Mật ong no đường, gà vườn no chuối
Nhiều cách làm ăn gian dối đã đẩy người tiêu dùng vào mê trận không lối thoát hoặc phải ngán ngẩm chấp nhận “luật chơi”.
Sò bị phủ bùn đất đến mức không thể thấy được màu sắc của sò.
Sò trộn đất, gà bị nhồi nhét thức ăn đầy bụng để tăng trọng, mật ong thì bị pha nước đường... Nhiều cách làm ăn gian dối đã đẩy người tiêu dùng vào mê trận không lối thoát hoặc phải ngán ngẩm chấp nhận “luật chơi”.
Chủ một cửa hàng mua bán hải sản trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) không ngần ngại lấy ra giỏ đựng sò cho khách quen thấy tận mắt.
“Chú coi, tụi tui cũng phải chấp nhận kiểu buôn bán như vầy” - bà N., chủ cửa hàng nói trên, lắc đầu. Khác hẳn số sò huyết mà bà N. đã tẩy rửa thật sạch để bán cho khách, số sò trong giỏ mà bà mang ra cho khách xem bị áo một lớp đất khiến không thể thấy được màu sắc con sò ra sao.
Mua sò hay mua đất?
Bà N. cho biết số sò trên có xuất xứ từ miền Trung, bà mua lại của thương lái để bán lẻ cho khách hàng. Khi mua sò, bà chấp nhận mua luôn cả... đất. Và cái cách mà bà chấp nhận “luật chơi” là: “Khi làm giá, tui phải tính luôn cả tiền... bùn đất. 1kg sò lấy vào giá 65.000 đồng thì tui phải tính 70.000 đồng, sau đó mới tính lời để bán” - bà N. thú thật.
“Mỗi ký sò trung bình có 100 gam đất. Nếu rửa hết đất thì phải cộng số thất thoát đó vào giá. Còn nếu không rửa thì bán rẻ hơn. Nhiều người mua sò dạo, sò bán ở lề đường thích rẻ nên mua sò trộn đất...” - bà N. nói thêm.
Tại một cửa hàng bán hải sản khác trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Cần Thơ), người bán nói thẳng khi chúng tôi hỏi giá từng loại sò: “Sò còn đất nhiều, ít đất hay sạch đất, cùng một loại giống nhau thôi nhưng giá chênh lệch 5.000 đồng/kg, coi như trừ hao đất”.
Sò huyết sạch.
Không phải điểm bán sò nào cũng chịu khó “gia công” rửa bùn đất trước khi bán, hay chấp nhận “trừ hao” cho khách khi mua sò trộn đất. Khảo sát nhiều điểm bán sò huyết ở TP Cần Thơ, từ các điểm bày bán trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai... cho đến các xe bán sò dạo... đều có một hình ảnh chung là sò đều “no” đất.
Khi chúng tôi phàn nàn về chuyện “mua sò mua luôn cả bùn đất”, một người bán sò trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP Cần Thơ) phân trần: “Người ta bán cho em thế nào, em bán lại thế nấy chứ đâu có trộn thêm đất”.
Khi chúng tôi đặt vấn đề sò “áo đất”, anh H., một thương lái mua bán sò ở Kiên Giang, giải thích: “Đó là cách để... trừ hao số sò bị chết khi để lâu ngày. Với lại sò có nhiều đất thường... sống dai hơn sò sạch”. Đến lúc này người mua cũng phải đành... bó tay.
Bằng mắt thường, người mua hầu như không thể phân biệt mật ong nguyên chất của rừng U Minh, Cà Mau và mật ong pha đường - Ảnh: Kiến Thành |
Mê trận“mật ong nguyên chất”
“Có vào tới rừng mua mật cũng không chắc là mật ong nguyên chất” - một phong ngạn (người chuyên sống bằng nghề lấy mật ong rừng) ở xã Khánh Hòa (huyện U Minh, Cà Mau) phán khi chúng tôi hỏi chỗ mua mật ong nguyên chất.
Mật ong rừng U Minh (Cà Mau, Kiên Giang) nổi tiếng khắp nơi vì độ ngon và dược tính của nó. Cũng vì thế mà nhiều nơi ở ĐBSCL, thương hiệu mật ong U Minh được chào hàng kèm theo lời đảm bảo là “nguyên chất trăm phần trăm”. Tuy nhiên, có người phải tiền mất tật mang khi nghe dòng quảng cáo này.
L.T.A.H., một chủ thương hiệu mật ong nổi tiếng ở Cà Mau, cho biết: “Mật ong nguyên chất kỳ thực không nhiều. Còn mật pha thì... muôn hình vạn trạng”.
Anh H. nói mật ong tại chỗ sau khi đã chiết xuất tạp chất được anh bán với giá 300.000 đồng/lít. Thế nhưng lại có người tìm đến anh chào giá mật chỉ... 150.000 đồng/lít. Anh H. chắc chắn không thể nào mật ong nguyên chất có giá rẻ cỡ đó. Vì mật anh mua tại rừng còn có giá 220.000 đồng/lít. Biết mật rẻ là mật bị pha tạp chất, nhưng anh H. nói không thể khẳng định mật bị pha bởi chất gì.
