NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Giá máy tính tăng mạnh: Người bán lo lắng, người mua băn khoăn

on .

Dù tất cả các mặt hàng công nghệ đều chịu ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá nhưng có thể nói các đơn vị kinh doanh máy tính và người dùng PC chính là những người đen đủi nhất.

Những ngày gần đây, thị trường đồ điện tử nói chung và máy tính nói riêng chứng kiến sự tăng giá mạnh do thay đổi tỷ giá của đồng USD - VNĐ. So với thời điểm cuối tháng 7, tỷ giá USD thị trường tự do đã tăng từ 21.800 VNĐ đổi 1 USD lên mức 22.900 VNĐ đổi 1 USD, tương ứng 5%. Trong khi đó, hầu hết các thiết bị đều nhập từ nước ngoài và thanh toán bằng USD nên việc thay đổi tỷ giá đã có những ảnh hưởng tức thì lên giá bán trong nước.

Tỷ giá biến động, mọi người cùng than!

GTX 950: Chưa bán đã phải tăng giá

GTX 950: Chưa bán đã phải tăng giá.

 

Trao đổi với chúng tôi, đại diện của một số nhà phân phối linh kiện lớn như CMC P&T, Vĩnh Xuân và Vinmed đều thừa nhận đang gặp phải khó khăn lớn khi tỷ giá tăng quá mạnh. Theo ông Bùi Doãn Hải - phụ trách phát triển sản phẩm của CMC P&T - hầu hết các mặt hàng của công ty ông đều phải điều chỉnh giá bán tăng từ 3% tới 5%, ứng với thay đổi của tỷ giá. “Tôi tin rằng các nhà phân phối khác đều chịu chung vấn đề này, và phải đưa ra mức điều chỉnh tương tự”.

Không chỉ vậy, các nhà phân phối còn đứng trước một sự lúng túng khác: Đây còn là thời điểm ra mắt của nhiều sản phẩm mới như Nvidia GTX 950 hay Intel Skylake. “Tâm lý người dùng thường so sánh giá sản phẩm mới với sản phẩm thế hệ cũ vào thời điểm ra mắt, từ đó đánh giá sản phẩm mới có đáng mua hay không. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng tôi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh thương hiệu đang cực kỳ gay gắt như hiện nay” - ông Hải chia sẻ thêm.

Không chỉ nhà phân phối, các đại lý cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc điều chỉnh tỷ giá. Ông Mai Dũng - quản lý showroom bán lẻ của An Phát PC cho biết: “Hiện tại là trước mùa khai giảng, theo lý thì giá bán các mặt hàng phải giảm và nhiều khuyến mại nhưng thực trạng hiện nay đang có chiều hướng ngược lại do tỷ giá USD tăng, chúng tôi cũng đang lo lắng bởi đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ máy tính rất cao, nếu doanh số bị sụt giảm sẽ ảnh hưởng rất nhiều”.

Ông Phạm Hùng Cường - phụ trách bán lẻ của Hanoi Computer Thái Hà lại chia sẻ một câu chuyện khác: “Chúng tôi phải liên tục điều chỉnh giá bán trên website trong những ngày này. Nhiều lúc khách hàng đến mua thấy giá bán đột ngột thay đổi họ phàn nàn rất nhiều, thậm chí ra về vì không chuẩn bị đủ tiền. Khó khăn nhất là khách nước ngoài, họ có thể cho rằng chúng tôi thấy người nước ngoài đến mua nên làm giá”. Hiện tại chưa thấy doanh số bán lẻ suy giảm nhưng đề phòng điều này xảy ra, nhiều đại lý đã bắt đầu lên kế hoạch khuyến mại, giảm giá để kích thích sức mua.

Người bán lo lắng, người mua băn khoăn

Về phía người dùng, khi chứng kiến sự điều chỉnh giá gần như ngay lập tức, nhiều người đã đưa ra băn khoăn: Hàng đã nhập về từ trước, nhập kho từ trước khi tỷ giá tăng, người bán thấy giá “đô” tăng cũng nhanh nhảu tăng giá ngay thì lãi kinh thật! Lý giải cho điều này, bà Trần Thị Lan - phụ trách sản phẩm Asus của Công ty Cổ phần Máy tính Vĩnh Xuân - giải thích: “Hàng nhập từ hãng về kho của nhà phân phối thường không thanh toán ngay mà ghi công nợ, sau khi bán được đủ số lượng nhà phân phối mới dùng tiền đó trả cho hãng. Công nợ được thanh toán bằng USD nên dù hàng đã nhập từ lâu mà chưa thanh toán công nợ thì vẫn chịu ảnh hưởng”.

Trong khi đó, một số công ty lại may mắn tận dụng được điều này làm lợi thế để cạnh tranh trong thời đoạn ngắn. Ông Nguyễn Hoàng Bảo - giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Tân Doanh cho biết, do dự đoán trước tình hình thế giới bất ổn sẽ gây ảnh hưởng tới tỷ giá, công ty ông đã có kế hoạch nhập hàng và thanh toán ngay nên giá bán hiện tại vẫn ổn định ở một số mặt hàng có sẵn. “Có thể nói do may mắn nên chúng tôi nhập hàng nhiều trước lúc có biến động. Mặt khác có thể là do chúng tôi bán ế nên hàng tồn kho nhiều” - ông Bảo chia sẻ một cách hóm hỉnh. “Tuy nhiên sau khi bán sạch lượng hàng tích trữ sẵn, chúng tôi vẫn buộc phải tăng giá bán hàng”.

Dù tất cả các mặt hàng công nghệ đều chịu ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá nhưng có thể nói các đơn vị kinh doanh máy tính và người dùng PC chính là những người đen đủi nhất khi bị tăng giá ngay trước thềm năm học mới - thời điểm tiêu thụ PC mạnh nhất trong năm.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Gia-may-tinh-tang-manh-Nguoi-ban-lo-lang-nguoi-mua-ban-khoan/c/17351484.epi