“Steve Jobs Nhật Bản” mở đường cho robot bỏ túi
Với mục tiêu trở thành “Steve Jobs Nhật Bản" trong nghiên cứu chế tạo robot, Tomotaka Takahashi, chuyên gia robot và phó giáo sư tại Đại học Tokyo hứa hẹn sẽ giải phóng sự sáng tạo khỏi những ràng buộc về thông số kỹ thuật và thiết kế. Nói cách khác, robot trong tương lai sẽ nhỏ hơn, thân thiện và biết cách giao tiếp tối ưu hơn. Hơn nữa, đây sẽ là một chú robot dưới hình hài... một chiếc smartphone kết nối internet có đầy đủ khuôn mặt và chân tay. Để thực hiện điều này, Takahashi đã rất sẵn sàng cho ra mắt một robot thông minh kích cỡ bỏ túi với tất cả các tính năng và vượt xa trợ lý ảo Siri.
Giáo sư Takahashi cho biết: “Chiến lược của tôi là, khách hàng nên mua robot hình người dưới dạng smartphone với giá cả phải chăng tại cửa hàng điện thoại, thay vì mua một con robot đắt tiền và lại phải mất công đào tạo chúng cho phù hợp với mỗi người”.
Ông Takahashi cùng Kirobo, mẫu robot biết nói đầu tiên đặt chân lên trạm ISS vào năm 2013.
Ông Takahashi tin rằng robot có thể cùng chung sống hòa bình với con người. Đó cũng chính là chìa khóa mở ra một cuộc cách mạng tiếp theo về robot cá nhân cho người dùng. Đây cũng bắt đầu một xu hướng lớn và lâu dài trong nền công nghiệp robot của Nhật Bản, với những robot nổi tiếng như Pepper biết nói chuyện và đọc cảm xúc con người, trợ lý cá nhân PaPeRo dễ thương ra mắt năm 2001, hay những chú chó robot Aibo nghịch ngợm. Ngành công nghiệp robot đã gặt hái được thành công đáng kinh ngạc khi không chỉ thu về khoản lợi nhuận khổng lồ, mà còn góp phần tạo nên một nền văn hóa mới tại Nhật Bản.
Takahashi chia sẻ: “Với chúng tôi, chế tạo robot là một quá trình rất vui vẻ, chứ không bạo lực như Terminator của Mỹ”. Nhận định này không sai, bởi trong khi ngành công nghiệp giải trí ở Nhật Bản đã tạo ra vô số robot đồ chơi cho trẻ em và trợ giúp người già, thì Mỹ lại chú tâm vào việc cho ra những loại robot thống trị và hủy diệt thế giới. Cho đến khoảng năm 2008, hầu hết các nguồn tài trợ cho việc chế tạo robot ở Mỹ đều đến từ Bộ Quốc phòng, và hiển nhiên robot chủ yếu được dùng trong quân đội.
Thế nhưng, Nhật Bản lại có truyền thống hàng thập kỷ sản xuất và tiêu thụ robot cho những nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Theo thống kê, robot Pepper đã được người dân Nhật Bản vô cùng ưa chuộng khi bán hết… 1,000 máy trong chưa đầy 1 phút. Cứ như vậy, robot nhanh chóng trở thành bạn đồng hành với người dân Nhật Bản khi biết chăm sóc người già, trợ giúp nhân viên trong cửa hàng hoặc bán hàng công cộng. Takahashi tự tin: “Chúng tôi luôn có chuyên môn cao trong việc chế tạo và phát triển các loại robot yêu cầu độ chính xác, nhỏ gọn và khả năng giao tiếp tốt”.
“Đội quân” robot cao 13 inch của Takahashi đang nhảy múa trong một quán café ở Ginza, Tokyo.
