NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Dở khóc dở cười với chuyện của người đi ship hàng

on .

Ship một đơn hàng chỉ được 15 nghìn, khách còn yêu cầu gửi xe mang cơm lên tận văn phòng cho họ.

Cùng với sự phát triển rộng rãi của internet, dịch vụ kinh doanh online ngày càng nở rộ. Khách hàng được xứng danh với hai từ “thượng đế” khi chỉ cần một cuộc điện thoại hay vài cú click là hàng hóa được chở đến tận tay, người bán hàng cũng không mất quá nhiều thời gian cho việc tiếp đón, chèo kéo khách.

Nhưng để làm được điều đó không thể không kể đến người trung gian, đảm nhiệm công việc chuyên chở, đó là shipper – người giao hàng. Xung quanh nghề này luôn có rất nhiều câu chuyện thú vị, đôi khi khiến cả người trong cuộc và người nghe phải dở khóc, dở cười.

Thời đại shipper lên ngôi

Shipper (người giao hàng) là người chịu trách nhiệm chuyên chở hàng hóa từ shop đến tay khách hàng. Đây là công việc đang khá hot, hấp dẫn nhiều người bởi dịch vụ bán hàng online ngày càng nở rộ, nhu cầu của khách hàng càng ngày càng cao nên shipper không lo thiếu việc.

Với mỗi đơn hàng trong khu vực nội thành, shippper nhận được từ 15 đến 40 nghìn đồng

Với những shop có quy mô kinh doanh lớn, lượng hàng nhiều thì thường thuê riêng 1, 2 shipper ruột, trả lương theo tháng. Nhưng phần lớn shop hiện nay thường thuê ship theo đơn hàng, nghĩa là cứ cần chở đồ đến đâu thì sẽ gọi shipper và trả tiền luôn cho lần đó.

Một đơn hàng trong khu vực nội thành thường có giá từ 10.000 đến 40.000 đồng tùy theo từng loại mặt hàng, khối lượng và địa điểm xa, gần… Nghe qua tưởng như đó là mức giá rẻ, nhưng cùng một thời gian, địa điểm, shipper có thể đảm nhiệm nhiều đơn hàng khác nhau nên thu nhập của nghề này không hề bèo bọt.

Bạn Ngọc Anh (Hà Nội) vừa vào nghề ship được 3 tháng cho biết: “Mình là sinh viên ngoại tỉnh, cũng muốn kiếm một công việc làm thêm trang trải cuộc sống. Đang không biết kiếm việc gì thì nghe một ông anh chỉ nghề ship hàng, nếu chăm chăm chỉ, chịu khó thì ngày cũng được vài ba trăm. Mình không tin lắm vì nghe bảo mỗi đơn hàng có hai, ba chục bạc, nhưng cứ thử, ai dè công cao thật. Làm nghề này, không nên chỉ chăm chăm giao một đơn hàng rồi về mà phải biết kết hợp. Ví dụ, mình nhận cùng lúc nhiều đơn hàng từ 1 shop, hoặc có thể nhận từ nhiều shop khác nhau, miễn sao tiện đường chút. Thế là cộng đi cộng lại cũng phải được trăm nghìn/ngày”.

Bạn Thùy Dương (sinh viên trường CĐ Xây dựng, Hà Nội), một tay ship chuyên cũng chia sẻ: “Nghề này “khéo làm thì no, khéo co thì ấm”. Cứ biết các sắp xếp chút thì cũng ngon nghẻ lắm. Mình hay nhận nhiều đơn hàng cùng một lúc để đỡ mất công, tất nhiên lúc nào không có việc thì một đơn cũng đi, căn bản phải tạo uy tín với shop ruột để lần sau họ còn gọi. Mình đi ship hàng cũng gặp nhiều may mắn, hay được khách bo thêm tiền. Có lần mình chở hàng qua cho khách, đúng 11 giờ trưa nắng nôi. Đơn hàng có 20 nghìn tiền ship, nhưng thấy mình mồ hôi nhễ nhại, khách thương quá lại trả thêm cho thành 50 nghìn”.

Hàng vận chuyển đôi khi là công văn, giấy tờ

Đặc biệt, trong thời điểm kinh doanh online phát triển như hiện nay thì shipper không bao giờ lo hết việc. Trên một group dành riêng cho những người làm nghề ship hàng, cứ cách vài phút lại có một cập nhật tìm người ship hàng. Việc của các shipper chỉ là tính toán và sắp xếp làm sao để quãng đường đi thuận lợi và cùng lúc đảm nhận được nhiều đơn hàng.

Bi hài những câu chuyện nghề ship

Nhưng nghề ship cũng lắm gian nan, shipper nhiều khi vướng phải những tình huống éo le, dở khóc, dở cười không “đỡ” nổi. Dân trong nghề ship vẫn thường gọi vui nhau là “xe ôm cao cấp”, “cò ăn đêm”…

Điều mà các shipper sợ nhất là gặp phải “khách bom”. Với mỗi đơn hàng, họ phải thực hiện nhiều công đoạn như di chuyển đến shop nhận hàng, ứng tiền cho sản phẩm, gọi điện trao đổi với khách hàng, xác nhận thời gian, địa điểm, rồi chở hàng đến đó. Gặp được khách hàng và giao hàng suôn sẻ thì không sao, nhưng nếu gặp phải vị “thượng đế” nào trầy truột, thậm chí “trốn” không nhận hàng thì đúng là cực hình.

