8 bí quyết thành công mọi tân sinh viên nên biết
Hiện tại mình đã ra trường được vài năm, thời sinh viên cũng từng được học bổng đi du học, đi hội thảo quốc tế nhiều, có nhiều trải nghiệm thú vị, hay ho và giờ đang được làm những việc mình đam mê, tâm huyết. Có chút tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm với các em, hi vọng các em sẽ có được trải nghiệm thời đại học thật tuyệt vời và không bị bỏ lỡ thời gian học hỏi, phấn đấu quý giá này.
1. Học tiếng Anh càng sớm càng tốt
Thời sinh viên sôi nổi của Thùy Trang (thứ 3 từ phải sang).
Năm 1 là khoảng thời gian tốt nhất để rèn giũa tiếng Anh cho xịn vì có tiếng Anh các em sẽ tận dụng được rất nhiều cơ hội hay ho hấp dẫn, mở mang đầu óc. Tuy nhiên đừng chỉ nghĩ tiếng Anh là gắn với các chứng chỉ như TOEIC, IELTS, TOEFL. Cái nền tảng và khả năng giao tiếp đóng vai trò cực kỳ quan trọng để các em có thể thoải mái thể hiện được thế mạnh của bản thân bằng tiếng Anh. Tiếng Anh chỉ là công cụ, cái người ta quan tâm hơn là tố chất, năng lực, và sự thú vị của con người các em (sẽ được thể hiện như thế nào khi sử dụng công cụ đó).
2. Theo dõi và cập nhật các kênh tìm kiếm cơ hội cho mình
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Càng khám phá thế giới ngoài kia mình sẽ càng hiểu hơn về thế giới bên trong mình. Có thể đọc thêm bài “Muốn có cơ hội, cần xông pha” mình từng viết về những trải nghiệm ở môi trường quốc tế mình có được để có thêm cảm hứng:
“Ngày mới lên Hà Nội học, mình cũng thuộc loại nhút nhát, luôn tự thấy bản thân rất kém cỏi, tầm thường, nên không dám làm gì. Nhưng rồi mình nhận ra nếu cứ ỷ lại vào suy nghĩ đó thì cuộc sống của mình sẽ nhàm chán, vô vị vô cùng. Mình có thể không giỏi, nhưng ít nhất mình cũng phải xông pha và liều lĩnh để biết thực sự mình có thể làm đến đâu. Và mình nhận ra rằng càng xông pha, mình càng vấp váp và trưởng thành. Những cú ngã nhỏ tạo nền tảng cho những cuộc thắng lớn hơn về sau.
Mình nhận thấy ở Việt Nam vẫn còn nhiều sinh viên bị sức ì và sự sợ thất bại, sợ sai vô hình ngăn cản việc thử thách bản thân. Rất nhiều lần mình chia sẻ cơ hội cho các em thì phản ứng phần nhiều là "em sợ không đủ khả năng", “em sợ không làm được”. Hoặc ngay như hôm sự kiện video conference giữa 3 nước Việt Nam, Philippines và Indonesia về Youth Entrepreneurship, nếu như các bạn ở hai nước kia rất nhiệt tình đặt câu hỏi và tham gia hoạt động live pitch thì ở Việt Nam chỉ có lèo tèo vài cánh tay giơ lên, thậm chí chỉ có duy nhất 1 bạn dám thử thách làm pitch. Ngược lại, nếu mọi người để ý sẽ thấy những bạn trẻ dám xông pha, dám khác biệt là những bạn đạt được rất nhiều cơ hội ngay khi còn đang học ĐH. Đó không phải là do các bạn ấy may mắn hơn, mà là do các bạn ấy vấp váp đủ nhiều để giành được những thành tựu ấy.
Ngày mình được ĐSQ Mỹ lựa chọn tham gia Hội nghị Doanh nhân toàn cầu tại Ma-rốc, nếu như bình thường, mình sẽ chỉ cần ung dung chuẩn bị tinh thần sung sướng vi vu sang một đất nước thú vị, mới mẻ để dự hội nghị cùng các doanh nhân đến từ khắp các châu lục trên thế giới. Vậy nhưng mình lại dành thời gian nghiên cứu rất nhiều về chương trình và rồi liều lĩnh nộp hồ sơ để tham gia thuyết trình tại Women Entrepreneurship Day của hội nghị. Lúc đấy mình biết khả năng mình được là không nhiều vì có đến cả ngàn hồ sơ từ khắp các nước được gửi đến, nhưng mình không vì thế mà từ bỏ cơ hội. Ngược lại, mình vẫn liều lĩnh, xông pha nộp hồ sơ. Mình muốn làm hết mình ngay cả khi chỉ có 1% cơ hội thành công, còn hơn về sau phải tiếc khi cơ hội đã qua. Và kết quả là mình đã lọt vào top 11 nữ doanh nhân được thuyết trình, và nhờ cơ hội đó mình được giao lưu, học hỏi từ những người rất thú vị.
