NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Lừa đảo nở rộ trên Facebook

on .

Nhiều như quân Nguyên là những website chuyên lừa đảo những người cả tin, chỉ cần sơ sẩy là bất cứ ai cũng trở thành nạn nhân của các trò lừa.

Hầu như ai xài Facebook cũng đều không ít lần nhận được những tin nhắn trên Messenger mạo danh Facebook để báo tin mình đã được chọn để nhận thưởng gì gì đó. Và ai cũng biết đó là trò lừa, thế nhưng tưởng như biết rồi mà không “dính bẫy” thì không phải vì đôi lúc vẫn có người sơ ý và “xuôi tay”.

Chóng mặt với các trò lừa

Trong thời gần đây, xảy ra nhiều nhất là tình trạng tài khoản Facebook bị kẻ xấu chiếm hữu rồi dùng tài khoản Messenger của chính nạn nhân để nhắn tin lừa gạt bạn bè, người thân của nạn nhân. Phổ biến là kịch bản nhờ mua giùm thẻ cào điện thoại.

Phải công nhận là bọn lừa đảo này rất siêu đẳng, chịu khó tìm hiểu các mối quan hệ của nạn nhân để đóng kịch giả danh bạn bè, người thân của người đó, đặc biệt là ở nước ngoài. Có lần, một cô giáo cũ của tôi ở Mỹ bị mạo danh như thế, báo hại một số học trò dính bẫy nạp tiền cho bọn lừa đảo chỉ vì quá yêu thương cô giáo mình nên không thể làm ngơ trước lời đề nghị giúp đỡ từ cô giáo.

Ngay chính tôi cũng mấy lần bị những “người quen xứ lạ” này mồi chài. Mới nhất là có một đứa cháu (con ông anh lấy vợ Nhật và sống bên đó) gửi lời chào và thăm hỏi gia đình tôi trên Messenger của Facebook. Những lời trao đi gửi lại tiếp nối ngay trong lịch sử các cuộc chat giữa hai chú cháu trước đó nghĩa là rất bình thường. Qua hôm sau, đứa cháu lại xuất hiện, lần này nói mình mới về thăm quê. Ngạc nhiên hỏi “nó” hồi tết mới cùng vợ con về, sao giờ lại về nữa (hai vợ chồng đều đi làm). “Nó” nói tại nhớ cha mẹ chịu không nổi. Hỏi về bao lâu, “nó” nói vài tháng (dân đi làm mà sao giống bị lay-off quá vậy). Một lát sau “nó” nhờ tôi mua giùm mấy chiếc thẻ cào MobiFone rồi cào ra gửi mã số cho “nó” ngay trên Messenger. Tôi thêm nghi vì xung quanh nhà cha mẹ nó đâu thiếu chỗ bán thẻ cào. Hơn nữa, nó cũng có thể nhờ chị và em gái nó đang sống ở Sài Gòn. Tôi nói để gọi điện thoại trực tiếp hỏi, “nó” nói là đang làm lại SIM, không gọi được. Tôi bèn nói: “Để lát xong việc chú chạy đi mua”. Sau đó, tôi gọi điện thoại về cho ông anh hỏi và được trả lời “nó có về đâu”.

Phải nói rằng bọn lừa đảo trên Facebook cũng chịu bỏ nhiều công sức nghiên cứu nạn nhân tương lai của mình. Chúng vào chuyện, dẫn chuyện bài bản chứ không phải như bọn lừa qua tin nhắn SMS điện thoại đơn giản như “Em là L. nè, máy em hết tiền, anh nạp giùm em cái thẻ” hay “Em là N. nè, máy em bị trục trặc không gọi được phải mượn điện thoại người khác nhắn tin, anh gọi gấp vào số máy xxxx gặp em”. Và đó là số máy mà bạn nhẹ dạ gọi vào thì nếu không bị ai đó dụ khị bằng lời đường mật thì cũng bị tự động trừ nghiến một khoản tiền cước.

Sau ông chú phương xa lại đến “bà cô, bà chị”

Hiện đang hoành hành nhất là loại hình lừa đảo gửi tin nhắn qua Messenger thông báo bạn đã được Facebook xét chọn ngẫu nhiên trao giải thưởng gồm một chiếc xe Honda SH 150i trị giá 79 triệu đồng kèm phiếu quà tặng 100 triệu đồng. Kẻ lừa đảo kêu bạn vào trang web xxx để đăng ký thông tin và hoàn tất hồ sơ nhận giải.

