21 nguồn học hỏi miễn phí cho các nhà phát triển game (P1)
Tìm được những nguồn học hỏi chất lượng là một công việc khó khăn, đặc biệt là nếu bạn đang tìm kiếm những nội dung miễn phí. Trên internet có vô số người tạo nội dung (content creator), và tất cả đều muốn thu hút được sự chú ý của bạn.
Tuy nhiên, không phải mọi trang web đều có chất lượng tốt và bạn cũng không thể lướt qua tất cả chúng được. Điều mà mọi nhà phát triển đều mong muốn là những nguồn học hỏi uy tín, dễ tiếp cận, hiệu quả và tất nhiên là miễn phí nữa. Hiểu được lẽ đó, chuyên gia của GameAnalytics đã cất công tìm kiếm và suy tầm nhằm đáp ứng nhu cầu này với danh sách 21 nguồn học hỏi online miễn phí dưới đây. Chúng bao gồm nhiều trang web khá nổi tiếng và một số khác không phổ biến cho lắm, được sắp xếp theo từng hạng mục riêng biệt để giúp các nhà phát triển game dễ dàng tìm thấy điều mình đang cần nhất.
Thiết kế Game
1. Khu vực miễn phí của GDCVault (Video) có rất nhiều bài phát biểu từ Hội nghị Phát triển Game (GDC). Ở đó, bạn sẽ tìm thấy những thông tin chi tiết tốt nhất về sản xuất game từ nhiều nhà phát triển có kinh nghiệm và nổi tiếng nhất trong ngành. Trong khi Gamasutra cung cấp nội dung theo dạng bài viết, GDCVault tập trung vào mảng video và slide để truyền tải thông tin đến người theo dõi. Giờ đây họ đã mở cả một kênh mới trên YouTube, tung ra một vài video mỗi tuần. Đây là một địa điểm tuyệt vời để tham khảo những chia sẻ từ những người đang đi đầu trong ngành game.
2. Pixel Prospector là website cung cấp cho bạn một phần hướng dẫn hoàn chỉnh, miễn phí về marketing game cho các nhà phát triển game độc lập. Bên cạnh đó nó còn cung cấp danh sách về nhiều nguồn video game được phân loại rõ ràng. Pixel Prospector còn sở hữu một kênh YouTube tổng hợp các game indie và một trang con cập nhật danh sách các bài báo về video – Videgamejournaliser.com
Ảnh minh họa
3. Extra Credits (Video) là một kênh YouTube nổi tiếng với những video ngắn, cụ thể về thiết kế game. Nó cũng có những video đề xuất game và những bài học lịch sử. Nội dung của chúng đầy tính thông tin chi tiết và theo sát những thông tin mới nhất từ ngành game. Bởi vậy, đây là nơi để bạn có thể nhanh chóng cập nhập những biến đổi trong giới phát triển game ngày nay.
4. Three Hundred Mechanics được lập nên bởi Sean Howard, với mục tiêu thiết kế và tạo nên 300 concept game khác nhau.Trong mỗi lần thiết kế, Sean ghi lại những ý tưởng, thuật toán và cả quá trình thực hiện của mình cho người xem. Website này sẽ cho bạn khám phá vô số ý tưởng và thể loại, gây cảm hứng cho việc thiết kế. Những cơ chế tại đây đều khá độc đáo, đặc biệt là phần quy trình (procedural), nơi mà thông thường sẽ tương đối khó khăn để tìm nội dung. Bên cạnh đó là một website đồng hành có tên Three Hundred Prototypes (300 mẫu thử nghiệm) tích hợp một vài game HTML5 mẫu để thử nghiệm những concept trên.
5. Donjon là một website vừa thú vị, vừa hữu ích cho các nhà sản xuất game nhập vai RPG. Nó cung cấp cho bạn mọi nguồn dữ liệu cần thiết để tạo ra nội dung cho game nhập vai. Bạn có thể tạo ra các hầm ngục, cửa hàng với mô tả và vị trí ngẫu nhiên, danh sách tên, thời điểm,… Donjon có cả những công cụ đặc biệt dành cho các game giả tưởng, lấy cảm hứng từ Dungeon and Dragons , và các vũ trụ khoa học viễn tưởng.
