Mô hình Marketplace và cơ hội phát triển của thị trường thương mại điện tử
Sớm xuất hiện cùng với sự hình thành của thương mại điện tử, mô hình bán hàng B2C nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường nhờ những cơ hội rộng mở mang lại cho cả người bán lẫn người mua.
Tuy nhiên, mô hình kết nối doanh nghiệp - khách hàng vẫn tồn tại khuyết điểm lẫn rủi ro. Làm thế nào để phát huy thế mạnh và khắc phục điểm yếu? Mô hình marketplace đã ra đời để trả lời câu hỏi đó.
Marketplace- Khái niệm không quá mới với thương mại điện tử
B2C (business to customer) là kiểu bán hàng giữa doanh nghiệp và khách hàng thông qua giao dịch internet. Thời kỳ đầu của thương mại điện tử, đây là mô hình mà các doanh nghiệp đổ xô theo đuổi, nhằm cung cấp cho người mua thêm cơ hội để tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không phải nhà buôn bán nào cũng đủ vốn liếng để đầu tư kho bãi, dịch vụ trực tuyến và vận chuyển. Vậy, làm thế nào để tiết giảm các khoản chi phí mà vẫn đảm bảo được doanh thu lẫn cơ hội tiếp xúc giữa bên bán và bên mua?
Nửa cuối năm 2013, mô hình thương mại điện tử Marketplace xuất hiện cung cấp cho cả bện bán lẫn bên mua những cơ hội tiếp cận dễ dàng và an toàn trên cơ sở kế thừa điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của các mô hình thương mại điện tử sẵn có. Và đi tiên phong trong việc cải tiến mô hình thương mại điện tử này, phải kể đến “ông lớn” Lazada.
Về bản chất, khái niệm “Marketplace” không mới đối với thương mại điện tử. Nói đơn giản, đây là một sàn giao dịch, một “chợ” chung mà bên bán và bên mua tập trung lại để dễ dàng tìm kiếm được nhau. Bám sát mục tiêu đó, đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ Marketplace phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng của mình.
Trong trường hợp của Lazada, họ bắt đầu xây dựng một trang web thương mại điện tử B2C chuyên nghiệp, tích hợp tất cả các dịch vụ hỗ trợ khách hàng, đơn giản hóa các thao tác mua hàng ở mức đối đa và luôn cam kết bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Cùng với một chiến lược quảng cáo trực tuyến rầm rộ và liên tục, từng bước họ chiếm được niềm tin với người mua hàng trong nước.
Ưu thế của mô hình Marketplace
Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình này đã bộc lộ rõ ưu thế của mình. Marketplace giúp công ty thương mại điện tử giảm đáng kể chi phí đầu tư kho bãi, mua hàng và quản lý tốt vốn lưu động. Hàng hóa, sau khi được đưa lên trang Marketplace, vẫn nằm tại kho và thuộc sở hữu của nhà cung cấp.
Khi có đơn hàng từ khách hàng, công ty mới liên hệ nhà cung cấp để thực hiện các công đoạn đóng gói, giao hàng và thu tiền hộ nhà cung cấp.
Thứ hai, công ty thương mại điện tử tận dụng được nguồn lực hiện có để xử lý đơn hàng và hoàn tất các dịch vụ hỗ trợ nhà cung cấp như vận hành, sản xuất hình ảnh, giao vận, chăm sóc khách hàng... Với việc rộng cửa mời gọi bên bán là các cá nhân tham gia, công ty thương mại điện tử liên tục đa dạng hóa nguồn hàng và chủng loại hàng để giảm chi phí mua hàng và giá vốn hàng bán.
Việc Lazada hợp tác thanh toán trực tuyến với 25 ngân hàng giúp cung cấp một công cụ thanh toán an toàn và hiệu quả cho cả bên bán lẫn bên mua.
Một điểm khác biệt khác, các nhà cung cấp không cần phải tốn chi phí hàng tháng cho việc bán hàng trên Lazada mà chi phí sẽ tính trực tiếp trên từng sản phẩm.
Dưới góc độ nhà cung cấp, mô hình Marketplace giúp họ quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đến một lượng lớn khách hàng hiện có từ mô hình B2C, tăng vòng quay hàng tồn kho, học tập và tích lũy kinh nghiệm cách làm thương mại điện tử bài bản, tập trung vào việc sản xuất và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Khi tham gia Marketplace, bên bán cũng được cung cấp những công cụ tùy biến cửa hàng trực tuyến của mình. Đồng thời, nhà bán hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước khách hàng về chất lượng sản phẩm do họ cung cấp.
Đối với người mua, một sàn giao dịch chung đa dạng sản phẩm và cam kết đảm bảo thanh toán an toàn giúp khách hàng an tâm hơn và thuận tiện hơn trong giao dịch.
Ông Alexandre Dardy, Giám đốc điều hành Lazada Việt Nam cho biết, triển khai từ tháng 11/2013, đến nay, số lượng nhà buôn bán trên Lazada đã tăng vọt từ mức gần 500 lên mức gần 5000. Doanh thu từ mô hình Marketplace chiếm đến 75% tổng doanh thu của Lazada. Độ phủ sóng và uy tín của Lazada ngày càng lớn mạnh ở các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Việt Nam v.v…
Với những cải tiến của mô hình Marketplace, cơ hội phát triển của thị trường thương mại điện tử ngày càng rộng mở. Một “chợ ảo” trên mạng sẽ không còn là “ảo”, khi tất cả các bên liên quan đều ý thức được vai trò và tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng và dịch vụ, để cùng nhắm đến một mục tiêu chung nhất là đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng.