Những điều cần biết để bảo vệ an toàn thông tin thẻ tín dụng trước hacker
Với nền thương mại điện tử đang có những bước phát triển lớn, việc dùng thẻ tín dụng cho giao dịch trực tuyến đã trở nên phổ biến hơn. Dưới đây là một vài lưu ý giúp bạn bảo vệ an toàn cho thông tin thẻ tín dụng của mình, tránh những đáng tiếc có thể xảy ra.
Bạn nên lưu ý đến các nhân viên sau khi đã giao thẻ tín dụng của mình cho họ.
Thông tin thẻ tín dụng là một trong những thông tin nhạy cảm mà hacker luôn muốn tìm kiếm chiếm đoạt từ người dùng, để từ đó có thể sử dụng trái phép thẻ tín dụng cho các mục đích phi pháp. Nếu là một người đang sở hữu thẻ tín dụng và thường xuyên sử dụng loại thẻ này cho các giao dịch trực tuyến hay các giao dịch trực tiếp, thì những lưu ý dưới đây có thể sẽ hữu ích cho bạn, giúp bạn tự bảo vệ thông tin thẻ tín dụng của mình, tránh bị hacker lấy cắp và sử dụng trái phép.
Không rời xa thẻ khi giao dịch trực tiếp
Nhiều người thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng khi thanh toán tại các nhà hàng hay mua sắm tại siêu thị, tuy nhiên không ít người thường xuyên giao thẻ tín dụng của mình cho nhân viên sau đó không chú ý đến thẻ.
Đây là một sai lần cần tránh và hạn chế, bởi lẽ khi giao thẻ tín dụng cho nhân viên, rất có thể nhân viên này sẽ âm thầm ghi lại thông tin thẻ tín dụng như số thẻ, mã CVV2, tên khách hàng, ngày hết hạn thẻ... và có thể lợi dụng các thông tin này để đánh cắp tiền trong thẻ tín dụng.
Do vậy, nếu được, tốt nhất bạn hãy quan sát kỹ nhân viên mỗi khi giao thẻ tín dụng cho họ để thanh toán.
Kiểm tra đường link các trang web bán hàng, giao dịch một cách kỹ càng
Một trong những cách thức thường được hacker lợi dụng để lấy cắp thông tin cá nhân và thẻ tín dụng của người dùng đó là xây dựng các trang web giả mạo, với giao diện giống hệt các trang web thật. Đường link của các trang web này cũng được “nhái” theo các trang web thật mà nếu không để ý kỹ, người dùng rất dễ bị nhầm lẫn và mắc lừa.
Chẳng hạn, với trang thương mại điện tử amazon.com, hacker có thể tạo ra một trang web với tên miền a.mazon.com, có giao diện giống hệt trang web amazon, thì hẳn rất khó nhận ra nếu không chú ý kỹ.
Những trang web giả mạo này cũng sẽ cung cấp tính năng mua sắm trực tuyến và yêu cầu người dùng điền thông tin thẻ tín dụng của mình, bao gồm mã số thẻ, số bảo mật CVV2... và nếu người dùng bị mắc lừa khai báo, những thông tin về thẻ tín dụng của bạn sẽ bị hacker chiếm đoạt.
Do vậy, chú ý kỹ địa chỉ trang web mình ghé thăm không bao giờ là thừa trước khi bắt đầu các giao dịch trực tuyến.
Chỉ thanh toán trên các trang web sử dụng giao thức bảo mật HTTPS
Ngày nay, giao thức bảo mật HTTPS (SSL - Secure Socket Layer) đã được sử dụng phổ biến trên hầu hết các trang web, đặc biệt là các trang web giao dịch trực tuyến hoặc có khai báo thông tin cá nhân. Giao thức bảo mật này sẽ giúp mã hóa, bảo vệ dữ liệu gửi đi từ trang web đến máy chủ và ngược lại, để nếu hacker có sử dụng hình thức tấn công “man-in-the-middle” để lấy cắp các gói tin trong quá trình truyền tải vẫn không thể giải mã để đánh cắp thông tin được.
Sử dụng giao thức HTTPS sẽ giúp bảo vệ dữ liệu an toàn hơn khi giao dịch trực tuyến
Do vậy, hãy đảm bảo chỉ tiến hành các giao dịch trên các trang web đã được mã hóa an toàn (bằng cách nhìn vào thanh địa chỉ của trình duyệt, sẽ thấy giao thức https ở đầu trang web, đồng thời sẽ có biểu tượng ổ khóa xuất hiện trên trình duyệt, như hình minh họa bên dưới).
Nếu những trang giao dịch trực tuyến không sử dụng giao thức bảo mật này, rất có thể trang web mà bạn đang ghé thăm là trang web giả mạo và không nên khai báo thông tin trên những trang web này.
Chỉ mua sắm, thực hiện giao dịch trực tuyến từ các trang web có uy tín
Trước khi thực hiện một giao dịch trực tuyến từ một trang web nào đó, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin về trang web đó. Hãy tìm xem các thông tin về địa chỉ, thông tin liên lạc… hoặc tham khảo về uy tín của trang web đó từ Internet.
Nếu cảm thấy không an tâm khi thực hiện một giao dịch trực tuyến trên trang web nào đó, cách tốt nhất là bạn nên bỏ qua trang web đó và tìm kiếm những địa chỉ mua sắm trực tuyến an toàn và uy tín hơn. Không nên chỉ vì một món hàng muốn mua mà bạn phải đối mặt với nguy cơ mất thông tin thẻ tín dụng, có thể gây nên những hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Không bao giờ nhấn vào các đường link có trong các email, tin nhắn spam, các đường link “hấp dẫn” trên mạng xã hội...
