Chất xám của “người ngoài”
1. Sự quan tâm đặc biệt của khán giả Hà Nội đối với được gói gọn trong một công thức: HLV + các cầu thủ U.19. Sức hút của U.19 thì có lẽ không cần phải bàn, tuy nhiên chính những gì HLV Miura đã làm trong cách sử dụng họ tại đội tuyển Olympic mới thực sự tạo nên một “phong trào yêu đội tuyển” mới trong thời gian tới.
Ông Miura gọi nhiều cầu thủ U.19 (từ HA.GL và các đội khác) lên tuyển, trao cơ hội cho họ nhưng cũng sử dụng họ một cách vừa phải. Điều đó khiến cho những ai yêu quý U.19 mang cảm giác hồi hộp, chờ đợi thay vì chắc chắn họ sẽ được đá chính. Cái cảm giác hy vọng ấy luôn kích thích hơn việc biết trước điều gì.
HLV Toshiya Miura hướng dẫn các tuyển thủ trẻ trong buổi tập.
Tuy nhiên, những gì ông Miura làm hiện nay vốn không mới mẻ gì. 13 năm trước, “thầy phù thủy” Calisto thậm chí còn làm nhiều hơn thế, vị HLV người Bồ Đào Nha đưa các cầu thủ đang chơi ở giải hạng nhất như Tài Em, Trường Giang, Xuân Thành hay một ngôi sao 18 tuổi là Phạm Văn Quyến vào đội tuyển dự Tiger Cup 2002. Thời điểm đó, rất nhiều người nghi ngờ năng lực của Calisto, nhưng thực tế đã chứng minh, cách nhìn người của những HLV ngoại có sự khác biệt lớn. Ông Calisto cũng đã xây dựng đội tuyển bằng rất nhiều trận giao hữu và tập trung vào việc nâng cao thể lực của các cầu thủ thay vì tập chiến thuật quá nhiều. Dưới thời Calisto, mỗi khi chuẩn bị tham gia các giải đấu thường phải có gần 10 trận giao hữu lớn, nhỏ. Một đặc điểm khác của Calisto không tồn tại khái niệm ngôi sao ở đội tuyển mà lối chơi dựa trên sự đa năng của cầu thủ trên nhiều hệ thống chiến thuật.
2. Nói như vậy để thấy, những dấu ấn của HLV Miura hiện nay cũng là một cách làm mới những gì Calisto thực hiện trước đây. Chỉ có điều, sau một quãng thời gian loay hoay với quan điểm dùng HLV nội, giờ đây VFF đã giao toàn quyền cho HLV Miura để cải tổ năng lực thi đấu quốc tế của đội tuyển quốc gia. Tính khoa học, quan điểm huấn luyện lấy thể lực, kỷ luật làm nền tảng đã từng được áp dụng, nhưng nhanh chóng bị quên khiến bóng đá Việt Nam rơi vào thời kỳ sa sút cùng thời điểm phát triển bong bóng của V-League với các giá trị ảo. Nếu như chúng ta biết quý trọng, chắt lọc kinh nghiệm của hàng loạt HLV ngoại đã đến Việt Nam làm việc thì có lẽ bóng đá Việt Nam đã có một đẳng cấp cao hơn, nhất là luôn có lứa tài năng trẻ.
Thế nên, giờ đây nếu đã khen ngợi “cuộc cách mạng” mà HLV Miura đã làm tại đội tuyển quốc gia và U.23 thì nên trân trọng những gì mà chuyên gia người Nhật để lại, hòng tránh tái diễn tình trạng “người đi, sự tiến bộ cũng đi luôn” như câu chuyện “hậu Calisto” 4 năm qua.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Chat-xam-cua-nguoi-ngoai/87/16102341.epi