NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Ba chàng trai nghèo biến chất thải SIT thành gạch block

on .

Dù mẹ cha lần lượt qua đời, Nghĩa vẫn được dì nuôi dưỡng và chăm cho học hành đến nơi, đến chốn. Đồng lương trợ cấp của dì rất ít ỏi, nhưng Nghĩa vẫn được học hết cấp 3 và ĐH.

Càng nhà nghèo, càng phải học giỏi

Gặp Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Huy Bình và Trần Đức Nam ở cổng đại học Kiến trúc (Hà Nội) mới biết cả ba chàng trai đều con nhà nghèo nhưng học rất giỏi.

Mới đây nhất, với đề tài "Nghiên cứu sử dụng chất thải SIT của các mỏ khai thác than Thái Nguyên làm nguyên liệu sản xuất gạch Block bê tông trang trí tự chèn", ba sinh viên đã đoạt giải cao tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc, tiếp tục đoạt các giải cao tại các hội thi quốc tế.

Trưởng nhóm Trần Đại Nghĩa kể về gia đình: "Mẹ mất sớm khi mình mới học lớp 3. Bố đi bước nữa, ba chị em được bố và dì nuôi ăn học. Khi mình học lớp 11, bố đột nhiên mắc bệnh trọng rồi qua đời".

Trong căn nhà nhỏ, tềnh toàng ở huyện ý Yên, tỉnh Nam Định, dì Nghĩa tằn tiện nuôi ba chị em ăn học. Nhờ học giỏi, ngay năm đầu tiên, chàng trai trúng khoa Xây dựng, đại học Kiến trúc Hà Nội. Mỗi tháng, dì đều đặn gửi cho Nghĩa từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng. Rất may, học kỳ nào cậu cũng đạt học bổng, góp cùng dì lo việc học hành.

Chuyện gia đình của chàng trai Nguyễn Huy Bình cũng rất cảm động. Bình là con trong gia đình có 6 anh em. Nhà Bình ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Bố là thương bệnh binh. Trước khi trở về làm nông nghiệp, ông lái xe cho Quân chủng Hải quân Việt Nam.

Để có tiền nuôi anh em Bình ăn học, ngoài thu nhập từ mấy sào ruộng và đồng lương trợ cấp ít ỏi, lúc nông vụ nhàn rỗi, bố đi làm thuê cho các hộ trong làng, chắt bóp từng đồng gửi lên Hà Nội cho các con.

Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Huy Bình và Trần Đức Nam (từ phải qua trái) trả lời phần thi vấn đáp đề tài "Nghiên cứu sử dụng chất thải SIT của các mỏ khai thác than Thái Nguyên làm nguyên liệu sản xuất gạch block bê tông trang trí tự chèn".

Hoàn cảnh của Trần Đức Nam ở xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đỡ vất vả hơn, nhưng gia đình cũng làm nghề nông. Nam là con út.

"Mình đi học là nhờ những sào ruộng khoán của cha mẹ. Quê mình đồng chiêm trũng. Người nông dân một nắng, hai sương mà thu nhập vẫn thấp. Mỗi sào ruộng cả năm mới cho lãi vài trăm ngàn đồng, trong khi mỗi tháng mình ăn học hết vài triệu đồng", Nam nói.

Tuy cả ba lớn lên từ những gia đình nghèo, song họ đều học rất giỏi. Trần Đại Nghĩa 5 năm liền là sinh viên giỏi, được nhận nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học. Nguyễn Huy Bình liên tiếp dành học bổng tại trường. Trần Đức Nam, từng là Chủ tịch hội sinh viên đại học Kiến trúc Hà Nội với rất nhiều phần thưởng của Đoàn, Hội.

Gạch block từ chất thải mỏ than

Một lần xem bản tin thời sự đài Truyền hình Việt Nam về vụ sạt lở bãi thải khai thác than Phấn Mễ (Thái Nguyên) khiến cả ba sinh viên suy nghĩ, trăn trở. Vụ sạt lở bãi thải than cướp đi mạng sống của 7 người, vùi lấp 14 ngôi nhà cùng nhiều tài sản của người dân.

Xem xong bản tin thời sự, Nghĩa nảy ra ý định phải làm gì đó để biến chất thải này thành vật liệu hữu ích, phục vụ lĩnh vực xây dựng và trang trí nội thất, vừa giải quyết những rủi ro có thể xảy ra, vừa tiết kiệm nguyên vật liệu xây dựng.

