2 chàng trai đạt 10 điểm tốt nghiệp nhờ khóa luận về 'Anh hùng xa lộ'

on .

Khóa luận về ứng dụng giao thông tên Triphero với số điểm tuyệt đối đã giúp Huỳnh Phương Duy trở thành thủ khoa đầu ra của ngành với điểm trung bình 9,23 và Lê Văn Tài nằm trong top 4 sinh viên có điểm số 8,97.

“Anh hùng xa lộ”, hay còn được gọi là Triphero, là ứng dụng di động miễn phí, hỗ trợ người tham gia giao thông (đi xe buýt và xe máy) với những cảnh báo nguy hiểm trên đường đi trong vòng 2km và thông tin cụ thể về giờ giấc, bến xe buýt. Hiện Triphero đã có mặt trên Google Play (hệ điều hành Android) và AppStore (iOS).

Chủ nhân của ứng dụng này là Huỳnh Phương Duy và Lê Văn Tài(cùng SN 1991), hiện đang là sinh viên năm cuối khoa Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, liên thông từ Cao đẳng.

Đánh cược công việc ổn định bằng ứng dụng cộng đồng

Đó là cách ví von của bạn Huỳnh Phương Duy và Lê Văn Tài khi nói về ứng dụng Triphero (tạm dịch là Anh hùng xa lộ) của mình, vì nếu thành công hai bạn sẽ có cơ hội trở thành nhân viên chính thức của 1 công ty phần mềm tại Úc. Tuy vậy, ý tưởng thiết kế ban đầu lại bắt nguồn từ mong muốn thay đổi thói quen sử dụng xe buýt thay vì phương tiện cá nhân của người dân Sài Gòn, bằng những thông tin cực kỳ cụ thể. Ví dụ như còn bao nhiêu phút xe buýt sẽ đến trạm, xe buýt bạn đang đợi đã đến đoạn đường nào,... như vậy người đi xe buýt sẽ chủ động hơn.

Huỳnh Phương Duy (phải) và Lê Văn Tài, hai "anh hùng xa lộ" của ứng dụng Triphero

Để đưa mình vào khuôn khổ, Duy và Tài đã chọn Triphero là đề tài khóa luận tốt nghiệp. Và để thuyết phục nguồn vốn hỗ trợ, hai bạn mạnh dạn gửi bản demo (bản thô của ứng dụng) đến một công ty tại Úc và nhận được 1.000 USD khởi nghiệp.

Ngày 9/2/2014, Duy và Tài bắt tay vào làm và bảo vệ thành công luận án vào ngày 28/8/2014. Đến nay, cả hai vẫn đang tiếp tục phát triển ứng dụng trên hệ điều hành Android và iOS với sự giúp đỡ của bạn Nguyễn Thành Ân (sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM).

Tuy nhiên, hành trình để đi từ điểm 0 đến điểm 10 là hành trình nhiều gian khó. Công việc đầu tiên là khảo sát thị trường, đánh giá người dùng cần gì từ ứng dụng. Vì vậy, mục đích phục vụ người đi xe buýt ban đầu được bổ sung thêm phần cảnh báo nguy hiểm cho người đi xe máy, như khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn, kẹt xe, ngập lụt,…

Lê Văn Tài đang giới thiệu ứng dụng Triphero

Sau phần khảo sát, Duy và Tài mới cùng nhau xây dựng ứng dụng và tiếp nhận thông tin giao thông thực tế để thử nghiệm. Do là phần mềm dựa vào nguồn lực cộng đồng (Crowdsourcing) nên những lần chạy thử đều là những lần sử dụng người thật việc thật, số liệu thật.

Tiếp đến là một quy trình xoay vòng ra mắt – nghe ý kiến đóng góp, xem xét, khắc phục và tiếp tục ra mắt. Bên cạnh đó, những thông tin giao thông được gửi về đều sẽ được người sử dụng thực tế đánh giá đúng – sai, kiểm định thực – hư. Đây cũng là điểm đặc trưng của ứng dụng bởi người dùng được chủ động trong việc đóng góp, cung cấp và đánh giá thông tin, mà theo Phương Duy nói là "một người cống hiến, trăm người hưởng lợi".

