NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Dứt khoát tổ chức kỳ thi trung thực

on .

Ngày đầu tiên diễn ra kỳ thi "2 trong 1", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiểm tra thi tại cụm thi Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang và chỉ đạo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, trung thực. 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ phụ huynh trước cổng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội 
- Ảnh: Quý Hiên
“Các cụm thi phải nghiêm túc như nhau”
Sau khi làm việc với Ban Chỉ đạo cụm thi do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thị sát một số phòng thi tại điểm thi D3 - D5 của cụm thi. Lo ngại việc quá đông người vào khu vực thi ảnh hưởng tới tâm lý làm bài của TS, ông Đam đề nghị giới hạn số người đi cùng. Phóng viên Báo Thanh Niên là nhà báo duy nhất được đi theo đoàn thị sát phòng thi.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ông Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ghi nhận mọi ý kiến của giám thị và cán bộ phụ trách việc coi thi để hết kỳ thi rà soát lại rồi đề xuất Bộ bỏ những quy định thừa khi triển khai kỳ thi năm sau.
Cũng trong sáng hôm qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có các cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo thi TP.Hà Nội và Bộ GD-ĐT về việc tổ chức kỳ thi. Tại các cuộc làm việc này, ông Đam nhấn mạnh: “Điều mà xã hội quan tâm là làm sao việc trông thi của các cụm thi, dù ĐH hay địa phương chủ trì, phải nghiêm túc như nhau. Việc thi lần này, chúng ta không định tạo cú sốc gì cả mà chỉ để đánh giá lại quá trình học tập một cách nghiêm túc trung thực, khách quan. Phải tiếp tục nhắc nhở trên phạm vi toàn quốc, cương quyết không để xảy ra tình trạng như một số người hiện vẫn băn khoăn là không làm nghiêm túc để cho các em ở cụm thi địa phương điểm cao hơn các em ở cụm thi của các trường ĐH chủ trì”.
Theo ông Đam, đổi mới thi cử không chỉ dừng lại như mức độ năm nay mà sẽ tiếp tục làm dần từng bước vào các năm tiếp theo. “Đổi mới dần dần theo hướng một kỳ thi nghiêm túc, trung thực nhưng không phiền hà cho dân, không gây tâm trạng quá căng thẳng trên mức cần thiết cho TS. Còn với kỳ thi năm nay, TS có bất kỳ khó khăn gì thì mình đều tháo gỡ”, ông Đam yêu cầu.
Dạy học sinh trung thực qua cách tổ chức kỳ thi này
Làm việc tại Thái Nguyên và Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo : “Dứt khoát phải tổ chức một kỳ thi trung thực”. Ông Luận cũng chia sẻ: “Chúng tôi quan niệm bản thân kỳ thi này là một hoạt động giáo dục rất quan trọng nên dứt khoát phải tổ chức một kỳ thi trung thực. Chúng ta dạy HS trung thực, cố gắng vượt lên chính bản thân mình để làm tốt bài thi thì phải chứng minh sự trung thực ấy qua cách thức tổ chức kỳ thi này”.
Tăng cường đối thoại, trao đổi trong chấm thi
GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết sau ngày 5.7 Hội đồng chấm thi sẽ bắt tay vào làm việc ngay. 50% giáo viên là của các trường THPT do 5 sở GD-ĐT chọn cử, dự kiến đến ngày 15.7 sẽ xong. PV Thanh Niên đặt vấn đề chất lượng giáo viên tham gia chấm thi liệu có đảm bảo kết quả công bằng, khách quan hay không? Ông Vui khẳng định: "Chúng tôi lựa chọn giáo viên theo tiêu chí khá rõ và đề nghị các sở GD-ĐT phải cử giáo viên đảm bảo chất lượng, giáo viên dạy giỏi, dạy trường chuyên, đảm bảo uy tín. Các sở GD-ĐT phải cam kết là cử giáo viên có đủ kinh nghiệm để tham gia chấm thi".
Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Vũ Luận cho rằng Bộ sẽ cố gắng xử lý bằng barem điểm, chi tiết hóa để hành động thống nhất. “Chúng tôi đã chỉ đạo việc này, barem chi tiết, tăng cường đối thoại, trao đổi trong quá trình chấm thi. Đề thi ngày càng mở, không yêu cầu HS học thuộc lòng, máy móc... việc đó lại càng cần. Tôi tin các giáo viên lựa chọn chấm thi trước hết vì quyền lợi công bằng của tất cả các HS. Trên thực tế, việc huy động giáo viên THPT vào chấm cũng là để đổi mới cả thầy cô, xã hội và phụ huynh bớt đi lo lắng về mặt tâm lý khi mà kỳ thi có hai mục đích như vậy".
Thí sinh thay đổi chỗ ngồi từng môn thi