Cuộc đời vốn nhiều bất ngờ, chẳng ai biết được mình có thể làm được đến đâu nếu không thử sức. Vậy nên còn trẻ thì cần xông pha, đừng tính toán thiệt hơn quá nhiều mà mất đi nhiều cơ hội hấp dẫn”.
Các kênh để các em tham khảo tìm kiếm cơ hội cho bản thân: My Your Opportunity, Y-Box Kênh thông tin CLC, ASEAN YOUTH Hub, Youth Opportunities, Opportunity Desk, Opportunity Hunters Group
Ngoài ra trang web của các đại sứ quán cũng liên tục cập nhật các cơ hội hay, hấp dẫn. Bản thân mình đã được học bổng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ do luôn cập nhật các hoạt động ở website của ĐSQ Mỹ.
3. Tự chịu trách nhiệm với cái sự học của mình
Nếu thấy kiến thức trong sách hoặc thầy cô giảng chưa đủ hấp dẫn thì phải biết tự tìm tài liệu thú vị bên ngoài để nâng cao tri thức. Không đổ lỗi cho thầy cô hay trường lớp vì cái chuyện học của mình. Cuộc sống của mình thì mình phải tự chịu trách nhiệm. Đừng bỏ phí 4-5 năm học đại học vì đây là thời điểm quan trọng để các em tích lũy tri thức cho bản thân. Không thiếu gì sách hay cũng như các nguồn học online hữu ích như các trang Coursera, Udacity, Edx… Tri thức, kỹ năng… có rất nhiều cách để rèn luyện. Chỉ những ai lười biếng mới đổ lỗi cho hệ thống khi thấy mình kém cỏi.
4. Học tử tế với các môn xã hội học, tâm lý học, lịch sử thế giới... vì đó là những cái nền tảng về cuộc sống rất hữu ích khi ra trường. Đừng chỉ bo bo tập trung các môn chuyên ngành mà quên đi sự quan trọng của các môn học nền tảng. Ngoài ra cũng nên liên tục đọc sách, báo, xem thời sự để cập nhật và suy nghĩ về các vấn đề xã hội diễn ra xung quanh mình. Khi các bạn đi phỏng vấn hay giao tiếp với người ngoài, những cái này sẽ cực kỳ hữu ích.
5. Đi làm sớm và hết mình với mọi công việc được giao để quan sát và tích lũy kinh nghiệm thực tế
Nhiều khi công việc mình làm có thể rất vụn vặt nhưng việc quan sát cách làm việc của những người khác giúp mình học được rất nhiều. Đừng vội vàng từ bỏ khi thấy khó khăn. Công việc nào cũng sẽ có những cái khó, cái thử thách riêng để mình học hỏi. Kinh nghiệm nào cũng sẽ có ích với mình sau này. Nếu các em không đi làm sớm, sau này ra trường sẽ rất vất vả khi đi tìm việc. Vì mình cũng đã từng đi làm khi là sinh viên và giờ đang làm quản lý doanh nghiệp.
6. Tham gia các CLB hoặc các dự án cộng đồng
Dự án cộng đồng không chỉ giúp mình có những trải nghiệm đầy ý nghĩa mà còn giúp mình kết nối với những con người tuyệt vời, có trái tim rộng mở. Bản thân mình đã tìm được mentor, partner… và rất nhiều những người anh, người chị, bạn bè thú vị từ các hoạt động này. Việc tìm được tiền bối, những người nhiều kinh nghiệm hữu ích làm thầy sẽ giúp mình đi nhanh hơn rất nhiều và tránh được những cú ngã không cần thiết.
7. Ý thức sớm về chữ tín cá nhân để không bị gắn mác “thiếu chuyên nghiệp” và “không đáng tin cậy” khi là sinh viên. Biết trân trọng mọi lời hứa dù là nhỏ nhất. Chỉ cần thất hứa một lần thôi là uy tín cá nhân của mình sẽ bị giảm rất nhiều trong mắt người khác.
8. Quan trọng nhất: Hãy “cháy” hết mình
Vì còn “non” nên các bạn sẽ liên tiếp gặp thất bại này đến thất bại khác. Đừng vì 1-2 cái thất bại cỏn con mà bị nhụt chí, không muốn phấn đấu nữa. Các bạn càng thất bại sẽ càng rắn giỏi. Điều quan trọng là luôn phải biết vươn lên và không mắc lại lỗi mình đã phạm phải từ trước. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, sau này khi ra trường các bạn muốn được vấp ngã và phạm sai lầm sẽ không còn được thoải mái như khi mình là sinh viên. Vậy nên hãy “cháy” hết mình khi còn có thể!
Chúc mừng các bạn đã bước sang một nấc thang mới trong cuộc đời. Những chia sẻ trên đây của mình chỉ mang tính chất tham khảo, mỗi người dần dần sẽ tự đúc kết ra những kinh nghiệm riêng của bản thân. Chúc các bạn sẽ có được những năm học đại học với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, thú vị.
Trần Thị Thùy Trang (SN 1990, Giám đốc Trường Anh ngữ D)
Nguồn: http://www.baomoi.com/5-bi-quyet-thanh-cong-moi-tan-sinh-vien-nen-biet/c/17435008.epi