Cách phòng tránh virus, mã độc trên Facebook
Những thiết lập sau sẽ giúp bạn không trở thành nạn nhân của những thông tin độc hại trên Facebook.
Thời gian gần đây, những thông tin độc hại trên Facebook lại tiếp tục được phát tán tràn lan gây không ít khó chịu cho người dùng, đó là các mã độc được gửi qua tin nhắn hoặc đăng trên tường. Để không nhận phải những thông tin dạng này và phòng tránh bị nhiễm mã độc, bạn có thể thực hiện các thiết lập sau trên Facebook .
Tùy chỉnh không cho người khác đăng thông tin lên trang cá nhân.
1. Không cho người khác đăng thông tin lên trang cá nhân
Sau khi chặn, không cho phép người khác đăng thông tin lên trang cá nhân của mình, thì Facebook của bạn sẽ giảm bớt rất nhiều những thông báo có chứa mã độc được chia sẻ dạng này.
Bạn chỉ việc vào Settings > Chọn thẻ Timeline and Tagging > nhấn Edit ở mục "Who can add things to my timeline?" > Chọn Only Me.
2. Kiểm soát các thông tin được gắn thẻ (tag)
Có những thông tin độc hại được chia sẻ và gắn tag lên đến 20 người. Nếu không muốn những thông tin này xuất hiện trên trang cá nhân của mình thì bạn có thể kiểm soát chúng.
Đầu tiên, bạn cũng vào Setting > Chọn thẻ Timeline and Tagging. Sau đó, nhấn Edit ở mục "Review posts friends tag you in before they appear on your timeline?" > Chọn Enable.
Tùy chỉnh giúp kiểm soát các thông tin được gắn thẻ.
3. Cho tin nhắn của người lạ vào thư mục Other
Cũng trong phần Settings, bạn vào thẻ Privacy > Nhấn Edit ở mục "Whose messages do I want filtered into my Inbox?" > Chọn Strict Filtering.
Với tùy chọn này, chỉ tin nhắn của bạn bè mới được chuyển tới hộp thư Inbox, còn tin nhắn của người lạ sẽ được chuyển vào thư mục Other. Nhờ đó, bạn dễ dàng phân biệt và chú ý hơn trước khi nhấn vào thông tin chia sẻ.
Tùy chỉnh để tin nhắn của người lạ không vào thư mục Inbox.
4. Không nhấn vào đường dẫn đáng ngờ
Thao tác này đòi hỏi người dùng phải có chút kinh nghiệm sử dụng internet, đặc biệt là mạng xã hội Facebook. Bởi vì tin tặc ngày càng tinh vi, chúng tạo ra các thông tin độc hại và chia sẻ dưới dạng các thông tin rất câu khách, như: Lộ ảnh nóng, video sex, khuyến mãi thẻ nạp điện thoại, vẽ ảnh Chibi, thông tin liên quan tới Phương Trinh, Công Phượng...
5. Hạn chế kết bạn với người không quen biết
Hiện nay trên Facebook có nhiều tài khoản ảo do tin tặc hoặc những người hành nghề "mua bán Like" tạo ra. Do đó, khi thấy một yêu cầu kết bạn, bạn nên xem qua trang cá nhân của người này. Nếu trang cá nhân của họ chỉ chứa những thông tin, hình ảnh nhảm, độc hại thì nên từ chối yêu cầu kết bạn.
6. Vào Facebook phải đúng tên miền *.facebook.com
Khi nhấn vào một đường dẫn bất kỳ từ email hay chính Facebook để cấu hình tài khoản, bạn cần phải chú ý đường dẫn trên thanh địa chỉ của trình duyệt có đúng là dạng *.facebook.com (*.m.facebook.com đối với thiết bị di động) hay không.
Mọi yêu cầu đăng nhập tài khoản Facebook trên một trang web không phải *.facebook.com hay *.m.facebook.com đều là giả mạo nhắm đánh cắp tài khoản người dùng.
Lưu ý đúng tên miền Facebook khi truy cập, thiết lập tài khoản và đăng nhập thông tin.
7. Kiểm tra danh sách ứng dụng có liên kết với tài khoản Facebook
Các ứng dụng đang liên kết với tài khoản Facebook của bạn sẽ hiển thị trong phần Settings > Apps. Bạn nên định kỳ kiểm tra danh mục này để đảm bảo chỉ đang kết nối với những ứng dụng an toàn.
Hầu hết các ứng dụng liên kết đều sẽ yêu cầu được đăng tải thông tin lên trang cá nhân, truy cập danh sách bạn bè... Nếu thích, bạn có thể hạn chế quyền hạn này của những ứng dụng đó.
Danh sách các ứng dụng đang có liên kết với tài khoản Facebook.
Nguồn : http://www.baomoi.com/Cach-phong-tranh-virus-ma-doc-tren-Facebook/76/16048520.epi