“Những lúc đó phải nói là vô cùng ức chế, bực bội. Cứ tưởng tượng, trời nắng chang chang 38, 40 độ, đi cả đoạn đường xa đến giao hàng, nhưng khi gọi điện cho khách thì năm lần bảy lượt không nhấc máy thì sẽ hiểu được nghề ship này có những lúc ê chề, nhục nhã đến mức nào. Có lần, mình nhận đơn hàng chuyển đồ ăn đến một địa chỉ ở Láng Hạ, trời mưa bất chợt, có mỗi cái áo mưa thì dùng để che hàng, còn người ướt như chuột lột. Ấy vậy mà khi đến nơi, hì hục gọi bằng chết khách cũng không nghe máy. Gọi trở về cho cửa hàng thì họ bảo chịu khó đợi tí. Mình đợi đúng 20 phút sau gọi lại thì thuê bao. Đúng là ê chê, tiền xăng không tiếc, chỉ tiếc cái công vượt mưa, vượt gió đến đưa hàng mà bị bỏ bom”, shipper Xuân Quang kể lại.

Những chiếc xe cồng kềnh của shipper

Cũng không hiếm trường hợp các shipper phải mất đôi, ba lần chuyển hàng mới thành công vì gặp phải khách hàng lề mề, khó tính. Hoặc đôi khi, khách hàng và shop xảy ra mâu thuẫn về việc chất lượng hàng thì người phải hứng chịu thiệt thòi nhiều nhất cũng chính là shipper.

Bạn Nguyễn Văn Dũng (Thanh Hóa) chia sẻ: “Có lần, mình nhận chuyển hàng cho một khách ở Long Biên, khi xem hàng xong họ nói hàng không đúng như ảnh trên mạng shop rao bán nên không nhận. Thế là mình lại phải đem hàng quay lại cho shop, tiền ship vẫn vậy, chẳng được thêm đồng nào xăng xe, chạy mấy vòng mệt khiếp. Khốn hơn nữa là gặp phải vị khách nào lề mề, cứ bắt đợi chờ mãi, rồi cuối cùng lại bảo chở qua chỗ này, chỗ kia dùm chị tí. Cơm trưa chẳng kịp ăn, giao hàng cho khách xong thì tay lái lảo đảo, nản kinh khủng”.

Một shipper khác cũng kể lại câu chuyện dở khóc, dở cười của mình: "Trưa đó, mình nhận được đơn hàng ship một suất cơm đến một văn phòng ở Láng Hạ. Gọi điện mấy lần họ không nghe, đến lúc nghe thì lại đề nghị mình đem cơm lên tận nơi (tầng 13). Mình trần tình: "Em ship hàng được có 15 nghìn, giờ gửi xe mất 5 nghìn thì công chẳng bõ tiền xăng xe, chị xuống lấy hàng hộ em tí". Thế mà họ vẫn không chịu xuống, bắt mình đưa lên cho bằng được, nếu không sẽ không lấy. Chờ hơn 10 phút, khách không xuống lấy, mà quay lại trả cho quán cơm văn phòng thì không tiện đường. Đúng lúc đang đói, mình ngồi bên đường ăn luôn cả suất cơm. Một lúc sau, chị chủ hàng cơm gọi mình sao không mang lên cho khách, mình bảo: "Khách không chịu xuống lấy nên em ăn hết cơm rồi". Gặp mấy người khách như này, đôi khi không nhiệt tình nổi".

Trên một vài group riêng của giới ship hàng, không ít shipper phải than vãn về thái độ của shop hay của khách. Đôi khi chỉ vì 15 – 20 nghìn/đơn hàng mà họ phải chịu thái độ dè bỉu, kinh thường.

“Có hôm, mình chạy từ Mỹ Đình xuống Vĩnh Hưng, gặp quả khách gọi không thèm nghe máy, phải nhắn tin. Họ nhắn lại bảo, đang giờ nghỉ trưa nên bận nghỉ, thôi muốn bay lên Hỏa luôn. Kỳ kèo mãi, cuối cùng bà ấy cũng nhờ được một em đồng nghiệp xuống nhận hàng hộ, em ấy bắt mình ký nhận hai tờ 200 nghìn và một tờ 100 nghìn xong không thèm đưa tận tay và vứt toẹt một phát xuống đất. Chả hiểu tri thức của họ cao siêu thế nào chứ riêng về văn hóa ứng xử thì lùn tẹt. Nói thật chứ, đồng tiền bé nhưng giá trị lao động nó to, ai chẳng cần được tôn trọng”, một shipper chia sẻ.

Đội nắng, đội mưa ship hàng, kiên trì chờ đợi rồi lại ê chề quay về vì gặp phải khách bom… là những tình huống éo le mà các shipper thường xuyên gặp phải. Nhiều shipper còn nói vui với nhau, làm nghề này họ luyện được cho mình “thần kinh thép”, vì luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng bị bỏ bom, miệt mài di chuyển, chờ đợi rồi lại tay không ra về.

Nhưng chính những shipper với chiếc xe cồng kềnh, gương mặt nhễ nhại mồ hôi, quần áo ướt đẫm… đã trở thành một phần quan trọng gắn kết giữa thế giới online và cuộc sống thực đầy sôi động này.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Do-khoc-do-cuoi-voi-chuyen-cua-nguoi-di-ship-hang/c/17358758.epi