NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Sau Apple, đến lượt Facebook muốn lấn sân nhạc trực tuyến?

on .

Theo những báo cáo mới đây, Facebook hiện đang đàm phán với các hãng thu âm lớn lớn trên thế giới, một dấu hiệu cho thấy mạng xã hội muốn lấn sân vào lĩnh vực kinh doanh âm nhạc trực tuyến. 

Hai ngày sau khi Apple chính thức tung ra dịch vụ nhạc số trực tuyến của mình là Apple Music, Facebook được cho là đã nhanh chóng đàm phán với các thương hiệu lớn như Sony Music Entertainment, Universal Music Group và Warner Music Group về kế hoạch "tấn công thị trường âm nhạc" trong tương lai.

Một số báo cáo ban đầu cho thấy, Facebook đang dự định thực hiện một kế hoạch nào đó thực sự độc đáo, trong đó, bao gồm 2 yếu tố: video và âm nhạc.

Rõ ràng, đây là một kế hoạch đầy tham vọng của CEO Mark Zuckerberg, khi lần đầu tiên, mạng xã hội này bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của mình tới việc tạo ra các nội dung chuyên nghiệp. Trước đó, Facebook hầu như chỉ hướng tới mục tiêu mở rộng quy mô nền tảng và gia tăng tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực video với con số 4 tỷ lượt xem video một ngày.

 

Video và quảng cáo

Giả thuyết đầu tiên được một số chuyên gia đưa ra đó là, có lẽ, việc chú tâm vào việc sáng tạo nội dung thông qua video sẽ là bước đi tiếp theo để Facebook thu về khoản tiền kếch xù từ quảng cáo. Bởi nếu xem xét kỹ lượng, động thái này là hoàn toàn hợp lý, khi mới đây, Facebook thông báo sẽ trả tiền cho người đăng tải video lên nền tảng của mình.

Cụ thể, chủ nhân của các video trên Facebook sẽ có nhận được 55% doanh thu quảng cáo trên các video của họ. Con số 45% quảng cáo còn lại sẽ thuộc về Facebook. Tỉ lệ này cũng tương đương với chính sách của YouTube để trả cho các YouTuber hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ ăn chia này không phản ánh được Facebook sẽ "chi đậm" hơn so với Google.

Còn nếu so về tiềm lực, Facebook giờ đây đã trở nên ngang bằng với Youtube ở thời điểm hiện tại, do đó, không có lý do gì để mạng xã hội này không lấn sân lĩnh vực quảng cáo video. Do đó, việc tăng cường đầu tư chất lượng nội dung video sẽ giúp Facebook có cơ hội vượt qua người đàn anh Youtube, từ lâu đã giữ ngôi vị ông vua trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, báo cáo của Bussiness Insider nhấn mạnh, Facebook sẽ cung cấp cho người dùng thêm nhiều tính năng thú vị để giữ chân họ trên nền tảng của mình càng lâu càng tốt. Và con số 4 tỷ lượt xem mỗi ngày là minh chứng rõ ràng nhất. Cách đây ít lâu là việc tung ra công cụ đọc báo Instant Articles nhằm biến Facebook thành một trang xuất bản, và tới đây, có thể là dịch vụ video nhạc số trực tuyến.

Facebook Music?

Do đó, giả thuyết thứ hai chính là việc Facebook muốn lấn sân thị trường âm nhạc, tương tự như cách mà Apple Music đã xuất hiện và gây được tiếng vang trong làng công nghệ. Bởi theo một nghiên cứu gần đây, trung bình một người sẽ nghe nhạc 4 giờ mỗi ngày. Ngay cả khi những con số này có thể ít hơn, nhưng hướng đi mà Facebook đang cố gắng thực hiện là rất có tiềm năng.

Liệu sẽ có một dịch vụ Facebook Music trong tương lai?

Có thể với CEO Mark Zuckerberg, đó là "Facebook Music". Đặc biệt, trong bối cảnh, thị trường âm nhạc trực tuyến đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết, lần lượt những Pandora, Spotify, Apple hay thậm chí là Google đã không thể bỏ qua miếng bánh thơm ngon này. Và nếu Facebook thực sự muốn sắn tay vào lĩnh vực âm nhạc, 1,44 tỷ người dùng hàng tháng của mạng xã hội này sẽ khiến Jay Z hay Dr. Dre dù có cả 3 đầu 6 tay cũng khó lòng địch nổi.

Một báo cáo trước đó từng đề cập tới việc, Facebook đang đàm phán với "ít nhất một" nhãn hiệu lớn trong lĩnh vực âm nhạc, nhằm cho phép những bài hát, video của hãng này được sử dụng trên Facebook. Tuy nhiên, xem ra đây hướng đi thiếu khả quan nhất cho Facebook, bởi vấn đề bản quyền âm nhạc luôn là việc khiến CEO Mark Zuckerberg cảm thấy đau đầu nhất hiện nay.

Điểm tối của Facebook

Hàng tỉ người dùng Facebook đang ngày ngày đăng tải các video không rõ nguồn gốc lên mạng xã hội này, đặc biệt là các video có tác quyền âm nhạc. Nếu chấp nhận cuộc chơi nhạc số, Facebook sẽ buộc phải xóa đi bất kì video nào nếu chúng là trái phép. Do đó, câu hỏi đặt ra là việc xóa đi những video này của người dùng có khiến họ kém vui?

Ngược lại, các video trên YouTube lại có phần được nới lỏng hơn, và trước đó, gã khổng lồ Google đã đi đến thỏa thuận chi sẻ doanh thu quảng cáo với rất nhiều video âm nhạc được đăng tải trên mạng xã hội của họ. Thậm chí, có những vụ kiện đã ngốn của Youtube tới 1 tỷ USD và cuộc chiến pháp lý gần bảy năm, liệu Facebook có sống đủ lâu để tham gia vào lĩnh vực này?

Và dù Facebook có thể giám sát bất kì nội dung nào vi phạm, thì điều này đồng nghĩa, họ đã tự giới hạn các thể loại video trên nền tảng của mình, đồng thời, tạo cơ hội cho các mạng xã hội mới vùng lên.

Cuối cùng, có lẽ ý tưởng khả quan nhất cho lần "tụ quân" mới đây của Facebook với các thương hiệu âm nhạc lớn chỉ xoay quanh vấn đề làm sao để mạng xã hội này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, chứ không phải bất kỳ cuộc chơi nào trong lĩnh vực âm nhạc. Tất nhiên, điều gì cũng có thể xảy ra, nếu phán đoán trên là sai lầm, CEO Mark Zuckerberg chắn chắn sẽ sớm tung đòn trong nay mai.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Sau-Apple-den-luot-Facebook-muon-lan-san-nhac-truc-tuyen/76/16968265.epi