NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Thủ lĩnh mới của Google

on .

“Khiêm tốn, thông minh, kiên quyết bảo vệ chính kiến và rất trầm lặng...” - lời nhận xét này của một đồng nghiệp cũ đã phác họa vài nét về chân dung của người vừa được tín nhiệm giao vai trò “lèo lái con thuyền Google trong những năm tới để tiếp tục đổi mới và mở rộng”.

Google, 16 năm sau ngày thành lập bởi bộ đôi Larry Page và Sergey Brin, vừa công bố kế hoạch đại cải tổ: thành lập công ty mẹ lấy tên Alphabet và Google trở thành công ty con lớn nhất của Alphabet. Nếu đây là một bước chuyển mình hoàn toàn bất ngờ thì việc chọn người kế nhiệm vị trí CEO của Larry Page ở Google (để Page toàn tâm toàn ý điều hành Alphabet) lại không hề gây ngạc nhiên. Bởi tân CEO - Sundar Pichai, 43 tuổi, được đánh giá là “một lựa chọn tất nhiên” cho chiếc ghế này.
Câu chuyện truyền cảm hứng
Khi chính thức đảm nhiệm vai trò mới vào cuối năm nay, Pichai sẽ quản lý gần hết doanh thu 66 tỉ USD của Alphabet Inc. bởi Google mang về nguồn thu chính cho công ty mẹ. Hành trình để Pichai gia nhập nhóm lãnh đạo cấp cao người Ấn Độ của thế giới công nghệ khởi nguồn từ chiếc điện thoại quay số mà gia đình có khi Pichai 12 tuổi. Sinh ra ở thành phố 4 triệu dân Chennai ở miền nam Ấn Độ, nhà chỉ có 1 phòng ngủ nên Pichai và em trai ngủ ở phòng khách. Những chiếc xe buýt nhét đầy khách và chiếc xe máy Lambretta duy nhất của gia đình là phương tiện di chuyển thường xuyên của 2 anh em. Khi 4 người chất lên chiếc xe máy thì Pichai được ưu tiên đứng trước còn cậu em trai phải ngồi chơi vơi ở đuôi xe. Tuổi thơ của Pichai trôi qua không có gì đặc biệt, thậm chí nhà anh còn không có ti vi, cho đến khi chiếc điện thoại quay số xuất hiện. Món đồ này đưa Pichai đến với sự kỳ diệu của công nghệ và hé lộ một khả năng trời phú của Pichai. Bất kỳ số điện thoại nào cũng đều được nạp vào bộ nhớ của Pichai chỉ sau 1 lần quay. “Chú tôi thường gọi hỏi tôi mỗi khi mất số. Lúc đó tôi chẳng biết là điều này có ích lợi gì hay không”. Câu trả lời đã có lời giải. Nhà khoa học điện toán Alan Eustace, cựu phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Google, từng ngạc nhiên trước năng lực nhớ số siêu việt của Pichai: “Đó là lĩnh vực của tôi mà anh ấy nhớ đến cả con số mà tôi không biết”.
Cha mẹ Pichai lần đầu đến Mỹ thăm con năm 1997
 