Các spam mail thường gửi đến khách hàng những lời mời chào hấp dẫn, những sản phẩm khuyến mãi với giá cả giảm nhiều lần so với giá gốc, kèm theo đó là đường link để người dùng có thể khai báo thông tin tài khoản và đặt mua hàng.
Các nội dung “hấp dẫn” được chia sẻ trên Facebook thường là các nội dung giả mạo và có thể chứa mã độc
Bên cạnh đó, hiện nay trên mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, thường xuyên xuất hiện những chia sẻ với nội dung “hấp dẫn” và rất lôi cuốn người xem, tuy nhiên khi người dùng kích vào đường link này có thể dẫn đến các trang web giả mạo và thậm chí có thể bị lây nhiễm mã độc, nhằm mục đích lấy cắp thông tin trên máy tính của người dùng.
Do vậy, tuyết đội không bao giờ nhấn vào các đường link này, và cách tốt nhất đó là phớt lờ các email quảng cáo và các nội dung “hấp dẫn” được chia sẻ trên Facebook.
Chỉ sử dụng máy tính và Internet tại nhà để giao dịch trực tuyến
Không bao giờ khai báo các thông tin cá nhân trên các máy tính và mạng Internet công cộng, bởi lẽ bạn không biết chắc máy tính đó có cài đặt phần mềm gián điệp và mạng Internet công cộng đang bị ai theo dõi hay không. Chỉ thực hiện các giao dịch tại nhà và trên các máy tính mà mình tin tưởng.
Không chỉ thông tin thẻ tín dụng, bạn cũng nên hạn chế đăng nhập vào các tài khoản cá nhân quan trọng như email, tài khoản Facebook... tại các điểm truy cập Internet công cộng vì rất có thể những thông tin này cũng sẽ bị đánh cắp.
Thường xuyên kiểm tra giao dịch thẻ tín dụng để phát hiện các dấu hiệu bất thường
Bạn nên thường xuyên kiểm tra tình trạng của thẻ tín dụng với ngân hàng, bao gồm lịch sử giao dịch, mức tín dụng còn có thể sử dụng... hiện tại, nhiều ngân hàng cho phép người dùng kiểm tra các thông tin này một cách dễ dàng từ Internet. Dĩ nhiên, bạn cũng cần phải cẩn thận mỗi khi đăng nhập vào tài khoản ngân hàng để kiểm tra các thông tin này.
Hiện tại nhiều ngân hàng cũng trang bị tính năng gửi tin nhắn thông báo trên điện thoại mỗi khi có giao dịch được thực hiện từ thẻ tín dụng. Bạn có thể yêu cầu ngân hàng kích hoạt chức năng này như một cách để nhận biết kịp thời nếu có những giao dịch trái phép mà bạn không hay biết.
Sử dụng phần mềm bảo mật chuyên dụng để thực hiện các giao dịch trực tuyến
Thay vì sử dụng trình duyệt web thông thường để truy cập trang web và thực hiện các giao dịch trực tuyến, bạn có thể nhờ đến các phần mềm chuyên dụng hơn để thực hiện điều này. Bitdefender Safepay là một trong số đó.
Bitdefender Safepay là phần mềm miễn phí của hãng bảo mật danh tiếng Bitdefender, về cơ bản là một trình duyệt web, nhưng sẽ tạo ra một môi trường độc lập với hệ điều hành Windows đang sử dụng, điều này đảm bảo an toàn cho quá trình giao dịch trực tuyến, ngay cả khi máy tính đã bị nhiễm mã độc và phần mềm gián điệp trước đó.
Sử dụng Bitdefender Safepay sẽ giúp thực hiện các giao dịch trực tuyến an toàn hơn
Bitdefender Safepay cũng sẽ mã hóa dữ liệu đến và đi khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Phần mềm cũng trang bị các công nghệ để không cho phép chụp ảnh màn hình, tự động ghi lại hoạt động của bàn phím... để đảm bảo thông tin thẻ tín dụng được an toàn nhất.
Người dùng có thể download Bitdefender Safepay miễn phí tại đây.
An toàn không bao giờ là tuyệt đối
Những lưu ý kể trên sẽ giúp bạn hạn chế được việc thông tin thẻ tín dụng bị đánh cắp và lợi dụng vào mục đích xấu, tuy nhiên an toàn chỉ mang tính tương đối và không thể đảm bảo tuyệt đối cho các thông tin, đặc biệt thông tin nhạy cảm như thẻ tín dụng.
Trong trường hợp bạn đã khai báo thông tin thẻ tín dụng với bên thứ 3, như trên các trang web mua sắm trực tuyến, thì cho dù bạn có thực hiện theo bao nhiêu bước để bảo đảm an toàn cho thẻ tín dụng đi chăng nữa, thì hacker vẫn có thể tấn công vào hệ thống của bên thứ 3 đang nắm giữ thông tin thẻ tín dụng của bạn và lấy cắp những thông tin này.
Dù sao, trang bị những kiến thức để tự bảo vệ thông tin thẻ tín dụng của mình cũng sẽ giúp bạn chủ động và hạn chế được phần nào khả năng hacker lấy cắp thông tin thẻ tín dụng trực tiếp từ chính bạn.
Phạm Thế Quang Huy