NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Chúng ta trả giá quá đắt để có thứ hạng cao về giáo dục

on .

(PLO) - "Chúng ta phải hiểu cái mà tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh giá chỉ là nói về khả năng giải các bài toán và khoa học thôi chứ không phải đánh giá trình độ của HS về các mặt giáo dục nói chung", TS Nguyễn Cam, nguyên Giám đốc Trung tâm công nghệ dạy học thuộc Viện Nghiên cứu giáo dục- Trường ĐH Sư phạm, TP.HCM chia sẻ.

TS Nguyễn Cam, nguyên Giám đốc Trung tâm công nghệ dạy học thuộc Viện Nghiên cứu giáo dục- Trường ĐH Sư phạm, TP.HCM:

Tôi không mấy ngạc nhiên khi tổ chức OECD công bố giáo dục Việt Nam xếp hạng thứ 12 dựa trên kết quả kiểm tra toán học và khoa học ở tuổi 15. Bởi lẽ, thứ nhất, dù chưa có một nghiên cứu đầy đủ nhưng rõ ràng lâu nay, học sinh (HS) Việt Nam có khả năng học Toán và khoa học khá tốt. Điều này không chỉ thể hiện qua các kỳ thi trong nước và quốc tế mà HS Việt Nam luôn đạt giải cao, mà nó còn thể hiện khi HS Việt Nam đi du học ở các nước tiên tiến thì thế mạnh của các em vẫn là ở những môn học này. Điều đó chứng tỏ HS chúng ta rất có tố chất để học những môn đó.

Thứ hai, toàn bộ chương trình của chúng ta hiện nay, từ cách dạy của giáo viên, cách học của HS cũng chỉ tập trung đến luyện kỹ năng giải là chính, mà cũng không có cách nào khác vì mục đích dạy và học của ta chỉ để phục vụ cho các kỳ thi mà thôi.

Như thế thì với nghiên cứu này, Việt Nam xếp thứ hạng 12 cũng không có gì lạ. Và cũng có nghĩa là đây đúng là thế mạnh của HS Việt Nam, rằng mình học để thi nên khi ra đề thi thì đương nhiên các em sẽ làm tốt.

Đừng nhẫm lẫn kết quả xếp hạng hai môn học với chất lượng chung của nền giáo dục

Tuy nhiên, chúng ta đừng nên tự hào, đừng nhầm lẫn rằng với kết quả xếp hạng này thì có thể giáo dục chung của Việt Nam cũng xếp hạng cao cỡ như vậy. Đây là hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau nhưng rất dễ nhầm lẫn.

Đau lòng mà nói, để có kết quả xếp hạng cao như vậy, cái giá chúng ta phải trả lại quá đắt. Chúng ta phải hi sinh dường như cả tuổi thơ của con em, phải hi sinh quá nhiều năng lực của toàn bộ hệ thống, làm hao mòn toàn bộ sức lực và trí tuệ của con em. Chúng ta chỉ cố nhồi nhét để các em học, cố gắng để mà giải bài tốt, cố gắng để thi có kết quả cao, suốt ngày lao đầu vào học, sáng chiều không đủ thì phải học tối nữa chỉ để lo thi cử thôi, thầy và trò cứ cuốn theo hoài như vậy.

Các em đi học mà như chạy marathon, ngay từ cấp thấp, các em đã phải dồn quá nhiều thời gian, năng lượng để học và giải bài tập. Nên càng về sau thì các em càng đuối liền, lúc nào cũng lo kiếm điểm và điểm. Sức sáng tạo, khả năng suy nghĩ, tư duy, nghiên cứu của các em sẽ ngày một hạn hẹp và đuối dần, thậm chí là không có. Phần lớn các em học vì điểm số, vì thi cử như nhai lại kiến thức chứ không phải sáng tạo.

Cuối cùng thì cách đánh giá của chúng ta bây giờ cũng chỉ chú trọng vào kiến thức, kết quả HS học môn đó có cao hay không. Giáo viên, nhà trường phải nỗ lực, ôn tập, giảng dạy để làm sao HS của mình phải có kết quả cao nhất. Rồi các trường cũng dựa vào đó để đánh giá, xếp loại, khen thưởng HS cuối năm. Còn vấn đề HS học kiến thức đó hiểu hay không, vận dụng được vào thực tế hay không , hay còn gọi là năng lực tổng hợp thì chúng ta lại bỏ qua.

Tôi lấy ví dụ, có hai em, một em giải toán cực giỏi và một em học toán chỉ ở mức vừa phải. Nhưng em giỏi toán chỉ biết giải toán thôi, không quan tâm đến việc áp dụng Toán vào đời sống, không tìm hiểu tại sao lại có những khái niệm hay công thức đó, bài toán đó ở đâu ra. Còn em kia lúc nào đầu óc cũng thắc mắc tại sao thế này, tại sao thế kia. Khi đi thi, em này tất nhiên điểm môn đó sẽ thấp hơn nhưng nền tảng kiến thức của em đó là nền tảng quan trọng và cơ bản để em phát triển toàn diện. Vậy chúng ta muốn chọn em thứ nhất hay thứ hai? Như thế chúng ta có cần phải mệt mỏi, hi sinh số đông để đạt được kết quả giải toán như vậy không.

