Dịch vụ thương mại điện tử và tiềm năng từ xu hướng mở
Nền tảng web thương mại điện tử hỗ trợ giải pháp bán hàng toàn diện, từ thiết kế giao diện cho đến tích hợp ứng dụng đang trở thành xu hướng không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác.
Trong khuôn khổ buổi ra mắt nền tảng Bizweb Sky phiên bản 10 diễn ra hồi cuối tháng 8/2015, công ty công nghệ DKT cho biết hăàng tháng có khoảng 700-800 khách hàng đăng ký mở tài khoản bán hàng trực tuyến trên nền tảng Bizweb Sky.
Theo ước tính của DKT, đến cuối năm nay 2015, Bizweb Sky sẽ đạt mức 16.000 thành viên.
Theo đại diện DKT, đối tác của Bizweb bao gồm những nhà phát triển ứng dụng, thiết kế giao diện, marketing/SEO... và nhiều đơn vị đang tham gia chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate).
Đại diện công ty DKT và các nhà cung cấp dịch vụ đang chia sẻ kinh nghiệm về thương mại điện tử. |
Trong năm 2016, đại diện DKT cho biết cho biết Bizweb có ý định tham gia vào thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á và kỳ vọng thu hút được 30.000 khách hàng/thành viên chỉ tính riêng tại Việt Nam.
Một cuộc khảo sát gần được do DKT thực hiện hiện cho thấy những người bán hàng thường có nhu cầu đơn giản hóa việc thiết lập cài đặt website và cũng sẵn sàng đầu tư giao diện hay ứng dụng phù hợp để nâng cao chất lượng dịch vụ. Để đáp ứng nhu cầu này, DKT đã giới thiệu nền tảng web mới mang tên Bizweb Sky, trong đó các thành phần cơ bản được tích hợp sẵn như email, CRM, POS hay công cụ quản lý dữ liệu… và bổ sung các tính năng mới, và đó chính là sân chơi của các nhà phát triển ứng dụng, thiết kế web hay ngay cả đối với các nhiếp ảnh gia chuyên về mảng sản phẩm.
Đại diện DKT cho biết, đối với các nhà phát triển ứng dụng thì hiện nay phương thức hợp tác về lợi nhuận là 80-20, trong đó Bizweb sẽ lấy 20% số tiền bán ứng dụng. Còn đối với các nhà thiết kế web thì con số này là 70-30. Lý giải cho việc lấy 30% doanh thu trong trường hợo này, đại diện DKT cho biết công ty sẽ phải hỗ trợ thêm để thay đổi tùy chỉnh theo ý muốn của khách hàng.
Ngoài giải pháp Bizweb Sky, khách hàng tại Việt Nam có thể sử dụng giải pháp mã nguồn mở giúp tạo các website thương mại điện tử là Magento.
Ông Nguyễn Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần SmartOSC, đơn vị cung cấp giải pháp Magento tại Việt Nam, cho biết Magento có thể hỗ trợ việc kinh doanh bằng thương mại điện tử một cách thật đơn giản, hệt như việc một người đang học cách sử dụng mạng xã hội.
Có mặt tại sự kiện Meet Magento 2015 diễn ra vào hôm 22/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tuyến - đại diện Công ty Hà Tuyến, một công ty chuyên phân phối mỹ phẩm chia sẻ với phóng viênPC World Vietnam rằng thương mại điện tử đang là một lĩnh vực thực sự hấp dẫn ở Việt Nam với 1/3 dân số thường xuyên truy cập Internet mỗi ngày, và đó cũng là lý do ông có mặt tại sự kiện Meet Magento 2015 để tìm hiểu cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác với các chuyên gia về Magento, những người có thể giúp ông và công ty xây dựng một trang web bán hàng qua mạng với kinh phí đầu tư hiệu quả nhất.
Hội thảo Meet Magento 2015. |
Cũng theo ghi nhận của phóng viên PC World Vietnam, khá đông khách tham dự hội thảo là doanh nhân.
Thông qua hội thảo, các doanh nhân đã có dịp tiếp cận với các chuyên gia thế giới về Magento, trao đổi trực tiếp với những người tạo ra nó cũng như học hỏi kinh nghiệm thực tế từ những người đang vận hành những hệ thống thương mại điện tử lớn tại Việt Nam và thế giới.
Được biết, trên thế giới, Magento là một nền tảng cung cấp giải pháp thương mại điện tử rất phổ biến với gần 300.000 doanh nghiệp đang sử dụng nó, trong đó có nhiều thương hiệu nổi tiếng như Uber, Visa, Master Card…