Giải ảo đại học
Khi bằng cấp không còn là bảo chứng cho chất lượng lao động và do đó không đủ để bảo đảm cho một chỗ làm việc tốt thì người tiêu dùng giáo dục bắt đầu choàng tỉnh.
Quan sát diễn biến trong khu vực giáo dục đại học (GDĐH), chúng ta đang thấy hai hiện tượng thoạt nhìn có vẻ trái ngược: một mặt, nền kinh tế tri thức đòi hỏi ngày càng nhiều những người lao động trí tuệ có kỹ năng cao, tức là được đào tạo ít ra là ở bậc ĐH và mặt khác là hiện tượng cử nhân thất nghiệp ngày càng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác.
Lạm phát bằng cấp
Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành.
Tình trạng cử nhân thất nghiệp hiện nay không chỉ Việt Nam mới có. Tổ chức tư vấn McKinsey cho biết Mỹ hiện có 42% sinh viên tốt nghiệp đang làm ở những vị trí không cần tới bằng ĐH. 41% sinh viên tốt nghiệp từ các trường tốp không thể tìm nổi việc làm đúng chuyên môn, trong khi các nhà quản lý cho rằng chỉ có 39% sinh viên tốt nghiệp có đủ kỹ năng sẵn sàng cho thị trường lao động. Bốn triệu chỗ làm đang trống vì những người tìm việc không có những kỹ năng cần cho công việc.
Đã từ lâu, trong mọi xã hội, học vấn được xem là cơ hội đổi đời. Ở Việt Nam, tâm lý “học để làm quan” đã tồn tại từ rất lâu, sau này mở rộng thêm “học để làm chủ hay là để làm thuê lương cao”. Chính vì vậy, cả xã hội lao vào cơn sốt học tập với mục tiêu rất cụ thể là tấm bằng.
Công chúng cũng như các nhà làm chính sách đều thấy rằng đòi hỏi của mọi người về cơ hội tiếp cận giáo dục là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, có một thực tế là mọi người đang theo đuổi GDĐH bởi vì GDĐH mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động, khi và chỉ khi số người có bằng ĐH còn ít. Đại chúng hóa GDĐH đã khiến bằng ĐH không còn là của hiếm, do đó không tạo ra sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh như xưa nữa.
Lạm phát bằng cấp là hiện tượng vẫn đang tiếp diễn. Nói cách khác, có một mâu thuẫn không thể giải quyết giữa việc mở rộng cơ hội tiếp cận ĐH cho người dân và duy trì lợi thế của những người có bằng cấp. Bình đẳng và đặc quyền vốn là hai thứ loại trừ nhau.
Duy trì chất lượng, sự tín nhiệm
Như trên đã phân tích, có hai động lực làm cho bằng cấp mất giá. Một là động lực tất yếu khi bằng cấp không còn là của hiếm. Hai là chất lượng đào tạo, khi người có bằng chẳng có khác biệt đáng kể về mặt kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc, phẩm chất công dân so với người không có bằng.
Số người vào ĐH ở Việt Nam bắt đầu giảm từ năm 2011 là hệ quả tất yếu của hai động lực nói trên. Thêm vào đó là học phí tăng trong lúc triển vọng việc làm u ám. Chuyển động của thị trường giáo dục đang trở nên rõ ràng hơn cả ở ngoài nước lẫn trong nước. Thế nhưng, khi bằng cấp không còn là bảo chứng cho chất lượng lao động (và do đó không đủ để bảo đảm cho một chỗ làm đáng mơ ước) thì người tiêu dùng giáo dục bắt đầu choàng tỉnh.
Bây giờ là lúc chúng ta phải dũng cảm nhìn nhận rằng cả hai phía nhà trường và người học đã biến bằng cấp trở thành mục đích và là món hàng trao đổi giữa hai phía thay vì phải xem những giá trị gia tăng mà GDĐH mang lại cho người học, khả năng của giáo dục trong việc chuyển hóa những giá trị xã hội vào năng lực và phẩm chất của cá nhân, là mục tiêu thực sự của nhà trường và của người học.
Có hai vấn đề sinh tử đối với các trường: chất lượng và giá cả. Nếu các trường không chứng minh được sản phẩm của mình, tức sinh viên tốt nghiệp, có một năng lực và phẩm chất khác hẳn những người chưa đi học, thì họ không có lý do để tồn tại. Nếu họ tạo ra được sự khác biệt ấy với một cái giá quá cao thì họ sẽ tự thu hẹp thị phần của mình trong tầng lớp thu nhập cao.
Một yếu tố khác đang tác động mạnh mẽ đến thị trường GDĐH: công nghệ thông tin và truyền thông đã khiến nhà trường không còn là nơi độc quyền cung cấp kiến thức và thông tin nữa. Giáo dục trực tuyến mở đại trà đang tạo ra cơ hội mới cho người học để họ tự trang bị những gì mà thị trường lao động đòi hỏi. Mặc dù vậy, nhà trường truyền thống với lối học tập mặt đối mặt vẫn mang lại những trải nghiệm không thể thay thế.
Mở rộng cơ hội tiếp cận ĐH trong lúc duy trì chất lượng và sự tín nhiệm đối với giá trị của GDĐH với một chi phí số đông công chúng có thể chấp nhận được là một việc khó và đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên. Nó đòi hỏi nhà trường phải thích ứng với một bối cảnh đã thay đổi; đòi hỏi nhà nước phải thúc đẩy các trường tăng cường trách nhiệm giải trình và đòi hỏi người học phải là những người tiêu dùng khôn ngoan.
Cần thay đổi tư duy chiến lược
Người sử dụng lao động ngày nay muốn mua một món hàng có thể dùng được và tạo ra được giá trị thặng dư, chứ không thể chỉ mua một cái nhãn hiệu để trang trí bởi nếu họ làm vậy thì chính họ cũng sẽ bị diệt vong. Họ là một vai rất quan trọng tạo ra chuyển động trên thị trường GDĐH. Thực tế này buộc các trường, đặc biệt là các trường ĐH Việt Nam, tư duy lại về chiến lược của mình.
Phạm Thị Ly
Nguồn: http://www.baomoi.com/Giai-ao-dai-hoc/59/16887882.epi