Ảnh minh họa
6. Scroll Back: The Theory and Practice of Cameras in Side-Scrollers (Lý thuyết và Thực hành Camera trong game cuộn cảnh màn hình ngang) là một bài viết vô cùng chi tiết và hữu ích trên Gamasutra về các yếu tố trong việc thiết kế một game platform, side-scrolling. Nó cung cấp phân tích chuyên sâu về cơ chế điều khiển nhân vật trong thể loại này, những kỹ thuật cụ thể phải có để đạt được cảm giác tốt nhất. Một bài viết không quá dài, nhưng lại tương đối hiếm.
Bổ sung thêm: The Game Accessibility Guidelines là một website cung cấp một danh sách những hướng dẫn trong thiết kế để cải thiện cảm giác và công hiệu của game, giúp bạn mở rộng tầm tiếp cận của mình với cộng đồng người dùng. Chúng được phân chia thành 3 hạng mục, dựa trên mức độ phức tạp của cơ chế và lượng người dùng chúng có thể gây ảnh hưởng lên. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều mẹo thông minh, đem lại nhiều lợi ích tổng thể tại đây.
Phát triển
7. Game Programming Patterns là một cuốn sách miễn phí. Nó tổng hợp nhiều phương thức lập trình phổ biến, tất cả đều liên quan tới phát triển game . Mỗi chương mô tả một phương thức lập trình, và luôn bắt đầu bằng một ví dụ cụ thể. Đó có lẽ là điểm đáng giá nhất của cuốn sách: nó luôn lý giải vì sao một phương thức lại đáng để nghiên cứu. Tác giả cũng đã tổng kết những hạn chế của nhiều phương thức, hướng phát triển của chúng về sau… Những mã ví dụ được viết theo ngôn ngữ C++, nhưng luôn luôn ngắn gọn và dễ đọc. Ngoài ra, có một cột bên phải mỗi trang dành cho những bình luận bổ sung về bất cứ điều gì còn thiếu sót của cuốn sách.
Ảnh minh họa
8. The Ludum Dare về cơ bản không hẳn là một nguồn học hỏi. Bạn có thể đã biết đến nó rồi, đây là một website nổi tiếng với những sự kiện Game Jam được tổ chức hàng năm (nơi các nhà phát triển tạo ra game theo gợi ý từ cộng đồng). Đây là một bài tập, một cơ hội trải nghiệm tốt, nhưng không hẳn là một nguồn miễn phí. Vậy tại sao nó lại góp mặt trong danh sách này? Thử nghĩ xem: mã nguồn và bộ dữ liệu của mọi game trong sự kiện đều có thể được khai thác. Ví dụ, bạn có thể học cách lập cấu trúc mã Haxe cho game bằng cách quan sát những sản phẩm của Deepnight. Mỗi sự kiện đều xuất hiện rất nhiều concept game mới mẻ, và bạn có thể học hỏi cách mà chúng được xây dựng bằng cách quan sát các nguồn.
9. Github Education Pack là một nhân tố đặc biệt trong danh sách này, bởi lẽ nó chỉ liên quan tới học sinh/sinh viên. Nó bao gồm nhiều dịch vụ đa dạng cho các nhà phát triển, thông thường sẽ phải trả phí, song bạn sẽ được sử dụng nó miễn phí với một địa chỉ e-mail có mác trường học hoặc một thẻ ID học sinh/sinh viên.
Bên trong đó là nhiều kế hoạch, dịch vụ giá trị, phổ biến như host trên cloud, kho chứa riêng trên GitHub, … Vậy nếu như bạn biết học sinh/sinh viên nào có thể học hỏi từ đây, hãy nói cho họ về nó.
(còn tiếp)
Nguồn: http://www.baomoi.com/21-nguon-hoc-hoi-mien-phi-cho-cac-nha-phat-trien-game/c/17453552.epi