Mất tiền với việc nhẹ, lương cao
Theo phản ánh của anh Trần Đức Anh (quận Bình Thạnh, TP HCM), sau khi chứng kiến người em ruột mất công mất sức mà không nhận được tiền công và mất luôn tiền phí, anh đã đăng ký xin việc thông qua website vieclambanthoigian24h.com.
Làm việc không công
Cũng theo anh Đức Anh, khi bắt tay vào nhập đoạn mã trên phần mềm mà Công ty Việc làm nhanh (đường Trường Sơn, quận Tân Bình) cấp cho, trên máy tính hiện ra các ký tự như dãy chữ số nhưng loằng ngoằng gấp nhiều lần những chữ số thường gặp. Có những đoạn mã như “đánh đố”, loằng ngoằng lại còn nhòe nhoẹt mà dù có căng mắt cũng không thể đoán được là chữ gì. Đã vậy, theo “luật”, trong vòng 15 giây phải “giải mã” và nhanh tay đánh lại xuống dòng dưới, nếu quá 15 giây mà không xử lý xong, tài khoản sẽ tự động bị đá ra (time out). Quá 20 lần trong ngày bị khóa vĩnh viễn. Đó là chưa kể trong quá trình làm việc, phần mềm liên tục báo lỗi, bị treo khiến người làm dễ nản, bỏ cuộc.
Một trong những đoạn mã được yêu cầu nhập
“Website công ty quảng cáo làm 1 giờ được 25.000 đồng nhưng thực tế công việc này có độ phức tạp đến kỳ lạ. Tôi làm suốt 1 tuần, mỗi ngày 4-5 giờ, khi lên công ty hỏi tiền công thì nhận được câu trả lời do chưa tích lũy đủ 1,1 USD, quá ít nên công ty không thể trả. Họ nói tôi nên chăm chỉ và tiếp tục làm thêm” - anh Đức Anh bức xúc.
Cũng là “nạn nhân” của chiêu này, chị Đỗ Bích Hồng (quận 10) chia sẻ: “Thấy quảng cáo những ai có máy tính, laptop có kết nối internet đều có thể tham gia, linh hoạt thời gian, chỉ cần online trung bình 2-4 giờ/ngày, mỗi giờ được 25.000 đồng, 2 mẹ con tôi đã tham gia, đóng 165.000 đồng cho một công ty ở đường Hồ Bá Kiện (quận 10). Chúng tôi hì hục người đọc, người nhập mã mỏi tay, lòa mắt mà chỉ được vài chục đoạn mã. Mệt quá nên bỏ luôn. Công việc này như một trò chơi điện tử mà người chơi chắc chắn sẽ thua vì khó giải mã được những captcha”.
Mất tiền phí
Trong vai nhân viên văn phòng cần tìm việc làm thêm, chúng tôi đến Công ty Việc làm nhanh (đường Trường Sơn, quận Tân Bình) xin việc. Trong căn phòng nhỏ có 6 nhân viên và 1 máy tính bàn dành cho nhân viên thu phí. Sau khi liếc sơ qua CMND của chúng tôi, cô nhân viên giới thiệu nhanh về công việc: “Bạn sẽ làm việc trên phần mềm download từ trang web của công ty. Trên đó hiện ra chuỗi khoảng 3-15 ký tự, khi đánh xong đoạn mã chữ hoặc số này, bạn sẽ nhận được 18-19 đồng. Bạn chỉ cần gõ lại đúng những ký tự ấy và nhấn “enter” là xong. Nếu gõ được 2.600 mã như vậy, được trả 1,1 USD. Trung bình một giờ làm chăm chỉ có thể được 25.000 đồng. Một tháng được khoảng 3,5- hơn 4 triệu đồng, tùy vào khả năng đánh máy. Lương sẽ được trả qua thẻ ATM hoặc nhận trực tiếp vào thứ ba, bảy tại công ty…”.
Giới thiệu xong, nhân viên này yêu cầu chúng tôi đóng 165.000 đồng phí hỗ trợ kỹ thuật rồi qua bàn thu ngân ghi thông tin vào bảng hợp đồng cộng tác viên có sẵn chữ ký và dấu mộc của giám đốc công ty. Sau đó, chúng tôi được một nhân viên hướng dẫn qua loa trên máy tính trước khi về nhà làm.
Qua quan sát, chúng tôi ghi nhận mỗi ngày trung bình có khoảng 20-30 người đến ký hợp đồng với số tiền bắt buộc phải đóng là 165.000 đồng/người. Số tiền này được cho là phí hỗ trợ kỹ thuật và không được trả lại. Đó là chưa nói đến việc gửi hồ sơ và lý lịch tới những địa chỉ này có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân.
GÓC NHÌN
“Lẽ nào chịu thua bọn lừa đảo?”
Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “Lừa đảo người lao động nghèo”, nhiều bạn đọc đã gọi điện thoại, gửi comment cho rằng bản thân họ cũng từng là nạn nhân, thắc mắc vì sao hiện tượng này xảy ra đã nhiều năm nhưng các cơ quan chức năng không thể dẹp?
Quả thật, có vào vai người xin việc, làm công nhân bốc xếp hoặc ngồi gõ đoạn mã đến mờ mắt, mới thấm thía nỗi uất ức, những thiệt thòi của những người lao động khi muốn tìm một việc làm chân chính nhưng cuối cùng trở thành “miếng mồi ngon” của các công ty, trung tâm giới thiệu việc làm “dỏm”. Có người bấm bụng ăn “quả lừa” vì số tiền không nhiều nhưng có người không cam tâm, rủ thêm vài người bạn đi đòi lại tiền, đến nơi thấy lực lượng đối phương hùng hậu, hung hăng nên đành lủi thủi ra về. Chưa một ai có thể lấy lại được tiền ký quỹ, tiền đăng ký thành viên, tiền hỗ trợ kỹ thuật... Thậm chí, số tiền công mà người lao động đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm trong mấy ngày cũng bị “cướp” trắng.
Đành rằng vì mong muốn có được việc làm nhanh, lương cao nhưng thiếu thông tin, nhiều người lao động đã “nhắm mắt đưa chân”. Cũng đành rằng các công ty, trung tâm giới thiệu việc làm “dỏm” giở quá nhiều thủ đoạn và ngày càng tinh vi, khó kiểm tra, xử lý. Nhưng lẽ nào để các doanh nghiệp lừa đảo này nghiễm nhiên tồn tại? “Lẽ nào chịu thua bọn lừa đảo?” - như một bạn đọc bức xúc đặt câu hỏi.
Vy Thư
Bài và ảnh: Thường An
Nguồn: http://www.baomoi.com/Mat-tien-voi-viec-nhe-luong-cao/c/17361699.epi