị làm phiền hay mất tập trung, bạn sẽ mất đến cả tiếng đồng hồ quý giá. Trong khi đó, với những người làm công việc mang tính sáng tạo, hoặc những công việc hệ thống trừu tượng, cần tập trung toàn bộ tâm trí, thì việc bị làm phiền hay mất tập trung sẽ vô cùng tai hại. Bạn hãy tưởng tượng như khi bạn xây một ngôi nhà bằng pha lê đắt đỏ và quý giá, và nếu một ai đó khiến bạn mất tập trung, tất cả sẽ sụp đổ và vỡ tan tành.
Đó chính là lý do tại sao các lập trình viên lại khó chịu đến thế khi ai đó làm họ sao nhãng. Công việc của các lập trình viên phải đầu tư trí óc rất lớn, vì thế họ không thể ngồi làm việc suốt cả buổi để rồi đến cuối giờ lại chẳng đi đến đâu do bị mất tập trung. Trong thực tế, nhiều nhà sáng lập nói rằng họ đơn giản là không thể hoàn thành công việc nào trong ngày, bởi họ bị ngắt quãng công việc liên tục vì rất nhiều lý do, như là trả lời email và điện thoại. Do đó, họ chỉ có thể hoàn thành hầu hết công việc khi mọi người đã đi ngủ.
Cơ chế làm việc của bộ não
Thế nhưng, ngay cả khi là lập trình viên thì họ vẫn cần ngủ vào ban đêm. Vậy tại sao họ lại làm việc và bắt buộc trí não làm việc khi bộ não muốn ngủ nhất, và lại chỉ làm những nhiệm vụ đơn giản vào lúc bộ não sáng suốt và tỉnh táo nhất?
Bởi vì, nghiên cứu cho thấy mệt mỏi khiến chúng ta trở thành những lập trình viên (coder) tốt hơn. Lý do rất đơn giản, vì khi bộ não mệt mỏi, nó sẽ phải tập trung! Lúc này, bộ não không còn đủ sức để chú ý đến bất cứ chuyện gì, nên không thể mất tập trung hơn nữa.
Một lập trình viên từng tiết lộ rằng anh ta hầu như không làm nổi việc gì sau khi đã uống quá nhiều trà hoặc cà phê. Lúc này anh ta quá tỉnh táo, quá hiếu động và một lúc lại truy cập Facebook, lúc lại đọc tin tức và cuối cùng là không hoàn thành việc gì.
Nhưng khi đã hơi mệt, đầu óc bắt đầu khép lại và … viết code. Với một bộ não … hơi mệt, lập trình viên có thể viết code trong hàng giờ mà không nghĩ đến chuyện vào Twitter hay Facebook. Nó giống như internet không còn tồn tại nữa.
Có vẻ như thực tế này rất đúng với nhiều lập trình viên.
Ánh sáng của màn hình máy tính
Đây là một lý do rất đơn giản. Nhìn chằm chằm vào nguồn sáng vào ban đêm và chu kỳ ngủ của bạn sẽ bị trì hoãn. Bạn quên mất chuyện phải đi ngủ cho đến khi thực sự mệt vào lúc 3 giờ sáng. Sau đó bạn thức dậy lúc 11 giờ sáng và khi đêm đến, bạn đơn giản là không còn mệt nữa, vì đã ngủ đến tận 11 giờ sáng.
Nhịp điệu sinh hoạt này sẽ khiến bạn rơi vào một múi giờ khác với những người xung quanh. Nhưng điều đó có lẽ không làm nhiều người, trong đó có các lập trình viên, cảm thấy khác biệt. Có lẽ vì họ đã quen với việc đi ngủ lúc 4 giờ sáng, dậy lúc 11 giờ sáng và ăn sáng lúc 12 giờ trưa!
Cuối cùng, tất cả những điều trên dù lạ lùng, song để giải thích rằng lập trình viên làm việc vào ban đêm vì không ai áp đặt giới hạn thời gian khi nào thì bạn phải ngừng làm việc, bạn sẽ không bị mất tập trung và một điều nữa đã được khoa học chứng minh, ánh sáng màn hình khiến bạn không cảm thấy buồn ngủ.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Vi-sao-cac-lap-trinh-vien-thuong-lam-viec-vao-ban-dem/76/16006156.epi