9 bí ẩn thú vị khoa học không thể giải thích
Cùng với sự phát triển của khoa học, kho tàng kiến thức của loài người về thế giới xung quanh cũng ngày một nhiều lên. Nhưng càng khám phá, chúng ta càng phát hiện được nhiều bí ẩn mà ngay cả khoa học hiện đại cũng không thể giải thích.
1. Bò luôn quay đầu về hai cực khi ăn:
Một nhóm khoa học sau khi nghiên cứu hàng ngàn hình ảnh chụp bò từ vệ tinh Google Earth đã phát hiện một chi tiết mà bấy lâu nay không ai để ý đến: Bò luôn đứng dọc theo hướng trục nối liền hai cực của Trái Đất khi chúng đang ăn cỏ hay nghỉ ngơi.
Hiện tượng này vẫn không thay đổi bất kể tác động nào từ bên ngoài, như gió chẳng hạn.
Mặc dù có những loài vật có khả năng định vị như la bàn, nhưng đây là lần đầu tiên khả năng đó xuất hiện trên một loài động vật có vú to lớn. Một điều kỳ lạ nữa là khi càng ở gần hai cực, khả năng định hướng của chúng càng thiếu chính xác. Các nhà khoa học cũng không rõ hiện tượng này liên quan tới việc định hướng như trong hàng hải hay chỉ là kết quả của việc canh chừng những con thú săn mồi. Tuy nhiên, hành động này của chúng có thể có một mục đích nhất định bởi bò ở cả sáu châu lục đề có xu hướng như vậy.
2. Tại sao động vật trên cạn lại xuống biển để sinh sống:
Như chúng ta đã biết, nhiều loài vật sống dưới biển đã lên bờ và tiến hóa thành động vật trên cạn. Chúng tự đã phát triển các chi để thích nghi với điều kiện sống trên mặt đất. Nhưng vì sao có những loài, ví dụ như tổ tiên của cá voi và hải cẩu lại xuống biển để sống thì đến giờ vẫn còn chưa giải thích được.
Về cơ bản, những loài động vật trên cạn xuống biển sống sẽ khó tiến hóa hơn so với chiều ngược lại, bởi với chúng, học bơi sẽ mất rất nhiều năng lượng. Phải rất lâu sau trong quá trình tiến hóa, chúng mới phát triển khả năng bơi và chỉnh hướng hiệu quả hơn nhiều bằng đuôi thay vì dùng chân để đạp nước. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao ban đầu chúng lại quyết định xuống biển? Đây là bí ẩn tiến hóa lớn nhất mà khoa học hiện đại vẫn còn “bó tay”.
3. Hơn 7000 loại chất khác nhau trong thực vật:
Thực vật thường tiết ra những chất có tác động rất thú vị (đôi khi là đáng sợ) lên những động vật ăn phải chúng. Những chất đó được gọi chung bằng cái tên Alkaloid, trong đó morphine là một chất rất phổ biến có tác dụng giảm đau. Hiện tại có khoảng 7000 loại Alkaloid khác nhau trong các loài thực vật và không ai biết tại sao lại nhiều đến vậy.
Những chất này tạo ra vô vàn các phản ứng khác nhau trên động vật nếu chúng ăn phải. Trong trường hợp cây anh túc tiết ra morphine, các chuyên gia tin rằng chất này có tác dụng giúp những động vật ăn phải xua đuổi thú săn mồi. Tuy nhiên lý do tại sao morphine, một chất giảm đau hữu hiệu, lại có khả năng đó thì vẫn còn là một ẩn số với khoa học.
4. Tại sao hoa lại có ở khắp mọi nơi:
Thực vật có hoa là một lớp thực vật có tên gọi học thuật là angiosperms(thực vật hạt kín). Nếu bạn để ý thì sẽ thấy chúng có mặt ở hầu như khắp mọi nơi. Điều đáng ngạc nhiên là khoảng 400 triệu năm về trước, số lượng của chúng không nhiều như bây giờ. Lý do là ở thời điểm đó, thực vật có hoa đã xâm chiếm các loại thực vật khác với một tốc độ rất nhanh. Kết quả là hiện nay chúng chiếm tới 90% số lượng tất cả các loài thực vật.
Darwin đã gọi hiện tượng này là một “bí ẩn rùng rợn”. Sự tiến hóa thần tốc của thực vật có hoa trong thời gian ngắn đã đi ngược lại hoàn toàn với lý thuyết của ông về sự tiến hóa dần dần thông qua chọn lọc tự nhiên. Bởi thực vật khi chết đi không để lại hóa thạch nên rất khó xác định làm thế nào mà loài cây này đột nhiên xuất hiện và lấn át tất cả mọi loài khác như vậy.
5. Càng gần xích đạo, sự sống càng đa dạng:
Nếu bạn di chuyển từ những vùng lạnh hơn trên Trái Đất về hướng xích đạo, bạn sẽ thấy đời sống gần đó đa dạng hơn nhiều. Khoảng 200 năm trước, nhà thám hiểm người Phổ Alexander von Humboldt là người đầu tiên phát hiện ra sự đa dạng sinh học tăng dần khi tiến về gần xích đạo. Khi bạn nghe tin về sự bùng phát của virus chết người ở Châu Phi hay Nam Mỹ, lý do thường đi kèm là y tế các nước chậm phát triển này còn quá nghèo nàn. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng virus và vi khuẩn gây bệnh hoạt động mạnh hơn và đa dạng hơn ở các quốc gia phía nam so với phía bắc.
