NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

50% người có bằng thạc sĩ nước ngoài trượt công chức thủ đô

on .

50% người có bằng thạc sỹ nước ngoài trượt công chức Thủ đô - là thông tin khá sốc mà sở Nội vụ Hà Nội vừa công bố. Theo thông báo của sở này, năm 2015 đã có 30 ứng viên không thể “vượt vũ môn “ trong kỳ sát hạch công chức, trong đó có không ít thí sinh có bằng thạc sỹ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Nhiều câu hỏi được đặt ra, phải chăng trình độ các ứng viên quá đuối so với đề sát hạch công chức? Dư luận đang hết sức băn khoăn và đầy hoài nghi. Phải chăng vẫn còn những ẩn số đằng sau câu chuyện gây sốc này?

Gáo nước lạnh, dội vào các thủ khoa”

Theo thông báo chính thức của sở Nội vụ Hà Nội, có 63 thí sinh thuộc diện đặc cách không phải tham gia thi tuyển trong kỳ thi công chức thành phố năm 2015.

Đó là những thủ khoa đại học trong nước, tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Mặc dù không phải thi tuyển, nhưng những thí sinh này vẫn phải trải qua kỳ kiểm tra, sát hạch bằng hình thức bài viết và phỏng vấn trực tiếp. Điều bất ngờ, trong số 63 người thuộc đối tượng tuyển dụng, có tới 30 người không đạt.

Điều đáng chú ý, trong danh sách ứng viên “trượt vũ môn”, nổi lên 5 người có bằng thạc sỹ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Quản trị tài chính, Kỹ thuật Hóa học, Ngữ văn và 25 thí sinh còn lại đều là thủ khoa, thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài. Xét dưới góc độ tuyển dụng, đây rõ ràng là một nghịch lý. Bởi, nếu tính theo bằng cấp và chứng chỉ, 30 ứng viên này đã đạt tới mức độ có đẳng cấp. Theo lẽ thông thường, họ sẽ được “trải thảm đỏ” nếu muốn đặt chân vào bất cứ đơn vị nào. Thế nhưng, tại sao họ lại không thể vượt qua đợt kiểm tra sát hạch của kỳ thi công chức?

Chia sẻ với PV, một thủ khoa xuất sắc vừa tham gia đợt sát hạch trên (đề nghị giấu tên - PV) cho biết, theo sàn điểm chung, các ứng viên chỉ cần vuợt qua 50 điểm là trúng tuyển vào công chức thành phố. Bản thân thí sinh này cũng hết sức cố gắng, tuy nhiên, cô đã phải dừng bước vì chạm trán với một đối thủ xuất sắc khác. Cô chia sẻ: ‘Tôi khá tự tin về kiến thức của mình nhưng thật không may, đối thủ của tôi là người có kinh nghiệm hơn 5 năm giảng dạy ở chuyên ngành. Trong cuộc so găng, điểm của tôi bị thấp hơn nên đành dừng bước”.

Một thí sinh khác tên H. (tốt nghiệp thủ khoa trường đại học trong nước) cũng có nguyện vọng tha thiết đỗ công chức thành phố Hà Nội đợt này. Ứng viên này chia sẻ, do tốt nghiệp một ngành đặc thù, nên khả năng xin việc sẽ tương đối khó khăn. Biết đuợc Thủ đô Hà Nội có chủ trương ưu tiên tuyển dụng các thủ khoa vào công chức, H. đã làm hồ sơ ứng tuyển. Thí sinh này chia sẻ, do đã chuẩn bị tinh thần ôn luyện từ trước, nên phần kiến thức chung cô làm khá tốt. Thế nhưng, phần phỏng vấn sau đó không đạt đã kéo điểm xuống dưới 50. Khá thất vọng, ứng viên này cho biết, sắp tới cô sẽ đi học cao học để tìm kiếm cơ hội khác.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc Hà Nội “khước từ” số ứng viên trên vào công chức được ví như “gáo nước lạnh” dội vào những thủ khoa, trong đó có cả những người đang du học, hoặc đã tốt nghiệp bên trời Tây đang có ý định muốn về nước cống hiến trong chế độ công vụ. Theo thống kê mới nhất của bộ Giáo dục & Đào tạo, hiện có khoảng 110.000 công dân Việt Nam đang học ở nước ngoài. Cũng theo xu thế mới, ngày càng có nhiều người nộp đơn xin theo học tại các trường đại học ở Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand, Anh, Singapore, Trung Quốc... Nhiều sinh viên cho biết, họ muốn có được bằng cấp của nuớc ngoài để giành ưu thế khi tìm kiếm công việc ở Việt Nam và không ít trong số đó coi tấm bằng ngoại quốc như một ưu tiên trong thi tuyển công chức.