Tước mất cơ hội phát triển toàn diện của học sinh và làm khổ giáo viên 

HS phải học như hành xác, không có thì giờ để vui chơi, tư duy, rèn luyện các khả năng khác về đức, trí, thể, mỹ nữa. Ảnh minh họa

 

Theo cảm nhận cá nhân tôi, giáo dục phổ thông của chúng ta hiện nay vẫn là xem kiến thức là mục tiêu cuối cùng, cái này quá lạc hậu. Trong khi đó, từ lâu rồi, ở các nước phát triển chỉ xem đây là công cụ để đào tạo ra con người có năng lực, sáng tạo, độc lập suy nghĩ, mà quan trọng là tạo ra những công dân hữu ích, có ý thức về xã hội và cộng đồng. Thế nhưng, nền giáo dục của ta lại rất mờ nhạt về cái này, không chỉ trong học đường mà cả trong định kiến xã hội.

Tất nhiên, học toán và khoa học sẽ giúp chúng ta tư duy, sáng tạo và logic nhưng chúng ta dạy chỉ dừng lại ở đó thôi thì không tạo cơ hội cho các em gợi mở, khát khao, tìm hiểu. Điều này không thể trách thầy cô giáo vì họ không có thời gian, họ lo truyền tải cho hết kiến thức đến HS là đã mệt rồi.

Thay vì chúng ta cho con em lao vào học toán, giải toán giỏi nhưng các em không có các kỹ năng khác, các em không hiểu biết gì, ham thích gì về hội họa, thẩm mỹ, am hiểu âm nhạc… như vậy đâu phải là con người toàn diện. Chúng ta đừng bao giờ bắt tất cả các em phải giỏi toán và các môn ngang nhau. Mặc dù về lý thuyết, chúng ta nói rất hay, nào là phải lấy học trò làm trung tâm, dạy theo cá thể hóa, chú trọng năng lực HS… nhưng thực hiện thì không làm được. Các kỳ thi thì chống chất, nội dung ôn và thi dày đặc. Giáo viên vì thế cũng không làm gì được, làm khác sẽ bị phê bình ngay. Dạy học phải theo khuôn khổ, phân định tiết cho từng bài một cách rập khuôn và máy móc, nên giáo viên không còn thời gian và linh động trong giảng dạy được nữa.

Cần thay đổi một cách tập trung và mạnh mẽ

Trường học chỉ là nền tảng thôi, mà đã là nền tảng thì không nên bắt các em học quá nhiều, chỉ cần trang bị kiến thức cơ bản, phương pháp luận và hình thành tư duy khoa học logic cho các em. Những em nào có khả năng đam mê sẽ có phương thức dạy, giáo trình học khác hơn để có cách dạy riêng.

Vì vậy, Chúng ta chỉ nên xem kết quả này để biết thế mạnh của HS chúng ta, biết được chúng ta đã làm được cái gì, tố chất của chúng ta mạnh cái gì…. Nếu đánh giá này bao gồm cả năng lực tư duy, sáng tạo thì chắc chắn chúng ta sẽ có thứ hạng ở vị trí khác thấp hơn.

Chúng ta nên chắt lọc lại những kiến thức cần thiết cho các em, thời giờ còn lại để các em phát triển nhiều tố chất, cảm xúc, hiểu biết về các lĩnh vực khác trong cuộc sống như âm nhạc, văn học, mỹ thuật… Một con người không chỉ phải có kiến thức mà còn phải được chú trọng phát triển cả về tâm hồn, nghĩa là cảm thụ được các giá trị của cuộc sống. Giáo viên có điều kiện để dành thời gian hướng dẫn các em tìm hiểu, sáng tạo, mở rộng và liên kết nhiều vấn đề với nhau để áp dụng vào đời sống.

Ví dụ như âm nhạc, chúng ta đừng than trách âm nhạc hiện nay là âm nhạc mì ăn liền này nọ, mà lỗi là chính chúng ta không tạo ra được những lớp công chúng thưởng thức âm nhạc đúng nghĩa. Nếu công chúng cảm thụ âm nhạc cao thì loại âm nhạc mì ăn liền không thể có chỗ đứng như hiện nay được. Các lĩnh vực khác cũng vậy thôi như hội họa, văn học, thể dục thể thao.

Nếu chúng ta làm tốt những điều đó thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề tồn tại sâu xa hiện nay trong xã hội như bạo lực học đường, bạo lực gia đình, vô cảm.

Giáo dục của chúng ta sếp vị trí nào với thế giới không quan trọng nhưng chúng ta phải thực sự nhìn nhận lại, đổi mới tổng thể, giải quyết một cách vĩ mô và toàn diện hơn. Chúng ta cần chắt lọc lại những gì là nền tảng, cơ bản, cái gì phù hợp với tâm sinh lý từng độ tuổi thì giữ lại. Chúng ta phải dạy học theo hướng học điều này không thể là nỗ lực của một cá nhân hay một nhà trường. Chúng ta đừng chờ đợi thời gian, đừng chờ đợi một mô hình hoàn chỉnh mà thấy cái gì cần làm, cần thay đổi thì phải làm một cách tập trung và mạnh mẽ. Có như thế thì con em của chúng ta mới được học và yêu thích đến trường, học để hiểu, để biết, để sử dụng và cao nhất là để làm người, làm công dân hữu ích trong xã hội.

PHẠM ANH ghi

Nguồn : http://www.baomoi.com/Chung-ta-tra-gia-qua-dat-de-co-thu-hang-cao-ve-giao-duc/59/16682250.epi