Takahashi đã thiết kế hơn 40 mẫu robot kích thước nhỏ và mô phỏng con người. Chúng đều có điểm chung ở vẻ ngoài đáng yêu, biết nói chuyện, đi đứng, chạy đua và thậm chí nhảy múa. Điều đặc biệt là, nguồn cảm hứng cho hầu hết các thiết kế của anh đều đến từ hình mẫu “siêu anh hùng” Astro Boy huyền thoại trong bộ truyện tranh cùng tên của Nhật Bản. Takahashi tin rằng chính điều đó sẽ rút ngắn khoảng cách giữa con người và robot bởi sự gần gũi và thân thuộc đến ngay từ vẻ ngoài. Đặc biệt, những chú robot thông minh dưới bàn tay Takahashi đã lập được không ít kỷ lục thế giới, trong đó có mẫu xe robot chạy pin đi được quãng đường xa nhất, robot đầu tiên được được đưa ra ngoài vũ trụ và có khả năng giao tiếp với phi hành đoàn.
Không dừng lại ở đó, hoài bão của anh trong tương lai còn lớn hơn gấp bội. Takahashi đã tham vọng về một tương lai có robot làm việc nhà, dự báo thời tiết, thay đồng hồ báo thức, chơi nhạc theo yêu cầu, chơi với trẻ em, và thậm chí là trông nhà. Tất cả trong một. Và hơn cả thế, mẫu robot mới nhất của Takahashi sẽ gần giống một chiếc smartphone. Không chỉ đóng vai trò là một thư ký cá nhân, chú robot này sẽ giúp bạn đưa ra nhiều quyết định từ bé đến lớn trong sinh hoạt hàng ngày, hoặc thậm chí thay bạn giải quyết một số công việc đơn giản ở nơi làm việc.
Liệu mẫu robot mới của Takahashi sẽ tạo nên bước đột phá lớn trong ngành công nghiệp robot Nhật Bản?
Takahashi không tiết lộ quá nhiều về mẫu robot mới này, chỉ cho biết: “Robot mới của tôi sẽ là một chiếc điện thoại, sản xuất và ra mắt thị trường như một chiếc điện thoại, với kích thước chỉ lớn hơn chiếc iPhone 6 Plus một chút. Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều rằng loại robot này sẽ trở nên phổ biến như các nền tảng phần cứng nổi tiếng Nintendo hay iPhone”. Tuy vẫn chưa có tên chính thức, nhưng được biết, những chú robot này có thể làm được nhiều việc mà trước đây con người khó có thể tưởng tượng ra. Thay vì chia sẻ hình ảnh lên Instagram hoặc viết lách trên Twitter, bạn hoàn toàn có thể nói chuyện với robot. Và không đơn thuần chỉ là cuộc trò chuyện vu vơ, chú robot sẽ ghi nhớ những câu chuyện bạn chia sẻ hàng chục năm sau đó như một người bạn thực thụ.
Đương nhiên, để tận hưởng những tiện ích không tưởng mà robot mang lại, bạn phải chi ra một khoản tiền không hề nhỏ. Để sở hữu một chú robot có ngoại hình dễ thương và thân thiện như Pepper, 2000 USD sẽ là mức giá “hữu nghị” nhất bạn cần đáp ứng. Chính vì lẽ đó, giá tiền có lẽ là trở ngại duy nhất mà ngành công nghiệp robot đang cần để tâm và khắc phục. Đặc biệt là khi mẫu robot sắp ra mắt của Takahashi được mô tả gần giống một chiếc smartphone, việc bỏ ra tới 2000 USD để tậu một... chiếc điện thoại quả thật quá xa xỉ. Lúc này, mức giá 200 USD cho một chiếc iPhone có lẽ sẽ hợp lý hơn cả.
Tóm lại, trong một ngày không xa, robot hoàn toàn có khả năng trở thành lựa chọn đầu tiên khi bạn đang phân vân nên mua gì làm quà cho cha mẹ và con cái. Đó chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tham khảo Gizmodo
Nguồn: http://www.baomoi.com/Steve-Jobs-Nhat-Ban-mo-duong-cho-robot-bo-tui/c/17404549.epi