Hỏi cây bao nhiêu tuổi?
Trên giá sách của chúng ta, có những cuốn mới tinh vừa ra lò, nhưng cũng có những cuốn đã phủ bụi. Ta giở ra và hầu như ở bất cứ cuốn nào, ta cũng muốn đánh dấu, từ một vài dòng đến một vài trang vì có những điều đáng để suy ngẫm.
Mỗi trang sách cũng như mỗi ngày tháng cuộc đời, khi lật sang trang khác, có thể không bao giờ có cơ hội lật trở lại. Vì thế, ta muốn chép lại vào sổ tay, hoặc giật lên thành status trên Facebook.
“Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” (Trong sách có người con gái mặt đẹp như ngọc). Mục “Ngọc trong sách” mở ra chính là để chia sẻ với mọi người những nét đẹp khiêm nhường, ẩn giấu trong những cuốn sách bất kỳ.
Viết bài mở đầu cho mục này, tôi đã băn khoăn rất lâu trước giá sách. Không phải tôi không thể tìm ra ngọc ở mỗi cuốn, mà vì tôi muốn chọn một cuốn nào đó, ngẫu nhiên nhất, mà lại thể hiện rõ nhất thông điệp của mục: không phân biệt sách mới, sách cũ; không phân biệt sách kinh điển hay thị trường, không phân biệt sách nghệ thuật với sách dạy làm giàu, làm vườn... Cuối cùng tôi đến bên bàn học của con trai và chọn cuốn… sách giao khoa lớp 1, môn Tiếng Việt.
Chương trình mới, khác với thời tiểu học của chúng ta, cho nên rất nhiều thứ mới. Và đây là bài thơ dạy học vần:
Hỏi cây bao nhiêu tuổi
Cây không nhớ tháng năm
Cây chỉ dang tay lá
Che tròn một bóng râm
Minh họa cho bài là một cây cổ thụ. Ý đồ của người làm chương trình là dạy tập đọc, học vần, và có thể là dạy bài học đầu tiên về bảo vệ môi trường cho đám trẻ.
Nhưng bài học vần này lại đáng để chúng ta phải… đánh vần lại ý nghĩa của cuộc đời mình. Chúng ta có nhớ mình bao nhiêu tuổi không? Tất nhiên là có. Tuổi tác sống ở trên đời, lao động và cống hiến, đương nhiên sẽ mang lại những giá trị, những công trạng, những chức tước…. Và đi kèm với đó là những đòi hỏi. Đòi hỏi bố mẹ phải giúp đỡ, đòi hỏi người yêu phải mãi yêu thương, đòi hỏi vợ hoặc chồng phải quan tâm, chăm sóc; đòi hỏi con cái phải phụng dưỡng; và đặc biệt, đòi hỏi xã hội phải ghi nhận, phải đền đáp lại những gì mà mình cho là đáng được hưởng…
Dường như chúng ta đang khác những cái cây. Những cái cây không nhớ đến những tháng năm của bản thân nó, không tự khẳng định nó là cổ thụ. Cái cây chỉ bền bỉ phụng sự: Cây chỉ dang tay lá/Che tròn một bóng râm . Phụng sự cho tròn, cho viên mãn theo phân sự của nó, chính tại nơi nó đứng.
Đó là một sự phụng sự vĩ đại.
Và bây giờ, câu chuyện về những cái cây và giá trị của bóng râm vẫn luôn là câu chuyện của cả thành phố, của cả “hành tinh xanh” này. Còn câu chuyện về sự lao động, cống hiến của mỗi con người, theo một cách chuyên nghiệp nhất, để làm tốt nhất sản phẩm của mình cũng là câu chuyện của Apple.
* Ghi chú: Bài Hỏi cây bao nhiêu tuổi nếu hỏi trên Google, bạn sẽ thấy nó hầu như không được nhắc đến, thậm chí không thể tra được tên tác giả.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Nguồn: http://www.baomoi.com/Hoi-cay-bao-nhieu-tuoi/152/16455848.epi