Lo ngại mật ong bị pha đường, người mua thường nghĩ ra nhiều cách để thử mật Ảnh: K.THÀNH |
Lo ngại mật ong bị pha đường, người mua thường nghĩ ra nhiều cách để thử mật - Ảnh: K.Thành |
Ông Hai R., một người sống bằng nghề ăn ong ở xã Khánh Hòa, nói: “Chỉ có những người trong nghề, nhiều kinh nghiệm mới phân biệt được mật nguyên chất hay mật pha”. Còn theo anh H., để khẳng định 100% mật nguyên chất thì chỉ còn cách gửi mẫu đi TP Cần Thơ hoặc TP.HCM để kiểm tra. Người tiêu dùng bằng mắt thường khó lòng nhận biết.
Theo nhiều người có kinh nghiệm trong nghề mua bán mật ong, cách phổ biến nhất để làm tăng lượng mật ong mà những người làm ăn gian dối hay làm là nấu nước đường loãng pha với mật nguyên chất. Tinh vi hơn thì để đường gần các kèo ong, ong sau khi no đường sẽ cho mật thay vì đi hút mật hoa... Cách nào đi nữa thì lượng đường trong mật cũng rất lớn.
Nó làm tăng thể tích nhưng sẽ làm hỏng chất lượng mật. “Nếu một người chẳng may bị bệnh tiểu đường mà mua phải loại mật này về làm thuốc thì hậu quả khó lường” - anh Nguyễn Quốc Tổng, một khách du lịch tìm mua mật ong U Minh, lo lắng.
Chưa có thống kê bao nhiêu trường hợp phải chịu hậu quả khi mua lầm mật ong dỏm, nhưng cách làm ăn gian dối này ít nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín mật ong rừng U Minh. Người mua phải trả số tiền để mua phải nước đường thay vì mua mật ong nguyên chất. Một lời khuyên cho những người khi tìm mua mật ong là nên chọn mua mật có xuất xứ rõ ràng. Không nên mua mật trôi nổi dù được đảm bảo là “mật nguyên chất”.
Gà vườn... “bội thực”
Ghé vào một điểm bán gia cầm bên mé đường Nguyễn Văn Linh, gần cầu Bà Bộ (TP Cần Thơ), chọn ngẫu nhiên một con gà được quảng cáo là “gà vườn”, hầu như con gà nào ở đây bụng cũng no căng.
Chúng tôi tỏ ra nghi ngờ gà bán ở đây đã bị nhồi nhét thức ăn, một người bán gà nhanh miệng phủ nhận: “Mấy chỗ khác chứ chỗ em hông có làm ăn gian dối vậy đâu”. Chúng tôi hỏi: “Chỗ khác là chỗ nào?”. Người này lúng túng: “Thì gần gần đây thôi”. Thế nhưng, khi chúng tôi mua gà của chủ sạp này về, mổ bụng gà thì phát hiện đầy lúa gạo và... chuối được chủ sạp nhồi nhét để tăng trọng lượng.
Anh Nguyễn Nam Trung (P.Long Hòa, Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ) ngao ngán: “Vì khu vực này tiện đường nên tui hay ghé qua mua gà, vịt ở đây. Nhiều lần tôi mướn làm tại chỗ. Một lần có khách dưới quê lên, tôi mua gà sống về nhà làm mới phát hiện trong bụng gà đầy chuối. Hôm sau tôi tìm đến chỗ người bán gà để phản ứng thì không thấy họ đâu” - anh này bức xúc.
Khu vực cầu Bà Bộ nổi tiếng với hàng chục điểm bán “gà vườn” và có cả dịch vụ làm gà mướn. Các điểm giết gà “gia công” thường cách xa điểm bán nên người mua không tận mắt chứng kiến gà bị nhồi nhét để tăng trọng.
Chị T., một người từng sống bằng nghề bán gà ở khu vực cầu Bà Bộ, “bật mí”: “Thường những điểm trưng ra ít, chỉ vài con gà vịt, mới có chuyện nhồi nhét để tăng trọng. Mỗi con gà nhét chừng 100 gam thức ăn là cùng. Nhưng khi bị dồn thức ăn căng bụng thì chúng không sống được lâu. Nếu chẳng may nó bị chết thì bán gà làm sẵn. Đường nào cũng không lỗ”.
Theo chị này, tùy theo gà, vịt có trọng lượng bao nhiêu để tính toán dồn nhét chuối cho phù hợp. “Chuối được cắt nhỏ, đập giập, nhét từng miếng vào, vuốt xuống diều, khi nào diều gia cầm căng cứng thì thôi” - chị cho biết.
Mua dâu giá rẻ... ảo
Vừa bước ra khỏi bãi giữ xe thuộc khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu, TP Đà Lạt, một “cò” tên Lẹ đón đầu và đưa cho chúng tôi một card visit với lời mời tham quan vườn dâu miễn phí, mua dâu với giá 20.000 đồng/kg.