Sau nhiều lần bàn bạc, ba thành viên phân công nhau tìm kiếm tài liệu tìm hiểu về chất thải từ các bãi than. Để có kiến thức thực tế, cả ba đều phải chi tiêu tiết kiệm, dành tiền mua vé xe đi, về trên tuyến đường Hà Nội - Thái Nguyên. Bãi thải Phấn Mễ được các bạn trẻ chọn làm thí nghiệm.

Nguyễn Huy Bình kể rằng: Thường thường, sáng sớm cả ba bắt xe khách Hà Nội đi Thái Nguyên. Từ bến xe vào bãi than phải mất một khoản tiền xe ôm. Mỗi lần đi thực địa một vòng, cả nhóm mất thêm gần 300 nghìn nữa. Vì chẳng có tiền lại bận học, nên lần nào lên Thái Nguyên, ba người phải mau chóng về Hà Nội ngay trong ngày. Cá biệt có hôm bắt nhầm xe khách chở hàng quá nhiều, xe đỗ liên tục, về được đến nhà đã 1-2h sáng.

Trước khi dự thi Festival Sáng tạo trẻ Trung ương Đoàn, công trình nghiên cứu sản xuất gạch block từ chất thải bãi than được một doanh nghiệp trong ngành đưa vào sản xuất thí điểm với khoảng 2.000 m2.

Các chỉ số đánh giá và kiểm định từ Viện Khoa học vật liệu xây dựng Việt Nam với các mẫu thử nghiệm cho thấy độ bền cao, bề mặt bóng, đẹp hơn gạch cùng loại sử dụng nguyên liệu cốt đá dăm. Sản phẩm gạch block bê tông trang trí tự chèn của cả nhóm tham dự cuộc thi Giải pháp phát triển bền vững - Holcim Prize trên ba lĩnh vực xây dựng bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng dành cho sinh viên. Tại đây, họ vinh dự đoạt giải cao.

Sẽ trở thành người có ích để cha mẹ vui lòng

Trần Đại Nghĩa kể, mỗi chuyến đi thực tế, từ Thái Nguyên về Hà Nội cả ba chàng trai đều trăn trở khi chứng kiến tâm lý lo lắng, bất an của người dân ở đây. Hàng ngày họ phải sống dưới “núi” chất thải ô nhiễm cao vượt mái nhà.

Những cuộc trò chuyện và gặp gỡ người dân càng củng cố quyết tâm biến ý tưởng tái chế SIT thành nguyên liệu xây dựng của cả nhóm sớm thành hiện thực.

"Niềm vui khi những mẻ gạch block làm từ chất thải than đầu tiên được ra lò khiến bọn mình nhảy lên vì vui sướng. Ngoài chất lượng tốt, gạch block chế tạo từ chất thải than còn rất tiết kiệm chi phí đầu vào. Bãi thải than Phấn Mễ to như thế, làm bao nhiêu gạch cho hết" - Nghĩa cười.

Cậu cũng cho biết, sau khi ra trường sẽ phấn đấu trở thành giảng viên. Nguyễn Huy Bình lên dự định xin về Viện nghiên cứu nào đấy, đi làm rồi học lên thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Còn Trần Đức Nam sẽ đóng góp trong các hoạt động Đoàn, Hội, đi khắp mọi vùng miền giúp ích cho cộng đồng.

Trưởng nhóm Trần Đại Nghĩa mắt đỏ hoe tâm sự: Mặc dù dì có 3 con học hành và làm ăn ở Hà Nội nhưng chưa một lần đặt chân lên Thủ đô. 5 năm đại học, thấy cha mẹ các bạn lên thăm, mình chạnh lòng lắm. Nhưng về quê thấy dì làm việc quần quật, lại chi chút từng đồng để chi tiêu mình hiểu vì sao dì không lên Hà Nội.

Nghĩa kể thêm: "Hôm đề tài "Nghiên cứu sử dụng chất thải SIT của các mỏ khai thác than Thái Nguyên làm nguyên liệu sản xuất gạch block bê tông trang trí tự chèn" vào top đầu có ứng dụng cao nhất, lễ trao giải được đài Truyền hình Việt Nam truyền trực tiếp, mình đã gọi điện về nhà báo tin vui cho dì và gia đình. Bà con cô bác ai cũng chúc mừng, chỉ riêng dì hỏi: "Vậy hả? Thế giải thưởng này, con được bao nhiêu tiền?". Lúc đó thấy thương dì, thương gia đình, mình ứa nước mắt".

Chàng trai nói: "Mình mong muốn một ngày khi ra trường, đi làm, đồng tiền đầu tiên kiếm được, sẽ về quê, mời dì lên Hà Nội thăm ba chị em đang lao động và sinh sống tại nơi này".

Theo Vũ Hương Giang/Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô