Đại học quốc tế - xu hướng tất yếu?
Phóng viên VOV trò chuyện với TS. Nguyễn Thụy Phương, điều phối viên chuỗi bàn tròn giáo dục tại Pháp về ĐH quốc tế.
TS. Nguyễn Thụy Phương
Tiếp theo 3 bàn tròn đã gây tiếng vang, ngày 27/6 tới, Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp tổ chức bàn tròn giáo dục thứ tư với chủ đề “Đại học quốc tế”. Thế nào là đại học (ĐH) quốc tế, cách tổ chức, đối tượng giảng viên, sinh viên…? Và liệu ĐH quốc tế có phải là xu hướng tất yếu? Cũng như kinh nghiệm của các nước trong phát triển ĐH quốc tế ra sao?
PV: Thưa chị, ĐH quốc tế có phải xu hướng tất yếu mà các nước hướng tới?
Tiến sỹ Nguyễn Thụy Phương: Với những quốc gia có nền giáo dục ĐHphát triển, ĐH quốc tế có thể coi là một trong những cách thức và phương tiện để thực hiện chính sách quốc tế hóa nền giáo dục đại học của họ.
Có ba tình huống sau: Hoặc là họ tuyển sinh viên ngoại quốc đến học và nghiên cứu tại nước họ, hoặc thiết lập chi nhánh tại ngoại quốc, hoặc kết hợp với một hay nhiều cơ sở đại học của một quốc gia nào đó thành một mô hình liên kết.
Quốc tế hóa giáo dục ĐH quả thực là một xu thế tất yếu để, trước hết là phát triển nền giáo dục ĐH quốc gia, sau đó là cạnh tranh với các quốc gia khác. Việt Nam hiện nay mới chỉ ở giai đoạn nỗ lực phát triển chứ chưa thể cạnh tranh.
PV: Tại sao chủ đề này lại quan trọng với Pháp, châu Âu và đặc biệt với Việt Nam mà Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp lựa chọn để thảo luận tại bàn tròn lần này, thưa Tiến sỹ?
Tiến sỹ Nguyễn Thụy Phương: Quốc tế hóa giáo dục đại học diễn ra với cường độ và tốc độ ngày càng lớn trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Việt Nam là quốc gia đang trỗi dậy, tỉ lệ dân số trẻ cao, nhu cầu giáo dục lớn nên chủ đề này hoàn toàn nằm trong sự quan tâm của chính giới, xã hội và các gia đình.
Dự án xây dựng các trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Chính phủ vẫn đang được tiến hành từ 2006 đến nay.
Đã có ba trường ĐH đẳng cấp quốc tế đang hoạt động, đó là Việt - Mỹ, Việt - Pháp, Việt - Đức. Dự án xây dựng ĐH Việt - Nhật và Việt - Anh đang triển khai.
Như chúng ta vẫn biết, từ 20 năm gần đây, hàng chục ngàn gia đình Việt Nam (đa phần có điều kiện kinh tế) đến mùa thi hay tuyển sinh thường đặt câu hỏi: “Con tôi sẽ học ở đâu, ĐH trong nước hay du học?.
Mối quan tâm ở tầm vĩ mô thông qua những chính sách giáo dục và sự bận tâm ở tầm vi mô đến từng bậc phụ huynh như vậy, khiến chúng tôi muốn bàn thảo chủ đề này.
PV: Các diễn giả được mời tại bàn tròn lần này có vai trò và kinh nghiệm như thế nào trong giảng dạy tại ĐH quốc tế tại Pháp, thưa chị?
Tiến sỹ Nguyễn Thụy Phương: Cũng giống như những bàn tròn trước, thành phần cơ bản của các diễn giả là những giáo sư có chuyên môn nghiên cứu, giảng dạy và kinh nghiệm làm việc tại hai nước Việt Nam và Pháp.
Điểm mới của bàn tròn này là chúng tôi mời được một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về vấn đề quốc tế hóa giáo dục ĐH, ông Bernard Hugonnier, Phó Trưởng ban Giáo dục tại OECD trong nhiều năm và hiện nay là Phó Giáo sư trường Chính trị học Paris (Sciences Po).
Khách mời đặc biệt nữa của chúng tôi là ông Ngô Tự Lập, từng quản lý nhiều năm Khoa Quốc tế ĐH Quốc gia Hà Nội và hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội.
Khách mời đặc biệt vì đây là vị diễn giả đến từ Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trong chuỗi bàn tròn của AVSE.
PV: Xin cảm ơn chị./.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Dai-hoc-quoc-te-xu-huong-tat-yeu/59/16882309.epi