Bẫy tinh vi ‘cướp’ tiền cọc thuê nhà của sinh viên Sài Gòn tung hoành
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, cần chỗ ở của sinh viên và người lao động, một số đối tượng cho thuê phòng đã dùng nhiều "thủ đoạn" nhằm qua mắt, đánh lừa hòng chiếm đoạt tiền đặt cọc một cách tinh vi.
Hai đối tượng luôn thúc giục đóng cọc thuê phòng và ra giá bao nhiêu cũng nhận.
Dù việc lợi dụng các điều khoản bất hợp lý để chiếm tiền đặt cọc để giữ phòng của các chủ cho thuê đã được phản ánh qua bài Nhức nhối nạn “cướp” tiền cọc đăng ngày 4.9.2014 trên Thanh Niên Online, nhưng đến nay tình trạng này vẫn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng.
Giới thiệu qua loa, vào ở đóng tiền gấp 3
Theo phản ánh của một số nạn nhân, ngày 12.8 chúng tôi tìm đến địa chỉ số 288 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận để tìm hiểu vụ việc.
Ngôi nhà 4 tầng nằm ở mặt tiền đường Phan Xích Long sầm uất, rộng khoảng 200-300m2 với khoảng 10 phòng. Cơ sở vật chất từng phòng còn khá tốt, mỗi phòng được chào giá 1,2 triệu đồng/tháng. Ngôi nhà hiện có nhiều người đang thuê ở. Tầng trệt có một thanh niên tên K. (30 tuổi, quê Buôn Mê Thuộc, tỉnh Đăk Lăk) và hai nữ (khoảng 25 tuổi, đều nói giọng Bắc) đang chào mời khách vào thuê phòng.
Hôm đầu, một người phụ nữ tên Như hướng dẫn chúng tôi cách thuê phòng. Vì chỉ ở một người, Như dẫn chúng tôi lên lầu ba xem phòng. Căn phòng rộng khoảng 20m2 với cửa trời thông gió. Điều kì lạ là có một thanh niên đang năm ngủ, đồ đạc, ba lô và các vật phẩm chất rất nhiều ở góc phòng. Chúng tôi dò xét, Như giải thích chủ trước đang chuẩn bị dọn đi, hiện phòng được cho thuê theo ngày.
Thấy chúng tôi có vẻ không đồng ý, Như thúc giục: “Nếu cần gấp thì mai có thể qua ở luôn, mấy người này sắp chuyển đi rồi, giờ đóng tiền cọc từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng để tui giữ phòng cho”.
Khi hỏi về giá cả sinh hoạt, Như bảo một cách rất mơ hồ. Như lấp lửng vì không có đồng hồ điện riêng cho từng phòng nên giá điện, nước mỗi tháng được tính chung rồi chia đều nhưng Như không nói rõ số tiền cụ thể. Thấy chúng tôi chần chừ, Như liền hối thúc chúng tôi đặt cọc tiền phòng để giữ chỗ “kẻo không lại hết phòng”.
Dù lấy cớ chỉ còn 200 ngàn đồng trong túi không đủ để đặt cọc nhưng Như vẫn đồng ý với mức giá đó để tiến hành làm hợp đồng đặt cọc phòng. Mọi thủ tục được đốc thúc nhanh gọn chỉ trong vòng 5 phút. Lấy xấp biên lai dày cộm ra, chúng tôi ký tên, xong tới Như ký tên và kèm theo một câu ghi thêm bằng bút bi phía dưới tờ biên lai “không thuê mất tiền cọc”.