Quá trình làm việc của Pichai tại Google
- Năm 2004: Gia nhập công ty, phụ trách quản lý và cải tiến cho các sản phẩm phần mềm như Google Crome, Crome OS cũng như chịu trách nhiệm chính đối với Google Drive; đảm nhiệm chung việc phát triển các ứng dụng như Gmail và Google Maps
- Năm 2013: Tiếp quản Android (giới thạo tin cho biết Pichai là một trong những ứng viên cho vị trí CEO của Microsoft)
- Năm 2014: Được bổ nhiệm làm Product Chief (tổng phụ trách sản phẩm)
- Năm 2015: Được chỉ định làm CEO của Google.
Hành trình đến Mỹ của cậu sinh viên Học viện Công nghệ Ấn Độ ở Kharagpur bắt đầu từ con số 1.000 USD tiền tiết kiệm của cha mẹ. Sau khi tốt nghiệp, Pichai nhận được học bổng theo học ngành khoa học vật liệu và vật lý chất bán dẫn tại Đại học Stanford (Mỹ). Ban đầu, cha của Pichai định vay mượn để trang trải tiền vé máy bay và các chi phí khác cho con trai nhưng không kịp giờ nên ông phải rút 1.000 USD từ tài khoản tiết kiệm (nhiều hơn số tiền lương 1 năm của ông). “Cha mẹ tôi cũng như nhiều bậc phu huynh thời đó. Họ hy sinh cuộc sống của họ và dành phần lớn thu nhập để đảm bảo con cái được học hành”, Pichai nói. Mẹ Pichai từng làm nghề viết tốc ký trước khi sinh con còn cha là một kỹ sư điện, quản lý một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Anh. “Tôi hay nói chuyện với con trai về công việc hằng ngày cũng như những khó khăn của mình. Ngay cả lúc nhỏ mà nó đã tỏ ra rất tò mò về công việc của tôi. Tôi nghĩ nó rất mê công nghệ”, cha của Pichai nhớ lại.
Khi đặt chân đến Stanford năm 1993, Pichai tìm mua một chiếc ba lô mới và hoàn toàn sốc khi biết giá là 60 USD. Rồi sau nhờ một bản tin online mà Pichai mua được một chiếc ba lô cũ. Những năm đầu trên đất Mỹ, chàng trai trẻ không khỏi quên được hình bóng cô bạn gái ở quê nhà - người sau này cũng đến Mỹ và trở thành vợ của Pichai.
Người Google đặc biệt
Khiến cha mẹ đứng ngồi không yên vì bỏ ngang dự định tiến sĩ và khởi nghiệp tại một công ty sản xuất chất bán dẫn ở Thung lũng Silicon, Pichai lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Trường Wharton năm 2002 và chính thức có mặt ở Google đúng ngày 1.4.2004. Đó là ngày Gmail được tung ra, còn người mới này thì lại nghĩ rằng đây là một trong những trò đùa ngày Cá tháng 4. Để rồi 11 năm sau, Sundar Pichai trở thành cánh tay mặt của CEO hiện tại Larry Page.
Pichai và vợ Anjali ở New York năm 2002
Hơn 11 năm là đủ để 2 nhà sáng lập Google thử thách Pichai bởi họ không muốn mất đi người số 1 trong danh sách của giới săn đầu người. “Sergey và tôi rất sung sướng trước sự tiến bộ và sự cống hiến của Pichai cho công ty”, Page nói. Ở môi trường văn hóa doanh nghiệp đặc trưng của giới công nghệ, cái tôi luôn được đẩy lên hết mức, Pichai là một hình ảnh hoàn toàn khác lạ. Vốn là người ăn nói nhẹ nhàng, Pichai không bao giờ ỷ lại vị trí của mình để lấn át người khác trong khi tranh luận. Câu chuyện được kể nhiều nhất là sự xung khắc giữa Pichai (cùng với cộng sự dựng nên trình duyệt Chrome) và Andy Rubin - người sáng tạo hệ điều hành di động Android. Thay vì đối đầu với Rubin, Pichai nhẫn nhịn nhún nhường cho đến ngày được giao nắm quyền Android. Trong công ty, Pichai đã tạo cho mình một vị trí “độc tôn” là người mà ai cũng muốn có mặt trong phòng họp vào thời điểm ra quyết định.
Một lãnh đạo cao cấp của Google khi được hỏi về Pichai chỉ nói: “Tôi thách bạn tìm được ai ở Google mà người đó không thích Sundar hoặc nghĩ rằng Sundar cũng xoàng thôi”. Thế nên, quyết định chọn người của Larry Page cũng dễ hiểu như quyết định chọn cách làm việc thận trọng của Pichai. Khi nói về tương lai của Android, Pichai cho biết viễn cảnh đó có thể giống với bài học lướt sóng mà Pichai cùng với con gái học được ở Hawaii năm nào: Khi lần đầu lên thật cao ta cứ tưởng đang ở đỉnh cao nhưng khi rớt xuống mới hiểu thế nào là vực sâu.

Nguyệt Hàn 
(Theo CNN, Fortune, Bloomberg, Wall Street Journal)

Nguồn: http://www.baomoi.com/Thu-linh-moi-cua-Google/76/17318153.epi