Ngay khi kết thúc ngày thi đầu tiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã chủ trì cuộc họp báo tại TP.HCM. Thứ trưởng Ga cho biết, việc phân bổ TS trong các phòng thi đều được thực hiện trên phần mềm quản lý chung, thống nhất trong phạm vi cả nước và không có sự can thiệp từ bên ngoài vào. Theo ông Ga, kỳ thi các năm trước TS sẽ ngồi yên một chỗ trong các buổi thi. Nhưng năm nay, mỗi buổi thi TS sẽ di chuyển vị trí theo từng môn thi đăng ký. (Hà Ánh - Đăng Nguyên)
Tạo điều kiện để phóng viên tác nghiệp
Trong những ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, một số phóng viên đã bị cản trở không cho tiếp cận khu vực thi dù thực hiện tác nghiệp theo đúng quy định. Chiều 1.7, ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng - Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết việc tác nghiệp tại các địa điểm thi là quyền và nghĩa vụ của phóng viên, đúng quy định của pháp luật. Vì vậy các đơn vị đều phải tạo điều kiện để phóng viên tác nghiệp tuy nhiên phóng viên không được mang điện thoại di động vào khu vực thi. Bộ sẽ có những điều chỉnh với các cụm thi ngăn cản tác nghiệp của phóng viên.
Trước đó, sáng 1.7, một phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM đến tác nghiệp tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM (thuộc cụm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã bị một sinh viên là tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi cản trở. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM, cho biết đã đình chỉ, không cho sinh viên này tiếp tục tham gia chương trình. (Đ.Nguyên - H.Ánh - X.Phương)
Lo nắng nóng khiến TS không đủ sức khỏe
Một trong những mối quan tâm của các điểm thi miền Bắc là thời tiết nắng nóng quá khắc nghiệt (ảnh).
Ảnh: Diệu Hiền
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị các điểm thi lưu ý thời tiết những ngày thi quá nóng, việc vệ sinh an toàn thực phẩm phải rất kỹ càng để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của TS; chú ý đến y tế dự phòng để kịp thời giúp đỡ những TS có sức khỏe không tốt. Ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cho hay nỗi lo lớn nhất là nắng nóng khiến sức khỏe TS không đảm bảo để tham dự hết tất cả các buổi thi. Do vậy, ngay trước ngày thi, Ban chỉ đạo thi của tỉnh phải chỉ đạo tất cả các UBND quận huyện bố trí chỗ nghỉ giữa 2 buổi thi cho TS. (Tuyết Mai)
Phải dùng đề dự trữ do lỗi in ấn
Điểm thi Trường THPT Yên Thế, Bắc Giang xảy ra một sự cố nhỏ về đề. Khi phát đề thi môn tiếng Anh (chiều 1.7), một phòng thi có TS phản ánh nhận được đề thi có 2 tờ trang 1 nhưng lại thiếu tờ trang 2. Xác định đây là lỗi kỹ thuật trong quá trình in ấn, chủ tịch hội đồng điểm thi đã xử lý bằng cách mở niêm phong túi đề thi dự trữ để kịp thời phát đề thi cho TS trên. (Tuệ Nguyễn)
Đình chỉ vì lấy ĐTDĐ chụp đề thi
Trong buổi thi môn toán, cụm thi Trường ĐH Đà Lạt phát hiện một TS mang điện thoại di động (ĐTDĐ) vào phòng thi. Cũng trong buổi sáng, tại điểm thi Trường dự bị ĐH (cụm thi ĐH Y Dược TP.HCM), có một TS bị đình chỉ do lấy ĐTDĐ ra chụp đề. Tại cụm thi này, một TS vào nhà vệ sinh để nghe điện thoại, giám thị phát hiện và ngay lập tức đình chỉ. (Đăng Nguyên)
Thi bên cạnh máy trợ thở
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trong buổi sáng thi môn toán, có một TS bị lên cơn động kinh. Sau khi cấp cứu, TS cho biết mình có tiền sử động kinh và có mang máy trợ thở theo khi đi thi để sử dụng khi cần thiết.
TS tiếp tục làm bài thi và được bố trí ngồi gần cửa sổ, máy trợ thở để ngay bên ngoài cửa. Tuy nhiên, buổi chiều, sau khi nghe về trường hợp này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lập tức chỉ đạo cho phép đặt máy trợ thở bên cạnh để TS có thể sử dụng kịp thời. (Đăng Nguyên)
Mất điện trong giờ thi
Sáng 1.7, nhiều phụ huynh có con thi tại điểm Trường THCS Phước Lộc (xã Phước Lộc, H.Tuy Phước, Bình Định) lo lắng vì các TS vừa bước vào phòng thi thì xảy ra sự cố mất điện. Theo ông Phạm Ngọc Ánh, Giám đốc Điện lực Tuy Phước, một chiếc xe ben trong lúc đổ đất tại khu vực thôn Phú Mỹ 1 (xã Phước Lộc) đã làm đứt đường dây điện trung thế gây mất điện trên địa bàn gần 1 giờ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Điện lực Tuy Phước đã khẩn trương huy động lực lượng tiến hành khắc phục sự cố. (Tâm Ngọc)

T.Nguyễn - Q.Hiên

Nguồn: http://www.baomoi.com/Dut-khoat-to-chuc-ky-thi-trung-thuc/108/16960989.epi