Đúng hẹn, trưa ngày 13.8, chúng tôi quay lại để nhận phòng thì gặp K. (khoảng 30 tuổi, quê Đắk Lắk) tiếp chuyện. Người này liệt kê một “rừng” các khoản tiền phải đóng khiến chúng tôi “choáng ngợp”. Tiền thế chân 2 tháng 2,4 triệu đồng, tiền khoáng điện nước 800.000 đồng, tiền phòng 1,2 triệu đồng, tiền gửi xe 100.000 đồng, tiền wifi 90.000 đồng, tiền tạm trú 60.000 đồng…
“Bấm bụng” chúng tôi đồng ý với tất cả các điều kiện trên. Ngay khi đó, K. tỏ ra bối rối: “À, mà giờ em phải làm giấy tạm trú, tạm vắng nếu không là không ở được đâu. Em phải đưa thêm chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu để anh đi đăng ký chứ không người ta phạt anh chết! Vì hai bên đây khách sạn nhiều nên công an họ đi kiểm tra suốt”.
Chúng tôi đồng ý nốt điều kiện này với ý định về quê lấy sổ hộ khẩu rồi vài ngày sau trở lại. Ngay lập tức, K. quơ một tờ giấy biên lai thanh toán tiền điện và cho biết mỗi tháng một người phải đóng hơn 1 triệu tiền điện.
Qua quan sát tờ biên lai thanh toán đã có từ tháng 2.2013 với số tiền 4.435.000 đồng, địa chỉ ở đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận Phú Nhuận chứ không phải ở địa chỉ nơi thuê phòng.
“Đó! Cứ mỗi tháng mỗi người phải đóng hơn 1 triệu tiền điện, tại mình xài đồng hồ tổng, tính chung hết rồi cứ thế mà chia đều ra chứ dù anh không xài tủ lạnh, máy điều hòa thì cũng vậy…”, K. cảnh báo.
Tờ biên lai tiền điện được được thanh niên này đem ra dọa với giá "cắt cổ" (gần 4,5 triệu đồng/tháng), quan sát thì tờ biên lai này có từ tháng 2.2013 và không phải của địa chỉ thuê phòng - Ảnh: Cắt từ video clip
|
Lúc này, chúng tôi bỏ ý định thuê phòng, lấy lại tiền cọc thì K. trở mặt cau có, chỉ tay vào dòng chữ “không thuê mất tiền cọc” trên tờ biên lai mà Như đã điền thêm trước đó. Thế là chúng tôi mất trắng số tiền cọc đã đóng vào ngày 12.8.
Nhiều người bấm bụng mất tiền cọc
Trưa 12.8, anh H. cùng một người bạn tìm đến thuê phòng. Qua nhiều lời giới thiệu, anh H. cho biết cũng được chỉ dẫn thuê tại căn phòng trên và cam kết ngày 20.8 mới nhận được phòng. Sau khi được chúng tôi cho biết về mánh khóe của đám người cho thuê phòng, anh H. liền quay trở lại đòi tiền đặt cọc thì chỉ lấy được phân nửa số tiền đã đặt với lý do “tự phá hủy hợp đồng”.
“Tôi đến đòi lại tiền nhưng mấy người đó giở trò nói tôi vi phạm hợp đồng rồi chỉ trả lại phân nửa. Mình cũng không muốn phiền phức nên đành cắn răng mất 250.000 tiền đặt cọc”, anh H. bức xúc nói.
Qua quan sát, tại điểm cho thuê phòng trá hình này, khoảng thời gian từ 13 giờ đến 15 giờ có từ 3 đến 4 người cùng đến thuê phòng. Hỏi ra thì ai cũng đặt tiền cọc và chọn chính căn phòng của chúng tôi đã đặt cọc giữ chỗ trước đó.
Câu chuyện của chị Thanh Tâm cũng tương tự. Sau khi đọc được thông tin cho thuê phòng trọ trên một website đề cho thuê phòng trên đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10 cùng lời rao “giá phòng là 1,2 triệu đồng/tháng, diện tích 20m2”. Cảm thấy giá cả chấp nhận được, chị Tâm quyết định tìm đến thuê phòng.
Sau khi xem qua căn phòng ở lầu 3, chị Tâm đồng ý và hẹn hôm sau cùng bạn bè đến làm hợp đồng thuê phòng.
