'Ngành nóng' mà vẫn ít người học
Năm nay ngành năng khiếu ở nhiều trường mọi năm thu hút thí sinh cũng nhận được ít hồ sơ trong các đợt xét tuyển bổ sung - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giảm 50 - 70%
Theo bảng thống kê số lượng thí sinh (TS) nộp hồ sơ vào Trường ĐH Cần Thơ, luật là ngành học “nóng” luôn thu hút TS đông nhất trong nhiều năm qua.
Chẳng hạn năm 2013 có 5.753 và năm 2014 có 4.512 TS nộp hồ sơ. Năm nay, tổng hợp cả 4 ưu tiên chỉ còn khoảng 1.678 TS nộp vào. Ngành tài chính ngân hàng cũng sụt giảm gần 60%, từ hơn 1.900 hồ sơ năm 2014, năm nay chỉ có 767 hồ sơ. Tương tự, các ngành giáo dục tiểu học, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... của trường cũng giảm từ 50 - 70% so với năm trước.
Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, cho biết: “Trường cũng xảy ra tình trạng các ngành năng khiếu và mỹ thuật năm ngoái số lượng nộp vào rất đông, điểm chuẩn rất cao, nhưng năm nay hồ sơ ít hơn hẳn. Chẳng hạn ngành kiến trúc năm ngoái gần 650 hồ sơ, 400 TS trúng tuyển và khoảng 300 TS nhập học. Năm nay chỉ có khoảng 200 hồ sơ nguyện vọng 1. Nguyện vọng bổ sung không nhận được hồ sơ nào”. Bên cạnh đó, ngành thiết kế công nghiệp năm trước được 170 TS trúng tuyển thì năm nay chỉ có 32. Trường tuyển thêm nhưng chỉ nhận được một vài hồ sơ.
Tại Trường ĐH Hoa Sen, thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh, thông tin: “Khối ngành khoa học công nghệ năm nay giảm 40% so với năm 2014. Có nhiều em trước đó đã định hướng mình sẽ học ngành này, nhưng thấy điểm mình có khả năng trúng tuyển vào nhóm ngành kinh tế, nên lại nộp hồ sơ vào nhóm kinh tế”. Trường CĐ Bách Việt năm nay cũng khó khăn trong việc tuyển sinh các ngành về kỹ thuật công nghệ như công nghệ kỹ thuật xây dựng, tin học ứng dụng.
Do thay đổi trong xét tuyển
Lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này, theo thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, vì năm nay TS biết điểm mới đăng ký xét tuyển. Bên cạnh những TS đã xác định ngành học ngay từ đầu, vẫn có nhiều TS đợi khi có điểm, sử dụng tổ hợp môn nào có điểm cao nhất để chọn ngành, chọn trường phù hợp. “Năm nay, TS cũng không biết được tỷ lệ chọi ngành mình học là bao nhiêu để quyết định chọn ngành. Bên cạnh đó, các em lại được đăng ký nhiều tổ hợp môn, được thay đổi nguyện vọng ngay trong thời gian xét tuyển, nguy cơ trượt ngành này thì rút hồ sơ nộp ngành khác... nên tất yếu dẫn đến việc số lượng hồ sơ cũng khác so với năm ngoái”, thạc sĩ Khang nhìn nhận.
Chính vì thế, trên thực tế có nhiều TS mặc dù đã xác định sẽ học một ngành về kỹ thuật do thấy sức học của mình khó có khả năng đạt điểm cao, nhưng đến khi biết kết quả, nhận thấy khả năng có thể trúng tuyển vào ngành khác nên quyết định thay đổi. Thạc sĩ Hoàng Đức Bình lý giải sự sụt giảm TS khối khoa học công nghệ của trường: “Dù trước đó các em đã định hướng, nhưng ưu tiên số 1 vẫn là các ngành kinh tế. Tại trường, có nhiều em thấy mình không có cơ hội đậu nhóm ngành kinh tế, lúc đó mới rút hồ sơ để nộp vào nhóm ngành công nghệ. Một số em nộp công nghệ rồi nhưng thấy mình điểm cao lại rút ra để nộp vào nhóm ngành kinh tế”.
Đối với khối ngành năng khiếu chẳng hạn như kiến trúc, thiết kế năm ngoái, TS không trúng tuyển vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có thể nộp hồ sơ các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường khác như ĐH Văn Lang, Hoa Sen, Công nghệ TP.HCM... Năm nay, nhiều người trong số này dù không trúng tuyển vào nguyện vọng 1, nhưng đã “lỡ” đậu vào các nguyện vọng khác trong đợt 1. Theo quy định, những TS này không thể xét tuyển các đợt bổ sung. Vì vậy năm nay, các trường có đào tạo một số ngành năng khiếu sẽ không còn “tận dụng” được lượng TS đó nữa nên số hồ sơ nộp vào giảm.
Mỹ Quyên
Nguồn: http://www.baomoi.com/Nganh-nong-ma-van-it-nguoi-hoc/c/17478442.epi