Cuối năm 2015 là thời điểm chín muồi để Việt Nam triển khai 4G

on .

Các chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn thời điểm triển khai 3G khôn ngoan đã đem lại cho Việt Nam thuận lợi trong việc áp dụng công nghệ này, điều đó cần tiếp tục được phát huy khi chúng ta dự định phát triển 4G vào cuối năm 2015.

Các mạng di động cho biết, đến thời điểm này đã có khoảng hơn 30% thuê bao di động sử dụng 3G và dự kiến đạt trên 50% thuê bao sử dụng 3G vào cuối năm nay.

Cục Trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan cho biết, khi 3G được triển khai tại Việt Nam thì trước đó Cục Tần số đã quy hoạch đủ băng tần cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Hàng chục năm trước khi cấp phép 4G, Việt Nam đã có những nỗ lực giải phóng băng tần để sử dụng cho công nghệ này. Việt Nam là một trong những nước đã sẵn sàng băng tần 2.6 GHz khi 4G triển khai bởi trước đó Cục Tần số đã nhìn thấy xu hướng phát triển của từng loại băng tần và bảo vệ băng tần này cho công nghệ mới.

Các chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn tần số và thời điểm để triển khai công nghệ mới cũng đem lại sức cạnh tranh và phổ cập dịch vụ mới cho người dân. Việt Nam không phải là quốc gia triển khai 3G sớm, nhưng triển khai 3G vào thời điểm chín muồi về công nghệ với giá thiết bị giảm và nhiều thiết bị đầu cuối hỗ trợ. Điều này thể hiện tầm nhìn và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước giúp cho người dân có thể cung cấp dịch vụ 3G với giá cả phù hợp và để người dân có cơ hội sử dụng dịch vụ này cũng như làm tăng hiệu quả triển khai 3G cho các nhà mạng. Các mạng di động cho biết, cho đến thời điểm này, đã có khoảng hơn 30% thuê bao di động sử dụng 3G và dự kiến đạt trên 50% thuê bao sử dụng 3G vào cuối năm nay.

“Thủ tướng đã quyết định sẽ thực hiện cơ chế đấu giá cấp phép băng tần. Hiện nay, Cục Tần số đang xây dựng hồ sơ đấu giá và dự kiến phiên đấu giá tiến hành chậm nhất vào đầu 2016, thậm chí nếu nhanh có thể diễn ra vào cuối năm 2015”, ông Hoan nói.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cũng nhận định, năm 2015 là thời điểm chín muồi để triển khai việc cấp phép cho 4G. Việc tiến lên 4G cũng giống như xây đường cao tốc để triển khai các dịch vụ cần yêu cầu băng rộng lớn. Thị trường Việt Nam hiện đã hoàn toàn sẵn sàng cho 4G. Các sản phẩm smartphone hỗ trợ 4G giảm giá mạnh, thậm chí  được bán ra với giá chưa đầy 100 USD nên nhiều người dùng bình dân đã có cơ hội sử dụng.

“Việc triển khai 4G trong năm 2015 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dùng lẫn nhà mạng. Tuy nhiên, Việt Nam không phải vội vã triển khai đồng loạt trên toàn quốc ngay mà chỉ cần tập trung vào những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng trong thời gian đầu”, ông Thiều Phương Nam nói.

Các chuyên gia cho rằng, lựa chọn thời điểm triển khai 3G khôn ngoan đã đem lại cho Việt Nam thuận lợi trong việc áp dụng công nghệ này và điều đó cần tiếp tục được phát huy khi triển khai 4G. Ông Đoàn Quang Hoan cho biết, cuối năm 2015 Việt Nam sẽ thực hiện đấu giá băng tần 4G. Đây là thời điểm hợp lý để Việt Nam triển khai công nghệ mới này. Cục Tần số Vô tuyến điện đang nỗ lực đưa vào sử dụng băng tần 2.3 GHz, 2.4 GHz và 2.6 GHz cho công nghệ mới đó. Nhưng xu hướng phát triển công nghệ 4G không chỉ triển khai ở băng tần cao vì nếu triển khai ở những băng tần thấp hơn thì sẽ rất có lợi cho băng rộng ở vùng nông thôn. Vì thế, sắp tới Việt Nam cũng triển khai 4G ở băng tần 1800 MHz (hiện dùng cho 2G) và sẽ dùng cả băng 900 MHz cho 3G.

“Trong năm qua, Cục Tần số Vô tuyến điện tập trung quy hoạch lại tần số mở đường cho sự phát triển của thông tin vô tuyến ở Việt Nam, nâng cao khả năng truy cập và hiệu quả sử dụng đối với tần số vô tuyến, đảm bảo tần số cho các công nghệ mới. Đây là một điểm nhấn của Việt Nam mà không phải nước nào cũng làm được” Ông Đoàn Quang Hoan nói.

Thái Khang

Nguồn: http://ictnews.vn/vien-thong/cuoi-nam-2015-la-thoi-diem-chin-muoi-de-viet-nam-trien-khai-4g-123760.ict