“Khi tụi em đặt cọc họ không hề nói cụ thể từng thứ ra như vậy. Thuê phòng 1,2 triệu đồng/tháng mà tiền điện 500 - 800 ngàn/người sao chịu nổi. Còn nữa. họ nói tiền xe 100.000 đồng/xe một tháng nếu không đóng cũng không sao nhưng họ sẽ không coi cho mình, mất xe họ sẽ không chịu trách nhiệm. Trong khi ban đầu, những vấn đề này họ không hề đề cập gì cả”.
Người này dằn mặt và chỉ vào các "điều khoản mật" nhằm nêu rõ bằng chứng ai không thuê phải mất trắng tiền cọc đã đóng - Ảnh: Cắt từ video clip
|
Bên cạnh đó, chủ cho thuê còn đòi thế chân 2 tháng. Tức là, tháng 8 ở thì phải đóng tiền nhà tháng 8 cộng thêm một tháng tiền cọc và một tháng tiền nhà nữa. Hai tháng tiền thế chân họ sẽ giữ, nếu không ở trên 6 tháng sẽ không hoàn trả lại.
“Phí điện nước kiểu đó sao chịu nổi những chỗ khác, làm gì có phí an ninh, phí làm tạm trú, giống như họ muốn đưa ra nhiều thứ phí để tôi thấy sợ, rồi bỏ của chạy lấy người. Cách nói chuyện vô trách nhiệm như vậy thật sự là rất bức xúc, họ nói giờ tiền cọc giữ phòng 1 triệu của tôi tính từ ngày đặt cọc giờ nếu không thuê phòng nữa thì tiền đó cũng hết rồi vì sẽ khấu trừ đi theo từng ngày”, chị Tâm bức xúc nói.
Sáng 21.8, chúng tôi theo chân chị N. và T. đến nhận phòng như đã hẹn tại căn nhà số 46/13, đường Trần Quý Khoách, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM. Tiếp chúng tôi là một phụ nữ tên Ngọc, nước da nâu, khoảng dưới 30 tuổi.
Ban đầu Ngọc cũng đưa ra một số điều kiện khó hiểu tương tự về tiền thuê trọ như căn phòng ở số 288, đường Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận.
Khi N. không muốn thuê phòng vì những điều kiện bất hợp lý và yêu cầu trả lại tiền cọc giữ thì chỗ Ngọc tìm cách vòng vo không muốn trả tiền. Khi đó Ngọc chỉ đồng ý trả lại phân nữa số tiền trong 1 triệu mà N. và T. đã cọc trước đó.
Trong khi tiếp chúng tôi, Ngọc liên tục nhận được nhiều cuộc gọi từ những người thuê phòng và cũng hẹn đến xem phòng để thuê. Thậm chí khi chúng tôi có mặt ở đây cũng có hai thanh niên đến xem phòng và được Ngọc dẫn lên ngay phòng N. và T. đã đóng cọc giữ phòng.
Theo S. một người đã trót thuê phòng tại đây tiết lộ, một ngày ở đây có rất nhiều người tìm đến thuê, nhưng chỉ được Ngọc giới thiệu duy nhất căn phòng nằm ở tầng hai và nói đang có người ở chờ dọn đi.
“Căn phòng đó giống như để người ta đến coi rồi đặt cọc giữ chỗ vậy đó. Mặc dù từ ngày tôi đến ở đã 2 tháng có rất nhiều người đến xem phòng đó mà chưa có ai đến thuê hết”, S. tiết lộ.
Cũng theo lời S. vì sợ mất tiền cọc đành phải “bấm bụng” chịu mức phí cao để ở. Ban đầu tiền phòng S. chỉ trả 2,6 triệu/phòng/tháng. Nhưng đến tháng sau Ngọc bắt đầu tìm cách tăng tiền phòng lên hơn 3 triệu/phòng/tháng. Buộc lòng S. phải ghép phòng cùng một người đồng cảnh ngộ khác.
Khi chúng tôi hỏi về căn nhà số 288 đường Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM có phải cùng một chủ hay không thì Ngọc ấp úng trả lời: “Nhà đó của một người cô đứng ra cho thuê”.
Phạm Hữu - Trác Rin - Bùi Thư