Tính đến nay trên thế giới có khoảng 36 giả thuyết được đặt ra để trả lời cho vấn đề này. Tuy nhiên với số lượng sinh vật sống mà chúng ta đã biết thì gần như không thể tổng hợp tất cả những giả thuyết đã có vào làm một và rút ra kết luận cuối cùng.
6. Nghịch lý về lớp sinh vật phù du:
Sinh vật phù du là một lớp sinh vật thường sinh sống trong các vùng nước lớn với nhiều phân loài khác nhau. Về cơ bản, chúng là những loài thực vật nổi trên mặt nước. Chúng có mặt ở khắp các hệ thống nước trên toàn thế giới với số lượng rất lớn và đa dạng về chủng loại. Với nguồn tài nguyên có hạn thì một lượng lớn các sinh vật khác nhau không thể cùng tồn tại trong một hệ sinh thái mà không triệt tiêu lẫn nhau. Nhưng bằng cách nào đó, chúng vẫn sống “hòa thuận” với nhau.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra đối với các sinh vật phù du. Khoa học đã phát hiện một nghịch lý mang tên “nghịch lý làm giàu” (paradox of enrichment). Theo đó, sự dư thừa tài nguyên sẽ làm giảm sự đa dạng loài. Ví dụ, ở những vùng nước chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn thì tính đa dạng loài sẽ giảm so với những vùng nước thiếu dinh dưỡng. Thông thường, khi chất dinh dưỡng nhiều hơn thì sự đa dạng loài cũng phải tăng lên, vì khi đó không xảy ra sự tranh giành thức ăn nữa.
7. Bí ẩn về loài kiến Argentina hung hãn:
Bề ngoài thì kiến Argentina trông giống như các loài kiến thông thường khác. Nhưng có lẽ chúng là loài duy nhất, không kể loài ngoài, đã từng “xâm lấn” thành công 3 châu lục. Cả 3 “siêu đàn” kiến Argentina ở châu Âu, Nam Mỹ và châu Á đều có chung các đặc điểm về gen. Vì phạm vi địa lý của 3 đàn kiến này quá rộng lớn nên cấu trúc xã hội của chúng đã khiến các nhà khoa học đau đầu.
Khi gặp nhau, kiến Argentina ngay lập tức nhận ra đó là đồng loại của mình, trong khi đó lại rất hung hăng nếu gặp một loài kiến khác. Bên cạnh đó, mã gen của chúng ngày nay cũng không thay đổi gì nhiều so với hàng ngàn năm trước. Đây là một hiện tượng kỳ lạ bởi bất kể sinh vật nào nếu sống ngoài môi trường tự nhiên của chúng sẽ đều tiến hóa rất nhanh. Khoa học vẫn chưa thể giải thích tại sao chúng lại có thể duy trì một đàn lớn như vậy xuyên các lục địa mà không hề tiến hóa thành một dạng khác.
8. Tổ tiên bí ẩn của loài người:
Tổ tiên loài người đã được nghiên cứu kỹ lưỡng qua rất nhiều năm. Nhờ thế chúng ta biết rất rõ về nguồn gốc của mình. Tuy nhiên gần đây các nhà khoa học đã khám phá ra dấu vết của một loài tuyệt chủng có khả năng là một tổ tiên khác của loài người.
Khi các nhà khoa học nghiên cứu DNA của người Denisovans (một loài thuộc chi Người có liên quan mật thiết tới người Neanderthals), họ phát hiện dấu vết của một loài bí ẩn mà khoa học vẫn chưa thể xác định được. Bản thân người Denisovans cũng ẩn chứa những bí ẩn nhất định, nhưng ít nhất chúng ta cũng biết được họ là ai và đến từ đâu. Nhưng chúng ta không thể kết luận những điều tương tự đối với giống loài mới phát hiện trên. Chủng người này có thể đã giao phối cùng với người Denisovans 30000 năm trước và để lại một dấu ấn rất riêng biệt trên DNA của họ, đó là hàm răng độc nhất vô nhị, không gặp ở bất kỳ loài sinh vật nào trên Trái Đất.
9. Sinh vật sống không cần oxi:
Hầu như mọi sinh vật trên Trái Đất đều sống nhờ ô xi. Tuy nhiên, có một loài vật ở sâu dưới đáy biển Địa Trung Hải vẫn sống mà không cần đến oxi.
Thực ra một vài loại vi khuẩn và sinh vật đơn bào cũng có thể sống không cần oxi, song hiện tượng này chưa bao giờ có ở các loài động vật phức tạp hay đa bào. Sinh vật mới được phát hiện đến từ lớp vi sinh vật Loricifera phylum. Loài sinh vật này đã từng sống nhờ oxi, nhưng chúng đã thích nghi mạnh mẽ với môi trường không có oxi và thay vào đó là muối biển. Cho đến nay, chúng ta vẫn không có manh mối nào về sự tiến hóa kỳ diệu của chúng.
Nguồn: http://www.baomoi.com/10-bi-an-thu-vi-khoa-hoc-khong-the-giai-thich/79/16417933.epi