Doanh nghiệp Việt kể chuyện 28 lần đợi để lọt vào 'mắt xanh' của Canon
Để lọt vào 'mắt xanh' của tập đoàn Nhật Bản, một doanh nghiệp Việt đã phải xin tới 28 lần để được gặp và lọt vào chuỗi cung ứng của tập đoàn đa quốc gia này.
Câu chuyện trên được PGS.TS Tạ Lợi – Trưởng Bộ môn Kinh doanh Quốc tế Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ tại một hội thảo diễn ra cuối tuần trước.
Bí quyết lọt vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài
PGS.TS Lợi cho biết, một doanh nghiệp ông tham gia – Công ty Kỹ thuật 3Q – là đơn vị sản xuất một vài linh kiện cho Canon. Tuy nhiên, con đường để được Canon lựa chọn không dễ dàng.
“Chúng tôi phải xin tiếp đến 28 lần người ta mới đồng ý cho gặp”, ông Lợi kể lại.
Trong lần gặp ấy, câu chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước lại được đưa ra tranh luận. “Doanh nghiệp Việt Nam thì nói doanh nghiệp không cam kết thì sao tôi đầu tư vốn. Doanh nghiệp Nhật Bản trả lời: Tôi không phải ngân hàng, các anh phải tự làm, tự nâng chuẩn mực để chúng tôi lựa chọn các anh”, ông Lợi thuật lại.
Ông Lợi gợi ý: Người Nhật không chú trọng đến thiết bị, mà chú trọng đến phương pháp quản trị.
“Doanh nghiệp nước ngoài sẽ chú ý đến phương pháp quản trị doanh nghiệp. Họ luôn hướng tới tạo ra một sản phẩm hoàn hảo và mọi người nỗ lực làm việc để hướng tới cái đó. Còn chúng ta, vấn đề sản phẩm rất nhiều người bàn, nhưng lại bàn tới công nghệ, máy móc...”, ông phân tích.
“Máy móc là cái hữu hình, nó lại không quan trọng lắm. Cái vô hình, các doanh nghiệp Việt Nam lại bỏ lửng. Tôi khuyên các bạn phải chú ý đến triết lý quản trị và cập nhật phương pháp quản trị thật tốt”, ông gợi ý.
Về vấn đề quản trị doanh nghiệp, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận: “Cũng phải nói rằng tình hình quản trị, công nghệ của Việt Nam vẫn còn thấp. Nguyên nhân có cả từ môi trường vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp”.
Việt Nam theo Hàn Quốc hay Đài Loan?
Về mô hình chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam – tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài như câu chuyện Canon nói trên hay tự tạo chuỗi, PGS. TS Tạ Lợi cho rằng trên thế giới hiện có 2 mô hình.
Thứ nhất là mô hình kiểu Hàn Quốc, chiến lược rất rõ ràng, luôn cạnh tranh với Nhật, Mỹ. Nếu Nhật Bản có Sony thì Hàn Quốc có Samsung, LG; nếu Mỹ có Apple thì Hàn Quốc có Samsung Galaxy.
Mô hình thứ hai - Đài Loan - không chọn sản phẩm hoàn chỉnh cạnh tranh mà lại đi theo chuỗi. Mô hình của Foxconn là 1 thành công. Hiện nay, cứ mỗi màn hình Apple, Samsung hay các hãng điện tử khác đều do Foxconn làm ra với tỷ lệ rất cao.
“Trung Quốc, nước láng giềng với Việt Nam, đi theo cả 2 hướng trên”, ông Lợi nói. Giai đoạn đầu, họ thu hút đầu tư, mở cửa mạnh cho các nhà đầu tư khắp thế giới vào Trung Quốc làm công xưởng sản xuất, để tiếp cận với khách hàng toàn thế giới, làm ra những sản phẩm ấy sản xuất tại Trung Quốc (Made in China).
Đến giai đoạn thứ hai, họ áp dụng cách 100% công nghệ của Trung Quốc (sao chép, copy, học hỏi công nghệ) và tung ra hàng loạt thiết bị được sản xuất bởi Trung Quốc (Made by China) cạnh tranh trực tiếp với nước ngoài, như tivi TCL, máy tính Lenovo…
“Doanh nghiệp Việt Nam và các nhà quản trị bây giờ nên sử dụng đúng 2 phương pháp trên, như 2 bánh xe chạy 2 hướng. Tôi chỉ kiến nghị nếu chúng ta định hình chiến lược rõ ràng như thế, chúng ta sẽ vạch ra được lộ trình, lúc đó mới có các giải pháp và sẽ áp dụng, chú trọng nhiều hơn vào phần vô hình”, PGS. TS Lợi nhìn nhận.
> Cần làm ra sản phẩm 'Made in Vietnam' hay 'Made by Vietnam'?">>> Cần làm ra sản phẩm 'Made in Vietnam' hay 'Made by Vietnam'?
Thủy Trương