NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Những quy định ngặt nghèo của Apple cho đối tác tại Việt Nam

on .

Một chút giấy bụi trên thảm ở khu vực bán hàng của Apple cũng bị chụp hình và báo về hãng.

Để có một hình ảnh đẹp đẽ, hoàn hảo trong mắt người dùng – khách hàng đến mua sản phẩm, Apple đã không tiếc công đưa ra những quy định chuẩn mực được áp dụng toàn cầu. Trong lần FPT Shop công bố nhập iPhone, iPad chính hãng từ Apple, bà Nguyễn Bạch Điệp – Tổng giám đốc FPT Shop – đã hé lộ những quy định mà bà cho là ngặt nghèo từ Apple.


Mọi hình ảnh, sắp xếp trong cửa hàng đối tác đều phải được Apple duyệt.

Bà Điệp cho biết khu vực Apple Corner – góc bán hàng Apple trong các hệ thống bán lẻ - phải tuân theo các quy định chung về chất liệu gỗ, màu sắc, đặt hay không đặt cái gì vào khu vực đó. Bà Điệp nói từng đặt một bình hoa vào khu vực Apple Corner nhưng hãng này không cho. Hay khi đặt logo trả góp – thông báo có thể mua trả góp sản phẩm này – Apple cũng không đồng ý. Theo bà Điệp, Apple đi theo phong cách đơn giản, Apple có lẽ cho rằng sản phẩm của hãng đã đẹp rồi nên không cần trang trí gì thêm. Ngay cả khi thảm trải sàn khu vực Apple Corner có dính giấy, bụi, người làm việc cho Apple cũng chụp hình để báo về hãng, bà Điệp cho biết.

Không chỉ ngặt nghèo trong việc bài trí sản phẩm của mình, Apple còn khó khăn với chính khách hàng của đối tác. Bà Điệp ví dụ, khi FPT Shop bán sản phẩm cho Pepsi để Pepsi làm quà tặng thì Apple cũng yêu cầu hình ảnh sản phẩm Apple xuất hiện trong quảng cáo của Pepsi phải được Apple duyệt. Bà Điệp cho rằng việc này rất khó vì một vấn đề ai cũng hiểu, Pepsi chính là khách hàng của FPT Shop, và theo cách hiểu thông thường thì Pepsi đã mua hàng thì họ có quyền tùy nghi sử dụng với sản phẩm họ đã mua.

Tất nhiên, những quy định khắt khe như vậy chủ yếu để làm hình ảnh Apple đẹp hơn. Tuy nhiên hình ảnh gian hàng chưa phải là thứ duy nhất Apple quan tâm, việc đào tạo nhân viên bán hàng cũng không kém phần quan trọng. Bà Điệp cho biết, để đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, hai nhân viên tốt nhất của cửa hàng sẽ được đề cử để được chuyên gia Apple đào tạo, từ đó phục vụ khách hàng tốt nhất.


Apple có quy định rất rõ về việc vị trí trưng bày từng sản phẩm, ngay cả bảng quảng cáo - Ảnh minh họa

Tuy có những đòi hỏi khắt khe nhưng Apple lại rất kỹ lưỡng, chi tiết trong việc hướng dẫn các đối tác thực hiện bài trí cửa hàng, đào tạo nhân viên, thực hiện chương trình khuyến mại… để tuân theo quy chuẩn toàn cầu do hãng đặt ra. Do vậy, tuy gọi là quy định khắt khe nhưng chỉ cần thực hiện đúng, đủ các hướng dẫn của Apple là gian hàng sẽ thống nhất với hình ảnh Apple yêu cầu.

Trong lần trao đổi với người viết bài trước đây, một nhân viên phụ trách marketing tại iCenter – một trong các đối tác bán lẻ cấp cao nhất của Apple tại Việt Nam – cho biết việc bài trí cửa hàng, vị trí đặt iPad, iPod, Macbook,… đều được Apple hướng dẫn cụ thể. Vị trí đặt các tờ rơi, banner, hình ảnh quảng cáo cũng thế. Nội dung, kích thước các bảng quảng cáo đều được quy định rõ. Apple thực ra rất linh hoạt khi đưa ra nhiều phương án khác nhau, ví dụ cùng một nội dung quảng cáo nhưng đối tác có thể in ra theo dạng đứng hoặc ngang với kích thước khác nhau, tùy từng kích thước và hình dạng mà nên đặt ở đâu, đều có hướng dẫn. Người này còn cho biết nội thất tại các cửa hàng Apple ủy quyền (APR) đều được nhập từ nước ngoài.

Apple không chỉ đầu tư về hình ảnh, hãng cũng có những quy định trong chính sách bán hàng. Bà Điệp nói mặc dù FPT Shop và sắp tới là Thế Giới Di Động sẽ được nhập chính thức sản phẩm Apple, vai trò của hai nhà bán lẻ này có thể ngang với nhà phân phối FPT (phân phối chính thức sản phẩm Apple đến các nhà bán lẻ tại VN), nhưng cả hai nhà bán lẻ chỉ được bán hàng tại hệ thống của mình mà không được phân phối lại. Thậm chí FPT Retail sở hữu hai chuỗi FPT Shop và F.Studio by FPT nhưng, bà Điệp cho biết, hàng của FPT Shop không thể ‘san sẻ’ cho F.Studio by FPT. Mỗi sản phẩm Apple khi kích hoạt thì Apple sẽ biết được máy bán ở đâu, nên rất khó ‘qua mặt’ hãng này.

Bên cạnh đó, việc nhập hàng Apple cũng không phải dễ dàng. Bà Điệp cho biết giả sử một đối tác Apple ban đầu nhập 10 ngàn máy nhưng sau đó chỉ bán được khoảng 5 ngàn máy thì về sau hãng sẽ chỉ cho nhập 5 ngàn máy, chứ đối tác không thể mua hơn. Apple sẽ cung cấp hàng dựa trên năng lực bán hàng của đối tác.

Với một quy trình chặt chẽ tới mức ngặt nghèo ở mọi khâu như vậy, không ngạc nhiên khi Apple khẳng định một đẳng cấp nhất định không chỉ trong thế giới công nghệ mà còn trong nhiều ngành khác. Apple hiện vẫn là một trong những công ty giá trị nhất hành tinh xét trong mọi ngành nghề.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Nhung-quy-dinh-ngat-ngheo-cua-Apple-cho-doi-tac-tai-Viet-Nam/c/17371716.epi