Việt Nam thí điểm xây dựng 3 đô thị thông minh
Thí điểm xây dựng tại Đà Nẵng, Hạ Long và Phú Quốc
Đề xuất này vừa được đưa ra tại Hội thảo “Đô thị thông minh: Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam”, do Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội.
Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo.
Theo các chủ đề được thảo luận tại Hội thảo, một “Đô thị thông minh” có các đặc điểm: Là thành phố hiện đại, có nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, lối sống thông minh, cộng đồng thông minh,… nhờ ứng dụng những giải pháp CNTT tiên tiến nhất.
Chẳng hạn, khi đường bị tắc, ngay lập tức, người lái xe được cung cấp thông tin qua điện thoại để họ có thể chuyển ngay sang hướng/đường khác. Và để làm được điều đó, phải có những trung tâm điều khiển thông minh tại các thành phố và đây cũng là đầu mối để quản lý giao thông, phòng tránh thiên tai, cứu hộ cứu nạn,... và rất nhiều nội dung khác.
Bốn vấn đề của một đô thị Smart
Tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng, phát triển các đô thị thông minh, gồm: Khối Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Trung quốc, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Việt Nam hiện có khoảng 774 đô thị lớn nhỏ, trong đó có 2 đô thị đặc biệt (với quy mô lớn, trung bình khoảng 7-9 triệu người) là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; gần 30 đô thị tương đối lớn (các đô thị loại I và loại II), có quy mô từ 25 vạn đến 1,5 triệu người. Do đó, việc hình thành các đô thị Smart sẽ giúp chính quyền quản lý tốt hơn, cùng đó, người dân cũng được thụ hưởng các dịch vụ xã hội tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Nhân, sự phát triển của đô thị hiện nay cũng đặt ra 4 vấn đề lớn cần giải quyết, gồm: Đô thị hóa tăng (dân số đô thị tăng, số đô thị tăng); hạ tầng lạc hậu, quá tải; cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, Việt Nam cần phát triển các đô thị theo hướng đô thị thông minh với bốn mục tiêu: Hiệu quả kinh tế ngày càng cao; môi trường sống ngày càng tốt; người dân được phục vụ tốt hơn; và, tham gia quản lý đô thị, giám sát chính quyền.
“Với vai trò của các đô thị đối với sự phát triển của đất nước, việc nghiên cứu, tìm ra mô hình quản lý và phát triển các đô thị không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển của các đô thị nói riêng, sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại”, ông Nhân nói.
Với kinh nghiệm xây dựng và phát triển đô thị Smart (của đất nước mình), các chuyên gia quốc tế đã và các doanh nghiệp đã có những tham luận, tranh luận để đưa ra được nhiều tiêu chí, bài học, giúp Việt Nam phát triển đô thị Smart.
Nhiều “tiền đề” đã có
Để phát triển một đô thị thông minh, hạ tầng viễn thông là không thể thiếu. Trong khi đó, ngay từ nhiều năm trước, hạ tầng viễn thông của Tập đoàn VNPT đã rất “hùng hậu”, phủ kín mọi ngõ ngách trong các thành phố. Cùng với đó, sau hơn 10 năm “mở cửa” lĩnh vực viễn thông, nhiều nhà mạng khác đã ra đời, trong đó đáng chú ý có Viettel và FPT, là những nhà mạng giống như VNPT, có hệ thống cáp quang phủ dày tại các đô thị lớn và trung bình. Như thế, “đường” đã có, chỉ việc “sắm xe” (thiết lập các trung tâm điều khiển thông minh) là chạy được.
Ngoài ra, trong vài năm gần đây, phong trào xây dựng đô thị WIFI miễn phí, đặc biệt là những “vùng lõi” và địa điểm du lịch, các Sở TT&TT đã phối hợp với VNPT các địa phương xây dựng, như tại Hội An, Huế, Quảng Ninh,… đó cũng chính là một phần dịch vụ tiện ích, nằm trong chuỗi các dịch vụ xã hội mà một đô thị thông minh càn có.
Thanh Trà
Nguồn: http://www.baomoi.com/Viet-Nam-thi-diem-xay-dung-3-do-thi-thong-minh/c/17431344.epi