Nhà mạng công nhận tốc độ internet di động VN thua Myanmar

on .

Tốc độ internet di động tại Việt Nam chậm hơn nhiều nước.

Theo báo cáo nghiên cứu về tốc độ internet di động vừa được hãng viễn thông Ericsson (Thụy Điển) công bố, tốc độ internet di động tại Việt Nam chậm hơn cả Myanmar (quốc gia phát triển sau Việt Nam đến 2 thập kỉ). Các nhà mạng Việt Nam cũng công nhận điều này và cho rằng việc này do Việt Nam chậm triển khai công nghệ mới - 4G (công nghệ viễn thông thế hệ 4).

Thấp hơn nhưng không quá nhiều

Kết quả một báo cáo về tốc độ internet di động vừa được Ericsson công bố đã làm nhiều người nghi ngờ. Khi tốc độ truyền dữ liệu di động trung bình của Việt Nam chỉ đạt 160kbps, thấp hơn 135 lần so với Singapore; thậm chí thấp hơn Myanmar gần 4 lần dù Myanmar vẫn được coi là quốc gia đang ở giai đoạn đang phát triển, tương tự như Việt Nam 20 năm trước đây.

Báo cáo trên được Ericsson thực hiện tại 9 quốc gia khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương. Trong đó, quốc gia có tốc độ internet di động cao nhất là Singapore, đạt 21.870 kbps, nhanh gấp đôi quốc gia đứng thứ hai là Australia với tốc độ là 11.190 kbps và gấp hơn 9 lần nước đứng thứ ba là Thái Lan (2.380 kbps), Malaysia đạt tốc độ 2.340 kbps, Indonesia 1.970 kbps...

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, các mạng di động thẳng thắn thừa nhận tốc độ internet di động của Việt Nam thấp hơn các nước. Tuy nhiên có thể tốc độ thấp hơn không đến mức  như số liệu nêu trong báo cáo trên.

Các nhà mạng cho rằng, báo cáo trên được Ericsson dựa trên dữ liệu thu thập được bằng trang Speedtest.net của Ookala - một công cụ được dùng để kiểm tra tốc độ kết nối Internet. Rất có thể việc thu nhập dữ liệu không đồng thời về thời gian và địa điểm tại các quốc gia. Ví dụ ở quốc gia này họ thu thập dữ liệu ở vùng có hạ tầng internet di động tốt, còn quốc gia kia lại ở vùng chưa được tốt...

Thêm nữa, trong khi có quốc gia đã cung cấp dịch vụ 4G, còn Việt Nam thì vẫn mới chỉ có 3G. Theo Liên minh Viễn thông Thế giới, 4G cho phép người dùng truy cập internet di động với tốc độ nhanh gấp 10 lần 3G hiện nay.

Lý giải về việc tại sao tốc độ internet di động của Việt Nam thấp hơn cả Myanmar, các nhà mạng cho biết vì quốc gia này đang triển khai thử nghiệm 4G nên tốc độ tốt hơn Việt Nam là điều có thể.

Các nhà mạng lớn nhận xét, tốc độ internet di động của chậm do Việt Nam chậm trễ trong triển khai công nghệ mới. Công nghệ 3G đã đi sau thế giới đến chục năm. Giờ khi công nghệ viễn thông phát triển lên 4G và đã được hàng trăm nhà mạng trên thế giới triển khai thì Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa cấp phép cho cung cấp dịch vụ, trong khi nhà mạng thì khẩn thiết đề nghị.

Các chuyên gia cho rằng, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng việc chưa cấp phép 4G để các nhà mạng có thời gian thu hồi vốn đầu tư, tránh lãng phí hạ tầng 3G, là không hợp lý. Bởi 4G đang phổ biến trên thế giới và nó đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi băng thông di động lớn như xem phim, nghe nhạc chất lượng cao... 4G sẽ bổ trợ rất tốt cho 3G trong cung cấp dịch vụ internet di động chất lượng cao cho khách hàng. Chưa kể đến, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ sử dụng và tốc độ của internet băng thông rộng tác động rất tích cực tới sự phát triển kinh tế các quốc gia.

Hơn nữa, việc cung cấp dịch vụ, công nghệ mới tìm cách thu hồi vốn đầu tư là câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp, họ sẽ tự cân nhắc. Nếu không thấy hiệu quả và đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng thì nhà mạng đã không đề xuất Chính phủ cấp giấy phép cung cấp dịch vụ 4G.

Trông đợi cải thiện tốc độ internet di động nhờ 4G

Giới chuyên gia đang kì vọng tốc độ internet di động của Việt Nam sẽ được cải thiện khi các nhà mạng tại Việt Nam cung cấp dịch vụ 4G trong thời gian tới.

Hiện có nhà mạng Viettel và VinaPhone cho biết dự kiến sẽ cung cấp thử nghiệm dịch vụ 4G vào tháng 10 tới. Còn các nhà mạng khác tại Việt Nam như MobiFone, Vietnamobile... chưa tiết lộ gì về kế hoạch kinh doanh cũng như thử nghiệm cung cấp dịch vụ này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, sau khi Viettel và VinaPhone cung cấp dịch vụ 4G, sẽ có thêm nhà mạng khác nữa cung cấp dịch vụ này. Bởi thị trường viễn thông Việt Nam đang là cuộc so găng trong cung cấp dịch vụ mới cho người dùng của các nhà mạng để cạnh tranh thu hút khách hàng.
Được biết, khi nhà mạng bắt đầu cung cấp dịch vụ 4G, tùy theo chính sách của mỗi nhà mạng mà người dùng có thể đổi sim hoặc không để sử dụng dịch vụ 4G. Tuy nhiên, mọi người dùng sẽ phải đổi điện thoại tích hợp công nghệ 4G mới có thể sử dụng được dịch vụ này.

Viettel và VinaPhone đều cho biết, các nhà mạng này dự kiến cung cấp dịch vụ 4G với mức giá cước dự kiến sẽ áp dụng như 3G.

Theo nhận xét của các chuyên gia, việc đổi sim 4G không phải là trở ngại với người dùng, vì việc này không tốn kém nhiều chi phí. Tuy nhiên, việc phải đầu tư một chiếc điện thoại mới có tích hợp công nghệ 4G lại là một trở ngại. Bởi mới có khoảng 10% số điện thoại thông minh, máy tính bảng đời mới trên thị trường có tích hợp công nghệ 4G. Và giá bán các thiết bị này thường phải từ 7-8 triệu đồng trở lên.

Vân Ly

Nguồn: http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/135318/