Tuy nhiên nước ta cũng đang trở thành một nước có tỷ lệ “chảy máu chất xám nghiêm trọng. Từ thực tế đó, dư luận cho rằng, việc tổ chức kiểm tra, sát hạch công chức làm mất đi ý nghĩa của việc “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài.

Thí sinh kém hay thi tuyển kiểu đánh đố?

Khi được PV báo ĐS&PL tham vấn về câu chuyện trên, các chuyên gia về giáo dục, đào tạo đều tỏ ra không mấy bất ngờ. Họ đặt ra tình huống, có thể chất lượng đào tạo ở trong nước, thậm chí cả ở nước ngoài không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng hoặc kỳ sát hạch công chức có vấn đề. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh dư luận vẫn râm ran về hiện tượng “lót chỗ, dọn ổ” trong thi công chức ở nuớc ta hiện nay thì lo ngại trên là có cơ sở.

Cách đây ít hôm, trung tâm Nghiên cứu Phát triển-Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp hội KHKT Việt Nam và chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam đã công bố các chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Theo đó, hiện tượng phải “lót tay” để xin được việc làm trong cơ quan Nhà nước dường như nổi cộm nhất, có tới 49% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng, có hiện tượng đó ở địa phương nơi họ sinh sống. Gần 50% số người được hỏi cho biết họ phải “lót tay” mới xin được việc vào cơ quan Nhà nước Với những người đã có thời gian kiểm nghiệm năng lực trên thực tế ở một đơn vị cụ thể mà vẫn thi trượt vào đơn vị đó thì rõ ràng khâu thi tuyển của đơn vị đó có vấn đề. Hoặc việc thi đó là thi kiếu đánh đố, không thi vào kiến thức chuyên môn để phục vụ lâu dài, thiếu minh bạch trong tuyển chọn.

Cũng cần nhắc lại câu chuyện được cho là hi hữu xảy ra vào năm 2004. Một thạc sỹ từ nước ngoài về nước giảng dạy phổ thông, dẫn dắt đội tuyển tại trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam tham gia các cuộc thi khoa học quốc tế, đạt được nhiều thành tích. Điều tréo ngoe, anh này lại bị trượt kỳ thi tuyển dụng biên chế. Thế nhưng ngay sau đó, anh được “trải thảm đỏ” mời về đầu quân, giữ chức Phó hiệu trưởng trường THPT FPT. Rõ ràng, câu chuyện trên khiến nhiều người suy nghĩ.
Nhóm phóng viên/ Đời sống và pháp luật

Phó GS.TS Võ Kim Sơn- Nguyên trưởng khoa quản lý nhà nước và nhân sự( Học viện hành chính quốc gia”:

“ Tiêu chí như hiện nay, thời gian ôn tập lý thuyết như bây giờ, có bắt tôi đi thi tôi cũng trượt”

Trao đổi với phóng viên báo ĐS&PL, Võ Kim Sơn- Nguyên trưởng khoa quản lý nhà nước và nhân sự( Học viện hành chính quốc gia) nhận định, rất có thể tiêu chí đánh giá và nội dung Sát hoạch của Sở nội vụ Hà Nội bộc lộ vấn đề mới dẫn tới tình trạng người giỏi trượt nhiều như vậy. theo PGS. Sơn với những tiêu chí thi tuyển như hiện nay, người vừa tốt nghiệp đại học, dù là thủ khoa đi chăng nữa cũng chưa thể đáp ứng được yêu cầu" vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý Nhà nước vào công việc thực tiễn". Hơn nữa, thời gian ôn tập những kiến thức nặng về lý thuyết ngắn như vậy thì trượt là điều tất yếu. PGS Sơn cho rằng, một kỳ sát hạch, kiểm tra chuẩn phải đáp ứng được hai yếu tố là điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần: Sinh viên cán bộ phải làm việc trong môi trường cụ thể là cơ quan Nhà nước. Điều kiện đủ: Công việc đó là gì, có phù hợp với chuyên ngành theo học hay không. Thực tế, có nhiều người được đào tạo một nghề nhưng lại thi tuyển vào vị trí của một nghề khác thì có hợp lý hay không, cơ quan tuyển dụng có kiểm soát được hay không? “Tôi nói thật, với những tiêu chí thi tuyến công chức hiện nay. Thời gian ôn tập lý thuyết như bây giờ, nếu có bắt tôi đi thi thì tôi cũng trượt chắc , PGS. Sơn chia sẻ.

 

Nguồn: http://www.baomoi.com/50-nguoi-co-bang-thac-si-nuoc-ngoai-truot-cong-chuc-thu-do/59/16503599.epi