Để tăng tính thuyết phục, Lẹ chỉ trên card dòng chữ “Đây là phiếu khuyến mãi” và nếu mua năm sản phẩm tại đây sẽ được tặng thêm một vì tiệm mới khai trương, chỉ áp dụng cho những khách hàng đầu tiên trong ngày. Ngoài Lẹ, có khoảng sáu “cò” khác lượn lờ quanh khu du lịch để tìm kiếm con mồi.
Không dẫn chúng tôi đến vườn dâu, mà “cò” Lẹ dẫn chúng tôi tới... lò mứt Anh Vũ (đường Phù Đổng Thiên Vương, TP Đà Lạt). Đến nơi Lẹ nhanh chóng bỏ đi. Các sản phẩm tại đây được bày bán với giá từ 50.000 đồng trở lên và không ghi rõ địa chỉ sản xuất.
Chỉ trong vòng 15 phút, Lẹ chạy đi chạy lại như con thoi và dẫn về đây hơn 10 khách. Chiêu bài chung được chủ tiệm sử dụng để mời khách mua hàng là hứa dẫn khách đi tham quan vườn dâu, hái dâu tại chỗ với giá cực rẻ.
Khách hàng buộc phải mua sản phẩm tại cửa tiệm nếu muốn tham quan vườn dâu. Nhưng sau khi đã mua hàng xong, chủ tiệm hướng dẫn khách đến một địa chỉ ảo với lý do “hướng dẫn viên” chưa về, sợ chờ đợi lâu. Đi theo sự hướng dẫn, chúng tôi cùng một nhóm khách du lịch tìm đến vườn dâu Khánh Ngọc. Liên hệ với chủ vườn, mọi người mới tá hỏa vì biết mình bị lừa.
Ông Trần Thanh Sơn, vườn dâu Khánh Ngọc, cho biết không hề hợp tác, liên kết với tiệm trên và cũng không hề có việc dẫn khách tham quan trong vườn, hái dâu tại chỗ, bán dâu giá cực rẻ...
“Tụi cò ở đây hầu hết là dân giang hồ, chúng ngang nhiên hoạt động chèo kéo khách du lịch. Do sự nhẹ dạ cả tin mà có rất nhiều người bị lừa mua sản phẩm hàng triệu đồng tại các cửa tiệm với mong muốn tham quan, hái dâu tại vườn với giá 20.000 - 30.000 đồng/kg”.
Quay trở lại tiệm mứt Anh Vũ để tìm lời giải thích, nhân viên của tiệm trả lời với giọng điệu cáu gắt: “Ai nói xuống vườn dâu Khánh Ngọc, vườn dâu đó có phải của nhà đâu mà vô. Đến vườn dâu kế bên, vườn chú H. mới đúng”.
Để tìm hiểu kỹ hơn về mánh khóe lừa, chúng tôi tiếp tục quay lại địa chỉ thứ hai mà chủ tiệm cung cấp. Chủ vườn dâu nhấn mạnh: “Có quay trở lại tìm chúng cũng không giải quyết được gì đâu, không khéo lại chuốc vạ vào thân. Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm rồi, cảnh sát kinh tế cũng có xử phạt nhưng được một thời gian thì đâu lại vào đó.
Những chủ vườn như tôi dù không có dính dáng với chúng nhưng hằng ngày phải tiếp rất nhiều đợt khách bất đắc dĩ do chúng đưa tới. Dù biết ảnh hưởng đến uy tín của nhà vườn nhưng chả ai dám làm gì chúng vì sợ trả thù. Đã có trường hợp chủ vườn phản ảnh thì bị nhổ dâu và đổ thuốc diệt cỏ gây thiệt hại lớn”.
Nhiều du khách rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười chỉ vì muốn được hái dâu. Chị Phan Thị Cẩm Tiên (21 tuổi, TP.HCM) đi chơi cùng bạn cho biết: “Lúc đầu tụi em hiếu kỳ vì muốn tham quan vườn dâu, nên bị cuốn vào lời mời dụ của cò. Họ ép tụi em mua sản phẩm của cửa hàng, dù biết là có đắt hơn ở ngoài nhưng phải cắn răng chịu đựng để được họ dẫn đi vườn dâu. Nhưng sau khi mua xong thì họ trở mặt, không dẫn đi nữa. Tụi em phản ứng thì 2-3 người trong cửa tiệm bước ra làm khó dễ”.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, cặp vợ chồng chị Phương - anh Phong (Quảng Nam) cũng bị lừa đảo tham quan vườn dâu... ảo. Chị Phương lắc đầu ngán ngẩm: “Tưởng rằng sẽ được vào vườn dâu để hái, mua dâu với giá rẻ, ai ngờ tiền mất tật mang. Không những không được vào tham quan vườn dâu mà còn mua sản phẩm đắt gấp 2-3 lần ở ngoài. Du lịch mà cứ thế này thì ai mà dám đến nữa?”.
LÊ PHAN - VĂN TIÊN
KIÊN THÀNH
Nguồn: http://www.baomoi.com/Mat-ong-no-duong-ga-vuon-no-chuoi/137/16991395.epi