Không dừng lại ở đó, Duy và Tài còn mạnh dạn mang sản phẩm tham gia cuộc thi công nghệ Hackathon Việt Nam 2014 do Công ty Formation 8 đến từ thung lũng Silicon (Mỹ) tổ chức. Dù không nhận được giải thưởng vì ứng dụng không mang tính lợi nhuận nhưng giao diện và tính năng của ứng dụng cũng được xếp nhóm đầu.

Phương Duy chia sẻ: "Ban giám khảo đã hỏi bọn mình có ý định kiếm tiền từ ứng dụng này không, bọn mình đã trả lời là không bởi mục đích là đóng góp xã hội. Lợi nhuận sẽ lấy từ bên thứ ba, như các công ty vận chuyển, chứ không phải từ người dùng”. Vậy là, dù không đoạt giải nhưng Duy và Tài lại có thêm những ý kiến của chuyên gia để hoàn thiện sản phẩm.

“Có những tuần không làm được gì mà chỉ… bổ sung kiến thức”

Khi nói về những khó khăn trong quá trình xây dựng ứng dụng, Tài chia sẻ: "Có đến hai, ba tuần hai đứa mình rơi vào bế tắc. Mỗi ngày mình đều phải lên mạng đọc tài liệu và nghiên cứu các sản phẩm có liên quan để bổ sung kiến thức".

Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin từ Sở Giao thông Vận tải và các bến xe cũng không dễ dàng. Bởi lẽ, không phải tự nhiên mà họ lấy được lòng tin từ các tài xế lái xe. Có khi chưa nói hết câu đã bị xua tay đuổi đi hoặc trả lời bâng quơ rồi lảng mất. Lúc ấy, Duy và Tài phải kiên nhẫn mở bản demo giới thiệu hoặc đưa ra những bài viết về dự án để tạo niềm tin.

Hai chủ nhân ứng dụng Triphero với người hỗ trợ ở mạng điều hành Android bạn Nguyễn Thành Ân (giữa)

Được hỏi ví dụ một trạm xăng bị ứng dụng đánh giá gian lận và người chủ làm khó thì thế nào, Duy cho biết đây là thông tin người dùng cung cấp và họ cũng sẽ là người đánh giá. Nếu thông tin bị sai chắc chắn sẽ có người phản hồi lại. Như vậy, ứng dụng không gây tổn thất cho bất kì ai.

Hiện tại, Duy và Tài đang từng bước cải thiện ứng dụng, đặc biệt là với sự ra mắt của SmartWatch (đồng hồ thông minh) sắp tới, ứng dụng sẽ phát huy được tính tiện ích của mình hơn.

Sự kỳ công, tính ứng dụng và ý nghĩa xã hội của sản phẩm đã giúp Phương Duy và Văn Tài được chấm 10 điểm trong khóa luận tốt nghiệp đại học của mình. Với điểm số đó, cả 2 đã lọt vào top 4 sinh viên tốt nghiệp điểm cao, trong đó, Duy là thủ khoa đầu ra ngành, điểm trung bình cao chót vót 9,23, còn Văn Tài là 8,97.

Ứng dụng ngày càng phát triển khả quan, nhiều người dùng biết đến và tin tưởng sử dụng, việc đánh cược để có một vị trí chính thức tại công ty phần mềm Úc có khả năng thắng lợi. Mong rằng sắp tới, cả hai sẽ có thêm nhiều ý tưởng hơn nữa phục vụ cộng đồng.

Nguồn: http://www.baomoi.com/2-chang-trai-dat-10-diem-tot-nghiep-nho-khoa-luan-ve-Anh-hung-xa-lo/76/15146029.epi