Tôi đã vào thử trang web www.traogiai.vn . Đó là một trang web màu mè như toa thuốc Bắc. Nó trưng cả thẻ nhân viên của “Tập đoàn Facebook - Ứng dụng Messenger” có hình ảnh, tên họ, số CMND,… Để “khè” thiên hạ, nó trương cái giấy chứng nhận của tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo thuộc Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp cho website đạt chuẩn quyền sở hữu trí tuệ. Đọc kỹ thì thấy giấu đầu lòi đuôi. Giải thưởng ghi là của năm 2014 nhưng quyết định in trên mẫu giấy chứng nhận ghi tháng 4-2013.

Điều nguy hiểm là trang web này yêu cầu người “đoạt giải” phải nhập các thông tin vào cái form làm sẵn: họ tên, ngày sinh, địa chỉ cư trú cụ thể, số điện thoại,… Và nó tung chiêu cuối cùng là buộc bạn phải cung cấp cho nó mật khẩu đăng nhập tài khoản Facebook của mình với lý do rất nghiêm túc “để hệ thống xác nhận chủ sở hữu tài khoản trúng giải”. Sẽ không thể lường trước những hậu quả mà người nhẹ dạ phải hứng chịu nếu như cung cấp cho chúng những thông tin nhạy cảm như vậy.

Những tin nhắn báo trúng giải như vậy được gửi đi cùng nội dung nhưng mỗi lần lại từ một tài khoản khác và có website đăng ký giải khác. Điều đáng nói là các website đó là có thực và mang tên miền của Việt Nam.

Mua hàng cũng “ớn lạnh”

Trên Facebook luôn đầy rẫy những “con cáo đội lốt cừu ngoan” dùng chiêu trò quảng cáo, rao bán những sản phẩm “hot” với giá “đẹp” để lừa tiền người mua. Không ít người đã dính bẫy mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bởi vậy, xin mượn câu khuyên giữ gìn lời ăn tiếng nói của người xưa là “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, tôi nghĩ phải nhấn chuột bảy lần trước khi quyết định mua món hàng nào được quảng cáo trên Facebook.

Những người có kinh nghiệm khuyên rằng nếu mua hàng online trên các website đã phải cẩn trọng một thì mua hàng trên Facebook càng phải cảnh giác gấp 10 lần. Khi thật sự có nhu cầu, tốt nhất là nên tham khảo nhiều dịch vụ cùng rao bán sản phẩm đó. Nên chọn dịch vụ nào có trang web hẳn hoi của một công ty danh chính ngôn thuận với hệ thống bán hàng online có bài bản. Tuyệt đối chỉ dùng phương pháp mua bán truyền thống là tiền trao cháo múc: Chỉ trả tiền sau khi nhận hàng được chuyển phát tới và có kiểm tra kỹ lưỡng (đừng ngại mở hộp, mở bao bì mà sờ tận tay, nhìn tận mắt).

Tự mình bảo vệ mình, đừng đợi ai

Bọn lừa đảo trên mạng xã hội luôn đánh vào lòng từ thiện, thương người cũng như cái máu hám lợi của con người. Chuyện này xảy ra trên quy mô toàn cầu. Vì thế nếu ngày nào còn chơi mạng xã hội, chúng ta vẫn phải chấp nhận chung sống với những bọn lừa đảo ngày càng đông lúc nhúc và tay nghề siêu hơn. Nghĩa là luôn phải cảnh giác và “thấm nhuần” cái chân lý rằng mạng xã hội là môi trường ảo. Công bằng mà nói thì mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc kết nối mọi người lại với nhau, mà những người tốt đã biết khai thác sức mạnh của mạng xã hội để làm được biết bao chuyện tốt người, đẹp đời. Bọn xấu chỉ là một số ít trên mạng xã hội nhưng là một loại nguy cơ mà mọi người phải luôn cảnh giác để khỏi trở thành nạn nhân.

Mà cũng chẳng nên khiếp sợ vì xã hội ảo hay xã hội thật cũng đều có người tốt, kẻ xấu cùng sống bên nhau. Nếu biết sống thì người ta vẫn có thể sống được và sống khỏe.

Cơ hội cho bọn lừa đảo

Trang Itscheating đã giật tít: “Mạng xã hội mở rộng các cơ hội lừa đảo” (Social Networking Extends Cheating Opportunities). Họ giải thích: Các mạng xã hội như Facebook dễ dàng cho mọi người dùng lập các kế hoạch, gửi lời chào mời dự các cuộc tụ họp xã hội, kết nối với những người quen cũ, thậm chí tìm một người thợ sửa ống nước hay một mẹo nấu ăn. Nhưng chúng cũng đồng thời giúp kẻ xấu có được những kết nối dễ dàng và rộng hơn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Nguồn: http://www.baomoi.com/Lua-dao-no-ro-tren-Facebook/c/17384921.epi